Triết lý thiết thực của người việt xưa


         Triết lý thiết thực của người Việt xưa là một bộ phận của tư duy, ý thức xã hội, có tính khái quát, tổng hợp về hoạt động của con người theo yêu cầu sử dụng phương thức, phương pháp, phương tiện chân thật, thực tế, phù hợp với thực tiễn, nhằm đạt hiệu quả đem lại lợi ích cho chính con người. Như thế, mục đích duy nhất của hoạt động có tính thiết thực là cái đem lại cuộc sống vật chất (như ăn, ở, mặc, duy trì nòi giống) và cuộc sống tinh thần gắn liền với nó (như đạo lý, tri thức, thẩm mỹ, tâm linh, sinh hoạt văn hóa) của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng, dân tộc. Muốn đạt lợi ích (mục đích), trong quá trình thực hiện, con người phải chú trọng lối nghĩ, cách làm cùng với mọi điều kiện, tư liệu cần thiết, hữu dụng, chân thật, bền vững phù hợp với yêu cầu hoạt động để mang lại hiệu quả đích thực, đáp ứng nhu cầu lợi ích.

Triết lý thiết thực vừa là nhân tố, yếu tố tự ý thức của cá nhân, vừa là đòi hỏi mang tính khách quan, tất yếu của hoạt động thực tiễn thuộc toàn thể cộng đồng xã hội. ở đây, triết lý thiết thực không chỉ chỉ đạo hoạt động cụ thể, đã được xác định, mà còn là phương châm, định hướng cho các hoạt động dự định tiếp theo. Về thực chất, triết lý thiết thực là một bộ phận hữu cơ của triết lý văn hóa truyền thống dân tộc (1).

Triết lý thiết thực tồn tại trong mọi hoạt động của cộng đồng người Việt xưa và được vận dụng trong đời sống xã hội với những cách thức cụ thể, sinh động và đa dạng.

Hoạt động sản xuất vật chất xã hội có tính thiết thực là một quá trình lao động vật chất của con người, trong đó mọi nguồn lực, tư liệu sản xuất được huy động một cách chủ động, tích cực, hợp lý, hữu dụng nhằm đạt tới lợi ích vật chất phù hợp với nhu cầu duy trì, phát triển đời sống vật chất của cá nhân và cộng đồng dân tộc. Nông (người làm ruộng, đánh bắt cá, chăn nuôi súc vật, trông coi, chăm sóc, khai thác rừng, quan chức về nông – lương thực, thủy hải sản, gia súc, thảo mộc…) được xem là nền tảng, gốc rễ, cốt lõi quy định sự tồn tại ổn định, vững bền của dân tộc. Tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội đều xuất phát từ nông, nương tựa vào nông và liên kết với nông. Chiến lược, phương thức sinh sống nông vi bản, trọng nông, nhất nông, nhì sĩ, có thực mới vực được đạo, tịch điền, ngụ binh ư nông, nuôi dân lấy ăn làm đầu, vừa làm cho dân an cư lạc nghiệp, triều đại phong kiến thịnh trị; vừa tích luỹ tiềm lực hậu cần khi chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Lao động cần cù, lo liệu cách thức làm ăn, vận dụng kinh nghiệm, lợi dụng điều kiện tự nhiên, ứng phó thiên tai dịch họa, nông gia – nông nghiệp đã tạo ra nguồn của cải vật chất duy nhất nuôi sống toàn bộ xã hội. Một thời đoạn lịch sử dân tộc được xem là cường thịnh chủ yếu do nông thịnh vượng. Yêu cầu thiết thực trong sản xuất vật chất xã hội đã lấy sản xuất nông nghiệp làm phương thức căn bản, trung tâm với phạm vi hoạt động mang tính tập trung, phổ biến, bền vững. Đồng thời, công (thợ thủ công, thợ công nghệ, trùm phường nghề, quan chức về công – đồ gia dụng, nông cụ, đồ mỹ nghệ, trang phục, công trình xây dựng, kiến trúc, tàu thuyền, xe cộ, binh khí) và thương (người buôn bán nhỏ, thương lái, quan chức về thương – phân phối, giao lưu vật phẩm, hàng hóa nông sản, đồ công nghệ trong, ngoài nội địa, tạo lập chợ búa, thị tứ) đều sinh ra từ nhu cầu của nông, được nông nuôi dưỡng, chủ yếu phục vụ nông cũng như kích thích nông ổn định và phát triển. Bởi vậy, hoạt động thiết thực của công và thương là một quá trình hoạt động liên kết, song hành, trong đó mọi nguồn lực, tư liệu sản xuất, lưu thông (chủ yếu từ nông) nhằm đạt được lợi ích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất thường nhật của cộng đồng và nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Sự tồn tại và giá trị xã hội của công – thương ở chỗ: sản xuất được đa dạng hóa, điều hòa phương tiện sinh hoạt vật chất; mở rộng, phát triển những mối quan hệ giữa các làng xã, thành thị, vùng, miền tạo sự gắn kết cộng đồng, dân tộc. Điểm chung nhất của toàn bộ hoạt động nông – công – thương về mặt phương thức là sự kết hợp hữu cơ giữa năng lực con người và điều kiện tự nhiên; giữa công cụ, phương tiện giản đơn, thô sơ và trí tuệ, nhận thức chủ động, sáng tạo; giữa hoạt động cá nhân, gia đình, làng xã, phường hội và các tầng lớp xã hội khác nhau trong cộng đồng chung. Rút cuộc, cái mục đích cuối cùng của hoạt động vật chất xã hội, theo triết lý thiết thực: Lợi ích vật chất đạt được bằng hoạt động thực tiễn đáp ứng nhu cầu sinh tồn của cá nhân, của cả nhân quần xã hội. Hơn nữa, nhờ việc “sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình”(2), cũng như “lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người”(3). Hoạt động sản xuất vật chất của người Việt đã sáng tạo ra mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc với tất cả sự phong phú, sinh động và phức tạp của nó.

Hoạt động thiết thực của trí là một quá trình hoạt động tinh thần, nhận thức của con người, trong đó mọi nguồn lực trí tuệ, tri thức, nhận thức, lý trí, tình cảm được vận dụng vào các hoạt động thuộc đời sống xã hội nhằm đạt được lợi ích phù hợp với yêu cầu duy trì, phát triển đời sống tư tưởng, tình cảm, văn hóa dân tộc. Trí (người có tri thức nhiều mặt, hiểu biết sâu rộng, người làm việc bằng năng lực nhận thức, kẻ sĩ, đại sư, hiền tài, minh quân, lương tướng, hiền thần – toan tính cách làm ăn, mưu lược kinh bang tế thế, tạo dựng văn hóa, khoa học, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, triết lý, tư tưởng, học vấn, dân trí, chủ thuyết, quan điểm) đóng vai trò bộ não chỉ huy mọi động thái sinh tồn của dân tộc. Chiến lược và phương thức cái khôn đi trước, cái giàu theo sau, người sống nhờ trí, vật sống nhờ thân, một người hay lo bằng một kho người hay làm, Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Tạo ra một nền tri thức, trí tuệ, nhận thức về quan hệ nhân sinh, cung cách ứng xử xã hội theo lý – tình; về ý thức tác động, lợi dụng, sống hòa hợp với tự nhiên; về năng lực suy tính cách thức tích hợp kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất vật chất; về đường lối trị nước, an dân; và về sách lược bang giao, xây dựng tiềm lực, bảo vệ đất nước. Bởi vậy, người Việt xưa xem trọng việc đem học vấn, trí lực vào thực hành trong cuộc sống, cũng như người hiền tài là người biết đem hết tài năng, đức độ ra giúp dân, giúp nước, làm cho đất nước cường thịnh, rạng danh con rồng cháu tiên. Chính trí được thiết thực hóa là nhân tố chủ yếu, trực tiếp tạo nên nền văn hóa dân tộc với bản sắc độc đáo của nó. Con đường thiết thực hóa trí dẫn đến những giá trị tinh thần, tư tưởng to lớn, đó là sự giải phóng khả năng tự ý thức, nâng cao tâm thức, phát huy, định hướng đạo lý cộng đồng, tác động, định hướng, dự báo đối với mọi mặt đời sống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng (Lê Quý Đôn) – bộ tứ hiện thực nông – công – thương – trí giữ vị trí tứ trụ thực tiễn của toàn bộ sinh hoạt cộng đồng, vận mệnh sống còn của dân tộc.

Hoạt động của đức (đạo đức) có tính thiết thực là một quá trình làm hình thành, phát triển nhân cách cộng đồng dân tộc, trong đó mỗi cá nhân cùng toàn bộ xã hội thừa nhận, tuân thủ một hệ thống quy chiếu bao gồm các nguyên lý, nguyên tắc, chuẩn mực chân – thiện – mỹ điều chỉnh, hòa hợp hành vi ứng xử nhằm bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, dân tộc. Đức (mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc – thực hiện, tuân thủ tất cả các quan hệ đạo đức đã được xác định, tạo ra sự ổn định, hội nhập và hòa hợp xã hội) nằm trong cái hồn cao quý của con người, thể hiện tính người, nhân cách sống, phẩm giá cá nhân và biểu hiện cái bản sắc nhân văn của dân tộc. Đức quy định mọi hoạt động, hành xử giữa con người với nhau và cả với tự nhiên, trời đất. Ở hiền gặp lành, đói cho sạch, rách cho thơm, tài đức song toàn, chết trong hơn sống đục, đạo cao, đức trọng, dân theo về người có đức... Đức là hiện thân của đạo làm người. Hạt nhân của đạo làm người, của đức chính là cái tâm, tức lòng thương người, tính bao dung, vị tha, nhân nghĩa, yêu nước thương nòi, quên mình vì dân, vì nước đã thành trí tuệ, tình cảm sâu sắc, trọn vẹn trong con người. Tâm mang tính chủ động, tự nguyện, tự giác, chân thật, cao cả. Thiết thực hóa đức – đạo, theo cha ông ta xưa, chỉ có thể bằng phương cách: thừa kế, truyền dẫn lại, giáo dục, dư luận, văn hóa, thẩm mỹ, lệ tục, lề thói, tín ngưỡng, tâm linh; đặc biệt chú trọng tu thân, dưỡng chí, tự giác ngộ để tâm của đức chuyển thành những hành động cụ thể, sinh động trong mọi quan hệ cộng đồng. Vì vậy, các chủ thể sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần còn phải tuân thủ nghiêm túc những chuẩn mực đức riêng tương xứng (như nông phải cần, công: thật, thương: tín, trí: chính). Đạo – đức khi thấm nhuần toàn bộ nhân cách sẽ điều tiết, kiểm soát, xây dựng, phát huy phẩm giá con người trong đời sống xã hội. Nó đem lại lợi ích tinh thần với hiệu quả nhân sinh cao quý: quan hệ cộng đồng mang tính nhân văn. Chính lợi ích phi vật thể trên đây trở thành nhân tố trọng yếu tạo nên một xã hội thống nhất, ổn định, phát triển trong lịch sử dân tộc ta.

Cũng cần thấy thêm rằng, các hình thái triết lý văn hóa tải đạo như văn chương, nghệ thuật, thẩm mỹ, sử ký, tư tưởng chính thống, tín niệm dân gian, thậm chí đến cả y lý, dược luận, ẩm thực đạo (như trà đạo), lễ hội, du hý, đồng dao, trò chơi con trẻ, ở một ý nghĩa nhất định cũng mang tính có ích, tất cả đều làm hài hòa, hoàn thiện sức sống đa diện, muôn màu vẻ, khỏe khoắn của con người.

Triết lý thiết thực của người Việt xưa tồn tại suốt mấy nghìn năm lịch sử dân tộc với một bản sắc riêng biệt mang dấu ấn bản địa; góp phần vào triết lý văn hóa dân tộc và làm sáng rõ thêm đời sống lịch sử con người.

Triết lý thiết thực là một bộ phận nằm trong ý thức xã hội của con người. Vì thế, xét tới cùng, nó chịu sự quy định của những điều kiện địa – tự nhiên, kinh tế – xã hội thời đó, cùng với những quan hệ vật chất cơ bản – quan hệ giữa người và tự nhiên, quan hệ giữa người và người. Thời đại phong kiến dân tộc với những yếu tố của phương thức sản xuất châu Á đã làm nảy sinh, phát triển bản chất, nội dung, hình thức biểu hiện của các hình thái ý thức xã hội, trong đó có bộ phận tế bào triết lý thiết thực. Đồng thời, triết lý nhân sinh thuộc ý thức người Việt vừa là chủ thể sáng tạo, thực hiện thiết thực hóa, vừa là sản phẩm cần có của chính những lợi ích do thiết thực hóa đó tạo ra. Nói rộng hơn, văn hóa, với tư cách là mặt căn bản, mục tiêu, động lực của cuộc sống người, đã trực tiếp quy định triết lý thiết thực và những hoạt động theo triết lý này. Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh quan niệm: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(4). Văn hóa triết lý thiết thực cũng nằm trong quỹ đạo trên.

Có thể xem điểm căn bản, chủ yếu của triết lý thiết thực là: – Con người cần đem năng lực thật – tốt – đẹp của chính mình vào hoạt động thực tiễn để có hiệu quả tích cực nhằm đạt được những lợi ích cho sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân – cá thể và cộng đồng, dân tộc. Mọi động thái sinh sống, mọi tư liệu vật thể, tri thức, trí tuệ, tình cảm, ý chí, niềm tin, khát vọng chân thực, hợp lý, đúng đắn đều trở thành nhân tố quy định hoạt động hiện thực hóa mục đích lợi ích; tức là cái “thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Lợi ích cá nhân, gia đình hay lợi ích làng xã, cộng đồng; lợi ích sinh hoạt đời thường hay lợi ích vận mệnh đất nước; lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần; lợi ích nhỏ hay lợi ích lớn; lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài – tất cả đều được thẩm định, điều chỉnh, tiếp biến, hội nhập, hòa hợp ở mức độ hợp lý, cần thiết nhất định để muôn dân an cư, lạc nghiệp, quốc gia thái bình, phú cường. Chính các triều đại nhà nước phong kiến thịnh trị đã tuân theo nguyên tắc, sách lược đó. Triết lý thiết thực khước từ, phê phán mọi ý đồ, hành động hám lợi, trục lợi vị kỷ làm phương hại lợi ích của người khác, của cộng đồng, dân tộc. Đương nhiên, triết lý thiết thực của ông cha ta không tránh khỏi những hạn hẹp, rào cản từ tầm nhìn đến hoạt động thực tiễn. Cũng chính do những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hóa nhân sinh, trình độ nhận thức, khoa học kỹ thuật đã khiến triết lý thiết thực và việc vận dụng nó vào đời sống thực tiễn không thể đạt được những hiệu quả tối ưu, triệt để. Sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta, cùng với triết lý nhân sinh, trong đó có triết lý thiết thực của nó, đã không thể vượt khỏi khuôn khổ quá trình lịch sử tự nhiên – cái quy luật vận động của bất kỳ con người và xã hội nào.

Giá trị đích thực của triết lý thiết thực là tạo ra một động lực tinh thần cần thiết, một nhân tố nhận thức hợp lý và một phương pháp hữu hiệu để con người vận dụng chúng vào đời sống hiện thực. Ở mặt hoạt động vật chất có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội, triết lý thiết thực (và hoạt động thực hiện) mang giá trị thực tiễn; ở mặt tác động tích cực đến các quan hệ cộng đồng, nó mang giá trị xã hội; ở mặt vận hành hợp lý phương thức tư duy, nhận thức trong hoạt động mưu sinh, nó mang giá trị phương pháp luận duy vật mộc mạc. Cuối cùng, triết lý thiết thực (và hoạt động thực hiện) là sản phẩm có tính chủ quan được khách quan hóa, tính chủ động, tính tích cực, tính sáng tạo của nhân cách người Việt Nam trong những điều kiện xã hội cụ thể, lịch sử; vì vậy, nó mang giá trị bản sắc dân tộc.

Đường lối cách mạng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp luận biện chứng duy vật, trong đó có “nguyên tắc toàn diện, hệ thống và trọng điểm, thiết thực“(5). Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, triết lý thiết thực, hoạt động thiết thực truyền thống cần được tiếp biến, sáng tạo mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn cách mạng hiện nay.

_______________

1. Có thể xem Chiếu dời đô là biểu hiện tập trung của triết lý thiết thực; trong đó, những nhân tố, yếu tố tự nhiên, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa đều được xem xét để thực hiện mục đích phát triển.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.29.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, tập 20, tr.641.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.431.

           5. Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.307-308.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012

Tác giả : Vũ Minh Tâm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *