Quy tắc ứng xử trong dân ca đám cưới của người tày

Lễ cưới của người Tày là dịp thử tài ứng xử qua thơ văn, thể hiện sự trân trọng của nhà trai đối với nhà gái. Khi nhà trai đón được cô dâu, họ phải trải qua nhiều thử thách khác nhau. Những cuộc so tài, thử trí bằng dân ca trong đám cưới người Tày ở Văn Yên, Yên Bái vừa mang tính sinh hoạt, vừa là hình thức nghi lễ, được diễn ra theo trình tự thời gian, từ khi đoàn nhà trai đặt chân tới nhà gái thực hành nghi thức cưới xin đến lúc kết thúc xin phép đón dâu về. Tất cả các nghi thức cưới được diễn ra song hành, lồng kết cùng các bài hát dân ca hay còn gọi là dân ca đám cưới.

1. Quy tắc ứng xử trong gia đình, dòng tộc

Trong cuộc sống hàng ngày, con người có biết bao mối quan hệ, cách ứng xử. Qua cách ứng xử, trình độ văn hóa của mỗi người sẽ được thể hiện. Ai cũng có cha mẹ nên sự kính trọng cha mẹ luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Đối với người Tày, một trong những nội dung quan trọng, chi phối toàn bộ cuộc hát trong đám cưới chính là việc thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, đấng sinh thành của đôi uyên ương. Có được ngày hôm nay, công lao đầu tiên, sâu sắc nhất thuộc về ông bà, cha mẹ. Ngày cưới là thời điểm thích hợp nhất để con cái hướng về tình cảm thiêng liêng ấy. Những gì đã qua, đang có và sẽ mãi được bồi đắp như một sức mạnh tinh thần, nâng đỡ những người con trên bước đường đời. Không giống với quan niệm của người Kinh dâu con rể khách, người Tày quan niệm thân tre như thân mai, con rể như con đẻ. Con dâu, con rể đều là con trong gia đình, được đối xử như con đẻ. Các bài hát chỉ ra trách nhiệm của con đẻ đối với bố mẹ, con dâu đối với bố mẹ chồng, con rể đối với bố mẹ vợ.

Người Tày quan niệm tục chăng dây hoa trước ngõ tượng trưng cho những khó khăn, cực nhọc mà cha mẹ cô dâu đã trải qua nuôi dạy cô nên người. Nhà trai (con rể) phải biết điều đó để không phụ lòng cha mẹ. Hiểu rõ đạo nghĩa đó, nhà trai không dừng ở việc cố gắng vượt qua những thử thách mà còn công phu chuẩn bị gánh lễ, đồ lễ tươm tất để sang nhà cô dâu báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục, báo hiếu mẹ cha. Việc họ lựa chọn giống trúc chẻ lạt, đan đôi sọt đựng đồ, đòn gánh là cây bồ đề bóc vỏ, người gánh những vải hoa lụa bạc tiền, lễ vật cúng tổ tiên đã nói lên sự công phu, tinh tế, thể hiện tấm chân tình của nhà trai. Lễ vật đem đến dâng lên nhà gái đủ đầy, biểu hiện cho việc khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cô dâu.

Nghi lễ con rể dâng lằm khấu, trầu mời mẹ cô dâu xuất phát từ việc trân trọng, đề cao người phụ nữ trong quan niệm của người Tày. Theo nhà nghiên cứu dân gian Vi Hồng, hát quan làng ra đời xuất phát từ việc đề cao người phụ nữ. Dưới chế độ cũ, người phụ nữ không được đối xử bình đẳng với nam giới, không được hưởng tài sản, đi học. Tuy nhiên, họ vẫn được chồng, con tôn trọng, vì người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình. Tình cảm trân trọng, biết ơn của con rể đối với phụ mẫu dưỡng sinh còn được thể hiện qua nghi lễ bái lạy, kính rượu cha mẹ với những lời lẽ chân thành: “Giờ xin lễ cha mẹ sinh thành/ Dẫu có cả bác, anh, cô, chú/ Lúc nhỏ được dạy dỗ cưu mang/ Giờ đây lễ đền công trả nghĩa/ Lễ cha mẹ mong để dài lâu/ Con giờ con trong nhà/ Cháu giờ cháu xuân họ/ Đời trước vua Bàn Cổ phân chia/ Hiệu Sào mới truyền về thiên hạ/ Cha mẹ gọi là dạ là vâng/ Mới được ở bình yên tốt đẹp/ Công nuôi con bao xiết hàn cơ/ Mưa nắng người lại lo đau ốm/ Thuở nuôi con mấy bận ăn ngon/ Giờ con đã lớn khôn bằng bạn/ Cha mẹ mừng gả gán cho con/ Cha mẹ hãy ngồi đây rể lễ, người ơi!”. Qua những bài thơ slắng, pả mẻ muốn khuyên cô dâu hãy biết ứng xử phải đạo với bố mẹ, gia đình làng xóm nhà chồng, biết lo toan, thu vén mọi việc trong nhà, để “người khen cô dâu thông thái, tiếng đồn khắp bắc tây đông”. Hoặc những lời phù dâu căn dặn cô dâu trước khi chia tay đầy ý nghĩa: “Khách đến nhà trầu nước ra mời/ Làm cơm nước thết người xa đến/ Thế mới phải con người hiểu biết/ Ăn ở luôn giữ nết thảo hiền”.

Nhưng không dừng ở đạo làm con, dân ca đám cưới cũng khuyên cha mẹ chồng nên có cách ứng xử hợp lý với con dâu. “Em tôi” còn trẻ người non dạ, nhiều điều lạ lẫm, hãy nhẹ nhàng dạy bảo để đôi bên gia đình được yên tâm, vui vẻ: “Em tôi còn niên thiếu chưa thông/ Phàm phu chưa học đường phép tắc/ Cái gì chưa biết hãy bảo ban/ Bố mẹ khôn con cái được nhờ… Hai bên được vui mừng an vị”.

Trong thời kỳ hiện đại, bố mẹ cũng nên khuyên bảo, tạo điều kiện cho con dâu được tham gia, hoàn thành tốt công tác xã hội. Pả mẻ tâm sự: “Đừng hãm giữ ở nhà một chỗ/ Khi tập thể giao cho việc chung/ Ông bà cùng thêm mừng, đẹp ý”. Dân ca đám cưới của người Tày đã thể hiện một cách sâu sắc, tiến bộ về những nguyên tắc ứng xử trong mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ. Đây chính là những bài học quý báu về đạo lý làm con sẽ theo cô dâu, chú rể đến hết cuộc đời.

Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, xã hội muốn tốt đẹp, phát triển bền vững thì phải có nhiều gia đình hạnh phúc. Muốn đạt được điều đó thì vợ chồng là người quyết định nhất. Vợ chồng khi đã yêu thương, quan tâm, chia sẻ thì sẽ vượt qua và làm được tất cả. Vì thế, từ thời cổ xưa, ông bà đã dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa cả đời không khê”. Những bài hát dân ca đám cưới của người Tày cũng đặc biệt chú ý tới sự hòa thuận, thủy chung trong đạo nghĩa vợ chồng.

Pả mẻ căn dặn vợ chồng là đôi bạn tri ân, tri kỷ, luôn có nhau trong mọi hoàn cảnh, phải biết bảo ban nhau làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình: “Vợ chồng hòa thuận/ No ấm suốt đời” hay dặn chú rể biết che chở cho vợ. Hai người phải thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau để trong ấm, ngoài êm, mới phải đạo nết vợ chồng: “Vợ chồng là ăn nói thuận nhau/ Vợ có nhỡ nặng câu chồng nhịn/ Chồng có chửi vợ nín lặng thinh”.

Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt. Hơn ai hết, người phụ nữ phải có cách cư xử khéo léo, tế nhị để gìn giữ hạnh phúc. Pả mẻ căn dặn cô dâu: “Ngộ chồng mắng nhịn đi đôi chút/ Giả vờ mình bẽn lẽn làm lành”. Hai vợ chồng phải sống thủy chung, son sắt, vun đắp hạnh phúc trăm năm: “Vun đắp chữ thủy chung lâu dài/ Ăn ở đừng có lời họ nói/ Đừng làm cá trôi suối, lìa sông/ Đừng làm hoa chưa nở đã rụng”. Ý thức rõ về đạo nghĩa vợ chồng, thanh niên nam nữ đã gửi gắm lời dặn dò qua lời chúc cô dâu chú rể: “Chúc dâu rể hai bạn trăm năm/ Hạnh phúc cộng giàu sang mãi mãi/ Mọi công việc nhỏ, to chẳng ngại/ Hai vợ chồng người lo, người đắp”. Gia đình là tế bào, hạt nhân tạo nên nền tảng xã hội, mỗi thành viên trong gia đình biết ứng xử phải đạo sẽ tạo ra được sự êm ấm, hòa thuận. Các bài hát dân ca đám cưới đã trực tiếp khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ, gián tiếp rút ra bài học sâu sắc về đạo nghĩa vợ chồng.

Người xưa dạy rằng: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Một trong những bài học đi theo ta trong suốt cuộc đời chính là bài học về kính trọng tổ tông, họ hàng. Người Tày quan niệm thứ nhất phải có tổ tiên, thứ nhì phải có họ hàng. Trong tâm thức của họ, tổ tiên là đấng anh linh, một lực lượng siêu nhiên, có khả năng thông tam giới, xua đi cái xấu, đem đến mọi điều tốt đẹp cho con cháu. Vì thế, hình ảnh tiên tổ linh thiêng được trân trọng mời về chứng kiến hôn nhân, đón nhận con rể, con dâu xuất hiện khá nhiều trong các lời hát đám cưới. Đặc biệt là trong bài hát Mời tổ: “Tôi mời đến ông tổ gia tiên/ Tổ phù hộ bình yên khang thái/ Cho cháu con giờ đã lớn khôn… Mời tổ tiên xuống nơi nhận lễ/ Để con dâu kính lên”. Bài hát nhằm mời tổ tiên ông bà, ông vải về nhận lễ vật, phù hộ cho con cháu: “Sinh con được khôn ngoan/ Sinh cháu làm nên thày/ Cho cha mẹ trông cậy về sau”.

Ngoài sự biết ơn sâu sắc với nguồn cội tiên tổ, đồng bào còn cần trân trọng tình cảm hiện hữu, coi trọng người cùng dòng họ. Mỗi dòng họ thường sống quây quần trong một bản. Họ vừa là hàng xóm, vừa là anh em, bạn bè với nhau. Vì thế, tình cảm của mỗi họ tộc chặt chẽ, thân thiết. Những cụm từ như: xuân họ, họ hàng… vang lên nhiều lần trong đám cưới. Qua đó khẳng định vai trò, ý nghĩa của tình cảm tông chi họ hàng. Người Tày luôn tự hào rằng “rễ cây ngắn, rễ người dài”. Ý nói tình người rộng rãi, sâu xa, người có nhiều họ hàng là hay. Nghi lễ bái lạy họ hàng, nhận họ (nội, ngoại) được tiến hành trang trọng, thu hút sự chú ý của mọi người.

“Sông có nguồn, cây có cội”; “Con chim có tổ, con người có tông”, đó là đạo lý mà người Tày luôn trân trọng, giữ gìn. Người Tày đã nói một cách rất triết lý và thuyết phục rằng: “Có gốc mới có ngọn nảy mầm/ Có già mới có trẻ kế tông/ Hôn hỷ cũng nhớ đến tổ tiên”. Rõ ràng, sự kính trọng đối với tổ tiên và tình cảm họ hàng luôn được người Tày quan tâm chú ý. Hôn lễ là dịp để họ củng cố, vun đắp tình cảm, giáo dục cháu con luôn gìn giữ, trân trọng những tình cảm đó.

2. Quy tắc ứng xử trong cộng đồng

Khi một gia đình có công việc lớn, phường bạn là một thành viên không thể thiếu. Họ không quản đường xa, việc nhà, trẻ nhỏ… để tới giúp đỡ, góp vui với gia chủ. Đám cưới là dịp gặp nhau đông đủ, như bướm ong hội nhụy đồng hoa, để giao lưu, bày tỏ tình cảm của những tri kỷ. Họ gặp nhau vui vẻ, quên hết mọi khó khăn, gian lao cuộc sống. Theo tư liệu của nhà văn hóa dân gian Tày – Hoàng Quyết, trong các mối quan hệ của người Tày, có một tổ chức gọi là phường bạn trong một cộng đồng làng bản. Đây là tổ chức của những người cùng có con trai sắp lấy vợ, con gái sắp gả chồng, tự nguyện lập ra có mục đích duy nhất là để giúp nhau luân phiên trong việc góp sức người, cơ sở vật chất cho đám cưới. Hãy nghe lời hát của quan làng, ta sẽ cảm nhận rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của mối quan hệ này: “Bạn phường bạn đồng tâm tri kỷ/ Như bướm ong hội nhụy đầy hoa/ Hôm nay đến gặp nhau vui quá/ Mọi người đều hớn hở tươi cười/ Hãy ngồi lâu cùng chơi uống rượu”. Như vậy, bên cạnh các quy tắc ứng xử trong gia đình, dòng tộc thì quy tắc ứng xử trong xã hội mà tiêu biểu là ứng xử với phường bạn là một nét văn hóa mang ý nghĩa riêng.

Cha ông xưa, đã nhắc nhở về cách đối xử với bà con hàng xóm: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Mối quan hệ láng giềng, hàng xóm là mối quan hệ sống còn ở mọi thời đại. Vì họ là những người thân cận “tối lửa tắt đèn có nhau”, cùng chia sẻ những ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống. Người Tày ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái coi chuyện hôn nhân của một gia đình cũng là niềm vui chung của cả thôn bản, làng quê. Khi đoàn nhà trai mới xuất hiện, nhà gái đã thốt lên: “Thấy xe hoa kéo về như hội/ Mới nom thấy rực rỡ tựa tiên/ Người gồng gánh có duyên tươi rói”. Qua lời hát của quan làng, khách từ xa tới, chúng ta cũng thấy được bức tranh sinh hoạt đầy ấn tượng, mang đậm màu sắc vùng cao: “Hôm nay tiệc cưới vui mừng/ Cả bản dưới trên về hội/ Người đến trước nhóm bếp bắc nồi/ Trai gái rủ nhau đi gánh nước/ Người ở nhà sắp xếp mâm bàn/ Nấu nướng thành món ăn mọi thứ”. Không khí đám cưới nô nức, nhộn nhịp, tiếng cười nói, tiếng hát cứ vang lên, ngân xa hòa quyện trong khói bếp, vươn tỏa từng ngõ xóm. Sau mỗi dịp như vậy, tình cảm cộng đồng càng thêm cố kết, bền chặt hơn.

Những nguyên tắc ứng xử giàu tính nhân văn, thiết thực với cuộc sống đã trở thành yếu tố quyết định sự hình thành thuần phong mỹ tục ngàn năm của đồng bào Tày. Đạo lý, lối sống của người Tày được phản ánh sinh động trong các bài dân ca đám cưới. Đây không phải là những bài học đạo lý khô khan, sáo rỗng mà thể hiện tinh tế những cách ứng xử của đồng bào. Chính vì lẽ đó, các bài hát dân ca đám cưới được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mang theo cả một kho tàng tri thức, văn hóa của cộng đồng người Tày.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : TRƯƠNG KIM THUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *