1. Những ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Tồn tại đồng hành cùng với dân tộc trong hơn hai ngàn năm, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa dân tộc và có ảnh hưởng lớn trong quan niệm sống và lối sống của người Việt Nam. Vốn là một tôn giáo xuất thế, nhưng vào Việt Nam, thế giới quan Phật giáo trở nên nhập thế, gắn bó giữa đạo với đời “Phật giáo Việt Nam xuất phát từ dân gian, ăn sâu vào tâm thức của quảng đại quần chúng, trở thành một thành tố tâm lý dân tộc và vì vậy mang tính dân tộc xuyên suốt lịch sử. Đó là một sự thực khách quan”(1).
Người Việt Nam có câu: sống gửi, thác về. Câu nói thật ngắn gọn nhưng hàm chứa một triết lý sâu xa của thế giới quan Phật giáo về quan niệm sống của một đời người, đó là sau khi chết đi lại tiếp tục có một cuộc sống khác. Thế giới quan Phật giáo xuất phát từ chỗ cho rằng mọi sự vật hiện tượng là sự kết hợp động của những yếu tố động, nên nó không có tự tính, tức không có cái mà nhờ cái đó có thể gọi là nó được, mọi cái đều vô ngã. Ngay cả con người cũng chỉ là sự kết hợp động của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức), bởi vậy con người là vô ngã, không có cái tôi, cái ta. Chính vì vậy, sống với chết, sinh với tử có ý nghĩa gì, đó chẳng qua chỉ là thay đổi, hợp tan của ngũ uẩn. Quan niệm này khiến cho con người không khiếp sợ, bạc nhược trước cái chết.
Thế giới quan Phật giáo chỉ ra mối quan hệ cơ bản phổ biến của mọi sự vật hiện tượng, đó là quan hệ nhân quả. Ảnh hưởng của quan niệm này lớn đến mức chính nó biến thành quan niệm sống của đại đa số người Việt. Người ta luôn nói với nhau: gieo nhân nào thì gặt quả ấy, gieo gió gặp bão, ác giả ác báo là vậy. Đối với con người bình thường, để hiểu cho đến tận ngọn nguồn quan niệm nhân quả của thế giới quan Phật giáo là khó khăn, đặc biệt là thuyết luân hồi nghiệp báo, nhưng xét ở mặt nào đó, nó có ý nghĩa nhất định đối với quan niệm sống của người Việt. Thử hỏi nếu thay thế quan niệm này bằng quan niệm duy vật thô thiển, chết là hết không còn gì nữa, thì sẽ gây nên những hậu quả như thế nào với con người. Với sự thay thế này, một số người sẽ nghĩ đời sống chỉ có một lần, chết là hết, bởi vậy hành động của mình gây ra, sau khi chết, mình hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì cả. Do đó, họ luôn hưởng thụ, sống gấp, tham lam, độc ác và tàn bạo. Khi tính ích kỷ và cái tôi lên đến cực điểm, con người sẽ bất chấp công bằng và lẽ phải, luân lý đạo đức, để thỏa mãn nhu cầu và những dục vọng cá nhân thấp hèn. Đó là dấu hiệu của sự tha hóa mà chúng ta có thể thấy từ những tệ nạn trong đời sống xã hội hiện nay.
Thế giới quan Phật giáo cho rằng, nếu tâm vô minh, mê muội, u ám, không sáng, vọng động thì sẽ xuất hiện ta – vật (thế giới vật chất), tâm – cảnh (thế giới bên ngoài). Như vậy, chỉ vì cái tâm u ám mà cá nhân con người và thế giới hiện tượng xuất hiện. Còn khi tâm trở nên sáng suốt, hư không, tĩnh lặng thì cảnh cũng không, mà tâm cũng không, Phật cũng không mà ngã cũng không. Như vậy là nhất thiết duy tâm tạo, mọi thứ đều do tâm tạo ra. Dĩ nhiên khái niệm tâm ở đây rất rộng, rộng hơn khái niệm tâm trong tổ hợp từ chủ nghĩa duy tâm của phương Tây nhiều. Quan niệm này trong một phạm vi nhỏ đã đề cao sức mạnh nội tâm bên trong, phần nào lại sao lãng thế giới bên ngoài, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội.
Ngay trong quan hệ giữa người với người Việt xưa đến nay, dân ta đều coi trọng cái tâm. Trong mọi việc, vấn đề quan trọng là tấm lòng, là thành tâm, thực bụng sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Đó là truyền thống quý báu, trong đó có sự đóng góp của thế giới quan Phật giáo mà chúng ta phải phát huy. Ngày nay, một số người cho rằng có tiền là có tất cả thậm chí mua được cả lương tâm. Điều này đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta phải lên án.
Trong mỗi con người chúng ta đều có hai phần thống nhất hữu cơ với nhau: vật chất (cơ thể) và tinh thần, thân và tâm. Từ đó ta cũng có hai thứ bệnh, hai thứ khổ: bệnh về thể xác, khổ về vật chất; bệnh về tinh thần, khổ tâm. Hai bệnh này, hai loại khổ này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, nhiều khi bệnh về tinh thần, nhiều nỗi khổ tâm lại có nguyên nhân từ vật chất; ngược lại nhiều bệnh về thể xác, lại có nguồn gốc từ tinh thần. Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người giàu mà vẫn khổ tâm, người giàu cũng khóc. Một trong những phương pháp chữa bệnh về tâm là phải an được cái tâm, và đây là sở trường của thế giới quan Phật giáo – phép an tâm – có ảnh hưởng sâu đậm đối với quan niệm sống của người Việt từ xưa đến nay. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc sống, người ta khuyên nhau, hay câu cửa miệng của mọi người khi thấy người khác có vẻ lo lắng, là yên tâm, an tâm. Quan niệm sống của người dân Việt trong quan hệ với mọi người luôn biết rằng nếu giận, nếu nóng, tóm lại nếu cái tâm không yên thì sẽ mất khôn. Muốn an tâm có hiệu quả thì tốt nhất là phải sống chính trực, trong sạch, đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng đói rách lại sinh bệnh cho con người. Cho nên thế giới quan Phật giáo đã đưa ra quan niệm sống trung đạo trong lối sống, tránh các thái cực cực đoan không hiểu về quan niệm sống.
Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với quan niệm sống của người Việt hiện nay còn thể hiện ở cách nhìn nhận về cuộc đời con người khi cho rằng đời là khổ, cuộc đời là bể khổ. Nói về đau khổ nhưng cuộc đời đức Phật không phải là cuộc đời u buồn, sầu não như một số người vẫn quan niệm. Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân của nó, tự mình làm, tự mình chịu. Sự thực cái khổ này vừa là để trả quả, vừa là để tạo nhân, ý nghĩa của nó ở chỗ làm cho người ta cố gắng vươn lên sống tốt, sống thiện hơn để sau này đỡ gặp lại nó. Giá trị ở chỗ nó là chỗ thử thách con người, trong khổ đau mới thấy rõ phẩm giá con người, sự vươn lên hay gục ngã trước cuộc đời. Chính vì vậy, quan niệm đời là khổ, cuộc đời là bể khổ trong thế giới quan Phật giáo đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tư tưởng của đại đa số các phật tử và người dân Việt Nam. Trong cuộc đời, mỗi khi gặp phải sự rủi ro, bất hạnh hay mất mát đau thương, những sự việc không đáp ứng được tâm lý và ước nguyện của mình, thì người dân đã lấy quan niệm này làm nguồn an ủi. Dĩ nhiên nếu bỏ qua hay không chú ý nhiều tới cái khổ về mặt vật chất, cái khổ do xã hội đưa lại cũng có nghĩa là ít quan tâm chú ý tới việc làm như thế nào cho của cải vật chất ngày càng phong phú, tới việc giải phóng con người về mặt xã hội. Đây cũng là một hạn chế của thế giới quan Phật giáo trong quan niệm sống của con người.
Thực tế cho thấy những người tu Phật chân chính đều có phong cách ung dung, tự tại, lối sống giản dị, thanh tao. Họ không bao giờ làm những việc hại mình, hại người, trái lương tâm, đạo lý nên tâm hồn, tinh thần luôn thanh thản, tĩnh tại. Chính điều đó ít nhiều đã tạo nên lối sống của những người theo Phật giáo nói riêng và người dân Việt Nam nói chung: giản dị, thanh tao, có chừng mực, ít chú trọng đến danh lợi vật chất. Như vậy, “lối sống cũng thể hiện rõ nhân sinh quan, thế giới quan, trình độ văn hóa của mỗi người” (2).
Ngày nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhịp điệu cuộc sống con người trở nên hối hả, sôi động trong nền kinh tế thị trường. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận rằng trong đời sống xã hội sôi động đó, ẩn dấu ở trong mỗi con người Việt Nam vẫn luôn là nỗi niềm khao khát được tận hưởng cuộc sống thanh bình, êm ấm. Tuy chỗ này, chỗ khác còn có những cá nhân, nhóm nhỏ trong xã hội còn biểu hiện cách sống đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, song nhìn chung đa số người dân Việt vẫn giữ được lối sống giản dị, thanh tao, nề nếp, có chừng mực.
Ở mọi vùng quê Việt Nam, ngôi chùa là nơi thờ tự, giảng dạy giáo lý nhà Phật, nơi cụ thể hóa hệ tư tưởng, tình cảm có từ lâu đời, chi phối cách ăn, cách ở, đối nhân xử thế, lối sống của nhân dân. Chùa là nơi biểu hiện quan niệm từ bi, hỷ xả… gợi cho con người hướng thiện, hướng về những điều thanh cao trong cuộc sống, biểu hiện lối sống cao đẹp của con người.
Đi chùa lễ Phật đã trở thành nếp sống quen thuộc không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Họ đến chùa với lòng thành kính cầu mong sự bình an, hạnh phúc cho cá nhân, cho người thân, kể cả cầu mong sự thanh thản cho người quá cố ở cõi vĩnh hằng mà không nặng về phần cúng lễ để xin sự phú quý giàu sang. Việc ăn chay niệm Phật vào các ngày mùng một, rằm… hàng tháng, cầu siêu, giải hạn cũng là nếp sống quen thuộc, chẳng hạn mỗi trong nhà có việc chẳng lành thì họ thường mời nhà chùa tới tụng kinh cầu siêu. Các gia đình có trẻ nhỏ muốn an tâm cho các cháu được khỏe mạnh, mau lớn và khôn ngoan thì đến nhà chùa làm lễ gửi (bán khoán)… Những ngày lễ hội lớn như Phật Đản, lễ Vu Lan… đã trở thành đại lễ của đông đảo người dân Việt. Đây cũng là dịp giáo dục con người phải biết sống tốt, sống đẹp, nảy nở đức hy sinh, lòng vị tha. Từ đó, họ cảm thấy gắn bó với nhau trong tình yêu thương đồng loại, tình yêu quê hương đất nước được khơi dậy (ân đất nước), nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã có công nuôi lớn, dưỡng dục mình (ân cha mẹ).
Lấy con người làm trung tâm, thấy được nỗi khổ của chúng sinh và mong muốn chúng sinh thoát khỏi vòng trầm luân biển khổ, bằng chủ trương cứu nhân độ thế, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, nhà Phật hướng con người tu tập nhân tâm, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thiện nhân cách. Đạo lý thương người như thể thương thân của người Việt được thể hiện qua hành động của từng cá nhân và lối sống của cộng đồng. Các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế… của các cá nhân, tổ chức xã hội trong những năm qua thật sự có ý nghĩa sâu sắc, một phần cũng do ảnh hưởng từ tư tưởng từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật.
Dân gian ta có câu hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau bày tỏ sự đùm bọc thương yêu, quan tâm chia sẻ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Cái nghĩa cử cao đẹp ấy, ngoài yếu tố truyền thống, phải chăng cũng có ảnh hưởng từ thế giới quan Phật giáo. Mà nếp sống của người Việt là nghiêng về nội tâm, hướng nội, cho nên, trong các mối quan hệ xã hội, người Việt đề cao cái tâm làm gốc, thiên về tình cảm. Nhiều gia đình người Việt hiện nay treo những điều răn dạy của đức Phật ở những nơi trang trọng nhất trong nhà, nhắc nhở các thành viên trong gia đình hãy ghi khắc trong lòng và thực hiện nó ở cuộc sống, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Có thể khẳng định, xuyên suốt giáo lý của nhà Phật là luận bàn về đạo đức và khuyên răn con người thực hành đạo hạnh, sống thánh thiện, có trách nhiệm với cộng động… Những lời khuyên răn mang màu sắc tôn giáo đó đã góp phần không nhỏ làm cho con người sống đức hạnh hơn, chung tay góp sức xây dựng một xã hội an lành, hòa hiếu. Và với sự đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, thế giới quan Phật giáo đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới quan niệm và lối sống của người Việt Nam.
Mặc dù có những yếu tố tích cực, song nhìn chung thế giới quan Phật giáo cũng còn mang nhiều yếu tố duy tâm, thể hiện tính nhân đạo cao siêu với một thái độ chấp nhận chứ không phải là cải tạo hoàn cảnh. Điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới quan niệm, lối sống của một bộ phận dân cư, làm cho con người ta có thái độ yếm thế trước thời cuộc. Chẳng hạn như: quan niệm về cuộc đời là một bể khổ dễ dẫn đến cách nhìn cuộc đời của con người, coi cuộc đời là phù du, sống buông trôi, không nỗ lực cố gắng, ít nghĩ tới việc làm to tát có tính chất cách mạng, dễ chùn bước khi gặp khó khăn, và rồi tin tưởng rằng có đức không sức mà ăn. Hay, quan niệm về số phận, nghiệp chướng, nhân quả… dễ làm cho con người ta sống thụ động, thậm chí nhắm mắt đưa chân trong hành động, khi gặp trắc trở thường nghĩ đến số phận…
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Mặc dù nền kinh tế thị trường đã đem lại những thành tựu quan trọng trong phát triển đất nước, nhưng những mặt trái của nó cũng làm xuất hiện và ngày càng gia tăng các hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ nghĩa thực dụng tuyệt đối hóa vai trò của đồng tiền, lối sống gấp xa rời lý tưởng cách mạng đang làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, khuynh hướng làm giàu bất chính, vi phạm pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên lương tâm và nhân phẩm con người ở một số cá nhân đã và đang tạo nguy cơ làm băng hoại các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thực trạng đó đòi hỏi trong quá trình xây dựng lối sống mới cho con người Việt Nam, chúng ta cần phải quan tâm đến việc bảo vệ, phát huy và kế thừa những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, trong đó có thế giới quan Phật giáo.
2. Thế giới quan Phật giáo trong xây dựng lối sống người Việt
Phật giáo nói chung và thế giới quan Phật giáo nói riêng cũng chứa đựng một số giá trị văn hóa, nhân văn, phù hợp với đạo đức, đạo lý của xã hội có thể hòa nhập cùng dân tộc trên con đường xây dựng một xã hội mới – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc hiểu đúng thế giới quan Phật giáo có ý nghĩa lớn lao, giúp phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong ảnh hưởng của nó, định hướng đời sống tinh thần xã hội ngày càng phong phú, tốt đẹp và lành mạnh.
Về mặt tích cực: Trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng bộc lộ sự suy giảm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, hối lộ, nhiều tệ nạn văn hóa đang làm ảnh hưởng tới quan niệm và lối sống của nhân dân. Việc đề cao, phát huy những mặt tích cực của thế giới quan Phật giáo trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng xây dựng đời sống văn hóa, nhằm đạt được cuộc sống có đạo đức, tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Phát huy tinh hoa thế giới quan Phật giáo để xây dựng tinh thần nhân ái, lòng hướng thiện là một vấn đề cần được chú ý trong công tác giáo dục và vận động nhân dân, nó vừa có ý nghĩa góp phần làm lành mạnh đời sống tôn giáo, đời sống xã hội, vừa tạo nên những yếu tố đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Từ những giá trị và chuẩn mực của thế giới quan Phật giáo, chúng ta có thể chắt lọc, áp dụng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con người Việt Nam hiện nay. Như nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII Đảng ta khẳng định: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện… trong tôn giáo”(3). Và văn kiện Đại hội Đảng X cũng đã nêu, cần: “phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”(4).
Về mặt tiêu cực: Phật giáo cũng như tôn giáo khác, ngoài mặt tích cực ra còn có mặt tiêu cực. Phật giáo, với niềm tin ở sức mạnh vạn năng của lực lượng siêu nhiên, đã hạ thấp vai trò của con người, làm mất tính chủ động sáng tạo vốn là bản chất của con người xã hội.
Giáo lý và các nghi lễ của Phật giáo đề cập đến sự linh thiêng, những nghiệp kiếp, luân hồi… là cơ sở cho cầu xin hư ảo, cho những mê tín dị đoan xuất hiện. Lên đồng, xin thẻ, bói toán, tử vi, tục đốt vàng mã… ít nhiều đều liên quan đến thế giới quan Phật giáo, xuất hiện ngày càng nhiều. Vì thế, cần phải “đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân”(5).
Khắc phục mặt tiêu cực trong thế giới quan Phật giáo, đấu tranh chống các thế lực xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo, là yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh chính trị nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Do đó, cần “nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”(6).
Nhưng khắc phục không có nghĩa là gạt bỏ hoàn toàn thế giới quan Phật giáo, không kế thừa những gì có ý nghĩa nhân bản tốt đẹp của nó, bởi “dưới chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn có khả năng tự biến đổi để thích nghi theo xu hướng đi cùng đường với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc”(7). Những giá trị nhân bản của thế giới quan Phật giáo là rất cần thiết, nhằm giáo dục con người sống tốt, sống thiện. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, trước những suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số bộ phận cán bộ, đảng viên, cũng như quần chúng nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, thì những tinh hoa thế giới quan Phật giáo mang giá trị nhân văn đó càng có ý nghĩa cho cuộc sống.
_______________
1. Nguyễn Duy Hinh, Mấy đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8-2008, tr.19.
2, Trần Quang Nhiếp, Tư tưởng đạo đức lối sống những vấn đề then chốt của văn hóa, Tạp chí Cộng sản, số 20-1998, tr.34.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.67.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.122-123.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
7. Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.24.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Phạm Văn Xây
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám