Việc giải phóng phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng xã hội. Việc phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là tất yếu của lịch sử phát triển con người và xã hội. Phụ nữ dân tộc thiểu số, ở đây là phụ nữ dân tộc Sán Dìu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nếu được tạo cơ hội để tham gia vào các lớp tập huấn, hội nghị thì nhận thức và kinh nghiệm của họ cũng được nâng cao. Điều này góp phần tích cực vào sự thay đổi quyền quyết định của phụ nữ trong các công việc của gia đình cũng như trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
1. Đặt vấn đề
Dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam có 146.821 người, chiếm tỷ lệ 0.17% dân số toàn quốc (85.846.997 người). Thái Nguyên là tỉnh có đông người Sán Dìu nhất ở nước ta (30,06%). Năm 2009, với 44.134 người (3,92%) họ đứng ở vị trí thứ 4 trong các dân tộc của tỉnh và có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thái Nguyên. Người Sán Dìu phân bố chủ yếu ở vùng bán sơn địa, đông nhất là huyện Đồng Hỷ (40,8%), tiếp đến là: Phổ Yên (21,8%), Phú Lương (12,2%), thành phố Thái Nguyên (9,2%) và ít nhất là huyện Định Hóa (0,09%) (1).
Để nghiên cứu về vai trò của phụ nữ dân tộc Sán Dìu trong kiểm soát các nguồn lực kinh tế của hộ gia đình tại tỉnh Thái Nguyên, tác giả đã tiến hành điều tra 480 mẫu đại diện là phụ nữ và nam giới Sán Dìu tham gia vào hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, theo giới tính có 41,5% nam và 58,5% nữ; theo nhóm tuổi có 10% từ 18 đến 25 tuổi, 69,6% từ 26 – 35 tuổi, 10% từ 36 – 45 tuổi và 10,4% từ 46 đến 60 tuổi; theo trình độ học vấn có 4,3% mù chữ, 32,4% tiểu học, 38,6% trung học cơ sở, 23,8% phổ thông trung học và 1,0% là trung cấp và cao đẳng, không có đại học và trên đại học; theo mức sống có 34,7% thu nhập dưới hoặc bằng 2 triệu đồng/tháng, 43,3% từ 2 – 3 triệu đồng, 21,9 % thu nhập trên 3 triệu đồng. Đồng thời, tác giả phỏng vấn 20 trường hợp bao gồm 10 nữ giới và 10 nam giới để thu thập những ý kiến đánh giá về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình hiện nay; đối chứng, so sánh và đánh giá những suy nghĩ, định kiến giới trong vấn đề lao động phát triển kinh tế, cách nhìn nhận và quan điểm của họ để có cái nhìn toàn diện về vai trò của phụ nữ trong hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình hiện nay.
Phụ nữ Sán Dìu chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động nội trợ cho gia đình và dần dần thể hiện được vai trò của mình trong các hoạt động sản xuất mang lại thu nhập cho gia đình thông qua khả năng đóng góp ngày càng nhiều vào nguồn thu nhập chung cho cả gia đình. Trong lý thuyết về khung phân tích giới, tiếp cận và kiểm soát nguồn lực là một trong 8 công cụ phân tích giới. Nguồn lực sản xuất của hộ nông dân có nhiều, song có thể kể đến các yếu tố cơ bản như kiểm soát nguồn lực đất đai, nguồn lực vốn (tín dụng), nguồn lực thời gian (2). Ở phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến 2 nguồn lực chính đó là nguồn lực vốn (tín dụng), nguồn lực thời gian.
2. Khả năng kiểm soát vốn (tín dụng) của phụ nữ Sán Dìu trong phát triển kinh tế hộ gia đình
Kiểm soát về vốn là yếu tố quan trọng trong các nguồn lực để phát triển sản xuất ở nông thôn. Thu nhập hàng năm của các hộ nhìn chung mới chỉ đủ giúp họ tái sản xuất giản đơn mà chưa có tiết kiệm hoặc tích lũy được vốn. Vì vậy hiện nay vốn thực sự là nhu cầu bức xúc của người nông dân giúp họ mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình và xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là ở các nhóm phụ nữ kinh doanh buôn bán, họ rất cần vốn để đầu tư cho việc mua sản phẩm vào để bán ở tất cả các thời điểm trong năm. Mặt khác các mặt hàng bán lẻ trên thị trường thường tăng cao, vốn hạn hẹp là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ khó tái sản xuất mặt hàng cung ứng ra thị trường để bán.
Đối với nhóm phụ nữ làm nông nghiệp, nguồn vốn cũng rất quan trọng, nhưng nguồn vốn chỉ cần sử dụng vào những mùa vụ chính trong năm mà lại không dàn trải ra cả năm như các hộ có phụ nữ làm kinh doanh buôn bán, tức là chỉ tập trung vào hai mùa vụ chính trong sản xuất là vụ hè thu và đông xuân bởi đây là hai mùa vụ cần tới nhiều vốn để mở rộng sản xuất. Nguồn vốn mà họ cần chủ yếu là để mua phân bón, thuốc trừ sâu, cây con giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu để phục vụ trong quá trình tái sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, nhu cầu được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh tế hộ của người dân nơi đây là rất cao chiếm 72,1%; phụ nữ Sán Dìu mong muốn được vay vốn để đầu tư vào sản xuất rất lớn, nhưng chính họ lại khó được tiếp cận với vốn vay như nam giới trong cộng đồng và nếu được vay vốn từ hội phụ nữ thì nguồn vốn rất ít ỏi, lãi suất cao và vòng vốn ngắn hạn nên hạn chế hiệu quả sử dụng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong kết quả thảo luận nhóm tập trung các hộ gia đình đã có ý kiến về nhu cầu vay vốn và sự hạn chế trong việc vay vốn. Đa số các hộ vay vốn với mục đích chủ yếu là để làm vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu là dùng để chăn nuôi. Một số hộ khác dùng để mua công cụ sản xuất và vay tiền cho con đi học xa nhà. Đây đều là những mục đích chính đáng, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu để có được một cuộc sống tốt hơn. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng là một yếu tố quan trọng trong sản xuất. Đa phần các hộ đều vay từ ngân hàng, một bộ phận vay từ các tổ chức, đoàn thể ở xã như Hội phụ nữ, Hội nông dân… không cần tài sản thế chấp nhưng được vay với số vốn nhỏ hơn và phải theo từng đợt. Vì vậy mà số hộ vay ngân hàng khá cao. Ngoài ra, nhiều hộ cũng vay mượn từ họ hàng, bạn bè. Đây là nguồn tín dụng không chính thống, hầu hết đều dựa vào sự quen biết và tin tưởng nhau.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của chị em còn gặp nhiều khó khăn, làm cản trở khả năng tiếp cận nguồn lực, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vậy muốn tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình thì không thể tính đến những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ nông thôn nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, sự bất bình đẳng trong thu nhập cũng dẫn tới sự bất bình đẳng về mức sống, về chi tiêu cũng như về khả năng vay vốn để phục hồi sinh kế hay trang trải sinh hoạt cho các hộ gia đình tại địa phương. Bên cạnh những khó khăn trong thủ tục vay vốn, trong các quyết định vay vốn, phụ nữ dân tộc ở nông thôn còn gặp khó khăn về kiến thức sử dụng những khoản vay vốn lớn, đầu tư sản xuất sao cho hiệu quả. Vì vậy, trong thực tế, vì thiếu kiến thức kinh doanh, kiến thức quản lý kỹ thuật nên phụ nữ nông thôn chỉ dám vay những khoản vay nhỏ để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ để tăng thu nhập gia đình. Còn lại rất hiếm phụ nữ vay những khoản vay lớn để đầu tư phát triển trang trại, mở rộng kinh doanh để làm giàu, đầu tư vào sản xuất phi nông nghiệp. Do đó, khi xem xét khả năng tiếp cận và kiểm soát nguồn lực của phụ nữ Sán Dìu, ngoài việc xem xét cơ hội tiếp cận các tài sản quan trọng trong gia đình như nguồn vốn và đất đai còn phải quan tâm đến khả năng của phụ nữ trong việc tiếp cận các tổ chức đoàn thể cộng đồng tại địa phương và phân tích việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng mới thấy được vai trò của họ được thể hiện ra sao? Theo quan niệm truyền thống của người Sán Dìu, việc đối ngoại hay khách khứa, thăm viếng và đặc biệt là việc làng, việc nước là việc của cánh đàn ông (3). Nói cách khác, việc đại diện cho gia đình trong các quan hệ xã hội là việc của nam giới. Những công việc trong cộng đồng nam giới thường dành nhiều thời gian hơn như họp xóm, họp xã, đám cưới, đám ma… vì quan niệm người đàn ông là người chủ gia đình và có vai trò quan trọng hơn trong bàn bạc, tham gia các quyết định của địa phương như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế…
3. Khả năng kiểm soát nguồn lực thời gian của phụ nữ Sán Dìu trong phát triển kinh tế hộ gia đình
Thời gian luôn là nguồn lực quan trọng đặc biệt là đối với phụ nữ. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian và các hoạt động của vợ, chồng cho thấy người phụ nữ Sán Dìu không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Chính vì thời gian hiếm hoi như vậy cho nên người phụ nữ khó có thể tiếp cận được với một số nguồn thông tin trong cộng đồng, thông qua hội họp, tập huấn, nhất là khi các cuộc họp được tổ chức vào lúc chị em không thể bỏ công việc nhà để tham gia.
Thời gian nghỉ ngơi trong ngày của phụ nữ không có nhiều (có 330 người trả lời thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ Sán Dìu là 1-2h/ ngày chiếm 68,7%), bởi vậy họ cũng có rất ít cơ hội để tiếp cận với các nguồn thông tin cần thiết để từ các buổi tập huấn để áp dụng vào trong sản xuất, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đóng góp của phụ nữ trong hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình.
Về công việc gia đình như nấu cơm, chăm sóc con cái, giặt giũ quần áo… có sự khác biệt rõ ràng giữa nam và nữ. Qua phỏng vấn cho thấy trung bình phụ nữ làm công việc nội trợ 4,5 giờ/ngày và nam giới làm công việc nội trợ trung bình 1,4 giờ/ngày. Qua phỏng vấn cho thấy ở những gia đình khá giả nam giới có xu hướng chia sẻ công việc nội trợ với phụ nữ nhiều hơn (1,9 giờ/ngày) hai nhóm gia đình còn lại (nhóm hộ nghèo: 1,1 giờ/ngày, nhóm hộ trung bình: 1,4 giờ/ngày). Để làm công việc nội trợ phụ nữ thường phải dậy sáng sớm để chuẩn bị cơm nước cho cả gia đình, nấu cám, cho lợn, gà ăn, chăm sóc con cái… tới tận đêm mới được đi ngủ. Việc nam giới chia sẻ công việc gia đình giúp chị em dành nhiều thời gian vào công việc sản xuất, thăm bà con, nghỉ ngơi cũng như tăng cường sức khỏe. Chính gánh nặng công việc làm cho thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ hầu như không có hoặc rất ít. Với thời gian nghỉ ngơi ít phụ nữ không đủ để hồi phục sức khỏe, điều đó hạn chế họ tham gia vào việc ra quyết định ở cấp cộng đồng. Ngoài ra gánh nặng công việc tác động rất lớn đến khả năng chăm sóc con cái của phụ nữ. Như vậy gánh nặng công việc làm giảm cơ hội nâng cao năng lực của phụ nữ và ảnh hưởng đến tương lai con cái sau này, hạn chế hiệu quả công việc cũng như giảm khoảng cách giới. Giảm bớt gánh nặng về thời gian làm việc cho phụ nữ Sán Dìu là một bước quan trọng để tạo thêm cơ hội kinh tế cho phụ nữ, sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng và phát triển bản thân.
4. Kết luận
Việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực qua phân tích từ góc độ giới cho thấy sự đa dạng và khác biệt giữa các cộng đồng khác nhau, đặc biệt đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, ở đây là người Sán Dìu. Chẳng hạn, nguồn lực sản xuất như đất đai, trang thiết bị lao động, công cụ, tín dụng… phụ nữ đều bị hạn chế tiếp cận và kiểm soát so với nam giới. Sở hữu đất đai trong gia đình đều có ưu thế nghiêng về nam giới, vì thế họ được quyền quyết định trong việc vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Đa số nam giới đứng tên trên giấy chứng nhận chủ quyền sở hữu đất đai, đã có một số ít phụ nữ được đứng tên nhưng nhóm này chỉ rơi vào những hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ vì chồng mất hay đi làm ăn xa… Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, phụ nữ càng được tạo cơ hội để tham gia vào các lớp tập huấn, hội nghị, nhận thức và kinh nghiệm của họ cũng được nâng cao. Điều này góp phần tích cực vào sự thay đổi quyền quyết định của phụ nữ trong các công việc của gia đình. Có thể nói, có mối quan hệ giữa việc tham gia vào sản xuất với việc gia tăng quyền lực của người phụ nữ trong gia đình. Bên cạnh đó, việc tạo ra thu nhập góp phần nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc ra quyết định trong gia đình. Vai trò kép của phụ nữ ở nông thôn đặc biệt phụ nữ Sán Dìu đó là gánh nặng mang thai, sinh nở, nuôi con nhỏ và chăm sóc cả gia đình trong khi họ vẫn phải tham gia lao động, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và kiếm sống nuôi gia đình. Người phụ nữ bị mắc kẹt giữa vai trò sản xuất và vai trò tái sản xuất trong gia đình. Ở đây có mối liên hệ giữa việc tiếp cận nguồn lực với việc thể hiện vai trò sản xuất của phụ nữ. Phụ nữ càng được tiếp cận với các nguồn lực trong gia đình thì càng thể hiện được vai trò sản xuất tốt hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, phụ nữ Sán Dìu khi tham gia vào các lớp tập huấn, tham gia vào các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương sẽ tiếp thu được những kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn, phát huy vai trò sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình. Phụ nữ không được tạo điều kiện nắm giữ những nguồn lực quan trọng trong gia đình sẽ ngày càng bị phụ thuộc vào chồng, càng không thể hiện được vai trò trong các hoạt động sản xuất. Phụ nữ được nắm giữ những nguồn lực quan trọng sẽ thể hiện quyền quyết định những công việc quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Như vậy, các hoạt động can thiệp nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cần xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động nâng cao nhận thức cho phụ nữ và các chương trình xóa đói giảm nghèo do phụ nữ phụ trách, cần chú trọng thay đổi niềm tin và quan niệm của nam giới và cộng đồng nhiều hơn (ví dụ nâng cao nhận thức về giá trị của việc nhà). Mặt khác chiến lược tăng quyền cho phụ nữ cần đi liền với những điều tra đánh giá ở từng cộng đồng xem các thực hành nào được coi trọng, những hoạt động nào phụ nữ đang bị giới hạn tham gia để từ đó có những hoạt động can thiệp căn bản và gốc rễ. Vai trò và vị thế của nữ giới và nam giới rất đa dạng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng nhóm cộng đồng và từng bối cảnh xã hội. Cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự xuất hiện của ngày càng nhiều các chính sách phát triển, sự thay đổi về đời sống kinh tế và các mối quan hệ giới đang diễn ra hàng ngày ở các địa phương. Sự đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc của văn hóa Việt Nam là sự kết hợp sinh động của văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có sự đóng góp to lớn phụ nữ, những người lưu giữ văn hóa truyền thống và bắt nhịp cuộc sống hiện đại bằng những cách thức riêng của họ.
______________
1. Chu Thái Sơn, Dân tộc Sán Dìu, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2011.
2. Vũ Tuấn Huy, Một số vấn đề giới trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế: Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh, 2011.
3. Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh, Nghiên cứu gia đình và giới thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017
Tác giả : NGUYỄN ĐỖ HƯƠNG GIANG
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội