Quan hệ lời thơ với âm nhạc trong hát đúm


Thơ ca dân gian cổ truyền của người Việt rất phong phú và đa dạng, mỗi thể thơ đều có nét đặc sắc, độc đáo ở hình thức, cấu trúc, vần, điệu cũng như các niêm luật. Các câu thơ, bài thơ được diễn xướng với hình thức đọc, ngâm và đặc biệt, được hát lên khi kết hợp với các giai điệu âm nhạc.

Thơ dân gian rất giàu tính nhạc nên thường được cha ông ta sử dụng làm phần lời cho dân ca. Theo các nhà nghiên cứu thì “xét về hình thức câu thơ, hầu hết các làn điệu dân ca, từ những làn điệu đơn giản như gọi bê, gọi nghé, đến các làn điệu cao hơn như ghẹo Phú Thọ, đúm Bắc Ninh hay đến các làn điệu phức tạp hơn nữa như xoan, quan họ… cũng như hầu hết các làn điệu của chèo, đều không ngoài các thể bốn từ, hay thể lục bátlục bát biến thể”(1).

Như đã nêu ở trên, lời ca (phần ca từ) của dân ca thường là các câu thơ dân gian. Trong một bài dân ca có hai thành tố cơ bản đó là lời thơgiai điệu. Hai thành tố này thường không tách rời nhau, luôn gắn bó và có mối quan hệ qua lại với nhau. Cấu trúc của lời thơ thường là gợi ý cho sự hình thành các giai điệu âm nhạc và ngược lại, giai điệu quay lại chi phối lời thơ, tác động đến thơ do yêu cầu của nghệ thuật âm nhạc. Nhiều trường hợp, các câu thơ đã bị cắt xén, thay đổi, biến hóa để phục vụ cho nhu cầu sáng tạo và thưởng thức của cộng đồng. Ở những loại hình dân ca đã phát triển cao trên phương diện nghệ thuật âm nhạc như quan họ, hát văn… khi nghe phần ca từ, đôi khi chúng ta khó nhận ra hình dạng nguyên gốc của một thể thơ dân gian cổ truyền vì khi kết hợp với giai điệu, lời thơ đã bị thay đổi, biến hóa theo ý đồ và sự sáng tạo riêng của những nghệ sĩ dân gian. Tuy nhiên, đối với một số loại hình dân ca thuộc tầng cổ như hát ví, hát đúm và một số điệu hò cổ xưa, thì âm nhạc lại phần nào chịu sự ảnh hưởng và tác động của lời thơ vốn là các thể thơ dân gian cổ truyền. Đa phần, âm điệu, nhịp điệu của lời thơ là cơ sở cho sự hình thành của giai điệu âm nhạc.

Trong thơ ca có một yếu tổ nổi bật, đó là âm điệu. Âm điệu thơ được coi là một tác nhân khá quan trọng và có ảnh hưởng, tác động tới sự nảy sinh và hình thành âm điệu nhạc. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Tú Ngọc có nhận xét rất xác đáng: “Với bước khởi đầu của sự hình thành và phát triển, âm điệu dân ca hầu như không tách khỏi âm điệu tiếng nói, cụ thể ở đây là âm điệu lời thơ. Mãi về sau này, khi những giai điệu của dân ca đã đạt đến một trình độ cao thì mối liên hệ ấy vẫn không mất đi”(2).

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và đa thanh. Theo hệ ngôn ngữ hiện hành thì tiếng Việt gồm 6 thanh: không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Trong 6 thanh điệu tiếng của Việt có quy luật như sau: thanh huyền, hỏi, nặng thuộc nhóm âm vực thấp, thanh không, sắc và ngã thuộc nhóm âm vực cao (3). Từ quy luật đó đối chiếu với âm điệu của hát đúm người Việt ta thấy có nhiều điểm gần gũi với thanh điệu của lời thơ, cụ thể là: nhóm thanh điệu thấp tương ứng với các âm thấp, nhóm thanh điệu cao tương ứng với các âm cao, chỉ khác là thanh không trong ngôn ngữ (thơ) thuộc nhóm cao thì trong âm nhạc nó là âm trung gian (âm nằm ở giữa âm thấp và âm cao hơn nó). Chẳng hạn có một câu ca từ thuộc thể thơ lục bát (6/8):

Đúm này em dặn thì nghe 

Đúm bay cho tới áo the đúm vào

Câu thơ trên gồm các thanh: không, huyền, sắc, nặng, các thanh này sẽ tương ứng với các âm: âm thấp (thanh huyền, nặng) âm trung gian (không) và âm cao (sắc) trong giai điệu hát đúm (4), khi hát lên sẽ thành:

 

Từ đặc điểm trên, chúng tôi đi đến nhận định: âm điệu lời thơ trong hát đúm là cơ sở cho sự hình thành âm điệu trong âm nhạc hát đúm của người Việt.

Bên cạnh âm điệu thì nhịp điệu và tiết tấu của lời thơ cũng là một yếu tố góp phần tạo nên các dạng tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc trong hát đúm.

Phải nói rằng các thể thơ dân gian người Việt khá phong phú và đa dạng ở nhịp điệu, tiết tấu. Đặc điểm này biểu hiện ở các kiểu ngắt nhịp của các câu thơ. Trong các câu thơ, do yêu cầu về ý và cách diễn cảm nên có thể phân tách và ngắt ra thành các tiết tấu khác nhau. Chẳng hạn, đối với thể thơ lục bát, cả cặp thơ được coi như một đơn vị nhịp điệu, trong đơn vị đó lại có thể ngắt ra từng tiết tấu tùy theo cách diễn đạt của câu thơ, do đó cũng có thể ngắt thành đơn vị tiết tấu mà ta thường gọi là nhịp 2, nhịp 3, nhịp 4… (5). Và các kiểu ngắt nhịp này chính là những gợi ý để tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc hát đúm hình thành. Chẳng hạn, trong ngắt nhịp thơ có kiểu ngắt đều hai tiếng một, đã là một cơ sở tạo ra dạng tiết tấu có chu kỳ đều của loại nhịp phân ba với dạng điển hình là phân ra từng nhóm hai âm một, trong đó âm thứ hai trong mỗi nhóm có trường độ dài gấp đôi âm thứ nhất (6).

 

Nửa về / nửa muốn / ở đây

    1 –  2     3   –   4     5 – 6

Về thì / nhớ bạn / ở đây / nhớ nhà

1  –  2      3 – 4      5 – 6       7 – 8

       1     2    3   4     5    6    1

     2    3    4     5    6   7    8

Nếu lời thơ là thể lục bát kết hợp với thơ bảy từ (song thất) thì nhịp điệu của một tổ hợp thơ song thất lục bát sẽ có dạng nhịp điệu hơi khác. Lúc này, các từ đầu của hai dòng bảy từ được ngắt riêng và nó sẽ tương ứng với trường độ ngân lớn gấp đôi từ đứng sau, còn hai dòng thơ lục bát vẫn giữ quy luật cũ:

Hội / chùa này / vui thay / cảnh lạ

1         2      3       4     5        6    7

Nhớ / đến chàng / mà dạ / ước ao

   1       2       3        4    5      6    7

Tay tiên /gửi bức / thư đào

  1     2      3     4      5     6

Tình chành / hai chữ / thấp cao / dãi bày

   1        2       3     4       5      6       7     8

Qua phân tích, chúng tôi đi đến nhận định rằng: âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu của thơ dân gian cổ truyền có ảnh hưởng, tác động nhất định đến sự hình thành âm nhạc trong dân ca hát đúm của người Việt.

Như đã đề cập, giai điệu âm nhạc từ chỗ ảnh hưởng và phụ thuộc vào cấu trúc lời thơ đã dần định hình và có biểu hiện phát triển thoát khỏi sự ràng buộc ngặt nghèo của lời thơ rồi quay lại tác động, chi phối tới lời thơ tạo nên những làn điệu độc đáo. Chính những yếu tố của nghệ thuật âm nhạc cũng đã phần nào tác động và ảnh hưởng lại đến cấu trúc của các câu thơ trong nhiều thể thơ dân gian. Do đó quy luật và đặc điểm của lời ca trong dân ca, bên cạnh những đặc điểm chung, còn mang dấu ấn tác động của âm nhạc (7). Ở đây có thể thấy, thơ tạo ra nhạc và nhạc quay lại tác động, chi phối lời thơ để phục vụ và thoả mãn những rung cảm nghệ thuật của con người. Lúc này thơ không còn là đọc nữa mà là diễn xướng hát. Vậy diễn xướng hát khác diễn xướng đọc ở chỗ nào? Theo chúng tôi, chính là nghệ thuật phổ thơ dân gian trong dân ca giao duyên hát đúm.

Một trong những kiểu phổ thơ thông thường trong hát đúm và một số loại hình dân ca đối đáp giao duyên cổ của người Việt, là lối phổ xuôi chiều thơ. Đây là một phương thức khá phổ biến. Về cơ bản nó là kiểu lắp ghép khung giai điệu vào thơ không cần đảo trật tự của các dòng thơ và câu thơ. Lối phổ thơ này có hai dạng cơ bản:

Kết hợp một từ với một hoặc hai, ba âm thanh

Lối phổ thơ này rất đơn giản, nó thường kết hợp một từ với một hoặc vài âm thanh. Nhịp điệu, tiết tấu chủ yếu dựa vào nhịp thơ, ít có sự biến hóa và thường có chu kỳ trọng âm. Lời thơ chủ yếu ở dạng các câu thơ lục bát hay song thất lục bát nguyên gốc, không có nhiều các từ phụ là nguyên âm hoặc hư từ. Âm điệu luôn bám sát thanh điệu lời thơ và khoảng cách các âm thường là quãng hẹp (cao nhất là quãng 5 đúng). Mẫu điển hình của phương thức này là kiểu lặp đi, lặp lại một hình thái âm điệu và các nhóm âm điệu tương tự tạo ra kiểu giai điệu hát nói, tức là hát gần với nói. Đây là một dạng giai điệu thường có sự gần gũi đôi khi đồng nhất giữa tư chất giai điệu với tư chất thanh điệu của ca từ (8). Giai điệu hát nói thường thấy trong các bài hát đúm ở một số địa phương ven biển như Thủy Nguyên, Hải Phòng, Yên Hưng, Quảng Ninh và một số bài hát đúm ở Hải Dương(9). Nhìn rộng hơn, theo chúng tôi kiểu hát nói này có nét tương đồng với hình thức hát nói trong các bài đồng dao trẻ em chơi trẻ em hát ở vùng châu thổ sông Hồng.

Kết hợp một từ với một số hoặc nhiều âm thanh

Dạng phổ thơ này có biểu hiện âm nhạc dần thoát khỏi sự ràng buộc của lời thơ. Trước hết là việc mở rộng quãng trong âm điệu. Nếu ở kiểu phổ thơ trên, các quảng tạo âm điệu chỉ bó hẹp trong các quãng hẹp (quãng 4, quãng 5) thì ở đây chúng đã được mở rộng lên đến quãng 7, nhịp điệu, tiết tấu đã có một số biểu hiện thoát khỏi sự ràng buộc của các kiểu ngắt nhịp của thơ. Các thanh điệu của lời thơ phần nào đã phải nhượng bộ yếu tố âm nhạc. Đây là một biểu hiện pha trộn giữa kiểu giai điệu hát nói và hát ngâm (hát nói pha ngâm) trong hát đúm của người Việt. Chẳng hạn, một từ thuộc thanh điệu thấp có thể kết hợp với hai âm thanh ở hai nhóm khác nhau (thấp và trung gian), hoặc một từ kết hợp với các tổ hợp âm thanh ở dạng luyến, láy. Chẳng hạn ở câu hát dưới đây từ bao được kết hợp với một tổ hợp 3 âm ở dạng luyến âm (10):

Kiểu giai điệu hát nói pha ngâm còn gặp trong nhiều bài hát đúm ở Kiến Thụy, Hải Phòng hay các bài đúm thờ, hát đúm trong hát xoan Phú Thọ và trong lễ hội cầu đinh ở Đức Bác, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Chúng ta thấy có những bài đúm, mặc dù vẫn có khuôn nhịp nhưng tiết tấu khá tự do và không có chu kỳ, nghệ nhân có thể hát nhanh, chậm tùy ý, các âm đưa hơi là nguyên âm a, ư và một số hư từ được đưa vào ở đầu hoặc giữa các câu hát với chức năng đưa hơi hoặc đệm:

Hát đúm thờ (trích).

Ghi âm Nông Thị Nhình

 

Như vậy, có một điều không thể phủ nhận là thơ ca dân gian nói chung và lời thơ trong hát đúm người Việt nói riêng có mối quan hệ gắn bó với âm nhạc. Bởi vậy mà, trong dân gian xưa cha ông ta đã quan niệm hát là thơ và thơ là hát. Tuy nhiên, trong dân ca, hai yếu tố thơ và nhạc lại có sự độc lập tương đối.

Thơ để diễn xướng đọc sẽ khác với thơ để diễn xướng hát. Với tư cách là một thành tố của bài dân ca (phần ca từ), thơ đã được biến hóa nhất định bởi khả năng sáng tạo tài tình của những người nghệ sĩ dân gian trong quá trình hát đối đáp giao duyên.

_______________

1, 5. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Thơ ca Việt Nam (hình thức và thể loại), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.239, 221.

2. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, tr.184.

3. Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.102.

4.Trong âm nhạc hát đúm ở vùng châu thổ sông Hồng phổ biến có dạng thang 3 âm, trong đó có một âm thấp, một âm trung gian và một âm cao (rê – sol – la hoặc rê – la – đô)

6.Theo Thụy Loan trong Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006. Đây là nhịp 3/8. Cứ hai chữ thì chữ thứ hai là phách mạnh tương ứng với nốt đen và chữ thứ nhất là phách yếu tương ứng với nốt móc đơn.

7. Phạm phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, tr.105.

8. Tú Ngọc, Hát xoan dân ca nghi lễ phong tục, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, tr.154.

9. Dân ca đồng bằng Bắc Bộ, tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1983.

           10. Trích đoạn của bài hát đúm, trong Dân ca đồng bằng, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1961.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Nguyễn Đỗ Hiệp

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *