Nobel văn học nhìn lại từ lần hoãn thứ hai

     Nobel văn chương từng không được trao 7 lần trong đó, 6 lần do chiến tranh (1914, 1918, 1940 – 1943); và 1 lần năm 1935, do không có nhà văn nào xứng đáng. Và hoãn hai lần. Năm 1949, Nobel văn học bị hoãn đến 1950. Lý do: cây bút Mỹ William Faulkner (1897-1962) đáng được tôn vinh, nhưng năm 1949 chưa hội đủ phiếu bầu. Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan xét giải, quyết định tiếp tục các cuộc thảo luận. Các viện sĩ được tìm hiểu thêm, đánh giá cẩn thận giá trị của cây bút này. Không hề có vận động, chạy chọt hay gây sức ép. Năm sau, Faulkner được 13/18 phiếu và nhận giải 1949 cùng với Bertrand Russell (1872-1970), nhà bác học Anh lừng lẫy, nhận giải 1950.

     Nobel văn chương 1949 là một trường hợp cảm động. Là một nhân cách lớn, tự trọng cao, sống cô độc, W.Faulkner, khi được tôn vinh, biết rằng mình không được sống khép kín nữa, cần tỏ rõ trách nhiệm với công chúng, giao hòa rộng rãi với đời. Ông chấp nhận đến các trường đại học để thuyết trình với giới trẻ….Năm 2018, văn học thế giới sửng sốt, khi Viện hàn lâm Thụy Điển bất ngờ tuyên bố hoãn Nobel văn học. Hoãn vì Viện gần như tê liệt hẳn. Tê liệt vì 8 trong tổng 18 viện sĩ của Viện hoặc đã ngừng làm việc nhiều năm (2 người), hoặc buộc phải từ chức (6 người, trong đó có nữ thư ký thường trực vĩnh viễn đầu tiên Sara Danius, từ 2015). Oái oăm là Viện chỉ chính danh, nếu hội tụ ít nhất 12 vị và tư cách viện sĩ là suốt đời. Cơ sự khởi nguồn từ bê bối tình dục của Jean Claude Arnault, một người thân cận của Viện. Ông già người Pháp này, 71 tuổi, vốn làm nghề chụp ảnh. Y nên duyện vợ chồng với nữ nhà thơ viện sĩ Katarina Frostenson, là do hay vẽ minh họa sách cho bà. Y đã cùng vợ thành lập một trung tâm văn hóa và khôn khéo biến trung tâm này thành một địa chỉ gặp gỡ cao sang và hấp dẫn của tinh hoa văn hóa Stockholm và Thụy Điển. Y trở thành người nhà của Viện hàn lâm. Đến nỗi có người cho y là viện sĩ thứ 19. Ở đấy, chừng 20 nhân viên trẻ, chủ yếu là nữ, làm việc. Hai chục năm, y đã quấy rối, tấn công tình dục họ. Nhưng hầu như tất cả cam chịu, vì sợ mất việc, thậm chí mất sự nghiệp mơ ước. Cho tới cuối 2017. phong trào #MeToo bùng nổ. Trong 18 người tố cáo, hầu hết ẩn danh, chỉ một người kể lại tỉ mỉ việc cô 2 lần bị y cưỡng hiếp năm 2011. Tại tòa án, nạn nhân vắng mặt, chính lời kể đó được đưa ra tranh tụng. Y đã buộc phải nhận tội. Và bị kết án hai năm tù. Phiên tòa được hoan nghênh đặc biệt, có tiếng vang quốc tế. Từ chuyện tình dục của Jean Claude Arnault, nảy ra nghi vấn Viện hàn lâm Thụy Điển đã liên tục hỗ trợ tài chính cho trung tâm văn hóa của vợ chồng nữ thi sĩ – viện sĩ Katarina Frostenson. Việc này vi phạm chính nguyên tắc, do Viện đề ra, về đề phòng xung đột lợi ích trong nội bộ Viện. Tiếp theo là phát hiện rằng, từ 1996, đã 7 lần, Jean Claude Arnault có lẽ đã để lộ thông tin những buổi thảo luận “bí mật” của Viện, sau khi các viện sĩ đọc tác phẩm của năm cây bút vào “chung kết”; cuối cùng, họ bỏ phiếu kín để chọn Nobel văn học – theo nguyên tắc, năm mươi năm sau, mới được công bố. Sự liêm chính, nguyên lý hoạt động của Viện, cũng như của nhà nước Thụy Điển, vậy là đã bị vi phạm.

     Không liêm chính, nghĩa là không còn chính danh, không còn đủ tư cách, Viện hàn lâm công bố hoãn việc xét tặng Nobel văn chương năm nay – lúc đầu định cùng trao với giải 2019, nhưng mới đây, giám đốc Quỹ Nobel cho biết có thể hoãn lâu hơn, vì Viện hàn lâm vẫn chưa lấy lại tự tin như công chúng đòi hỏi. Cuộc khủng hoảng niềm tin ấy là vết nhơ khó rửa sạch không những của Viện, mà còn của cả nền văn hóa Thụy Điển. Nó làm hoen ố danh giá của một đất nước thành công bậc nhất trong xây dựng và phát triển, bảo đảm xã hội công bằng, nhân dân hạnh phúc. Dư luận không chỉ ở Thụy Điển bùng lên trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng vậy là Nobel văn chương đã bị khai tử. Một luồng cho rằng cơ quan xét tặng Nobel văn học có thể chết, văn học toàn cầu thì không bao giờ và Nobel văn học càng cần hơn bao giờ hết. Đây là ý tưởng của công dân Thụy Điển mang hai dòng máu Thụy Điển và Hy Lạp Alexandra Pascalidou, 48 tuổi. Bà là người năng động và đa tài, làm báo, viết sách, dẫn truyền hình, sản xuất các chương trình giải trí và phim ảnh, tức là phục vụ nhân dân hết sức của mình. Nổi tiếng là một “công dân thế giới”, bà dấn thân kiên định cho bình đẳng, dân chủ và đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Vậy nên, bà là kẻ thù của “Phong trào kháng chiến Bắc Âu”, tổ chức của những tên phát xít mới, thường xuyên đe dọa bà, khiến bà phải nhờ cảnh sát bảo vệ thường trực… Bà sửng sốt biết tin Viện trên hoãn giải Nobel văn học năm nay, liền tung lên mạng ý tưởng trao một Nobel văn chương (của công chúng) xứng tầm. Hàng chục người đáp lời là ủng hộ. Một cuộc họp được tổ chức ở Stockholm, Viện hàn lâm mới ra đời, như đã biết. Một trang mạng được thiết lập. Tiến trình của giải Nobel thay thế được Pascalidou cập nhật liên tục. Từ nhiều nơi trên toàn cầu, hơn 41.000 lượt tham gia bình chọn cho tứ kết của giải. “Tứ kết” này là Maryse Condé, công dân Pháp; Neil Gaiman, công dân Anh; Haruki Murakami, Nhật Bản – ông này đã lịch sự xin rút vì muốn tập trung cho sáng tác và không để truyền thông phải bận lòng và Kim Thúy, công dân Canada, gốc Việt. Trẻ nhất, ít tác phẩm nhất trong tứ kết, Kim Thúy tưởng công chúng chọn mình là do nhầm lẫn. Hoan nghênh sáng kiến dân chủ hóa và xã hội hóa Nobel văn học, cho nên uy tín tăng hơn nữa, Kim Thúy là người Việt đầu tiên đi vào Lịch sử Nobel. Hoạt động của Viện hàn lâm Thụy Điển mới – sẽ giải thể vào khoảng giữa tháng 12 năm 2018 – là một cơn sốt Nobel vô tiền khoáng hậu. Nó khởi nguồn từ tâm sự không phải không nhói lòng của Pascalidou: “Văn học phái sát cánh cùng dân chủ, mở cửa, đồng cảm và trọng thị”. “Trong thời đại mà các giá trị nhân bản càng ngày càng bị xáo trộn và vi phạm, văn học phải là đối trọng của áp bức và im lặng”.

     Ngày 12-10-2018, Viện hàn lâm Thụy Điển mới, gồm 107 thành viên, do nhà nữ xuất bản Thụy Điển Ann Palsson làm chủ tịch, đã công bố người trúng giải “Nobel văn học thay thế”, coi như Nobel văn học của 2018, nữ nhà văn Pháp da đen Maryse Condé, 81 tuổi. Bà này tỏ ý vui mừng và hạnh phúc, “xin được chia sẻ niềm vui lớn với gia đình, bạn hữu, nhất là với nhân dân Guadeloupe quê hương”, vì bà là người phát ngôn cho cộng đồng da màu không chỉ của nước Pháp mà của cả thế giới. Sau khi học hành đến nơi đến chốn, chủ yếu là văn chương và nghệ thuật, ở Paris, bà lăn mình vào hoạt động xã hội, đặc biệt là bênh vực và bảo vệ quyền của dân da màu, gợi nhớ thế giới nô lệ mà tàn dư nhức nhối vẫn còn dai dẳng, đồng thời say sưa viết văn, tiểu thuyết, kịch và chuyên luận, về châu Phi và thảm họa nô lệ… Viện hàn lâm Thụy Điển mới nêu lý do vinh danh bà: “Trong các tác phẩm của mình, bằng một ngôn ngữ chính xác, Maryse Condé đã miêu tả những tàn phá của chủ nghĩa thực dân và sự hỗn loạn mà chủ nghĩa này, khi bị xóa sổ, để lại cho xã hội”. Trong hơn 60 năm cầm bút, bà gặt hái nhiều thành tựu được ghi nhận qua nhiều giải thưởng. Ví dụ , giải của Viện hàn lâm Pháp, năm 1988, cho tiểu thuyết Cuộc đời tội đồ; năm 1999, giải Marguerite – Yuorcenar cho tiểu thuyết Trái tim để cười và để khóc; năm 2007, giải Chí tuyến của Viện Pháp về phát triển…Năm 2015, cùng Alain Mabamckou, bà được chọn vào chung kết giải Man Booker. Bà nhiều lần được đề cử cho Nobel văn học, nhưng lần này mới trúng, vinh quang xuất hiện tưởng chừng đột ngột nhưng thấu lý đạt tình.

     Việc công bố chủ nhân “Nobel văn chương thay thế” được tiến hành ở Thư viện Stockholm, chứ không phải ở trụ sở quen thuộc của Viện hàn lâm Thụy Điển. Giải được trao vào ngày 9-12, hôm trước ngày các giải Nobel y học, hóa học, kinh tế… được vua Thụy Điển đích thân trao – tức ngày 10 cùng tháng, ngày mất của Alfred Nobel và sau đó là bữa tiệc Nobel thịnh soạn. Đáng chú ý, bà Maryse Condé sẽ được tặng số tiền bằng khoảng một phần mười số tiền của Nobel chính thức, (1 triệu couronne Thụy Điển, tương đương 97.000 euros). Số tiền này là do cá nhân và tố chức ủng hộ Nobel “bổ khuyết” góp vào. Công chúng văn chương, không chỉ của Thụy Điển, phấn khởi với việc vinh danh có phần kỳ lạ. Báo chí và truyền thông thế giới cũng đang bình luận nhiều về sự kiện hy hữu. Đa phần ý kiến cho rằng đây là một cuộc cách mạng quý báu trong giải Nobel văn học. Bản chất của nó là xã hội hóa giải thưởng uy tín nhất và được đón đợi nhất. Cuộc dân chủ hóa khởi đầu từ tâm niệm: công chúng là thượng đế và chủ thể… Không thể chấp nhận để độc giả đông đảo là nạn nhân của bê bối của Viện hàn lâm Thụy Điển, như Kim Thúy thổ lộ! Chưa thấy Viện hàn lâm Thụy Điển có ý kiền gì. Giải Nobel “bổ khuyết” có được Viện thừa nhận không ? Song rõ ràng Viện phải suy nghĩ về sự xuất hiện và tác động của nó. Phải chăng nó thúc đẩy việc ngăn chặn nạn lợi dụng văn hóa nói chung và văn chương nói riêng, chuyện tưởng chừng khó xảy ra ở xứ sở của những tôn vinh được ngưỡng mộ nhất toàn cầu.

     Ngày 6 -10, ông Anders Olsson, thư ký vĩnh viễn tạm quyền của Viện hàn lâm Thụy Điển, thông báo rằng Viện vừa có thêm 2 viện sĩ mới. Đó là Eric Runesson, làm việc ở tòa án tối cao và Jila Mossaed, nữ văn sĩ 70 tuổi, gốc Iran, đến sống ở đây từ 1986, viết bằng cả tiếng mẹ đẻ, lẫn tiếng Tổ quốc thứ hai của bà. Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf, người bảo trợ Viện, ra thông cáo rằng như vậy Viện đã có những thay đổi nhất định, các viện sĩ có thể được từ nhiệm, được thay thế khi còn sống, rằng Viện đang dần lấy lại niềm tin và hoạt động bình thường trở lại…

     Quy chế xét giải có thay đổi? Chưa biết. Lâu nay vẫn là, mùa thu hằng năm, Viện hàn lâm gửi thư tới khoảng 700 địa chỉ ở Thụy Điển và thế giới, đề nghị các cá nhân và hội đoàn văn học và ngôn ngữ uy tín đề cử các tên tuổi cho Nobel văn học. Đầu tháng 1 năm sau, chốt lại khoảng 350 người. Tham khảo các chuyên gia để giữ lại chừng 20. Rồi tiếp tục sàng lọc, đến đầu tháng 5, chọn 5 người vào chung kết. Từ đó, các viện sỹ đọc tác phẩm của các cây bút này, Viện tổ chức những cuộc trao đổi nội bộ. Đầu tháng 10, toàn Viện bỏ phiếu kín, cây bút nào đạt quá bán sẽ được đội vương miện Nobel. Trong 50 năm, những việc đó được giữ bí mật. Quy chế như vậy xem chừng là khoa học và hoàn hảo. Nhưng ít năm nay, thông tin đã bị rò rỉ. Cho các trang mạng cá cược làm tiền…Nobel văn học “bổ khuyết” vô tình làm sống dậy bao kỷ niệm vui buồn hơn 100 năm của giải. Ví dụ, sau Nobel, lượng sách bán được của Modiano tăng gấp bội, của Mạc Ngôn tăng 33 lần…Nếu Nobel thay thế cho thấy văn học phải là thày của mọi người thày, trọng tài của mọi trọng tài, thì Nobel văn chương còn lâu mới là Chúa. Bernad Shaw (1856-1950), nhà viết kịch Anh hàng đầu thế giới, đã không đến Thụy Điển nhận Nobel 1925, dù đồng bào cả nước hân hoan coi đó là vinh quang chung của nước mình. Năm 1969, công dân Ireland Samuel Beckett (1903-1989) ra điều kiện với Viện hàn lâm Thụy Điển: chỉ nhận giải, nếu không phải đến dự lễ… Năm 1964, văn hào kiêm nhà triết học Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) thẳng thừng từ chối giải. Bởi ông coi nhà văn phải hoàn toàn tự do độc lập. Một chân giáo sư, một phần thưởng của chính phủ Pháp, hay ngay vinh quang tột đỉnh, như Nobel, cũng khiến ông mất tự do, điều kiện tiên quyết của thành công sáng tạo. Ông tâm niệm rằng một nghệ sĩ hay một học giả chỉ nên được sủng ái khi họ qua đời…Một trong những Nobel văn học buồn nhất là B.Pasternak (1890-1960). Ông được tặng giải 1950, nhưng buộc phải từ chối, e gia đình sẽ chịu những điều chẳng lành, thế nhưng vẫn bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Xô viết…

     Một vấn đề nổi cộm của Nobel văn chương là nó công kênh quá đà một số nhân vật không phải là người viết chuyên nghiệp (và do đó bất công với không ít khổng lồ trên văn đàn nhân loại). Đấy ví như nhà sử học Đức T. Mommsen (1817-1903) – Nobel văn học 1902; nhà triết học Pháp Henri Bergson (1859-1941) – giải 1927; Thủ tướng Anh W.Churchill (1874-1965) – giải 1953 -; ca sỹ Mỹ Bob Dylan, sinh năm 1941- giải 2016. Các hồ sơ lần lượt mở, cho thấy, những tác giả trên đều dấn thân thực sự và chất văn trong tác phẩm của họ là đáng gờm. Không thể chối cãi, không hẳn cứ là nhà văn chuyên nghiệp, chất văn đã ngồn ngộn. Những L.Tolstoi, E.Zola, A.Tchekhov hay H.James bị Viện hàn lâm Thụy Điển thời ấy đánh giá là bi quan.

     Điều nữa, Viện này tuân thủ đường lối trung lập của đất nước mình. Viện không thích những cây bút gần gũi với các lãnh tụ hay chống Do Thái chẳng hạn. Viện ưa hơn những cây bút lưu vong hay đi đày biệt xứ. Những Maxim Gorki, George Louis Borge, Louis Ferdinand Céline không được xét tặng, trong khi những A.Soljenitsyne, P.Neruda, Cao Hành Kiện được tung hô ngất trời. Các viện sỹ của Nobel cũng là người, cho nên cũng có hời hợt hay cảm tính… Không có gì tuyệt đối trên thế gian này.

     Sau cùng, Nobel “bổ khuyết” đang khiến mọi người thương nhớ hơn bao giờ hết là A.Nobel (1833-1896), nhà trí thức đúng nghĩa, nhà bác học tầm cỡ nhất thế giới. Chưa hiểu vì sao ông không chủ trương vinh danh các nhà toán học. Hiện nay, số tiền cho mỗi giải Nobel là lớn nhất thế giới, gần 1 triệu USD. Riêng Nobel văn học, ông viết trong di chúc rằng giải này “trao tặng một nhà văn có những đóng góp lớn lao cho loài người, nhờ một tác phẩm văn chương tỏ rõ khả năng giúp nhân dân thực hiện một lý tưởng hùng mạnh”. Mấu chốt là ở “lý tưởng hùng mạnh”: nhà văn hãy chiến đấu cho những gì tốt đẹp mà nhân dân khao khát, bảo vệ những giá trị nhân văn cao cả, sáng tác cần khơi gợi niềm vui sống, tin tưởng vào con người, khích lệ ý chí làm người…. Đòi hỏi của A. Nobel – nhà văn phải dấn thân, tác phẩm phải tích cực – thực ra là rất chuẩn, nhưng không dễ thực hiện. Trên văn đàn nhân loại, có lẽ chưa mấy cây bút vươn tới tầm thánh thiện không thể thiếu như thế.

 

Tác giả: Triệu Thanh Đàm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *