Nếu với câu hỏi: nhà phê bình âm nhạc, anh là ai, ta kỳ vọng về một nhà phê bình lý tưởng là kết quả của phép cộng nhiều nhà: nhà báo và nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nghệ sĩ, thì tới câu hỏi về vị thế của phê bình, ta có quyền đặt nhà phê bình lý tưởng vào vị trí đa năng, chẳng những luôn đồng hành với sáng tác, mà đôi khi còn biết lùi lại phía sau canh chừng hoặc vượt lên phía trước dẫn đường. Để biết hiện trạng còn cách kỳ vọng bao xa, tốt nhất thử ngó xem ngành phê bình âm nhạc đã thực sự hiện hữu ở những vị trí cần có chưa và đã xoay xở thế nào trong vị trí đó.
Vị thế của phê bình được xem xét không giới hạn trong mối quan hệ với riêng sáng tác, mà tính cả hai mắt xích còn lại trong chuỗi liên hoàn tương tác giữa: nhạc sĩ sáng tác – nghệ sĩ biểu diễn – công chúng thưởng thức, và cũng không bỏ qua mối quan hệ với một nhân vật ít lộ diện mà nắm quyền quyết định tất cả: nhà quản lý.
1. Phê bình song hành
Nếu âm nhạc phản ánh cuộc đời, đưa đời thực vào thế giới ảo, thì phê bình phản ánh cả ảo lẫn thực, cả những hình bóng phản chiếu trong chiếc gương âm nhạc, cũng như các hiện tượng âm nhạc trong sinh hoạt đời thường.
Đối tượng của phần ảo là sáng tạo nghệ thuật, đối tượng phần thực là đời sống xã hội. Phê bình giữ vai trò đồng hành với các hoạt động của đời sống âm nhạc nhiều hơn là với nghệ thuật sáng tác, bình luận bề nổi của bức tranh toàn cảnh nhiều hơn là đi sâu vào phân tích tác phẩm. Muốn phân tích tác phẩm thì phải có nghề, mà giới lý luận chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong đội ngũ bình luận âm nhạc. Vì thế đặc điểm nổi bật của bình luận âm nhạc không phải tính học thuật mà là tính thời sự.
Thực ra, tính thời sự là một đặc điểm chung của nền nhạc mới Việt Nam ngay từ thuở bình minh với chứng cứ là những bài ca yêu nước của những năm 1930-1945. Có bài ra đời trong ngục tù, có bài nảy sinh theo bước chân đoàn người đi giành chính quyền ngày 19-8-1945 để cái ngày lịch sử đó trở thành tên gọi một bài ca.
Tính thời sự được nhấn mạnh như một tiêu chí hàng đầu trong ba thập niên chiến tranh 1945-1975. Chả thế mà nền ca khúc vẫn được coi là cuốn nhật ký âm thanh của hai cuộc kháng chiến. Mọi hoạt động nghệ thuật đều được định hướng phục vụ cho yêu cầu chung. Sáng tác phản ánh kịp thời đời sống xã hội, phê bình phản ánh kịp thời đời sống âm nhạc. Yêu cầu này trở thành thói quen và cứ thế tiếp tục đến nay.
Hơn ba thập niên sau ngày thống nhất đất nước, phê bình không khi nào buông lơi vị trí bám sát đời sống ca nhạc. Trên mặt báo thấy đủ các phong trào âm nhạc nối tiếp nhau và khác nhau về cấp độ lớn nhỏ, tác động tốt xấu, giá trị thật giả. Nào là ca khúc chính trị, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại, karaoké…, rồi lại các loại nhạc thị trường, nhạc não tình, nhạc chế, nhạc chửi, nhạc teen. Nào là các xu hướng pop rock Việt, jazz Việt, rap Việt…, rồi lại các dòng nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, nhạc dân gian đương đại. Quả thật báo chí đã ghi lại bức tranh sinh hoạt đại chúng đa màu, đa sắc không kém thực tế.
Báo chí không bỏ lỡ live show nào của các siêu sao hoặc siêu tác giả ăn khách trong mảng ca khúc quần chúng, cũng như thông tin về những buổi hòa nhạc giao hưởng thính phòng của các nghệ sĩ tây hay ta trình tấu tác phẩm khí nhạc của tây hoặc ta. Ngành biểu diễn luôn chiếm một góc rộn ràng và nổi bật nhất diễn đàn.
Về âm nhạc truyền hình cũng vậy, ngày càng rôm rả hơn cuộc bàn luận cái hay cái dở của hàng loạt chương trình ca nhạc nối tiếp nhau trên màn ảnh nhỏ, từ Bài hát Việt, Con đường âm nhạc, Trò chơi âm nhạc… của đài trung ương đến Tiếng hát truyền hình, Nhịp cầu âm nhạc, Thế giới V-pop của các đài địa phương. Khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó gai góc nhất là những nhận xét phản biện về tình trạng “truyền hình hóa” âm nhạc và tác động của chương trình kém chất lượng tới thị hiếu đại chúng.
Báo chí luôn nhanh nhạy loan tin mọi giải thưởng to nhỏ của các tài năng trẻ trong những cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước, có thể ít nhiều phóng đại chứ không bỏ sót bất kể cơ hội nào để bày tỏ niềm tự hào dân tộc. Đây là một trong những biểu hiện cho thấy phê bình âm nhạc không nằm ngoài ảnh hưởng của xu hướng báo cáo thành tích đang lan rộng thành bệnh dịch.
Không chỉ các hiện tượng, sự kiện trong sinh hoạt âm nhạc, trên mặt báo còn thấy được sự chuyển biến nhận thức, từ những cái nhìn nhận ấu trĩ đến những đánh giá thức thời, từ sự lý giải về thị hiếu và thẩm mỹ âm nhạc đến các khái niệm mới liên quan tới sáng tác. Có những cuộc luận bàn trên báo điện tử còn đề cập đến những thử nghiệm trong sáng tạo và cảm nhận theo xu hướng nhạc đương đại, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật hậu hiện đại. Phê bình âm nhạc không ngại tự thân vận động khỏi tình cảnh ngồi đáy giếng để ngó ra chân trời rộng mở hơn.
Dù muốn hay không, diễn đàn âm nhạc cần ghi nhận vai trò của các nhà báo, phóng viên. Vị thế đồng hành với sinh hoạt âm nhạc được đảm bảo chủ yếu là nhờ vào hoạt động của báo giới. Cùng với sự nhạy bén, kịp thời, đôi khi cả sự can đảm dám xông xáo săn tin và không ngại đưa tin, báo giới luôn đem lại tính thời sự nóng hổi cho diễn đàn âm nhạc. Mặt khác, với mục đích cập nhật thông tin đặt lên hàng đầu, các cây bút không chuyên ngành lý luận âm nhạc đã nhiệt tình xoay chuyển diễn đàn âm nhạc sang hướng nghiệp dư.
Tính nghiệp dư trở thành một trong những đặc điểm của bình luận âm nhạc còn vì tiếng nói của các nhà lý luận quá thưa thớt. Những bài phê bình kịp thời của họ thường chỉ xuất hiện trên diễn đàn hẹp – các tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu hội thảo chuyên ngành.
Với báo chí, dân lý luận âm nhạc gần như bị ế hàng vì cách viết không phù hợp, không hấp dẫn. Đã thế, họ còn là kẻ chậm chân. Sự chậm trễ cố hữu luôn được thay thế bằng những cây bút xung kích của cánh nhà báo nên chẳng ai nhận thấy sự thiếu vắng, chỉ khi hiện tượng nào đó đi tới giới hạn bất thường thì ai đó chợt nhớ ra: ô kìa, mấy anh lý luận chuyên ngành đâu cả rồi?
Tiếng nói của lý luận âm nhạc vào phút thứ 89 khó mà làm nên chuyện. Chẳng hạn, những lẫn lộn khái niệm và thuật ngữ âm nhạc liên tục xảy ra trên mặt báo cho dù giới nhà nghề rút cục đã vào cuộc và ra sức đính chính thì cũng chẳng xóa được thói quen tùy tiện. Ngay trong giới nhạc còn chưa đồng thuận với hàng loạt cách gọi gây tranh cãi và hiểu nhầm, cho nên dù nhiều nhà nghiên cứu không chấp nhận các tên gọi nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc quốc tế, nhạc tiền chiến, nhạc dân gian đương đại…, thì chúng vẫn được dùng xả láng. Nghiêm trọng hơn, sự nhập nhằng khái niệm kéo dài còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai lầm cơ bản: coi thể loại ca khúc quần chúng là đại diện duy nhất của nền nhạc mới Việt Nam, và biến nhạc cải biên thuộc sáng tác mới cho nhạc cụ cổ truyền thành đại diện duy nhất của nền nhạc cổ Việt Nam.
Các nhà lý luận ít có mặt ở vị trí đồng hành vì nhiều nguyên cớ. Lý do chủ quan: quá thận trọng, thụ động, an phận hoặc cao ngạo; khách quan: bị bỏ quên, không có diễn đàn, không có cơ hội vận dụng khả năng. Họ không biết tận dụng internet để quảng bá nhạc chuyên nghiệp, thậm chí chẳng ngờ rằng trong cộng đồng dân cư mạng có khá nhiều người muốn tìm hiểu về nhạc cổ điển mà chả biết hỏi ai. Họ không tham gia thành phần ban giám khảo hay hội đồng chuyên môn của các cuộc thi âm nhạc. Hình như họ cũng không giữ vai trò cố vấn chuyên môn cho các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật từ cấp thấp đến cao. Có lẽ là không được mời, nhưng nếu được mời chắc họ thích từ chối hơn, bởi họ được đào tạo để nghiên cứu hoặc giảng dạy toàn những thứ trên tầm thị hiếu đại chúng.
Đến lúc chợt nhận ra khoảng cách quá lớn giữa lý luận âm nhạc với nhu cầu xã hội thì thoát ra khỏi tháp ngà hàn lâm để hòa nhập vào đời sống đại chúng là chuyện không mấy dễ dàng.
2. Phê bình theo sau
Vẫn có câu phê bình ăn theo sáng tác. Đối tượng chính của phê bình là tác phẩm, có tác phẩm mới có phê bình, vị trí của phê bình hẳn nhiên là ở phía sau sáng tác. Nếu nói đồng hành thì cũng là liền kề phía sau, bám sát gót sáng tác, không tụt hậu về khoảng cách, không chùng chình về thời gian để nguội để thiu những vấn đề nóng.
Theo sau hiểu theo nghĩa tiêu cực là loại bình luận ăn theo, vuốt đuôi, nói dựa. Những cây bút ngoại đạo non tay nhưng điếc không sợ súng thường chọn cách này để chứng tỏ mình. Thay vì truyền đạt ý kiến giới nhạc dưới hình thức trích dẫn, phỏng vấn, thì tác giả ăn theo lại tán thêm gia vị vào những mẩu hóng hớt, xào xáo những khúc đối thoại chớp nhoáng ngoài hành lang hoặc qua điện thoại. Người được phỏng vấn đôi khi bắt gặp nhận xét của mình được chế biến cùng vài thuật ngữ âm nhạc màu mè, vô nghĩa hoặc sai nghĩa.
Theo sau hiểu theo nghĩa tích cực là nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu, đánh giá, tổng kết các đối tượng khác nhau: tác phẩm, thể loại, chân dung, sự nghiệp, hiện tượng, chương trình, giai đoạn… Việc này đòi hỏi tầm nhìn bao quát và các kỹ năng chuyên ngành, có nghĩa là cần đầu tư thời gian cho chất lượng học thuật. Rõ ràng chẳng ai thích hợp ở vị trí này bằng nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp.
Phê bình theo sau của các nhà lý luận ít được chào đón, nhất là trên diễn đàn báo chí. Ví dụ trước một cuộc biểu diễn đáng chú ý, anh nhà báo nhận đặt hàng của tờ báo nào đó tức tốc phóng đi săn tin, phỏng vấn và viết bài sẵn để kịp tung lên mặt báo càng sớm càng tốt, ngay khi cuộc biểu diễn vừa kết thúc. Còn anh lý luận đi nghe chương trình hòa nhạc về mới bắt đầu nghiền ngẫm những cảm nhận của mình, việc phân tích và đánh giá đâu có nóng vội được, đến khi hoàn thành bài phê bình thì chả báo nào nhận đăng vì cái gì diễn ra rồi thì không còn tính thời sự nữa. Không đăng thì thôi, hơi đâu mà viết với lách! Thế là cánh lý luận nhà ta thản nhiên đứng ngoài cuộc.
Tính chuyên ngành, tính học thuật cao thường dẫn đến bất cập. Ở đây đối tượng đọc thu hẹp trong phạm vi giới nhạc, thậm chí chỉ trong ngành lý luận. Điều này càng thấy rõ với các công trình dài hơi, với lĩnh vực xuất bản sách.
Về lâu về dài, sách là gia sản để lại mai sau. Ý nghĩa thì to mà khích lệ thì nhỏ. Nhuật bút chất xám quả là xám xịt, khâu phát hành gần như số không. Viện Âm nhạc hàng năm xuất bản dăm ba đầu sách, nhưng chỉ để xếp kho làm quà biếu dần, lại biếu không đúng người, người cần không có, người được tặng hai lần cùng một cuốn sách, khổ nhất là các đại biểu tỉnh xa phải tha về đống quà nặng tay mà không kinh tế.
Sách không được phổ cập, không đo được phản ứng xã hội, những tác giả cố thử nghiệm xã hội hóa lý luận phê bình âm nhạc cũng đến lúc nản chí và nguội dần lòng nhiệt tình với cái việc mất công sức, mất thời gian, thù lao èo uột, hiệu quả không thấy rõ. Mảng sách phê bình hiện hữu hay không cũng chẳng ai nhận thấy trong thời buổi văn hóa đọc xuống cấp và cái gì cũng bị quy theo sản phẩm thị trường.
Ta luôn chú trọng vai trò kịp thời của phê bình và ít để tâm đến hiệu quả từ vị trí theo sau. Phê bình cần khoảng cách thời gian, cần độ lùi cần thiết đủ tầm nhìn bao quát để đánh giá sự việc, hiện tượng, tác phẩm. Cho nên dù luôn đòi hỏi tính thời sự thì vẫn có những vấn đề gay cấn của hiện tại phải để lại cho thế hệ sau phán xét và đúc kết.
Còn một đặc điểm dễ thấy trong phê bình theo sau do ảnh hưởng của lối viết báo cáo thành tích, đó là tâm lý an toàn chỉ khen và tránh chê, chỉ bình và tránh phê.
3. Phê bình đi trước
Nếu phê bình đồng hành là thế mạnh của báo giới, phê bình theo sau nghiêng nhiều hơn về sở trường của giới lý luận âm nhạc, thì phê bình đi trước cần đến cả cái nhạy bén của nhà báo, cả sự sâu xa của nhà lý luận. Phê bình chỉ có thể đi trước khi đã làm tốt vai trò đồng hành và theo sau, để từ các vị trí đó rút ra những dự báo cho tương lai.
Đi trước là làm gì?
Với nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, con mắt tỉnh táo và có tầm nhìn xa của nhà phê bình rất hữu hiệu trong vai trò hoa tiêu để canh chừng phía trước, phát hiện, khích lệ cái hay hoặc nhắc nhở, cảnh báo cái chưa hay.
Với công chúng, những dẫn giải của các nhà lý luận âm nhạc khơi gợi cho người nghe cảm nhận dễ hơn, trọn vẹn hơn cái hay cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, nhất là nhạc không lời. Phê bình rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với tác phẩm, tạo chất keo kết nối giữa các mắt xích người viết – người diễn – người nghe.
Với nhà quản lý, còn có quân sư nào tốt hơn nhà phê bình biết dự đoán trên cơ sở chuyên môn, biết hiến kế để đi tới những việc làm thiết thực cụ thể thay vì cho ra những quyết định không thực tế hoặc những định hướng không hữu hiệu.
Dù khá nhiều cảnh báo trước mọi hiện tượng quá đà trong sinh hoạt âm nhạc, dù vẫn có những bài viết gợi mở cho công chúng tiếp cận với nghệ thuật khí nhạc còn khá xa lạ, cũng như những góp ý cụ thể cho người quản lý lĩnh vực âm nhạc, thì vị thế đi trước vẫn còn xa mới được như mong muốn.
Nhạc sĩ sáng tác luôn khó chịu với mấy anh chàng phê bình xăng xái cầm đèn chạy trước ô tô. Các ngôi sao ca nhạc chỉ để tâm đến những bài quảng cáo, lăng xê, đánh bóng hình ảnh mình. Công chúng khoái giải trí bằng chuyện đời tư người của công chúng hơn là bị dạy dỗ ba cái thứ nhạc hàn lâm xa vời. Người quản lý chỉ chợt nhớ đến cái anh lý luận âm nhạc khi cần chữa cháy vụ nào đó, đạo nhạc chẳng hạn. Đi trước dễ hóa thành kẻ thừa vô duyên như thế thì chẳng tội gì…
Nhìn lại thấy ta có đủ mặt phê bình đồng hành, theo sau và đi trước mà xét về hiệu quả thì cả ba đều ở tình trạng thiếu hụt. Lỗi thường quy cho đương sự – những ai dính dấp đến bình luận âm nhạc. Phê bình âm nhạc quá nghiệp dư, thiếu hiểu biết âm nhạc là tại mấy anh phóng viên, nhà báo, biên tập chuyên mục âm nhạc trên báo chí và các đài phát thanh truyền hình. Phê bình âm nhạc quá bất cập, chậm trễ, thiếu tính xã hội là lỗi mấy tay lý luận chuyên ngành quá cao ngạo, tự mình cách biệt với đời sống âm nhạc đại chúng.
Trách thì cứ trách, người bị trách có ra sức xoay xở thì kết quả vẫn chẳng được bao nhiêu nếu như không có môi trường thỏa đáng khuyến khích hoạt động phê bình ở mọi vị trí.
Rốt cuộc vẫn phải trông chờ vào nhà quản lý, người có vai trò quyết định trong việc tạo dựng diễn đàn rộng mở cho một nền phê bình âm nhạc đa năng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010
Tác giả : Nguyễn Thị Minh Châu
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo