Tác động của đô thị hóa đến cơ cấu gia đình ở ngư lộc, hậu lộc, thanh hóa

Là làng ven biển điển hình của xứ Thanh với cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống và sự phong phú đa dạng của hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa mang đậm chất biển, Ngư Lộc cũng được biết đến là xã có diện tích nhỏ nhất tỉnh (0,46 km² , dân số đông và mật độ dân số cao nhất cả nước (115 người/km²), tỷ lệ đói nghèo cao (42% hộ nghèo), tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất (2/3 là nữ). Cùng với các hiểm họa môi trường như bão lũ, xói lở bờ biển, ô nhiễm… là sự suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên ven bờ do đánh bắt, khai thác thiếu hợp lý; sự mất cân đối cơ cấu dân số trong khi diện tích đất định cư ngày càng bị thu hẹp; trình độ dân trí thấp; các thể chế chính sách quản lý còn chưa hiệu quả… Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng đô thị hóa, gia đình ở Ngư Lộc đang có những sự thay đổi trên nhiều bình diện, trong đó nổi bật nhất là biến đổi cơ cấu gia đình và biến đổi vai trò của giới trong đời sống gia đình.

1. Biến đổi cơ cấu gia đình

Gia đình Việt Nam truyền thống được các nhà nghiên cứu cho là loại gia đình được hình thành từ nền văn hóa bản địa, chứa nhiều yếu tố dường như bất biến, ít đổi thay. Theo đó, hình thái gia đình phổ biến là gia đình mở rộng gồm nhiều thế hệ các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống và thường bị chi phối bởi chế độ gia trưởng. Trong quá trình phát triển, gia đình truyền thống đã thể hiện được các ưu điểm về sự gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, về vấn đề bảo lưu các văn hóa, tập tục, nghi lễ và phát huy tốt nề nếp gia phong, gia đạo… Tuy nhiên, gia đình truyền thống lại là một trong những nhân tố tham gia vào quá trình kìm hãm năng lực phát triển của các cá nhân, đặc biệt là dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình truyền thống không còn là khuôn mẫu của gia đình hiện đại. Sự giải thể của cấu trúc gia đình truyền thống và sự hình thành hình thái gia đình mới là một điều tất yếu.

Tuy nhiên, tác giả Levtoisto Anna Karenia có đưa ra nhận định: “Các gia đình mở rộng thường thịnh hành ở vùng nông thôn và các gia đình hạt nhân thường ở các thành phố lớn. Nhưng dường như có một sự đảo lộn trật tự này đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nông thôn đang trở thành hạt nhân hơn cùng với sự giới hạn khả năng sản xuất, đất đai bị chia nhỏ đã làm giảm khả năng tự cung tự cấp của các gia đình lớn và các thành phố ngày càng nhiều hơn các gia đình mở rộng, được nhiều người tụ họp sống chung với nhau như một chiến lược để sống sót thoát khỏi suy thoái kinh tế…” (1).

Trước ngày đất nước đổi mới (1986), ở Ngư Lộc vẫn tồn tại 2 loại gia đình là gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng. Trong đó, gia đình hạt nhân gồm 2 thế hệ bố mẹ và con cái, gia đình mở rộng là gia đình có 3 thế hệ trở lên cùng chung sống.

Năm

Số hộ gia đình

Hộ gia đình

hạt nhân

Tỷ lệ

(%)

Hộ gia đình

mở rộng

Tỷ lệ

(%)

1990

2.760

903

32,9

1.852

67,1

2005

2853

1012

35,5

1841

64,5

2009

2976

1075

36,2

1901

63,8

2015

3.126

1183

37,8

1943

62,2

 Bảng 1: Nhân khẩu toàn xã Ngư Lộc chia theo loại hình gia đình 

Qua bảng 1 có thể thấy, số lượng gia đình mở rộng trên địa bàn xã Ngư Lộc giai đoạn 1990 – 2015 đều chiếm đa số so với gia đình hạt nhân. Tỷ lệ gia đình mở rộng từ năm 1990 – 2015 giảm từ 67,1% xuống còn 62,2%, giảm không đáng kể trong vòng 25 năm. Cũng trong giai đoạn này, loại hình gia đình hạt nhân ngày càng có xu hướng tăng lên nhưng tỷ lệ tăng không đáng kể.

Trong xu hướng phát triển chung của các cộng đồng có nền kinh tế phát triển, việc chia tách hộ trở thành hộ độc lập đang trở thành xu hướng của gia đình nông thôn, xu hướng hạt nhân hóa gia đình ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, do điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế xã hội của Ngư Lộc, loại hình gia đình mở rộng gồm từ 3 thế hệ trở lên vẫn được duy trì và là mô hình quen thuộc. Số liệu này cũng phù hợp với khảo sát thực tế tại địa phương, cho thấy nhiều hộ gia đình gồm ông bà, bố mẹ, con cháu thậm chí chắt đều đang sinh hoạt trong một căn hộ, diện tích trung bình chỉ từ 20 – 30m2. Không như các làng ven biển khác có điều kiện đất đai rộng, việc chia tách hộ trong gia đình ở Ngư Lộc gặp nhiều khó khăn do diện tích đất thổ cư chật hẹp, giá cả lại đắt đỏ… Đa phần những gia đình khi muốn tách hộ đều phải di cư sang các xã bên như Hải Lộc và Đa Lộc để mua đất, xây nhà.

Như vậy có thể nhận thấy, sự thiếu hụt đất đai và nhà ở tại Ngư Lộc là nguyên nhân tạo nên một kiểu gia đình mở rộng miễn cưỡng, bởi hầu hết những cặp vợ chồng trẻ ở Ngư Lộc không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống cùng với bố mẹ. Kiểu gia đình mở rộng tại Ngư Lộc cũng dần hình thành cho người dân lối sống trọng tình, có sự gắn bó, chia sẻ mật thiết giữa các thành viên và nam giới vẫn thể hiện vai trò quyết định.

Bên cạnh việc thay đổi về loại hình gia đình, quy mô hộ gia đình ở Ngư Lộc cũng đang có xu hướng thu hẹp lại do các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình của địa phương làm giảm tỷ lệ sinh của dân cư xuống một mức đáng kể.

Năm

Số khẩu

Tỷ lệ tăng tự nhiên

2009

16.430

1,0

2010

16.565

1,01

2011

16.708

1,0

2012

16.854

1,05

2013

16.978

1,0

Bảng 2: Thống kê số nhân khẩu và tỷ lệ tăng tự nhiên dân số làng Ngư Lộc (2)  

Kết quả thống kê tại bảng 2 cho thấy, số lượng các gia đình sinh con thứ 3 ở Ngư Lộc trong giai đoạn từ 1989 – 2004 có xu hướng tăng lên nhưng từ 2004 – 2015 đã giảm rõ rệt. Quy mô bình quân khẩu trong gia đình so với trước đây cũng có xu hướng giảm dần. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành thống kê ở thôn đông khẩu nhất Ngư Lộc là thôn Chiến Thắng với quy mô 528 hộ, gồm 3.559 khẩu. Kết quả như sau:

Quy mô khẩu/gia đình

Năm 2005

Năm 2010

Năm 2015

Gia đình 1 – 4 khẩu

72

189

253

Gia đình 5 – 7 khẩu

271

201

175

Gia đình 8 – 10 khẩu

116

95

83

Gia đình 11 -14 khẩu

25

23

17

Tổng

484

517

528

  Bảng 3: Quy mô nhân khẩu trong hộ gia đình ở thôn Chiến Thắng  

 Mặc dù từ sau đổi mới 1986, Ngư Lộc đã áp dụng nhiều biện pháp dân số nhằm kìm hãm số dân tăng tự phát, tuy nhiên năm 2005, số hộ gia đình có từ 5 – 7 khẩu và từ 8 – 10 khẩu vẫn chiếm tỉ lệ lớn (tương đương 79%). Điều này một phần phản ánh tư tưởng cần sinh con trai để theo nghề biển của các gia đình ngư dân còn rất nặng nề, một phần phản ánh hiệu quả của các chính sách dân số đối với ngư dân Ngư Lộc còn thiếu hiệu quả.

 Từ 2010 – 2015, số khẩu bình quân theo từng hộ trong thôn Chiến Thắng có xu hướng giảm. Mô hình gia đình trẻ chủ yếu là một cặp vợ chồng từ 1-2 con với số khẩu từ 3 – 4 người tăng lên một cách rõ rệt (tăng 3,5 lần so với năm 2005). Mặc dù số hộ gia đình có từ 5 – 7, 8 – 10 khẩu giảm đi nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Kết quả này phản ánh một thực tế ở Ngư Lộc, mặc dù đã được tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình, nhưng nhu cầu của người dân vẫn muốn sinh nhiều con, nhiều gia đình sinh đến 4 con. Một mặt khác, hệ quả của dân số tăng trong khi quỹ đất gần như cố định, làm cho điều kiện xây nhà, tách hộ của các gia đình Ngư Lộc vẫn là một thách thức. Kết quả của việc đông con trong các gia đình dân cư Ngư Lộc là tình trạng đói nghèo về đời sống và gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương.

2. Vai trò của nữ giới trong đời sống gia đình tại xã Ngư Lộc

Nữ giới chiếm hơn một nửa cơ cấu dân số của Ngư Lộc từ khi thành lập cho đến nay (khoảng 60%). Trong bối cảnh phát triển kinh tế, nữ giới ngày càng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong đời sống gia đình ở Ngư Lộc do đa phần nam giới ở Ngư Lộc thường đi đánh bắt xa bờ nhiều ngày hoặc đi làm ăn xa, tất cả mọi công việc gia đình đều dồn lên vai người phụ nữ.

Nữ giới ở Ngư Lộc tham gia hầu hết các hoạt động sinh kế tại địa phương. Trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản, người phụ nữ đảm nhận công việc chuẩn bị thuyền, dụng cụ đánh bắt trước khi người chồng ra khơi và thu gom thủy hải sản khi tàu cập bến. Người đàn ông đi biển mang theo tôm cá cập bờ, nhưng hiệu quả kinh tế thu được từ chuyến hàng đó còn phụ thuộc vào tài buôn bán tháo vát của người phụ nữ. Chợ chiều Ngư Lộc có từ xa xưa, họp theo chiều cá và bến. Khi người chồng đi đánh cá về, người phụ nữ ra bến thuyền lấy cá và đem ra chợ bán cho dân cư trong vùng. Nghề cá phát triển, nhu cầu buôn bán tăng lên, chợ họp theo 6 phiên vào buổi sáng các ngày chẵn trong tháng. Do đó chợ Ngư Lộc trở thành chợ lớn nhất ở trong vùng Hậu Lộc. Sức hút của chợ Ngư Lộc vượt ra ngoài phạm vi huyện, tỉnh đến với nhiều khách hàng của cả nước. Người phụ nữ Ngư Lộc chính là một đầu mối giao lưu hoạt động thương mại quan trọng trong gia đình ngư dân.

Nữ giới còn đảm nhiệm vai trò chính trong các hoạt động chế biến thủy hải sản ở địa phương do đây là những công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo, lại phù hợp với sức khỏe của nữ hơn nam. Các hoạt động chế biến thủy hải sản giải quyết công việc cho một bộ phận lớn nữ giới có trình độ thấp ở Ngư Lộc. Đa phần phụ nữ Ngư Lộc kiếm sống bằng các công việc bóc tôm, phơi cá cho các cơ sở chế biến thủy sản. Thu nhập dao động 2 – 3 triệu đồng/ tháng nhưng góp phần ổn định đời sống của các gia đình Ngư Lộc hiện nay. Phụ nữ Ngư Lộc cũng là mắt xích quan trọng trong việc trung chuyển các sản phẩm đồ khô, đồ đông lạnh của địa phương ra các xã, các huyện lân cận.

Tại Ngư Lộc, bên cạnh những hộ có đủ điều kiện trang bị tàu thuyền vươn khơi, còn một bộ phận nam giới phải đi làm thuê cho các chủ thuyền hoặc đi làm lao động chân tay ở các tỉnh phía Nam. Thu nhập kinh tế ít ỏi không đủ để họ trang trải cho cuộc sống gia đình. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, nữ giới trở thành lực lượng lao động chủ lực, họ tham gia vào đầy đủ các ngành nghề, công việc từ lao động nhẹ nhàng như bóc tôm, phơi cá, làm mắm thuê cho đến bốc vác đá, phụ hồ…

Bên cạnh đó, do sự phát triển của kinh tế – xã hội làm xuất hiện các ngành nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân. Những dịch vụ phục vụ đời sống và hậu cần nghề cá có sẵn từ trước như nghề làm mộc, đóng tàu thuyền, chế biến thủy sản, dịch vụ ngư lưới vụ… vẫn đang phát triển đa dạng, phong phú. Ngư Lộc còn có các loại hình dịch vụ hiện đại xuất hiện như dịch vụ vận tải, kinh doanh ăn uống, sản xuất đá lạnh. Các dịch vụ hoàn toàn mới như kinh doanh karaoke, internet… ra đời, có số lượng đáng kể, chứng tỏ sự gia tăng chất lượng và nhu cầu giải trí của dân cư. Nữ giới chính là lực lượng lao động chính tham gia và làm phong phú các hoạt động này. Nguồn thu từ các dịch vụ mới do lao động nữ thực hiện đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của một bộ phận cư dân Ngư Lộc, mang lại cho Ngư Lộc một diện mạo mới, năng động có dáng dấp của phố thị hiện đại.

Như vậy, biến đổi kinh tế là tác nhân chính gây nên các biến đổi xã hội ở Ngư Lộc. Trong đó biến đổi cấu trúc gia đình, vai trò của giới trong đời sống xã hội là những biến đổi rõ nét nhất. Mặc dù kinh tế phát triển mang theo lối sống đô thị, nhưng do điều kiện đất đai chật hẹp và nhu cầu sinh con trai nối dõi nghề biển của người dân quá cao, nên gia đình ở Ngư Lộc về cơ bản vẫn là gia đình truyền thống 3 – 4 thế hệ sống chung trong một ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp. Vẫn giữ nếp sống của gia đình truyền thống, người dân Ngư Lộc coi trọng các mối quan hệ thân tình anh em, dòng họ, xóm làng.

Nữ giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các gia đình ở Ngư Lộc. Lao động nam đi biển dài ngày và làm ăn xa, người phụ nữ phải đảm nhận vai trò trụ cột cả về kinh tế lẫn đời sống. Phụ nữ Ngư Lộc là lực lượng chính trong các hoạt động sinh kế góp phần quan trọng vào nền kinh tế, thúc đẩy quá trình phát triển của địa phương. Nhiều phụ nữ Ngư Lộc để đảm bảo sự tồn tại của gia đình, sẵn sàng tham gia vào những công việc tay chân nặng nhọc thường dành cho đàn ông. Tuy nhiên vậy quyền quyết định các vấn đề lớn trong gia đình lại không được trao cho nữ giới mà hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới. Ngày nay, mặc dù tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Ngư Lộc không còn nặng nề, nhưng hiện tượng mất quyền bình đẳng của nữ giới trong đời sống xã hội vẫn còn phổ biến và rõ nét.                                  

Quá trình phát triển kinh tế trong bối cảnh đất đai ngày càng chật chội không có điều kiện mở rộng trong khi dân số mỗi năm lại phềnh to không chỉ khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng mà còn khiến Ngư Lộc luôn rơi vào tình trạng quá tải. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng và trở thành mối lo ngại lớn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt đe dọa sức khỏe của cộng đồng cư dân nơi đây.

Với chủ trương đưa Ngư Lộc trở thành đô thị trung tâm của vùng ven biển huyện Hậu Lộc, bài toán quy hoạch quỹ đất và các nguồn lực cần thiết đảm bảo cho Ngư Lộc phát triển hài hòa, tận dụng được thế mạnh của biển khơi để xây dựng nơi đây thành một trung tâm văn hóa xã hội mang đậm dấu ấn biển đang là nhiệm vụ quan trọng được quan tâm đặc biệt.

______________

1. Lev Tolstoy – A.Karenina, Sự biến đổi cơ cấu gia đình, Tạp chí Xã hội học, số 46 – 1994, tr.97.

2. Dữ liệu lưu tại Phòng Văn hóa – Thống, UBND xã Ngư Lộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ VIỆT HƯNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *