Khi nói đến nghệ thuật hợp xướng, người ta nghĩ ngay đến một loại hình nghệ thuật được thể hiện bằng giọng hát nhiều bè bằng các hình thức và thủ pháp âm nhạc phong phú, đa dạng. Hợp xướng có thế mạnh nổi trội mà ít thể loại âm nhạc khác sánh kịp trong việc thể hiện những tư tưởng, tình cảm của tập thể và chuyển tải tiếng nói đồng vọng của quần chúng, đặc biệt là trong việc phản ánh bằng âm nhạc đối với những vấn đề lớn lao của xã hội và tình cảm cao siêu của con người với dân tộc, với thời đại.
Hợp xướng, với tính cách là một thể loại âm nhạc, vừa mang tính chuyên nghiệp bác học, vừa mang tính phổ cập, dễ hiểu, gần với công chúng hơn so với những thể loại dành cho dàn nhạc giao hưởng. Hợp xướng là loại hình thanh nhạc chuyên nghiệp bác học, có giá trị nghệ thuật cao. Thông qua biểu diễn bản hợp xướng của các nhạc sĩ cổ điển cũng như đương đại, các bài hát dân ca chuyển soạn cho hợp xướng là một phương diện nâng cao giá trị của âm nhạc bác học, tạo điều kiện cho sự phát triển những thị hiếu đúng đắn của công chúng. Hơn nữa, đây là loại hình nghệ thuật có tính phổ cập cao, dễ tổ chức, nên rất phù hợp cho những hoạt động mang tính cộng đồng.
Khi thưởng thức ly cà phê, người ta thường thích lim dim nghe một ca khúc trữ tình do ca sĩ nào đó trình bày. Nhưng trong một lễ hội cộng đồng, thì phù hợp hơn cả phải là hình thức sinh hoạt âm nhạc mang tính cộng đồng (trong đó có đồng ca, hợp xướng) mới hấp dẫn và chinh phục được công chúng. Có thể so sánh giữa thưởng thức đơn ca, đồng ca và thưởng thức hợp xướng như sau:
Đối với đơn ca, người ta thường bị lôi cuốn bằng sự rung cảm đơn tính, đưa đến sự nể phục, khen ngợi trước tài năng cùng sự thăng hoa của người nghệ sĩ, tuy nhiên lại làm cho bản thân người thưởng thức thường lùi xa để chiêm ngưỡng. Còn đối với hợp xướng, ngoài sự rung cảm, nể phục thì người nghe còn thấy sự ấm cúng, gần gũi, thậm chí dẫn đến trạng thái muốn bày tỏ, hòa mình vào cùng dàn hợp xướng, muốn trở thành một thành tố của thứ âm nhạc mà mình đang thưởng thức. Nói cách khác, hợp xướng chính là chiếc nôi của quá trình âm nhạc hóa con người, âm nhạc hóa đời sống cộng đồng và cộng đồng hóa đời sống âm nhạc.
Một thể loại gần gũi, đồng thời có thể coi như tiền thân của hợp xướng là đồng ca. Xét đến cùng thì đồng ca ra đời ngay từ xã hội nguyên thủy. Xã hội cũng như đời sống âm nhạc của con người càng phát triển thì nghệ thuật đồng ca càng được nâng lên những chất lượng mới, song chủ yếu vẫn mang đậm tính đại chúng, lấy tính đại thể để chia đều, cào bằng âm vực, màu sắc của mỗi loại giọng hát. Đặc biệt, khi nghệ thuật âm nhạc của con người đạt đến trình độ nhất định, thì hợp xướng mới ra đời. Xét lịch sử ra đời, phát triển của hợp xướng, thì có thể thấy nghệ thuật hợp xướng là một trong những thành tố của hình thái ý thức xã hội phản ánh sự phân hóa giai cấp, sự phân công chức năng của mỗi con người, dân tộc, quốc gia. Khi có sự phân tầng xã hội thì cũng chính là lúc trong nghệ thuật âm nhạc có sự chia tách: khí nhạc tách khỏi thanh nhạc, các loại giọng hát cũng được chia thành: giọng nữ cao (soprano), nữ trung (mezzo soprano), nữ trầm (alto), nam cao (tenor), nam trung (baritono), nam trầm (basso) như thể mang một ý nghĩa sự khác biệt về vị thế xã hội trong âm nhạc. Tuy nhiên, điều quan trọng là ở chỗ, các thành tố chuyên hóa ấy đều phải hòa chung trong một chỉnh thể, sống cùng trong một mái nhà âm nhạc hợp xướng. Sự khác biệt giữa đồng ca so với hợp xướng, theo đó thể hiện ở chỗ: hợp xướng không mang tính chất cào bằng mà đã được chỉnh thể hóa trong việc phát huy bản sắc riêng, tính chất riêng của mỗi loại giọng để làm nên cái thống nhất – đa dạng của cuộc sống cộng đồng.
Mối liên hệ hữu cơ giữa hợp xướng với các thể loại thanh nhạc khác, không chỉ bộc lộ ở sự so sánh như trên, mà còn thể hiện ở sự tương tác thúc đẩy nhau cùng phát triển, đặc biệt là chuyển hóa lẫn nhau rất nhuần nhuyễn. Chính từ sinh hoạt âm nhạc cộng đồng của hợp xướng mà làm nảy sinh những tinh túy của giọng hát hay. Ngược lại, một giọng hát hay nếu từng được đứng vững trên nền âm nhạc cộng đồng thì trở nên có giá trị gấp bội. Lịch sử âm nhạc chứng kiến nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như J.S. Bach, J.S.Haydn, R.Schumann, F.Mendelssohn, H.Berlioz… đã từng tham gia trong các dàn hợp xướng. Nền âm nhạc cộng đồng là mạch nguồn vô tận sản sinh ra những vĩ nhân âm nhạc, và ngược lại, bản thân âm nhạc cộng đồng cũng phải tự nhân lên những tinh túy để nâng mình lên. Chính quá trình tương tác, chuyển hóa hữu cơ ấy làm cho nghệ thuật âm nhạc nói chung, nghệ thuật hợp xướng nói riêng không ngừng phát triển và hoàn thiện về cả phương diện nghệ thuật và phương diện khoa học âm nhạc. Hiện nay, các nước có nền âm nhạc tiên tiến, đều lấy nghệ thuật hợp xướng làm một trong những nền tảng quan trọng hàng đầu để phát triển.
Hợp xướng đóng vai trò lớn lao trong đời sống xã hội, đặc biệt là phát huy khả năng tiềm tàng to lớn trong giáo dục con người, nhất là hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn. Hợp xướng, bằng cách thức riêng của nó, cũng đóng vai trò quan trọng trong liên kết con người với con người, con người với tập thể, con người với dân tộc và con người với thời đại. Trong giao lưu văn hóa quốc tế, mọi người dù khác nhau về tiếng nói đều có thể giao tiếp thân thiện với nhau nhờ đứng chung trong một dàn hợp xướng. Điều này cũng đã được minh chứng bằng nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhạc sĩ người Pháp Francois Joseph Gossec (1733-1829), đã viết bản hợp xướng với nội dung ca ngợi những sự kiện cách mạng của nước Pháp cho hơn hai nghìn người hát. Phong trào cách mạng tháng 7-1830 ở Pháp đã hướng nhạc sĩ H.Berlioz đến với những người khởi nghĩa bằng bài ca Marseillaise nổi tiếng (quốc ca Pháp sau này), và với nhiệt huyết cách mạng tràn đầy, H.Berlioz đã chuyển soạn bài Marseillaise cho hai hợp xướng với dàn nhạc, trên tổng phổ ông viết: “Tặng ai có giọng hát, trái tim và máu trong thân thể của mình”.
Ở Việt Nam, ngay trong những năm tháng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn, nhưng âm nhạc bác học và nghệ thuật hợp xướng vẫn phát triển và tỏ rõ sức sống. Nhiều tác phẩm hợp xướng hay đã ra đời với nội dung đa dạng: Hò đẵn gỗ (Đỗ Nhuận), Sóng cửa Tùng (Doãn Nho), Vượt núi (Hoàng Vân), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ; phối âm Đỗ Dũng), Ca ngợi tổ quốc (Hồ Bắc; phối âm Lưu Cầu), Việt Nam trên đường chiến thắng (Chu Minh), Được mùa (Trọng Bằng), Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (Tô Hải)… Nhiều dàn hợp xướng chuyên nghiệp có quy mô lớn, nhỏ đã biểu diễn trên các sân khấu trong và ngoài nước, gây được tiếng vang trong công luận và thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công chúng như Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng – Hợp xướng Quốc gia Việt Nam, Dàn hợp xướng Thành đoàn Thanh niên Hà Nội, dàn hợp xướng sinh viên các trường đại học, dàn hợp xướng thiếu nhi các nhà văn hóa…
Tuy vậy, sự nghiệp sáng tác, biểu diễn và đào tạo hợp xướng của nước ta không phải lúc nào cũng hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Có thời gian, nghệ thuật hợp xướng chưa có tiếng nói mạnh mẽ trong đời sống văn hóa xã hội cũng như trong hoạt động nghệ thuật âm nhạc. Đây thực sự là một nỗi trăn trở lớn, dường như trong khói lửa chiến tranh thì hợp xướng lại phát triển mạnh mẽ, còn trong điều kiện thời bình, có thuận lợi lớn cả về cơ sở vật chất và trình độ của người làm công tác âm nhạc thì hợp xướng lại ngủ đông. Các tác phẩm hợp xướng ít dần. Nhiều ca sĩ được đào tạo khá bài bản lại thờ ơ với hợp xướng, họ cho rằng tham gia hợp xướng khó có điều kiện để tự làm nổi bật cá nhân.
Việc nghiên cứu để đưa nghệ thuật hợp xướng đến với công chúng, đến cuộc sống cộng đồng ít được các cơ quan chức năng và những người có tâm huyết với âm nhạc quan tâm. Một số chương trình liên hoan, hội diễn hợp xướng được tổ chức, nhưng mang nặng tính hình thức, gấp gáp, ít tập luyện, chưa đảm bảo về mặt học thuật, chưa bộc lộ hết giá trị hiện thực và phát huy khả năng giáo dục thẩm mĩ âm nhạc cho công chúng. Nhiều đơn vị tham gia liên hoan, hội diễn còn nhầm lẫn giữa hát đồng ca, tốp ca với hát hợp xướng. Một số tiết mục soạn phối nhạc đệm chưa tôn được vẻ đẹp hài hòa của hợp xướng. Cách thể hiện theo lối hát hợp xướng chưa được chú trọng, chưa biết cách hòa giọng, hòa âm sắc các giọng hát, thậm chí lạm dụng những thủ pháp sân khấu như múa phụ họa, ánh sáng, âm thanh để che bớt những nhược điểm của dàn hợp xướng.
Những năm đầu TK XXI, cùng với nhiều thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước, nền âm nhạc và nghệ thuật hợp xướng Việt Nam có nhiều khởi sắc đáng ghi nhớ. Nhiều nhạc sĩ đã quan tâm, đầu tư sáng tác cho loại hình nghệ thuật này. Nhiều tác phẩm với qui mô lớn, nhỏ đã ra đời như: tổ khúc hợp xướng Mùa xuân trên quê hương đổi mới, Trường ca Tây Bắc (Trọng Bằng); Requiem – Khúc cầu nguyện, Cantata – Ngàn năm Phật giáo Thăng Long (Đỗ Dũng); Truyện Kiều (Vũ Đình Ân, lời thơ Nguyễn Du); Khai giác (Nguyễn Thiên Đạo); Bài ca lính thời bình (Doãn Nho, lời thơ Trần Đăng Khoa)… Ngoài ra, nhiều bài dân ca, ca khúc như Bắc kim thang, Lý ngựa ô, Ru em, Trống quân, Trống cơm… được các nhạc sĩ chuyển thể cho các dàn hợp xướng khác nhau.
Năm 2010, biểu diễn hợp xướng hầu như xuất hiện ở các chương trình tổ chức sự kiện, chương trình trọng đại quốc gia như: Liên hoan hợp xướng học sinh- sinh viên Những bài ca dâng Đảng kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, Điều còn mãi 2010 do Vietnamnet tổ chức mừng Quốc khánh 2 – 9, sự kiện Ngày Âm nhạc Việt Nam – lần thứ nhất… Đặc biệt là chương trình Đại hòa nhạc giao hưởng – hợp xướng Symphony No. 8 của Gustav Mahler – nhà chỉ huy và soạn nhạc người Áo – với quy mô lớn chưa từng có diễn ra ngày 23-10-2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Buổi biểu diễn rất thành công với khoảng 1000 diễn viên đến từ các đơn vị trong nước và quốc tế như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, các nghệ sĩ quốc tế đến từ Nhật Bản, Malaisia, Na Uy, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hungari. Tháng 3-2011, Việt Nam đã cùng Interkultur (Liên minh Văn hóa thế giới) tổ chức Hội thi Hợp xướng Quốc tế tại TP Hội An – tỉnh Quảng Nam. Hơn 40 đoàn hợp xướng từ 11 nước đến tham dự. Dàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đạt Huy chương vàng – đứng đầu hạng thi A – hợp xướng hỗn hợp. Các sự kiện trên đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa âm nhạc Việt nói chung, nghệ thuật hợp xướng nói riêng, cũng như tỏ rõ sức sống mới của hợp xướng Việt trong đời sống cộng đồng.
Để tiếp tục phát huy khả năng, thế mạnh của nghệ thuật hợp xướng trong đời sống xã hội, nâng cao hơn nữa về trình độ âm nhạc đối với công chúng thì việc tổ chức hát hợp xướng cần được khuyến khích thường xuyên. Cần tạo môi trường cho hoạt động hợp xướng bằng cách gây dựng các đội hợp xướng nhỏ, vừa dưới sự hướng dẫn của những người làm công tác âm nhạc, tích cực tuyên truyền, đưa chương trình biểu diễn và tìm hiểu về nghệ thuật hợp xướng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đào tạo giáo viên giảng dạy âm nhạc phổ thông cũng cần được trang bị đầy đủ hơn về kiến thức hát hợp xướng, chỉ huy dàn dựng hợp xướng, bởi, chính họ sẽ là người trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy, gây dựng cho thế hệ sau yêu thích loại hình nghệ thuật này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011
Tác giả : Lê Vinh Hưng
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo