1. Internet of Things
IoT (Internet of Things) là một mạng lưới gồm các đối tượng có khả năng kết nối internet và tác động qua lại giữa các dịch vụ web. IoT không chỉ là các máy giao tiếp với nhau mà còn bao gồm khả năng thay đổi hoàn toàn thế giới, cả trong cuộc sống và cách chúng ta cảm nhận trong thực tế.
Hội đồng một nhóm chuyên gia cố vấn Internet of Things định nghĩa rằng: “Một thế giới – nơi mà mọi thứ có thể được tiếp cận bằng cả tín hiệu tương tự (analogue) và số (digital) – đó là cách chúng ta trình bày mối quan hệ giữa các đối tượng – cũng như các đối tượng với chính nó. Bất kỳ đối tượng nào mang thẻ RFID sẽ có liên quan đến không chỉ bạn mà còn đến các đối tượng khác, các quan hệ và các giá trị trong một cơ sở dữ liệu. Trong thế giới này, bạn không còn lẻ loi, dù ở bất kỳ nơi nào” (1). Ngoài công nghệ RFID (Radio-frequency identification), IoT còn có thể sử dụng cảm biến hay smartphone.
Một quan điểm khác lại cho rằng, “IoT về cơ bản là sự kết nối của các đối tượng với internet. Trong một nghĩa rộng hơn, đây là sự ảo hóa, là một xu hướng công nghệ hiện đại, với mục tiêu thu thập dữ liệu từ những đối tượng chúng ta quan tâm và chuyển đổi chúng thành dạng có thể xử lý trên máy tính, mang lại những giá trị mới. Điều này sẽ tạo ra danh tính cụ thể cho các vật dụng hằng ngày, liên kết hay tương tác chúng với nhau” (2). Đây là cái nhìn tổng quan về IoT – internet kết nối vạn vật.
2. Cơ hội IoT trong giáo dục nhằm phát triển năng lực sáng tạo cho sinh viên
Trong giáo dục, với tiêu chí “lấy người học làm trung tâm”, việc ứng dụng IoT trong giáo dục giúp giảng viên và sinh viên tương tác tích cực hơn trong quá trình học tập. Sinh viên không chỉ thụ động nghe giảng một chiều mà giờ đây, những bài giảng của giảng viên sẽ được kết nối với phương tiện như: video, hình ảnh minh họa, tài liệu bổ sung thông qua kết nối internet. IoT tạo ra trải nghiệm để thúc đẩy hứng thú của người học, không chỉ kết hợp giữa lí thuyết và thực tế, họ còn tập trung hơn vào chương trình giảng dạy phong phú của giảng viên.
Bên cạnh đó, ứng dụng IoT đã tạo ra bước ngoặt, những bài giảng trong sách giáo khoa dần dần thay đổi với những bài giảng điện tử, sách giáo khoa đồ họa 3D, những trò chơi giáo dục phát huy sức sáng tạo của sinh viên đã thay đổi cách thức dạy và học truyền thống, khiến sinh viên say mê và hứng thú với bài học. Mặt khác, với lớp học thông minh, sinh viên sử dụng điện thoại di động thông minh, máy tính bảng để kết nối với các bài giảng điện tử, tìm kiếm, chia sẻ kiến thức, tài liệu trực tuyến thông qua công cụ như Google Apps. Mặt khác, các công cụ quản lý lớp học, khóa học như Google Classroom sẽ giúp giảng viên quản lý việc học, giao bài tập cho sinh viên thuận lợi hơn.
Thiết bị di động và máy tính bảng được sử dụng rộng rãi trong các trường học. Sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận với những bài giảng điện tử, những phần kiến thức mở rộng với vô vàn những tính năng được tích hợp. Sinh viên bằng trực quan vẫn nhìn thấy các sự vật của thế giới thực cùng những thông tin kỹ thuật số tương ứng kèm theo. Sách điện tử với nguồn dữ liệu sách phong phú cho phép sinh viên đọc, tìm hiểu kiến thức bất cứ thời gian nào. Sách điện tử di động với kho tài liệu về sách, những bài tập về nhà, các tệp dữ liệu liên quan… sẽ khiến sinh viên hào hứng học hơn.
Công nghệ tiên tiến giúp sinh viên học những điều mới mẻ bằng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy. Các công cụ như Google Apps cho phép giảng viên và sinh viên chia sẻ tài liệu trực tuyến. Các công cụ quản lý khóa học như Google Classroom giúp giảng viên tổ chức nguồn lực hiệu quả hơn.
Xu hướng IoT hiện nay đòi hỏi một thế hệ sinh viên có năng lực sáng tạo và tư duy, dù là sinh viên trong môi trường đại học, sinh viên cần thiết phải có khả năng làm việc độc lập, có tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học đã tận dụng những ưu thế của IoT dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Ngoài thời gian nghe giảng trên lớp, sinh viên về nhà có thể tham gia vào phòng học ảo với thày giáo ảo, thư viện ảo. Bài tập sinh viên chia sẻ nhanh chóng và lưu trữ an toàn trên đám mây như Google Documents… để bổ trợ thêm kiến thức, rèn luyện khả năng làm việc nhóm, tìm hiểu thông tin về yêu cầu của thị trường lao động, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao như: điểu khiển thiết bị thông minh bằng tia hồng ngoại, hệ thống chăm sóc cây tự động,…
Với sự phát triển của IoT, các sinh viên được học trong môi trường mở và thoáng, do đó, có cơ hội dễ tiếp cận với nguồn kiến thức đa dạng, toàn cầu, tạo ra sự kết nối không chỉ giữa sinh viên với nhau, sinh viên với người thày mà còn giữa các trường đại học với nhau, tạo ra một hệ sinh thái học tập phát triển toàn diện.
Hiện nay, thực tế ảo VR và thực tế ảo tăng cường AR là công cụ hữu hiệu giúp sinh viên nâng cao hiệu quả học tập như việc VR sử dụng thiết bị mô phỏng để tác động lên các giác quan như: thị giác, thính giác, xúc giác, nhằm đưa sinh viên vào không gian ảo. AR với sự kết hợp giữa thế giới thực và thông tin ảo thông qua các thiết bị như kính thông minh hay điện thoại thông minh giúp sinh viên trải nghiệm và mở rộng kiến thức ngày càng nhiều hơn.
3. Một số giải pháp nhằm phát triển năng lực sáng tạo cho sinh viên trong xu hướng IoT
Một là, trường đại học cần có giải pháp để cải thiện chỉ số giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực thông qua việc nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên, đặc biệt kỹ năng làm việc, kỹ năng tiếng Anh để có thể tận dụng được cơ hội do IoT mang lại. Tăng số lượng lớp học trực tuyến và tài liệu học tập được số hóa nhằm cung cấp tri thức cho sinh viên. Mỗi sinh viên trong kế hoạch học tập từng kỳ, từng năm học cần được cung cấp tài liệu, tư vấn, vạch định kế hoạch học. Vì vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ cho thư viện của nhà trường là rất cần thiết.
Hai là, phát triển năng lực sáng tạo cho sinh viên cần có kế hoạch cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp để từ đó, các em thấy mình thiếu gì, cần học gì để tự học, tự bồi dưỡng, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và vị trí việc làm của doanh nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái kết nối mạng cho sinh viên giúp sinh viên nghiên cứu và triển khai hoàn thiện các ý tưởng với tư duy IoT ra thị trường nhanh nhất. Bên cạnh đó, đào tạo liên kết với doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp “đỡ đầu” cho các nhóm start-up phù hợp ngay từ khi một sản phẩm IoT đó được nhen nhóm, doanh nghiệp sẽ thẩm định và đánh giá tính khả thi của ý để hỗ trợ sinh viên thực hiện ý tưởng thành công.
Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy và môi trường học tập truyền thống. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ như máy tính bảng, điện thoại thông minh và phần mềm quản lý lớp học, sách điện tử, màn hình tương tác thông minh thì giảng viên và sinh viên có thể gặp gỡ trong lớp học và cũng có thể gặp trực tuyến. Sinh viên có thể làm việc cùng nhau, trao đổi trực tiếp với thày hay trao đổi trực tuyến về kiến thức, giảm tải về sách vở. Vì vậy, cần xây dựng các mô hình lớp học tương tác chú trọng việc tương tác hai chiều giữa giảng viên và sinh viên là rất cần thiết, khuyến khích các nhóm học ngồi quây quần với nhau để cùng trao đổi và giảng viên cũng không ngại di chuyển để tiếp cận từng học viên một cách dễ dàng hơn. Hiện nay, với mô hình giảng đường thông minh của Samsung gồm hai phần – phần cứng là giảng đường tương tác với thiết bị hiện đại; phần nội dung gồm xây dựng bài giảng bằng phần mềm chuyên dụng cần được triển khai rộng rãi tới tất cả các môn học.
Giảng viên yêu cầu sinh viên truy cập kho tài liệu học lớn được lưu trữ trên kho tài liệu cá nhân qua các công cụ lưu trữ như Google Drive hay tải trực tiếp từ các kho tài liệu của thư viện trường để nâng cao hiệu quả học tập và phát huy năng lực sáng tạo cho sinh viên. Sinh viên cần tích cực học tập theo nhóm (team-based learning) với mục đích nâng cao khả năng tương tác, phát huy năng lực sáng tạo, khả năng làm việc tập thể của từng sinh viên. Vì vậy, trong bối cảnh của IoT, sinh viên cần tích cực giải quyết vấn đề, có tư duy độc lập và thích nghi nhanh chóng để phát huy năng lực sáng tạo của mình thay vì cách học thuộc, nhớ máy móc. Các hình thức học tập đa dạng như tương tác, học bằng dự án, E-learning trong mô hình giảng đường thông minh sẽ không truyền thụ kiến thức một chiều, thay vào đó là sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học, nhằm nâng cao tính tương tác để phát triển tư duy của người học.
Bốn là, đào tạo sinh viên chuẩn đầu ra ở trường đại học phải đủ kiến thức cùng các năng lực (thực hành nghề nghiệp, thực hiện kiểm tra đánh giá, thích ứng và đương đầu với thách thức nghề nghiệp), mục đích để tránh tình trạng học lệch, chỉ học lý thuyết mà không chịu rèn luyện kỹ năng cũng như thái độ làm việc. Mặt khác, đào tạo phải lôi cuốn sinh viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
______________
1. pcworld.com.vn.
2. baomoi.com.
Tác giả: Trần Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay