Phú Thọ – Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan


Ngày 8/12/2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả này là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực không biết mệt mỏi của tỉnh Phú Thọ trong việc cam kết bảo vệ di sản trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, khẳng định sức sống lâu bền và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên, một di sản từ bảo vệ khẩn cấp chuyển thành di sản đại diện mà UNESCO thực hiện.

Hát Xoan Phú Thọ là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá thuộc loại hình dân ca nghi lễ phong tục, là hát cửa đình (Ca môn đình), hội tụ nhiều yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa. Hát Xoan có lịch sử lâu đời từ thời Hùng Vương, hình thức sơ khai ban đầu dùng làm nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội của làng chạ để cầu trời đất ban cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy nhà, cuộc sống muôn dân no ấm. Các làn điệu Xoan cổ đều bắt nguồn từ làng chạ ở vùng bán sơn địa với địa hình đồi gò xen lẫn các tràn ruộng điển hình thuộc trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Nó ra đời cùng với tín ngưỡng cổ xưa của cư dân trồng lúa nước. Hát Xoan là sản phẩm tinh thần của nhân dân lao động vùng đất Tổ. Nội dung của các bài hát Xoan thể hiện đạo lý vua – tôi, nghĩa vợ chồng, đạo cha – con. Ngoài ra, còn thể hiện tâm tư tình cảm, ước vọng, sự nồng ấm về tinh thần đoàn kết cộng đồng, không phân biệt sang hèn, một bầu không khí rộn ràng đằm thắm trong những bài hát hội, đối đáp giao duyên giữa đào xoan và trai làng. Hát Xoan ra đời trên vùng đất cội nguồn dân tộc, nơi có rất nhiều lễ hội dân gian tổ chức vào mùa xuân, vì vậy nó có sức sống bền bỉ dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử.

Năm 2012, khi mới được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, số lượng nghệ nhân ở Phú Thọ rất ít, chỉ còn 7 người trong số các nghệ nhân 80 tuổi có khả năng truyền dạy. Vấn đề là làm sao tìm hướng đi tốt nhất, nhanh nhất để đưa hát Xoan thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp. Ngành VHTTDL Phú Thọ đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về việc bảo tồn và phát huy giá trị  di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp – hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2012-2015. Tiếp đó đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan giai đoạn 2012- 2015, đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong 4 năm (từ 2012 đến 2016) Phú Thọ đã nỗ lực mở nhiều lớp truyền dạy hát Xoan tới mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ trẻ thực hành di sản để sáng tạo, tiếp nối, duy trì di sản hát Xoan trong cuộc sống đương đại; xây dựng chương trình giáo dục giảng dạy hát Xoan phù hợp với từng cấp học trong hệ thống trường phổ thông, trường sư phạm và trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Cùng với việc chú ý tôn vinh các danh hiệu cao quý như Nghệ nhân dân gian Ưu tú, Nghệ nhân dân gian Nhân dân và khen thưởng các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong truyền dạy và phát huy giá trị di sản. Như vậy, chỉ sau một thời gian, Phú Thọ đã có 31 Nghệ nhân dân gian Ưu tú, 6 Nghệ nhân dân gian Nhân dân được tôn vinh, số lượng câu lạc bộ hát Xoan và số người biết hát Xoan, số lượng nghệ nhân trẻ tăng nhanh. Nhờ làm tốt các nội dung trên, hát Xoan đã có một diện mạo, một sức sống mới, nhất là sự lan tỏa ngày một sâu rộng trong cộng đồng. Từ chỗ không gian hát Xoan còn bó hẹp trong các cửa đình vào dịp lễ hội thì nay Phú Thọ đã có những cách làm sáng tạo, những giải pháp tích cực: Tổ chức phục dựng tục kết nước nghĩa các làng Xoan và các địa phương, đưa hát Xoan gắn với du lịch, tham gia các hội diễn, giao lưu văn hóa trong tỉnh, ngoài tỉnh, giao lưu quốc tế. Hát Xoan đã 2 lần được đi  biểu diễn giao lưu tại Thái Lan (năm 2005) và Hàn Quốc (năm 2014) được các nước rất hoan nghênh. Điều đó đã tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người được giao lưu, trình diễn, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Việc tu bổ các di tích liên quan đến hát Xoan dành được nhiều sự quan tâm của tỉnh, của ngành Văn hóa và sự ủng hộ của cả cộng đồng. Đặc biệt, di tích Miếu Lãi Lèn là di tích gốc, nơi phát tích của di sản hát Xoan đã được phục hồi trùng tu nâng cấp đưa vào sử dụng. Di tích này là nơi thờ tự, vừa là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, thực hành lại vừa là nơi trưng bày như một bảo tàng nhỏ về hát Xoan. Đây cũng  là địa điểm du lịch kết hợp với thưởng thức hát Xoan Phú Thọ cho khách trong nước và quốc tế. Toàn tỉnh đã có 94 câu lạc bộ hát Xoan ở các huyện, thị thành với trên 1.800 hội viên, đặc  biệt là thành phố Việt Trì nơi có nhiều  câu lạc bộ và các làng Xoan cổ đã tổ chức 95 chương trình giao lưu tại vườn hoa Công viên Văn Lang cho trên 5.000 đồng bào và du khách, trong đó có hàng trăm khách nước ngoài tham gia. Thực tế di sản hát Xoan đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến các di tích nơi cộng đồng tổ chức biểu diễn đặc biệt ở miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng… Chương trình Hát Xoan làng cổ đã trở thành thương hiệu của tỉnh Phú Thọ không chỉ trong dịp lễ hội Đền Hùng mà còn vào dịp cuối tuần. Các nghệ nhân nối tiếp nhau gìn giữ, truyền dạy phổ biến hát Xoan để loại hình này trở thành  bộ môn nghệ thuật dân gian hát múa phong phú đặc sắc với trình thức biểu diễn vừa chặt chẽ vừa cởi mở. Chặt chẽ trong chặng hát nghi lễ, cởi mở trong hát quả cách, hát giao duyên. Chính vì điều này nên hát Xoan được cộng đồng đón nhận như một nhu cầu tất yếu trong đời sống văn hóa và biến thành định lệ trong nghi thức hát thờ thần trong các không gian thờ cúng vua Hùng, Thành hoàng làng. Bảo tồn không gian văn hóa hát Xoan là một trong những giải pháp rất quan trọng để giữ gìn, phát huy giá trị di sản đã được tỉnh Phú Thọ thực hiện khá đồng bộ với tầm nhìn có tính chiến lược. Nó được thể hiện ở việc phục hồi các tập tục, không gian trình diễn hát Xoan tại cộng đồng, tạo nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đào tạo, truyền dạy mở rộng mạng lưới hạt nhân hát Xoan ở các địa phương thông qua các câu lạc bộ. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi 20 di tích gắn với hát Xoan, riêng các làng Xoan cổ 100 % di tích đã được phục hồi, tu sửa. Di sản hát Xoan được tích hợp giảng dạy đưa vào trường học, các câu lạc bộ hát dân ca. 100% trường học đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục phổ thông thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài phù hợp, nhiều trường đã mời nghệ nhân đến giảng dạy trực tiếp cho học sinh và giáo viên. Điều này đã góp phần tích cực để việc phổ biến hát Xoan duy trì một cách thường xuyên với chất lượng ngày một nâng cao. Nhiều năm qua các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phong trào văn nghệ quần chúng  phát triển mạnh. Ngay từ khu dân cư, tổ dân phố khi tổ chức giao lưu văn nghệ bao giờ cũng có hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Tiêu biểu có khu Lăng Cẩm, Thanh Xuân, Châu Phong phường Gia Cẩm; khu 4, khu 6 Phú Lộc huyện Phù Ninh; thị trấn Thanh Thuỷ, xứ đạo Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê, khu Đồng Sêng, Đá cạn (xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn)… Không gian văn hóa thực hành và bảo tồn hát Xoan tại các di tích được các địa phương rất chú ý tạo điều kiện để cộng đồng trình diễn hát Xoan thờ thần. Đặc biệt, tại 4 phường Xoan gốc là An Thái, Phù Đức, Thét, Kim Đái và đình Bảo Đà thuộc phường Dữu Lâu  thành phố Việt Trì ngoài việc trình diễn phục vụ nhu cầu cộng đồng còn chú trọng phục vụ du khách các tỉnh và khách quốc tế trong các tour du lịch. Đây đã trở thành các điểm tham quan cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá tìm hiểu về hát Xoan Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ còn nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe nhìn từ tư liệu của các nghệ nhân đưa trở lại cộng đồng để truyền dạy một cách bài bản, bảo đảm sắc thái riêng của mỗi phường Xoan, biên tập xuất bản sách, đĩa DVD phục vụ giảng dạy hát Xoan trong trường học và  phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Ngành VHTTDL tổ chức tập huấn cho các trùm phường Xoan, các cán bộ văn hóa cơ sở về nhận thức và năng lực nhận biết tính đa dạng, nghệ thuật biểu diễn mỗi phường  Xoan, biện pháp bảo vệ di sản hát Xoan theo hướng dẫn của UNESCO, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động của phường Xoan, các câu lạc bộ. 

Hát Xoan Phú Thọ từ lịch sử ra đời, tên gọi, nguồn gốc và quá trình thực hành đều gắn chặt với các truyền thuyết thời Hùng Vương. Lối trình diễn, sắp xếp các bài, các chặng hát đều tuân thủ theo nghi thức hát thờ các vua Hùng một cách thành kính. Các câu chúc tụng ca ngợi công đức Vua Hùng có trong nhiều quả cách xuyên suốt trong chặng hát thờ đến chặng hát hội. Hát Xoan hầu hết được trình diễn thực hành ở các di tích thờ cúng vua Hùng. Chính không gian diễn xướng đặc biệt này đã làm cho sức sống của hát Xoan trở nên bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.    

Hát Xoan khi xưa vốn chỉ vang vọng nơi sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền đất Tổ, lan rộng đến nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, vốn trước đây là làng kết nước nghĩa của một số phường Xoan Phú Thọ. Hát Xoan còn lan tỏa đến  cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ngoài dân ca đặc thù, người dân còn biểu diễn khá thành thục các làn điệu Xoan, điều này làm ngạc nhiên không chỉ du khách mà ngay cả người ở các huyện, thị thành của tỉnh Phú Thọ khi đến thăm các câu lạc bộ Xoan và dân ca ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn nơi có đa số đồng bào Mường, Dao cư trú.

Có thể nói, Phú Thọ đã đi đúng hướng khi quyết tâm đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp bằng nhiều biện pháp đồng bộ để hát Xoan lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Hát Xoan luôn gắn bó song hành với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ trong dịp lễ hội Đền Hùng mà còn cả hệ thống lễ hội truyền thống vùng  đất Tổ,  khơi dậy ý thức tự hào của mọi người dân sống trên vùng đất cội nguồn về di sản quý giá của cha ông để lại. Sức sống ngàn đời của hát Xoan càng được khẳng định rõ khi ta biết nâng niu, giữ gìn, biết khơi dậy giá trị di sản, biết dựa vào chính cộng đồng để làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa. Điều này đã lý giải một cách sinh động chỉ sau 5 năm hát Xoan Phú Thọ từ chỗ cần bảo vệ khẩn cấp đã vươn lên thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *