Nhìn lại việc xử lý linh vật ngoại lai

Linh vật Nghê bày trước cổng Thế Miếu, Đại Nội, Huế

 

Trước năm 2014, cùng với sự mở cửa và hội nhập quốc tế, việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật của nước ngoài không theo bất kỳ một quy tắc, chuẩn mực nào. Nhiều nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông cũng đưa vấn đề sử dụng tràn làn hiện vật, linh vật ngoại lai theo mẫu của nước ngoài ở các di tích, công sở, nhà riêng lên các trang báo, mạng xã hội nhằm nhắc nhở, cảnh báo với người dùng và nhà sản xuất. Nhưng do công tác quản lý ở cơ sở phần nào bị buông lỏng, nhận thức của nhiều người phiến diện, thiếu hiểu biết về pháp luật, kiến thức về di sản, lịch sử, nghệ thuật cũng hạn chế nên việc chế tác, sử dụng, bày đặt các biểu tượng, linh vật không phù hợp với truyền thống Việt Nam ngày càng gia tăng. Bộ mặt di tích lịch sử văn hóa, đường phố, nhà dân… bị chiếm lĩnh bởi các biểu tượng, sản phẩm văn hóa không phù hợp. Đặc biệt, tại các địa phương, không ít di tích bị xâm hại nghiêm trọng, người dân tự ý thay đổi kết cấu, hiện vật cũ đã được công nhận, đưa vào các đồ thờ cúng, dựng kiến trúc tùy tiện, không tuân theo các trình tự thủ tục quy định trong Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của Nhà nước.

Trước thực này, ngày 8/8/2014, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Đây là văn bản nhắc nhở các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là về di sản nhằm thực thi các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các di tích đã được xếp hạng phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa; các cơ quan chuyên môn cần vận động, giải thích với các tầng lớp nhân dân về việc không sử dụng các sản phẩm văn hóa, biểu tượng văn hóa xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam làm biến dạng di tích, sai lệnh về tín ngưỡng của người Việt.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên tham quan xưởng chế tác sản phẩm thủ công tại Ninh Bình – Ảnh chụp năm 2018

 

Sau khi công văn được ban hành, Lãnh đạo Bộ VHTTDL cùng các cơ quan chức năng của Bộ, UBND các tỉnh/thành phố đã vào cuộc quyết liệt nhằm loại bỏ các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp ra khỏi di tích cũng như nơi công cộng. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động loại bỏ các biểu tượng, linh vật không phù hợp với văn hóa Việt ra khỏi di tích.

Mục tiêu ban đầu của Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL chủ yếu nhằm vận động người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng các sản phẩm văn hóa. Các sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, chủ yếu được dùng nhằm phục vụ tín ngưỡng và tôn giáo. Vì vậy, loại bỏ ngay là khó, đặc biệt các sản phẩm biểu tượng mới được cúng tiến vào di tích thường có mối liên hệ phức tạp. Đây là công việc cần kiên trì, chủ yếu là sử dụng công tác tuyên truyền, giải thích. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan truyền thông và các nhà nghiên cứu. Đặc biệt là sự vào cuộc của đội ngũ quản lý văn hóa ở các địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các biểu hiện phạm Luật Di sản văn hóa.

Song song với việc tuyên truyền vận động, công tác thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện. Các di tích đã được xếp hạng phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Di sản văn hóa, lộ trình di dời các đồ bày sai cần được đặt ra để địa phương và các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp xử lý. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đặt ra thời gian từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 8 năm 2015 nhắc nhở vận động các di tích tự di dời. Sau Rằm tháng 7 năm 2015 (sau thời gian Lễ Vu Lan), sẽ tiến hành xử lý nghiêm những di tích chưa di dời.

Thúc đẩy hơn nữa công tác giáo dục, quảng bá di sản mỹ thuật truyền thống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng sản phẩm, biểu tượng trang trí ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tràn lan là do một phần công tác giáo dục và quảng bá di sản nói riêng và lịch sử nói chung còn yếu. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đề ra phương hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xuất bản phẩm, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin về di sản văn hóa, đề cao giá trị di sản trong đời sống của người Việt.

Xây dựng văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý cho việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm văn hóa.

Thời hội nhập, xảy ra nhiều vấn đề còn bất cập phát sinh trong quá trình quản lý văn hóa cũng như di sản, vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực cần nâng cao vai trò của mình để đề xuất các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đặc biệt là các văn bản có tính pháp lý cao trong công tác quản lý để thực hiện. Như việc bày đặt tượng sư tử đá trước cơ quan, công sở nhà dân có tác động đến cộng đồng thì cần có văn bản quy định cụ thể về trường hợp này. Do chưa có quy định nên vấn đề bày đặt tượng sư tử hoặc các sản phẩm trang trí ảnh hưởng đến cộng đồng chưa có chế tài xử lý.

Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL được ban hành, các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL được triển khai đồng bộ nên có sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Chỉ sau 3 tháng (12/2014), đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, ý thức cộng đồng trong việc sử dụng sản phẩm văn hóa được đẩy mạnh… Sự kiện này được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông bầu chọn là Sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm 2014.

Từ năm 2014 đến năm 2017, những nội dung của Công văn số 2662 2662/BVHTTDL-MTNATL vẫn luôn được các cơ quan chức năng của ngành văn hóa thực hiện và có sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Tại cuộc sơ kết 3 năm thực hiện Công văn, ngày 20/12/2017 một số đơn vị của Bộ VHTTDL đã có những báo cáo đánh giá hết sức khả quan:

“Sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 của Bộ VHTTDL, đã có những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa. Hiện tượng cung tiến các hiện vật không phù hợp vào di tích và hiện tượng sử dụng các linh vật lạ là tượng sư tử đá ngoại lai đã không còn xảy ra trên phạm vi toàn quốc như trước đây. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng đã được nâng cao, tinh thần tự tôn dân tộc, bài trừ các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp thuần phong mỹ tục được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng.

Các cấp chính quyền, quản lý di tích đã có thêm những bài học kinh nghiệm thực tế sâu sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện việc rà soát, kiểm kê đồ vật thuộc di tích một cách khoa học, bài bản.” 

“Dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã tiếp nhận và đánh giá cao việc Bộ VHTTDL kịp thời ban hành Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL đã kịp thời chấn chỉnh việc các ban quản lý di tích ở địa phương tự ý tiếp nhận, đưa đồ vật lạ vào di tích.

Kể từ sau khi Bộ VHTTDL ban hành Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có công văn chỉ đạo các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong việc tiếp nhận đồ vật lạ; triển khai rà soát các biểu tượng lạ là sư tử và đèn đá hiện có trong toàn bộ hệ thống di tích trên địa bàn để thực hiện việc di dời.

Qua kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL tại các địa phương, Đoàn kiểm tra đã nắm bắt thực trạng tình hình đưa các đồ vật lạ vào di tích ở các địa phương; hầu hết việc tiếp nhận đồ vật là hoàn toàn tự phát, không có ý kiến của các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật” .

Cho đến nay, sau 7 năm (2014-2021), việc ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về vấn đề sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật của cộng đồng đã tạo ra những thay đổi đáng kể. Hiện tượng bày đặt không phép trong di tích đã được chặn đứng, các biểu tượng văn hóa không phù hợp đã được loại bỏ ra khỏi di tích và không gian công cộng. Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL đã có sức hút mạnh mẽ tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong việc tìm hiểu về văn hóa truyền thống, phương thức phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống. Bộ mặt di tích, không gian công cộng phần nào được thay đổi, ngày càng vắng bóng hình dáng các biểu tượng, linh vật bày đặt tràn làn. Mọi người đã có ý thức trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa, ý thức tìm hiểu về lịch sử, giá trị thẩm mỹ dân tộc và thế giới để phát huy giá trị phù hợp.

Nhà điêu khắc Nguyên Văn Vũ phục hồi linh vật Nghê Việt

Việc ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL cho thấy, công tác quản lý nhà nước không chỉ có mệnh lệnh hành chính, kèm theo nó là sự chỉ đạo, vào cuộc và giám sát mạnh mẽ của lãnh đạo, người làm công tác quản lý từ Trung ương tới địa phương. Không chỉ thực hiện công tác quản lý bằng các văn bản pháp luật mà cần có những biện pháp tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của cộng đồng. Thành công của việc ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL không chỉ là thành công của Bộ VHTTDL, của những người quản lý văn hóa ở các địa phương mà đó còn là sự thành công của truyền thông và cộng đồng trong việc giải quyết một vấn đề phức tạp liên quan tới tín ngưỡng và biểu tượng văn hóa. Hy vọng, hiệu quả của việc ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL là bài học hữu ích cho cách quản lý văn hóa, di sản trong thời gian tới.

 

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *