Tâm thức rừng của người tây nguyên


Trong vũ trụ quan của người Tây Nguyên, vạn vật đều có linh hồn, đều ẩn tàng một sức mạnh vô hình khiến con người, từ lâu, phải nương tựa vào đó. Họ sáng tạo nên thần linh cùng những nghi thức cúng tế để làm vừa lòng thần và cứ ngàn đời nối tiếp, họ thực hành theo đường hướng đó, không ra khỏi đường ray truyền thống.

Khi cuộc sống với bốn bề là rừng bao phủ, thậm chí rừng còn hiện diện trong từng ngôi nhà, xuyên suốt trục thời gian – không gian tồn tại của con người, thì rừng đối với người Tây Nguyên là máu thịt, là nguồn cội, thậm chí còn là bản nguyên nữa.

Với người Tây Nguyên, “những con người của rừng”, “những người ăn rừng” thì rừng luôn là thực tại kép, lưỡng hợp, có nghĩa. Con người nơi vùng đất cao nguyên quanh năm bạt ngàn gió và nắng này sống cùng rừng, gắn với rừng, hòa vào rừng. Đến bất kỳ một ngôi làng nào ở Tây Nguyên, hãy thử quan sát mọi thứ trong làng, trong nhà, mọi thứ để con người tồn tại cả về vật chất lẫn tinh thần, tất cả đều lấy từ rừng: mái nhà, cột nhà, sàn nhà, vách nhà, cột đâm trâu tế thần, cây đàn tình tự, con thuyền độc mộc, những đồ trang sức trên người… Rừng vây bọc lấy con người, đi vào tận thẳm sâu tâm hồn người. Rừng là nơi khơi nguồn và cất giữ tâm linh. Rừng mang bóng dáng của tổ tiên. Người Ê đê từng truyền nhau rằng:

Rừng núi là của yang cho

Của ông bà để lại

Người M’nông cũng quan niệm:

Đất đai tổ tiên để lại

Nếu bán đất cũng như bán ông bà

Không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Con người bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đã được cha mẹ dạy cho cách thức dệt vải bằng cách làm một khung dệt nhỏ xíu đặt vào tay cô con gái hay cây ná xinh xắn đặt vào tay cậu con trai cùng bao lời nhắn gửi trong lễ khai tâm. Đến tuổi cập kê, bó củi hứa hôn sẽ là tiêu chí để mọi người đánh giá sự đảm đang, khéo léo của người con gái; chiếc gùi được đan tinh xảo, đẹp mắt sẽ là bằng chứng về sự trưởng thành của người con trai. Và đến khi con người giã từ cuộc sống, những cột nhà mồ, những ngôi nhà mồ, những tượng mồ… lại là nơi trú ngụ của linh hồn, lại đồng hành với linh hồn người chết về với thế giới của tổ tiên ông bà.

Rừng gần gũi là vậy, nhưng đối với người Tây Nguyên, rừng còn là nỗi ám ảnh dị nghĩa, sự lo sợ mơ hồ, thường trực. Người ta thường nhắc nhở nhau “không được đi vào rừng khi đêm xuống” hoặc nếu vì một lý do nào đó không thể trì hoãn, người ta thường đặt một chiếc lá khô lên đầu khi đi ra ngoài vào ban đêm hòng che chở cho linh hồn không bị các thần làm hại. Không chỉ là nơi cư trú của cây cỏ và muông thú, rừng còn là nơi cư trú đặc biệt của các yang. Trong tư duy “hiện thực huyền ảo” của mình, người Tây Nguyên luôn tin rằng khắp nơi đều có yang ngự trị, dù một tảng đá, một cái cây, một ụ mối… Con người tự sáng chế ra những nỗi hoảng sợ và các thần linh cũng như những phương cách hóa giải thần linh và trừ tà. Vì vậy, trong bất cứ công việc gì – từ chặt cây làm nhà đến dựng nhà, từ phát rừng làm rẫy đến dựng kho thóc, từ ngả cây làm quan tài đến đẽo tượng, cột nhà mồ…, người Tây Nguyên đều phải thực hiện những nghi lễ hiến sinh để cầu xin sự an lành, “tạ tội” với thần linh hay thậm chí là sự “đánh lừa” các vị thần.

Người già trong làng thường cất giữ trong kí ức của mình những câu chuyện huyền thoại lung linh của miền tưởng tượng về các vị thần rừng, những sự trừng phạt khủng khiếp đối với những kẻ ngạo mạn dám diễu cợt thần linh, những kiêng kị để tránh làm phật lòng thần, những thực hành truyền thống để duy trì sự bền vững, trường tồn của cộng đồng. Tính chất lưỡng hợp khiến rừng vừa trở nên gần gũi lại cũng đầy huyền bí, vừa hữu ích nhưng cũng không hoàn toàn vô hại.

Với sự lung linh của miền tưởng tượng, rừng trong hình dung của người Tây Nguyên cũng là một xã hội phức hợp, không bao giờ thuần nhất. Từ đó người ta có sự phân chia cụ thể vị trí hay chức năng của rừng. Rừng gần ở ven làng, nơi tương đối thân thuộc với cộng đồng, là nơi phụ nữ thường đến kiếm củi và hái lượm; rừng thưa phía xung quanh rẫy là nơi người ta có thể chăn thả trâu bò; còn rừng rậm hơn, người ta không dám đi một mình, nơi có nguồn nước, nơi có nghĩa địa của làng, nơi có những cây gỗ lớn để làm nhà, đẽo quan tài hay tạc tượng nhà mồ, nơi người ta kể biết bao câu chuyện li kì và đáng sợ về các hung thần…

Với người Tây Nguyên, khi bắt đầu tìm đất lập làng mới cũng là lúc người ta tìm cho làng của mình khu rừng thiêng, nơi đó hoặc là khu rừng đầu nguồn nước, rừng trên chóp núi để giữ nước, chống xói mòn với những câu chuyện được thêu dệt về nữ thần nước xinh đẹp làm cho con người lạc lối trong rừng bằng giọng hát mê hồn của mình; hoặc là khu rừng dùng làm nghĩa địa chung của cả làng mà người Tây Nguyên vẫn quen gọi là “rừng ma” – nơi chẳng mấy ai bén mảng tới. Người ta sợ linh hồn của người chết, nhất là chết dữ, quẩn quanh nghĩa địa sẽ làm hại những ai xâm phạm vào thế giới riêng của nó. Rừng thiêng với tính thiêng bao bọc quanh nó nên con người thường kiêng dè không dám vào đấy chặt phá hay đốt rừng làm rẫy, cho nên đó thường là những khu rừng nguyên sinh, những khu rừng khó đoán tuổi.

Mỗi làng bao giờ cũng có một khu rừng thiêng cho riêng mình và địa vực của nó thường được phân mốc bằng gốc cây, hòn đá lớn hay con suối. Có thể có những đường ranh giới chỉ mang tính ước lệ, nhưng đều được các cộng đồng bên cạnh thừa nhận và tôn trọng. Ranh giới này thường do người già và người có công khai phá vùng đất đó chỉ định. Người Tây Nguyên vẫn truyền nhau những kiêng kỵ như không được xâm phạm đến rừng thiêng của làng khác, không được chôn chung nghĩa địa với làng khác, khu rừng thiêng dùng làm nghĩa địa phải nằm thấp hơn khu đất làng… Nếu vi phạm, cả cộng đồng sẽ phải nhận lấy sự trừng phạt ghê gớm từ thần linh, hoặc đau ốm bệnh tật, hoặc những tai nạn chết người.

Từ những quan niệm và cách hiểu như vậy về rừng, nên rừng của người Tây Nguyên luôn được bảo vệ cẩn thận vì nó gắn với ông bà tổ tiên, gắn với sinh mệnh, với sự trường tồn của cộng đồng. Bảo vệ rừng, với đồng bào, vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ thiêng liêng:

Đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà

Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây ktơng, cây kdjar

Nếu cây quéo không ra hoa, cây muỗm ra hoa không tốt đó là vì con cháu đã mất nết hư thân

Vì vậy, ông bà thử hỏi trưởng buôn xem

Ông bà sẽ phạt kẻ có tội một lợn, ông bà sẽ đòi kẻ có tội một gà

(Luật tục Ê đê)

Như vậy, trong cảm quan của người Tây Nguyên, cái thiêng của rừng, miền thiêng của đời sống tâm linh trở thành một nhân tố canh giữ (và cao hơn trở thành một biểu tượng) cho đạo đức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Có thể thấy rằng với cách thiêng hóa những cánh rừng, người Tây Nguyên từ ngàn đời nay đã xây dựng được mối quan hệ bền vững với tự nhiên, thể hiện nét độc đáo trong cách thức ứng xử văn hóa với môi trường, trong cách thức trao truyền những tri thức bản địa truyền thống cho những thế hệ kế tiếp. Đấy chính là chiều sâu cơ bản của văn hóa Tây Nguyên.

Trong đợt khảo sát thực tế tại địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum tháng 3-2008, điều chúng tôi ghi nhận được chính là tâm thức con người về rừng thiêng vẫn chưa phai nhạt. Người ta vẫn giữ sự e dè mỗi khi nhắc đến nó, nhiều nơi lễ thức cúng thần rừng vẫn còn được tổ chức, những kiêng kỵ khi đi rừng vẫn được tuân thủ… Chẳng hạn, làng Kon Mơ Nây Sơ Lam ở thị xã Kon Tum vẫn còn khu rừng thiêng của làng cùng những câu chuyện ly kỳ về nó. Hay trên khu đất hiện tại là nơi tọa lạc của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đăc Glei, huyện Đăc Glei, tỉnh Kon Tum trước đây là khu rừng ma, khu nghĩa địa chôn những người chết dữ, người dân xung quanh vẫn luôn có thái độ e sợ khi nhắc đến nó. Cũng tại xã Đăc Pet, huyện Đăc Glei, tỉnh Kon Tum, huyện xây dựng chương trình nước sạch nông thôn nhưng công trình này lại chạy ngang qua khu rừng thiêng của xã và kết quả là người dân từ chối sử dụng nguồn nước này với lý do lo sợ thần trừng phạt. Còn người Ba na làng Đe Nhang, xã Đăc Kơ Ning, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vẫn lưu truyền những câu chuyện về thần rừng (yang yon) nơi khu rừng thiêng của họ.

Như vậy những tác nhân từ bên ngoài như vấn đề di dân, hệ thống các nông lâm trường thuộc trung ương hoặc thuộc tỉnh, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kinh tế hàng hóa… vẫn không khỏa lấp tín ngưỡng truyền thống, vốn được ví như tảng băng chìm trong đời sống tâm linh của người Tây Nguyên.

Với người Tây Nguyên có rừng là có tất cả và mất rừng là mất đi phần lớn môi trường và điều kiện sống. Ít nhất là như vậy! Chúng ta phải chấp nhận một thực trạng chung là hiện nay rừng Tây Nguyên đang mất dần, những khu rừng thiêng không còn dáng vẻ thâm u của nó. Rừng đang bị khai thác và xâm hại không theo quy luật khai thác và bảo vệ mà mang nặng tính phá hoại, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sự sinh tồn của tộc người.

Rõ ràng khi rừng không còn, khi cơ sở cho những thực hành tín ngưỡng truyền thống không tồn tại trong đời sống tâm linh của con người, khi người ta bước chân vào nơi trước đây là chốn linh thiêng một cách tự nhiên không kiêng dè để khai thác và chặt phá rừng, khi luật tục không còn đủ sức mạnh để ràng buộc con người vào trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ rừng… thì rừng đang ngày một xa con người, văn hóa rừng ngày một nhạt nhòa trong tâm thức con người.

Vậy, cần phải làm gì để tâm thức rừng của người Tây Nguyên không bị mai một đi trong xu thế giao lưu, hội nhập văn hóa, trong “sự va chạm của các nền văn minh”? Chúng ta biết rằng văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng, điều đó làm nên nội lực cho vùng đất và con người nơi đây. Để bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tộc người, không gì khác hơn là đặt nó vào không gian văn hóa, không gian sinh tồn nơi nó ra đời, tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, trong quá trình vận động và phát triển tộc người. Như vậy, sâu xa hơn chính là việc khôi phục lại đất rừng, khôi phục lại những cánh rừng, khôi phục lại tính thiêng của rừng trong tâm thức của chính những tộc người bản địa. Chỉ trên cơ sở đó cội nguồn văn hóa tộc người mới hồi sinh.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng, không chỉ văn hóa là cái chủ yếu mà điều quan trọng chính là con người sống trong văn hóa đó, hay nói cách khác chính họ là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa mà họ tạo dựng nên từ môi trường sống của mình. Chính họ mới là chuyên viên thực sự của nền văn hóa của chính mình. Chỉ có họ mới xác định được nó là gì, hiểu mình phải làm gì và nên như thế nào.

Có một thực tế là hiện nay, con người, nhất là lớp trẻ, không còn mấy tin vào những điều huyền bí từ rừng. Nhãn tiền là họ thấy những người ngoài làng, những người từ nơi khác đến, vào rừng thiêng chặt cây làm nhà, làm rẫy, khai thác những lâm sản quý, đánh bẫy những loại thú rừng… mà không hề hấn gì, không bị thần linh trừng phạt. Điều này khiến thái độ của họ với rừng không còn là kiêng dè, ý thức bảo vệ rừng không còn là thường trực. Thiết nghĩ chỉ khi nào duy trì được trong tâm thức của họ niềm tin về thế giới các vị thần, không đánh cắp đi trong tiềm thức của họ sự linh thiêng màu nhiệm của rừng, thì khi đó rừng và văn hóa rừng mới tồn tại đúng nghĩa.

Có thể thấy luật tục luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Nó điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp đường ray truyền thống. Việc áp dụng những quy định của luật tục trong vấn đề bảo vệ rừng đến từng thành viên buôn làng, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ tạo nên ý thức trân trọng rừng trong họ. Chẳng hạn luật tục M’nông từng quy định:

Khu rừng đó là của tổ tiên

Khu rừng đó là của ông bà

Khu rừng đó là của con cháu

Khu rừng đó là của chúng ta

Rừng bị cháy ta phải giúp dập

Rừng bị cháy mà không dập tắt

Mọi người sẽ không còn rừng

Mọi người sẽ không còn đất…

Ý thức được tầm quan trọng của rừng, họ có thái độ tích cực với tài nguyên rừng, với những gì thiết thân gắn với cuộc sống của họ.

         Tâm thức rừng của người Tây Nguyên chính là cội nguồn, là mạch ngầm làm nên những giá trị cơ bản nhân văn của văn hóa rừng Tây Nguyên.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Trung Thị Thu Thủy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *