Mùa nho ở Pháp bắt đầu từ tháng 6 tới cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nếu có cơ hội đi xuyên đất nước hình lục giác này, chắc chắn sẽ thấy những cánh đồng nho bạt ngàn trải dọc từ bắc xuống nam. Nho chỉ thấp tới ngang người, thân nhỏ bằng cổ tay, lá xanh lục rung nhẹ trong gió. Cây này trồng sát cây kia, cứ thế trải dài khắp cánh đồng.
Nho được trồng ở nhiều vùng khác nhau, khi thì trong núi, lúc lại ở thung lũng hoặc đồi cao. Mỗi loại nho lại cho ra đời một loại rượu khác nhau. Chẳng hạn nho trong núi Savoie thường rất xanh, có vị chua nhưng khi làm thành rượu lại rất mát. Vì thế người dân bản địa thường nói thích uống rượu hơn uống nước. Rượu từ thung lũng Rhône có độ cồn cao và vị chát, có thể trộn lẫn với vị mơ, táo hay dâu tằm. Đôi khi rượu lại có mùi vỏ cây, vì thế, vị rượu sẽ đọng lại rất lâu trong lưỡi sau khi uống.
Dù rượu vang không hề đắt, nhưng để chọn một chai rượu ngon thì chẳng hề dễ dàng. Ngoài việc am hiểu địa lý các vùng rượu, người mua cần biết thêm về năm thu hoạch, thời tiết mưa nắng, hạn hán hay lũ lụt. Tất cả yếu tố đó sẽ quyết định đến mùi vị của rượu. Người Pháp không nói uống (boire) mà nói thưởng thức (desguster) rượu. Mỗi bữa ăn kiểu Pháp thường kéo dài vài giờ đồng hồ, giữa mỗi lần đổi món lại mở một chai rượu mới. Một bữa ăn đúng kiểu có khi cần đến bốn chai rượu: rượu hồng (rosé) khai vị với một chút thịt hun khói, một vài gói bánh quy, rượu trắng dùng với cá, rượu đỏ dùng với thịt, cuối cùng rượu vang có bọt (mousseux) dùng để nhâm nhi với bánh ga tô. Trước đó, chủ nhà thường mời khách một đĩa pho mát, thứ đặc sản không thể thiếu của người Pháp cùng với rượu đỏ. Thưởng thức rượu bên một bàn tiệc đầy thức ăn ngon, uống một ngụm rượu rồi từ từ cảm nhận chất men của nho lan tỏa khắp cơ thể, ấy là cái thú của người Pháp.
Vào ngày 16-11-2010, UNESCO chính thức đưa ẩm thực Pháp vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại. Có lẽ rượu vang đã góp một phần không nhỏ vào sự kiện văn hóa này. Người Pháp vô cùng tự hào về văn hóa rượu vang của mình. Chính vì thế, vào cuối mùa nho, khắp nơi trên đất nước gà trống Goloa đều tưng bừng tổ chức lễ hội hái nho (fete des vendanges).
Trước kia, sau một mùa thu hoạch, người dân ùa ra đường, đàn ông hay phụ nữ thường bôi vẽ lên mặt nhau, rồi cùng diễu hành trên đường, tay cầm cành nho hay ly rượu. Những thùng phuy cất rượu được chất lên xe đi dọc khắp thành phố, dân địa phương bám theo nhau chúc tụng, uống và uống… Tối đến, họ quây quần bên bàn tiệc khổng lồ, nhâm nhi đồ ăn cho tới khuya, họ ngấm lịm niềm vui để sẵn sàng cho một mùa trồng nho mới.
Ngày nay, lễ hội hái nho được tổ chức từ ba tới năm ngày với một chương trình định sẵn chứ không còn tự phát như trước. Những túp lều được dựng lên để đón tiếp người dân vào bàn thưởng thức rượu, đồ ăn kèm được bán tại lều bên. Đoàn diễu hành cũng đi theo một hành trình đã được vạch sẵn để tránh gây ùn tắc, có chương trình riêng dành cho người lớn và trẻ nhỏ. Dù không được nếm rượu, nhưng lũ trẻ vẫn ngạc nhiên đầy thích thú khi nhìn những chùm nho chín mọng được ép ra, trộn lẫn với các loại hoa quả khác rồi đóng dần vào chai. Ngày nay, lễ hội một phần thay đổi để đón khách du lịch trong và ngoài nước. Khách phương xa tới thăm những cánh đồng nho xanh ngát, được mời vào hầm của nhà sản xuất để thưởng thức rượu, được học cách nếm, cách ngửi, cách nhìn rượu để phân biệt rượu ngon, rượu dở. Khi tiếng kèn trống nổi lên, các đoàn diễu hành khoác trên mình những bộ trang phục làm việc từ thời xưa, đàn ông đeo tạp dề, phụ nữ mặc váy trùm, đầu đội mũ vành, mỗi đoàn cầm một lá cờ với hình vẽ biểu trưng cho vùng nho của mình. Đan xen với đoàn diễu hành, xuất hiện những chiếc xe ngựa kiểu cũ chở vài thùng rượu cùng hai ba chậu nho khổng lồ, một vài người đứng trên xe thoăn thoắt biểu diễn cảnh nấu rượu truyền thống, điệu nghệ và thành thục. Tối đến, giữa quảng trường lớn nhất của thành phố là bốn chùm đèn sáng rực rỡ của sân khấu ngoài trời với những điệu nhảy, tiếng vỗ tay, tiếng cười, nói hòa trong mùi rượu nho thơm lừng.
Dù cũ hay mới, truyền thống hay hiện đại, ở bất kỳ hình thức tổ chức nào, không khí của lễ hội hái nho với tiếng kèn trống, tiếng cười nói luôn đem lại niềm hứng khởi cho người tham gia. Giọt rượu mới rót ra dù vừa chạm đầu lưỡi cũng khiến người ta say… say trọn văn hóa, say trọn đam mê.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Nguyễn Họa My
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay