Người miền bắc với việc ăn từ năm 1957 đến năm 1975


 

Hiệp định Giơnevơ (1954) thừa nhận nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam; việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20-7-1955 và việc tổng tuyển cử tiến hành vào tháng 7-1956. Nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định, chia cắt đất nước ta lâu dài. Phải đến 30-4-1975, Việt Nam mới thống nhất. Bài viết này trình bày về việc ăn ở miền Bắc trong khoảng thời gian từ năm 1957 đến năm 1975.

1. Sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm, chất đốt và bữa ăn đạm bạc

Ở miền Bắc, bình quân đầu người hàng tháng tiêu dùng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như sau: Năm 1957, gạo 10,83kg; thịt, mỡ các loại 0,66kg; cá các loại 0,47kg; trứng 0,7 quả; đường, mật 0,28kg; nước chấm 0,40 lít. Các con số tương ứng của năm 1961 là: 10,20kg; 0,61kg; 0,54kg; 1,7 quả; 0,19kg; 0,50 lít. Các con số của năm 1975 là: 12,81kg; 0,61kg; 0,55kg, 1,32 quả; 0,23kg; 0,56 lít (1).

Mỗi tháng, một xã viên hợp tác xã các ngành nghề phi nông nghiệp được nhà nước bán cho một định suất như sau: gạo và màu: 13 kg; thịt lợn: 1lạng; đường: 1 lạng với giá quy định như sau: gạo tẻ: 0,40 đ/kg, gạo nếp: 0,55 đ/kg, bột mì: 0,50 đ/kg, ngô xay: 0,33 đ/kg, thịt lợn: 1,6 đ/kg, đường: 1,2 đ/kg, trứng: 0,14 đ/quả,… Tương, đậu phụ, rau, nước chấm,… tùy theo khả năng của mậu dịch có bao nhiêu bán bấy nhiêu, không định lượng, khi bán ghi vào sổ theo dõi chứ không cấp phiếu.

Trong các thành phần cư dân, mức ăn và chất lượng ăn của nông dân rất thấp. Họ làm ra hạt thóc nhưng số người được ăn gạo không độn quanh năm rất ít. Họ thường phải ăn độn ngô, khoai, sắn,… Hạt gạo do họ làm ra ngon hơn gạo mậu dịch, song nhiều khi họ đã đem gạo ngon đổi lấy gạo mậu dịch để có được số lượng gạo nhiều hơn. Có nhà quanh năm phải ăn độn vì phải bán bớt gạo lấy tiền cho con ăn học. Thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu là rau, cà, nước chấm. Ngày nay, khi nói đến nước chấm, người ta nghĩ ngay đến nước mắm, nhưng thời đó, đây là thứ hiếm hoi với họ, bởi vì nước mắm cũng bán theo chế độ cung cấp và phân phối. Nước chấm của người dân quê thường là tương, mắm tôm, mắm cáy, mắm cua, mắm tép. Song ngay cả những thứ nước chấm này cũng không thể có đủ để chấm thoải mái. Người ăn rút ra kinh nghiệm: Khi chấm rau muống luộc thì chấm đằng ngọn rau sẽ đỡ tốn nước chấm hơn. Có nhà có cây sấu ăn quả thì dùng nước sấu ngâm muối để chấm. Thậm chí có nhà đến bữa ăn thường chỉ chan cơm với nước lã ăn cùng cà. Nếu trước Cách mạng tháng Tám, tình trạng bữa ăn của người nông dân cũng như nhân dân ta nói chung đã được diễn tả đúng đắn trong câu tục ngữ: Thịt cá hương hoa, tương cà gia bản, thì sau khi miền Bắc độc lập 20 – 30 năm, tình trạng vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Bữa ăn có thịt, có cá thường chỉ diễn ra vào dịp giỗ tết, liên hoan tập thể, còn ngày thường nếu người nông dân bắt được con cá to hoặc có chục quả trứng cũng không dám ăn, phải nhịn miệng đem bán để dành tiền cho con cái học hành hoặc chi dùng vào những việc khác.

Cán bộ, công nhân viên chức và dân thành thị được mua lương thực, thực phẩm theo sổ gạo, tem phiếu với giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường tự do. Không kể tiêu chuẩn của các cán bộ cao cấp, số lượng được mua theo tem phiếu thường ít ỏi . Nhưng để có thể mua đủ được số lượng theo tem phiếu cũng không phải dễ dàng. Không phải lúc nào cửa hàng mậu dịch cũng có đủ hàng để bán. Nhà văn Tô Hoài là chứng nhân của thời này, tại Hà Nội. Ông cho biết: “Các cửa hàng, phiếu thịt chỉ bán mỡ, cũng họa hoằn mới có. Người đổ ra đường, suốt ngày nháo nhác sắp hàng, xếp hàng từ mớ rau dền. Bom đánh trên đầu, dưới đất kéo dài thế này, biết sẽ ra sao” (2).

Còn đây là câu đối khuyết danh diễn tả cảnh người dân chen lấn để mua hàng theo tiêu chuẩn ăn Tết:

Tí mỡ, tí miến, tí mì chính bán bìa số 9, chen bẹp ruột

Lít dầu, yến củi, yến mùn cưa bán ô số 3, xô lòi gan (3).

Ngày 21-11-1966, từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân viết thư cho nhà văn Tô Hoài lúc tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đang ở Hà Giang, nhờ Tô Hoài mua giúp vài chục viên đá lửa, măng khô, ba gói chè Thông Nguyên loại 1. Tác giả Vang bóng một thời dặn Tô Hoài nên tạt qua nhà riêng của cửa hàng trưởng Phạm Minh Khương vì người này sẽ tìm được những thứ hàng đó. Nhà văn cho biết: “Hà Nội rau cỏ, tép cá đều khó, “đã và đang” khó” (4).

Nhà văn Tô Hoài kể tiếp: “Cuối năm, tôi trưởng khối phố, đi xem xét các nhà thiếu đói để xin thành phố cứu tế. Vào một nhà, chị ấy làm nghề y tá, chồng ly dị. Ba mẹ con cả tháng ăn cháo quấy lẫn rau muống. Nửa phần gạo phiếu đã bán để thêm phần chi tiêu và mua rau, mua muối. Những khổ mặt xanh rớt, nhưng con mắt thì trong leo lẻo”(5).

Thực phẩm, đồ ăn thiếu thốn đã đành, đến chất đốt cũng khó khăn. Nhà văn Tô Hoài nhớ lại: “Trên lan can, cửa gác các nhà dọc phố, củi đuốc ghếch từng thanh, từng bó. Mỗi que củi bây giờ cơ hồ được nâng niu như phong lan và chim yến. Các báo hô hào đun than, nhưng không biết mua than ở đâu. Mỗi tháng may ra mới xách được vài cân củi phiếu… Đàn ông đâm ra đun bếp khéo, thổi cơm bằng giấy má sổ sách vơ ở cơ quan về” (6). Nhà văn Nguyễn Tuân ghét hoa sữa, hoa dạ hương, bởi vì mùi hoa làm điếc mũi cả đêm. “Chối của nào trời cho của đấy, ngay bên cửa sổ gác nhà Nguyễn Tuân đến mùa hoa sữa nở từng chùm trắng ngà nồng nàn buông vào ngập cả phòng. Nguyễn Tuân bực bội không ngủ được, lúc nào cũng đóng cửa sổ về phía ấy. Một năm, cây sữa ấy bị chặt, không biết vì mọi người kính trọng bác Nguyễn hay vì các hộ trong nhà thiếu củi đun” (7).

Không phải lúc nào người ta cũng có đủ tiền để mua đủ số lượng lương thực, thực phẩm, chất đốt theo tem, phiếu. Nhà nghiên cứu Đặng Phong cho biết số tiền và số lượng cần có và được mua của một gia đình ba người là như sau:

Gạo: (13,5 kg x 3 người) x 4 hào = 16 đồng 2 hào;

Dầu: (5 lít x 3 người) x 4 hào = 6 đồng;

Thịt: 1 kg (tùy loại) trung bình = 4 đồng/kg;

Cá, đậu trung bình khoảng 8 đồng;

Nước mắm, dấm, xì dầu/magi khoảng 2 – 3 đồng;

Điện, nước khoảng 5 đồng/tháng (8).

Vào các năm 1958 – 1959, cư dân Hà Nội chưa quá tải như sau này; vậy mà đời sống cơm áo của vợ chồng nhà giáo Lê Bá Hán thật cực. Lúc đó, ông là giảng viên đại học, vợ là giáo viên dạy phổ thông. Sau này, ông kể: Cuộc sống lúc đó là một cuộc sống “hết sức thiếu thốn với đồng lương quá eo hẹp của hai vợ chồng tôi, một gia đình có khi tám hoặc chín miệng ăn (mẹ tôi, hai vợ chồng tôi, bốn con chúng tôi và một, có khi hai em nữa ở trong nhà). Lúc ấy, chúng tôi cơm không no, rau muống luộc chấm nước mắm hạng bét cũng không đủ”(9).

Trong hoàn cảnh thời chiến (từ năm 1965 trở đi) và thiếu thốn, nhiều món ăn truyền thống không được nấu nướng, chế biến theo lối cổ truyền. Một nồi canh cua theo đúng nghĩa của nó là có cua, rau đay, mồng tơi, mướp, giá bông,… khi ăn thường kèm với cà muối xổi. Nhưng lúc này, đối với cư dân thành thị, với cán bộ công nhân viên, chỉ cần một ít rau mùng tơi nấu với muối, nêm vào một ít mì chính (mà mọi người thường gọi đùa là thuốc độc) là thành một món canh mà mọi người gọi một cách hài hước là canh toàn quốc. Nhân dân ta thường nói: “Chăm như chăm gái đẻ”, có nghĩa là sản phụ được bồi dưỡng rất đặc biệt, được ăn nhiều thức ăn ngon, bổ và phải kiêng một số thức ăn. Bình thường, theo dân gian, người phụ nữ trước khi sinh được ăn cháo cá chép cho gọn thai, sau khi sinh được ăn gà tần lá ngải nhiều ngày, ăn cháo chân giò cho nhiều sữa. Ấy vậy mà năm 1972, cặp thi sĩ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ có con, sản phụ chỉ được bồi dưỡng có nửa con gà (10). Lúc đó, Lưu Quang Vũ chưa phải là nhà viết kịch tài ba như sau này, anh không có việc làm, cả nhà trông vào suất lương của Xuân Quỳnh. Vì vậy khi sinh nở, việc nữ thi sĩ không có nhiều thứ để tẩm bổ thì cũng có thể hiểu được. Còn ở trường hợp dưới đây, cả hai vợ chồng đều là giáo viên, dạy học ở tỉnh Phú Thọ, nơi cách xa đô thị Hà Nội, nơi vốn đắt đỏ hơn địa phương, người phụ nữ mang thai có chế độ bồi dưỡng như thế nào? Cả hai vợ chồng họ ăn cơm bếp tập thể giáo viên, “mỗi suất ăn có ba lưng bát cơm lổn nhổn độn sắn, bát canh rau lõng bõng nước xanh lơ và một nhúm tép kho” (11). Người vợ mang thai gần ngày sinh cũng không hề có thức ăn thêm, tới bữa gảy gảy tách từng hạt cơm, ăn chút cơm cho xong, còn sắn lát trả nhà bếp nuôi heo. Bữa đón mẹ chồng đến chăm con dâu sắp ở cữ, họ ra chợ mua thêm được bốn bìa đậu, không có mỡ rán, luộc chấm nước mắm.

Nhà thơ Xuân Diệu lương cao, lại có thu nhập ngoài lương là tiền nhuận bút, tiền thù lao nói chuyện văn thơ. Ông không phải nuôi ai. Song trong khó khăn chung của miền Bắc, ông cũng ít khi được ăn ngon. Sau năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, nhà thơ có dịp về thăm quê mẹ ở Bình Định. Bà dì quý cháu, xào một đĩa thịt bò tươi ngon và nhà thơ ăn hết. Buổi chiều, ông lại bảo bà dì xào tiếp món thịt bò. Bà dì băn khoăn và hỏi: “Ở ngoài ấy không có thịt bò à?”. Xuân Diệu đáp: “Có, nhưng là bò già hoặc loại không cày bừa được mới mổ thịt, làm khổ người ăn” (12).

2. Sự nhường nhịn, khả năng thích ứng, sự khéo léo và nét hóm hỉnh trong gian khó

Trong những ngày gian khổ và thiếu thốn, những người thân thường nhớ đến nhau, nhường nhịn nhau. Khi vợ con ở nơi sơ tán, người chồng làm việc ở Hà Nội, anh ta cố gắng xếp hàng mua cho kỳ hết số lượng thực phẩm được phân phối theo tem phiếu. Sau khi mua thịt, mỡ thì rán, thịt nạc thì làm ruốc, anh chỉ ăn xương xẩu và tóp mỡ, còn ruốc và mỡ dành để tiếp tế cho vợ con. Vợ con anh ở nơi sơ tán cũng ăn uống tùng tiệm, đợi khi chồng đến tiếp tế mới ăn tươi, ăn ngon hơn ngày thường.

Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc là một trí thức đã cầm bút từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vào đầu những năm 60 TK XX, sau khi giáo sư Đặng Thai Mai chuyển về Viện Văn học, ông đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm một thời gian, đồng thời phụ trách trực tiếp tổ Lý luận văn học; mỗi tuần giảng hai lần cho các giảng viên trẻ của tổ là Hà Minh Đức, Lê Bá Hán và Trần Văn Bính về triết học và mỹ học phương Tây. Thời gian đó có quy định là khi ăn cơm ở bếp tập thể của nhà trường, mỗi người phải mang theo một chiếc vỉ ruồi; trước hoặc sau khi ăn phải đập đủ 10 con. Ăn xong, thày Hà Minh Đức đã đập đủ 10 con. Thày Đức lại gần thầy Ngọc, thày mới đập được ba, bốn con. Thầy Đức đập tiếp được bốn, năm con nữa và nói với thầy Ngọc: “Thưa thày, em đập được 15 con, hai thày trò cộng lại là vừa đủ”. Thày Ngọc cười và bảo: “Cảm ơn, anh về trước đi để tôi làm đủ phận sự của tôi” (13). Thời gian ấy có phong trào thày trò về giúp dân ngoại thành gặt lúa và giúp việc nhà nông. Thày Nguyễn Lương Ngọc được phân ở một gia đình có nhiều trẻ con. Đến bữa ăn, chúng nghịch ngợm, đánh đổ canh, làm rơi vãi cơm. Chị chủ nhà nói: “Các cháu nhỏ nó quấy, ngày mai cháu dọn cơm để bác xơi trước”. Thày gạt đi và bảo: “Phiền chị, ăn cả nhà cho vui”. Khi các thầy giáo đề nghị chuyển cho thày đến nhà khác, thày từ chối: “Thôi, cũng chỉ ở năm ba ngày nữa, chuyển chỗ gia đình họ lại thắc mắc”. Thày đã có cách khắc phục. Thày xem đám trẻ như con cháu mình, không bận tâm. Thày thích ăn canh rau; đến bữa, thày múc ăn trước bát canh, sau đó ăn thức ăn khô là ổn(14).

Như đã nói, trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhà nước không có đủ gạo để bán cho cư dân đô thị, có lúc lượng gạo chỉ có 40%, còn lại là những lương thực khác như ngô, bột mì. Lúc đó người Hà Nội có thêm một nghề: cán mì sợi. Bà con có thể ghế mì sợi vào cơm hoặc luộc mì sợi chấm xì dầu hoặc nấu mì như ta ăn bún nước, ăn phở.

Không riêng gì ở Hà Nội, những người trong biên chế (gọi là cán bộ nhà nước) ở những nơi khác cũng phải biết cách dè xẻn và phải ăn độn. Năm 2013, ông Lê Khắc Hoan, một nhà giáo cấp II lúc đó (tức giáo viên dạy trung học cơ sở bây giờ) đã viết chi tiết về cuộc sống đầu những năm 60 TK XX của các cán bộ nhà nước ở Phú Thọ. Tác giả cho biết: Định lượng mỗi tháng cán bộ E (tức là cán bộ thấp nhất) được 3 lạng thịt, nhân dân N thì được 1 lạng. Cho dù “cửa hàng thực phẩm quốc doanh trưng biển “Hôm nay bán thịt cán bộ” thì người được mua cũng lơ đi, rình hôm có mỡ nước mua tất, dè xẻn để dành, mỗi bữa ăn rón rén nêm nửa thìa mỡ cho “trơn” cổ họng” (15). Lúc đó, mỗi nhà có một sổ mua lương thực, nhân dân gọi tắt là sổ gạo. Nếu đánh mất sổ gạo thì thật là tai họa, bởi vì người ta sẽ không có đủ tiền để mua lương thực ở thị trường tự do. Thực ra, nói sổ gạo là không thật chính xác. Hàng tháng cán bộ được 13 kg rưỡi, người ăn theo như cha mẹ thì được 10 kg. Nhưng phải độn. Kho lương thực có ngô hoặc sắn thì độn 30%, có bột mì hay hạt bo bo thì phải độn 50%, có khi 70%. Bà mẹ ông Lê Khắc Hoan có tài chế biến. Nhận sắn củ về, là mài ra thành bột làm bánh. Đối với ngô, bà ngâm nước vài giờ rồi cho vào nồi đun sôi lục bục một lúc mới đổ tiếp gạo vào, như thế cơm độn mới mềm và người già mới có thể ăn được. Mua bột mì thì cán ra thành sợi. Mẹ ông, một phụ nữ quý phái ở Huế trước Cách mạng tháng Tám, lúc đó chỉ được đặc cách dành riêng một niêu cá đồng kho tiêu với nước mắm mặn chát ăn cho đỡ tốn (16).

Cơ quan, nhà trường đều có bếp ăn tập thể. Ai đi vắng không ăn thì phải cắt cơm. Ai có khách thì phải báo trước để nhà bếp nấu thêm. Có khách ăn thêm một suất thì khách hoặc chủ, ngoài việc đóng tiền còn phải đóng một chiếc tem gạo 225 gam. Có không ít cảnh chồng làm việc một nơi, vợ làm việc nơi khác. Họ được gặp nhau vào tối thứ bảy và ngày chủ nhật. Lúc đó có câu nói: “Vợ ở đâu thì thủ đô ở đấy”. Đây là một số thao tác đã được tục ngữ hóa mà người chồng thường làm trong ngày thứ bảy khi ở cơ quan mình: “Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ, vồ xe đạp, phóng”. Còn đây là những thao tác của người vợ trong ngày thứ bảy chờ đợi: “Tắm rửa, sửa lông mày, thay quần áo, báo thêm cơm”.

Cũng có khi không chế biến được mì sợi, các bếp ăn tập thể làm bánh bao hoặc hấp từng nắm bột mì. Trong thời chiến, người ta nhìn chúng giống như những cái nắp của hố phòng không cá nhân. Bánh bao và mì luộc không có nhân. Từ đó nảy ra câu ca hài hước:

Bất an là cái hầm hào

Bất nhân là cái bánh bao nơi này

Ở đây, ta lại thấy thêm một nét hóm hỉnh, đùa tếu của người Việt Nam.

3. Việc ăn phở và sự “ưu việt” của phở tư nhân

Phở là món ăn thích hợp với mọi người, mọi lứa tuổi, có thể ăn bất cứ lúc nào. Món ăn này ra đời trong khoảng một, hai thập niên đầu của TK XX. Trong kháng chiến chống Pháp, đối với người dân, phở là một món ăn đặc biệt. Vào dịp vui khi có tiền, hoặc nhân một sự việc nào đó, người ta rủ nhau đi ăn phở, hoặc muốn thông tin cho nhau biết giá cả sinh hoạt của một địa phương nào đó, người ta thường nêu giá một bát phở. Còn ở những năm 60 – 70 TK XX, theo nhà sử học Đặng Phong, qua các cửa hàng phở, nhà nghiên cứu kinh tế có thể thấy được sức mua của xã hội. Vào những kỳ lĩnh lương, tức là những ngày đầu tháng và sau ngày 15 hàng tháng, các quán phở rất đông khách. Những ngày còn lại trong tháng, lượng khách rất vắng, chỉ còn khoảng 50 – 60% so với số khách vào những ngày đầu hoặc giữa tháng. “Điều đó chứng tỏ hai mặt của cuộc sống thời đó, người ta vẫn có sự thoải mái trong tiêu dùng. Mặt khác, sự thoải mái đó chỉ được thực hiện trong giới hạn của mức thu nhập. Người ta thường đi ăn phở, ăn quà sáng một cách “sang trọng” vào những ngày lĩnh lương, còn sau đó thì “ba cọc ba đồng”. Cái chu kỳ hai lần đông khách trong một tháng ở những cửa hàng ăn uống có thể nói lên được phần nào sức tiêu dùng khá hạn hẹp. Tuy nhiên vẫn có sức tiêu dùng” (17).

Về phở, có phở mậu dịch và phở tư nhân. Phở tư nhân thường ngon hơn bởi có ngon mới thu hút được khách, và họ làm giống như phở truyền thống. Phở mậu dịch thì nồi nước dùng đuểnh đoảng, việc thái miếng thịt cũng không đúng cách, nhiều khi dùng thịt lợn thay cho thịt bò, thịt gà, thậm chí có khi thịt lợn cũng không có và nhân dân gọi hài hước đó là “phở không người lái” (thời gian đó bên cạnh máy bay chiến đấu, đế quốc Mỹ còn dùng máy bay không người lái để do thám miền Bắc). Nhà sử học Đặng Phong đã viết chi tiết về một hiệu phở tư nhân như sau. Ở Hà Nội có phố Nam Ngư (tên cũ là phố Hàng Lọng). Phố này có hiệu phở nổi tiếng ở nhà số 7, gọi là phở gà bà Lâm. Lai lịch của hiệu phở này như sau. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Nam Ngư trở thành phố ở của các viên chức và của những gia đình nghèo, sống bằng những nghề có liên quan đến ga Hàng Cỏ và chợ Cửa Nam. Ở nhà số 7 có một hàng bán củi và than cho các gia đình quanh đó. Ông chủ đặt tên một cách quá ư phóng đại cho cửa hàng là hàng củi Triệu Lâm (nghĩa là triệu rừng). Từ đó người quanh phố và khách hàng gọi ông bà chủ là ông Lâm, bà Lâm (không mấy người biết tên thật của ông là Khôi, của bà là Thách). Triệu Lâm không hề kinh doanh tới bạc triệu, đây chỉ là một cửa hàng củi nhỏ, chính ông phải tự tay bổ củi, rồi tự tay bó thành những bó nhỏ để bán. Các con thì nắm than, còn bà thì lo kiếm thêm cho sinh hoạt gia đình bằng nghề buôn thúng bán mẹt ở quanh ga và chợ Cửa Nam. Ít lâu sau, bà chuyển sang làm hàng xáo, tức là đi đong thóc ở các tỉnh về xay giã rồi đem gạo, cám rao bán trên chợ Cửa Nam. Trấu thì bán tại nhà làm chất đốt cùng với than và củi. Khi Chính phủ tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư nhân (1958 – 1960), củi và gỗ là mặt hàng chiến lược của nhà nước, tư nhân không được phép khai thác và buôn bán. Từ khoảng năm 1960 trở đi, chất đốt do nhà nước cung cấp cho dân thành phố theo chế độ tem phiếu. Ban đầu cũng là củi, trấu của nhà máy xay và than của Quảng Ninh. Sau vì có hàng Liên Xô viện trợ nên nhà nước bán dầu hỏa thay cho than và củi. Gạo cũng trở thành mặt hàng chỉ có nhà nước mới được kinh doanh. Ông Lâm trở thành nhân viên trong tổ hợp tác dịch vụ. Bà Lâm thôi nghề hàng xáo và chuyển sang bán miến gà trong chợ. Từ khi có chiến tranh phá hoại thì chợ cũng phải sơ tán. Bà Lâm chuyển cửa hàng miến gà sang phố Ngõ Trạm rồi đi bán rong trên các vỉa hè quanh vùng. Sang đầu năm 1970, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt khu ga Hàng Cỏ. Cuối năm 1972, chính nhà ga trúng bom Mỹ. Từ đây tàu hỏa và các xe tải đều chạy vào ban đêm. Thế là các xe tải đi tuyến B (tức là đi vào Nam) mà lấy hàng ở ga Hàng Cỏ thì phải đỗ xe theo thứ tự ở các phố Phan Bội Châu và Nam Bộ để chờ lấy hàng ở ga. Có một cửa hàng ăn uống quốc doanh được đặt tại phố Phan Bội Châu để phục vụ cho hành khách đi tàu và những lái xe chở hàng. Cửa hàng này mang cái tên rất ý nghĩa và cũng rất nổi tiếng một thời, đó là cửa hàng Bắc – Nam. Nhưng chỉ có một cửa hàng quốc doanh thì không thể phục vụ xuể. Vì vậy vào đầu năm 1973, hàng miến gà bà Lâm chuyển về đây. Bà chỉ bán miến nấu với thịt gà là vì từ tháng 4 – 1972, Chính phủ nghiêm cấm tư nhân và hợp tác xã dùng thóc, gạo, ngô, bột mì để nấu rượu hoặc chế biến ra quà bánh, còn trâu bò là sức kéo không được giết thịt để ăn. Ai bán phở bò là phạm pháp hai lần: dùng gạo và giết bò (hoặc tiêu thụ thịt bò lậu). Chỉ có cửa hàng ăn quốc doanh mới được phép bán phở bò. Bà Lâm chọn miến gà là vì lý do đó. Biết mình ở thế yếu hơn quốc doanh, bà phải làm miến cho ngon và giá cả phù hợp. Thêm nữa, miến của bà lại có điểm mạnh hơn phở Bắc – Nam là người ăn không phải xếp hàng, không phải chờ đợi, người bán hàng lại có phần niềm nở hơn với khách. Cửa hàng ăn của bà ngày càng đông. Bà đã có sáng kiến rất hợp ý dân lái xe là thịt gà không xé ra theo lối thanh cảnh như phở gà Bùi Thị Xuân cũng nổi tiếng lúc đó. Gà của bà Lâm chặt nguyên miếng. Cổ, cánh, đùi, phao câu… nhiều ít tùy ý (và tùy túi tiền) của khách, không có cảnh bán thế nào phải ăn thế ấy như cửa hàng quốc doanh. Nhiều anh lái xe còn gọi cả một bữa thịt gà ăn kèm để chắc dạ đường trường. Ít lâu sau, khi việc cấm gạo và cấm dùng thịt bò đã nguôi bớt thì phở Bắc – Nam tàn lụi vì không còn ưu thế độc quyền. Bà Lâm chuyển từ miến sang phở. Phở của bà lại càng ngon hơn và càng đông khách hơn. Bà dời hẳn cửa hàng từ góc phố về ngôi nhà số 7 của gia đình bà. Theo thời gian, cửa hàng phở Lâm đã tạo nên phản ứng dây chuyền. Một loạt cửa hàng phở gà khác đã ra đời trên con phố này (18).

4. Sự cao cả của người Việt Nam qua chế độ ăn của tù binh

Chúng tôi đã trình bày về sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm, chất đốt cùng bữa ăn đạm bạc và sự nhường nhịn, sự thích nghi và tính hóm hỉnh của cán bộ và nhân dân miền Bắc. Trong thời gian này, không chỉ sản xuất và chiến đấu, không chỉ lo cho cuộc sống cơm áo của mình, miền Bắc còn chi viện sức người, sức của cho miền Nam tuyến đầu của tổ quốc; thậm chí còn phải nuôi cả số tù binh phi công Mỹ. Năm 1969, số tù binh này bị giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Giá mỗi ngày ăn của họ là 1 đồng một người. “Không có ăn sáng. Ngày hai bữa, mỗi bữa một bánh mì, bát canh rau muống cà chua, đĩa su su xào mỡ. Không kể thỉnh thoảng được món thịt gà tây như đêm Nôen…”(19).

Cà chua, su su là hai giống cây do người Pháp đem sang Việt Nam thời Pháp thuộc. Họ còn đem đến gà tây giống. Song đúng như nhà văn Tô Hoài nhận xét, đối với dân ta, thịt thỏ và gà tây vẫn chưa thành món quen như gà thiến, gà ta. “Cũng không mấy ai nuôi gà tây. Con gà tây đốm đen, mào đỏ, người đến gần thì cau có, xõa cánh chĩa đuôi kêu cồ cộ” (20). Còn theo thói quen của người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm Nôen có món thịt gà tây, như ta tết ông Táo cúng cá chép. Vậy là vào nửa cuối những năm 60 TK XX, ở nhiều làng hai bên sông Đuống, hợp tác xã đã chuyển ruộng cho các xóm khác, để chuyên nuôi gà tây. “Đến giáp Nôen, hàng đoàn xe tải số biển đỏ của quân đội về lấy gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết” (21).

Vậy là, mặc dù còn rất nghèo và thiếu thốn, thậm chí còn có người đói, có lúc đói, người Việt Nam đã rất cao cả khi đối xử với những người đã thất thế đầu hàng, mặc dù mới hôm trước, những người này đã ném bom, xả súng giết hại đồng bào và người thân của họ!

Ở thập niên thứ hai của thế kỷ này, nhìn lại mức ăn và bữa ăn của cán bộ và nhân dân miền Bắc trong thời gian 1957 – 1975, những người trẻ tuổi khó hình dung ra sự thiếu thốn của mức ăn, chất lượng thấp của bữa ăn và ít người biết thế nào là “phở mậu dịch”. Tuy nhiên, cả những người đã trải nghiệm và những người trẻ tuổi lớn lên sau chiến tranh đều thấy được sự dẻo dai trong chịu đựng, sự thích ứng, khéo léo trong khó khăn, lòng nhân đạo, cao thượng đối với đối phương đã bị bắt và niềm lạc quan, hóm hỉnh của dân tộc Việt Nam ở một chặng đường trong quá khứ (22).

_______________

1, 8, 17. Đặng Phong chủ biên, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000, tập 2: 1955 – 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.678, 680, 688.

2, 4, 5, 7, 19, 20, 21. Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995, tr.250, 227, 250, 254, 289, 283.

3. Nguyễn Ngọc Tiến, Thú chơi câu đối tết, Hà Nội mới, số ra ngày thứ tư, 5-2-2014, tr.8.

6. Tô Hoài, sđd, tr.260.

Tình trạng thiếu chất đốt ở Hà Nội được nhà văn Tô Hoài kể lại là tình trạng ở nửa cuối những năm 60 TK XX. Cho đến tháng 3-1979, khi đất nước đã thống nhất được gần 4 năm, chất đốt vẫn hiếm. Vũ Hoài Tuân là một sĩ quan cấp tá, hôm sau đi công tác, hôm trước anh đi xe đạp từ khu tập thể Nam Đồng đến khu tập thể Văn Chương, thăm cha mẹ là vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Phan. Được cơ quan quân đội phân phối cho ít dầu đưa về gia đình, anh xẻ đưa lên cho cha mẹ. Ngày đi công tác, trước khi lên ô tô đi ra sân bay, anh còn quay lại bảo vợ: “Em ơi! Còn phiếu dầu của nhà để thứ năm anh về mua cho” (Vũ Phi Hồng, Lòng mẹ, hồi ký, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr.274).

 9. Nhiều tác giả, Nhà giáo ưu tú Lê Bá Hán văn và đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.140.

10. Nhiều tác giả, Thơ Xuân Quỳnh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1990, tr.124.

11, 16. Lê Khắc Hoan, Trăm năm ly hợp (Lê Khắc gia phả chí), Nxb Lao động, Hà Nội, 2013, tr.108.

12, 14. Hà Minh Đức, Tài năng và danh phận, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.133.

13. Hà Minh Đức, sđd, tr.211.

Vỉ ruồi: Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 2002) giải thích: đồ dùng để đập ruồi, kết bằng nan mỏng có cán dài (N.X.K).

 15. Lê Khắc Hoan, sđd, tr.110.

“Hôm nay bán thịt cán bộ” có nghĩa là: Hôm nay cửa hàng bán thịt theo phiếu mua thực phẩm của cán bộ nhà nước. “Hôm nay bán thịt nhân dân” có nghĩa là: Hôm nay cửa hàng bán thịt theo phiếu mua thực phẩm của nhân dân (N.X.K).

18. Đặng Phong, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.150-154.

22. Bài này trích từ Lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 6, đề tài cấp bộ, do Viện Nghiên cứu văn hóa chủ trì.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Xuân Kính

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *