Sự phụng thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp


Hằng năm, tới ngày 26 đến 28 – 10 âm lịch, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ là người có công dạy học, tuyên truyền lòng yêu nước thương dân, xem mạch ra toa bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo trong những năm chống Pháp. Để tỏ lòng biết ơn, người dân Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ vào ngày mất của cụ. Lễ giỗ cụ trước đây do làng Hòa An (thành phố Cao Lãnh) đứng ra tổ chức, nay phát triển thành lễ hội cấp tỉnh, có giá trị trong toàn khu vực và cả nước, mang đậm nét văn hóa dân gian vùng đồng bằng sông nước.

     1. Nhân vật phụng thờ

     Cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929) còn có tên gọi là Nguyễn Sinh Huy, sinh tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha mẹ mất sớm, cụ sống với người anh cùng cha khác mẹ, sau đó về làm con nuôi cụ Tú Hoàng Đường ở làng Hoàng Trúc (làng chùa, Kim Liên), được cụ Tú thương yêu và gả con gái cho (bà Hoàng Thị Loan). Năm 1894, cụ đỗ cử nhân, năm 1901, đỗ phó bảng nhưng không ra làm quan, mà ở nhà làm nghề dạy học và nghiên cứu tân thư, kết bạn tâm giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh… Năm 1906, cụ ra nhận chức Hành tẩu bộ lễ. Năm 1909, cụ được đưa vào Bình Khê (Bình Định) nhận chức tri huyện. Vốn có lòng yêu nước thương dân, ghét cường hào ác bá, cụ từ quan đi vào vùng đất mới phương Nam gieo mầm cách mạng. Cả cuộc đời cụ đã mang hết tài năng, đức độ cứu nước, cứu dân. Được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Đến cuối tháng 11 – 1929, cụ lâm trọng bệnh và qua đời, được đồng bào Hòa An, Cao Lãnh chôn cất tự tế bên chùa Hòa Long. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kiến tạo lại phần mộ cụ to đẹp hơn, được Bộ VHTTDL công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

     2. Diễn trình lễ hội

     Phần lễ      

     Từ sáng sớm ngày 26-10 âm lịch, tại Khu lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có đoàn múa lân đang rộn ràng với những vũ điệu nhảy múa, trống chiêng vang rền chào đón khách. Phía trong chánh điện, ban lễ nghi, đội học trò lễ đang sửa soạn hoàn tất, chuẩn bị cho giờ chánh tế. Các phẩm vật chuẩn bị tại phòng bên trong đền gồm hoa quả đủ loại như: nho, cam, bòng, quýt, lê, mãng cầu, thanh long, táo, nhãn, bưởi, mận, năm cặp bánh chưng, bánh cốm, hai chai rượu, hai gói lạp xưởng và năm bó nhang cùng mâm bánh trấp… Phía trong bàn thờ cụ có sắp xếp các lẵng hoa do nhiều cơ quan thăm viếng. Đến 7h30, phía ngoài sân đền, bốn cảnh sát mang đồng phục trắng dâng hai tràng hoa đi từ đền thờ sang mộ cụ. Phía mộ, đã có một đội lân và cờ lỏng đứng quanh mộ để đón khách. Sau lượt dâng tràng hoa và thắp hương viếng mộ cụ rồi quay về tới đền, Ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và đọc lễ dâng hoa, dâng phẩm vật, dâng hương.

     Phần hội

     Lễ hội tổ chức nhiều chương trình như: ca múa nhạc và biểu diễn trích đoạn cải lương về chủ đề Đảng, Bác Hồ, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp; biểu diễn lân, sư tử, rồng; liên hoan đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp; tổ chức tuyên truyền đoạn video quảng bá hình ảnh Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; chiếu phim về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác Hồ, phim ca nhạc, phim hoạt hình thiếu nhi, tiểu phẩm hài; xếp sách nghệ thuật, chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta… Để thực hiện chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, có nhiều loại sách đã được lựa chọn phù hợp với chủ đề xếp thành hai mô hình nhà sàn và bến Nhà Rồng. Nhân dịp lễ giỗ của cụ Nguyễn Sinh sắc – vị thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư viện muốn gợi lại cho khách đến thăm viếng những ký ức tốt đẹp của danh nhân lịch sử dân tộc. Hoạt động mô hình thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi có không gian khoảng 200m2 với nhiều hoạt động xuyên suốt: triển lãm 1.000 bản sách về quê hương đất nước con người và sách thiếu nhi; hoạt động đọc sách, trò chơi trí tuệ (rút gỗ, cờ vua, cờ tướng, ô quan, xếp hình); dịch vụ sản phẩm khéo tay, tô tượng, tô màu tranh vẽ, tranh cát; thi đọc sách chủ đề Em yêu sử Việt; hội thi chung kết thiếu nhi vẽ tranh theo sách…; triển lãm ảnh Một số hình ảnh về việc học hành, thi cử thời phong kiến. Bộ sưu tập hiện vật trưng bày gồm: Tranh trẻ con đi học – tranh ký họa của Oger, Một lớp học ngày xưa, Tráp thầy đồ, Sách Tam Thiên Tự – sách học chữ Nho vỡ lòng của học trò ngày xưa…; triển lãm sưu tập ảnh, tài liệu về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân

     Triển lãm một số gian hàng sản phẩm các nghề truyền thống địa phương: lợp tép (được công nhận làng nghề truyền thống cấp tỉnh cách đây khoảng 20 năm); nơm, gọng đứng, gọng nằm, gióng gánh, xuồng Cần Thơ, rế để nồi, rổ, bình hoa, giỏ hoa. Gian hàng sản phẩm chiếu và hướng dẫn cách làm chiếu cho du khách tham quan. Gian hàng thủ công mỹ nghệ (mây, tre, đan) gồm các sản phẩm giỏ làm bằng lá bàng, giỏ làm từ cây lục bình. Ngoài ra còn có các loại sọt làm bằng nguyên liệu mây, tre và dây nhựa.

     Tổ chức con đường nghệ thuật dài khoảng 300m, rộng khoảng 2m. Hai bên đường trưng bày những bức hình nghệ thuật do tập thể sinh viên mỹ thuật Trường Đại học Đồng Tháp thực hiện được chuẩn bị một cách công phu và chu đáo từ nhiều ngày trước. Bên cạnh đó, trong các ngày diễn ra lễ hội, các bạn sinh viên còn tổ chức viết thư pháp, vẽ hình chân dung nghệ thuật cho du khách tới viếng lễ và tham quan.

     Triển lãm về du lịch Đồng Tháp với các món hàng được trưng bày như: hạt sen tươi, rượu Hồng Sen Tửu, trà tim sen, mứt chuối phồng, gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa, bánh phồng tôm Sa Giang, hủ tiếu Sa Đéc, các loại mắm của huyện Cao Lãnh (mắm cá linh, mắm cá chốt, cá sặc, cá lóc, dưa mắm…), mật ong Đồng Tháp Mười…

     Tổ chức hội thi chọi chim, chọi gà nghệ thuật, có trên 100 lồng chim dự thi. Các nghệ nhân chơi chim đến từ nhiều tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ như Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang và nhiều nhất là từ các huyện thị trong tỉnh Đồng Tháp. Đây là một hội thi mang tính nghệ thuật cao, nhiều sự vui nhộn, tạo nên không khí náo nhiệt, đầy hấp dẫn cho lễ hội… Tổ chức Hội thi biểu diễn các bài thể dục dưỡng sinh của các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh trong tỉnh Đồng Tháp….

     Bên cạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, lễ hội còn tổ chức hội thi làm các loại bánh dân gian từ bột Sa Đéc. Tổ chức phiên chợ quê và mua bán ẩm thực các món ăn truyền thống. Nhìn chung, các món ăn chủ yếu là các sản phẩm mang tính đặc trưng của quê hương Đồng Tháp.                  

     3. Bàn luận

     Về tính chất và thời gian tổ chức lễ giỗ: lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc được thực hiện từ ngày 25, 26, 27-10 âm lịch vào đúng ngày mất của cụ. Đồng thời, theo tục lễ nông nghiệp truyền thống, thì đây là khoảng thời gian trùng với lễ Thượng điền – thu hoạch. Sau vụ mùa thu hoạch, người dân có thời gian rảnh rỗi tới viếng cụ, tham dự lễ hội, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, vui chơi để chuẩn bị tinh thần cho một vụ mùa mới.

      Về phần lễ: qua phỏng vấn những người phục vụ cho nghi thức cúng tế, đội nhạc lễ được thuê mướn từ đạo Cao Đài tại Thánh thất Cao Lãnh. Bản nhạc phục vụ cho suốt buổi lễ là bài Hạ trong suốt các đợt lễ dâng hoa, dâng phẩm vật và dâng hương. Đội học trò lễ gồm 10 nữ, được thuê mướn từ đạo Cao Đài huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Đội học trò lễ chỉ thực hiện dâng một tuần phẩm vật là xong. Qua quan sát, tham dự cho thấy, các ban bệ khi thực hành nghi lễ chưa có sự kết hợp đồng bộ, các nghi tiết, nghi thức còn đơn giản, chưa thực sự tạo nên một cảm giác thiêng liêng. Để thực hiện phần nghi thức, nghi lễ này được tốt hơn, thiết nghĩ, cần có kế hoạch xây dựng một ban nghi thức nghi lễ gồm học trò lễ (có lễ xướng), ban nhạc lễ, các bài văn tế và tập luyện một cách bài bản theo các nghi thức cúng tế thần, nhằm phục vụ cho lễ giỗ cụ nói riêng cũng như các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung.

     Về phần hội: lễ giỗ hầu như thiên về phần hội là chính. Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp chủ trì nên nếu du khách đến viếng cụ vào ngày giỗ sẽ được thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền Tây Nam Bộ.

     Về công tác tổ chức: UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lễ giỗ, phân công công việc một cách cụ thể tới các cơ quan ban ngành trong tỉnh như: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL cũng như UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm tổ chức lễ hội như yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao…; vận động nhân dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, chỉ đạo phát quang, làm vệ sinh khu vực bên ngoài, xung quanh khu du tích Nguyễn Sinh Sắc… Qua sự phân công, có thể thấy tính quy mô tổ chức lớn lao và chặt chẽ đến từng công việc cụ thể. Tại không gian khu di tích, nhiều chương trình nghệ thuật mang tính quy mô diễn ra cùng một lúc kéo dài nhiều ngày, tạo sân chơi đa dạng, bổ ích cho du khách đến tham quan viếng lễ. Trước cổng vào khu di tích, ban tổ chức có bố trí đội bảo vệ giữ xe miễn phí cho khách thập phương vào tham quan viếng lễ. Ngoài những ngày lễ giỗ chính, các ngày thường trong năm, cổng khu di tích luôn mở để đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thắp hương viếng lễ và tham quan du lịch.

      Ngày nay, khu mộ cụ, trường tồn như đài sen trắng vươn lên trên đất Sen Hồng, được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp thay mặt nhân dân cả nước và dòng họ Nguyễn Sinh chăm lo xây dựng trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, trở thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia, điểm du lịch ấn tượng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tác giả: Trần Văn Thành

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *