Thi pháp truyện ngắn hiện đại – một công trình nghiên cứu có giá trị

Bùi Việt Thắng là nhà phê bình văn học có nhiều đóng góp. Ông nguyên là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Hội Nhà văn Hà Nội (nhiệm kỳ 2015-2020).

Bùi Việt Thắng đã được tặng thưởng loại B của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương năm 2017 với tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay; Giải thưởng Lý luận – phê bình văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019 với tác phẩm Hà Nội từ góc nhìn văn chương. Năm 2019, Nhà xuất bản (Nxb) Thanh niên phát hành cuốn Thi pháp tiểu thuyết hiện đại và đã được nhận tặng thưởng hạng B của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Năm 2020, Nxb Thanh niên tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn Thi pháp truyện ngắn hiện đại với mong muốn của tác giả là nối dài công việc bình luận truyện ngắn vốn ưa thích, trong một hình thức “bình cũ rượu mới”. Trong suốt chặng đường hơn 20 năm từ khi Nxb Văn học xuất bản Bình luận truyện ngắn, Bùi Việt Thắng viết được rất nhiều tiểu luận – phê bình về truyện ngắn với niềm say mê được sống với văn chương cùng thời. Và với Thi pháp truyện ngắn hiện đại, tác giả đã tập hợp lại dưới dạng bình luận truyện ngắn, nhưng có bài dạng thức tiểu luận, phê bình. Các bài viết đó đã được đăng tải trên báo chí, sách chuyên đề văn học.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, khổ 16x24cm, gồm 2 phần: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại – Cảnh quan và tác giả; Những sắc cầu vồng truyện ngắn.

Phần 1 cuốn sách giới thiệu 2 tiểu luận về truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945-1975 và truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975. Tác giả trình bày một cách khái quát về dòng chảy liên tục của truyện ngắn.

Theo Bùi Việt Thắng, “Nếu giai đoạn 1945-1954, truyện ngắn đang tạo đà, có tính chất phong trào tạo nền, thì giai đoạn 1954-1975, nó tiếp tục dòng chảy truyền thống, có tác giả và tác phẩm, có nền và có phong cách. Có thể kể ra một số tác giả thành công trong lĩnh vực truyện ngắn giai đoạn này như: Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Khải, Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Phan Tứ, Đỗ Chu…”.

Ông cũng đánh giá cao truyện ngắn Việt Nam thời kỳ 1945-1975 như một vườn hoa nhiều hương sắc được vun xới bởi những “người làm vườn” âm thầm và tài hoa như: Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Sơn Nam… Đó là một thời kỳ đáng ghi nhớ của nền văn học hiện đại Việt Nam. Truyện ngắn cùng với thơ là hai bộ phận có thành tựu hơn cả trong văn học, thể hiện rõ cái “dân khí” Việt Nam thời đại bão táp cách mạng. Thật đáng phấn khởi, tự hào khi mạch nguồn truyện ngắn dân tộc từ trong quá khứ xa xôi vẫn thành một dòng chảy liên tục. Chính vì thế, ta có cơ sở để tin vào một chân trời rộng mở của truyện ngắn Việt Nam.

Giai đoạn sau năm 1975, tác giả đánh giá cao sự kế tục của các thế hệ nhà văn có công xây đắp nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại. Sự kế tục trong sáng tạo nghệ thuật là một quy luật, tuy nhiên mỗi thế hệ có vai trò riêng theo kiểu “tre già, măng mọc”. Với ông, văn học chân chính hướng đến thân phận con người và mỗi nhà văn có một cách thể hiện, triết luận riêng về cuộc đời và con người. Tinh thần đổi mới của văn chương đương đại chính là sự trăn trở của nhà văn trước vận mệnh của con người, hướng đến con người và vì con người. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng của truyện ngắn Việt Nam hiện đại, như một mâm cỗ thịnh soạn, giúp người đọc tự do lựa chọn món ăn tinh thần cho mình.

Ông phê phán quan niệm không chính xác về thể loại truyện ngắn: Truyện ngắn không phải là bài tập văn chương, cũng không phải là dao găm súng lục so với những cỗ đại bác tiểu thuyết. Nó là một loại thể riêng mà người viết có thể thành danh trong nghiệp văn như: Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Thạch Lam, Nam Cao…

Bùi Việt Thắng cũng nói đến nghệ thuật sáng tác truyện ngắn như: cấu tứ truyện, tạo ra kết thúc truyện độc đáo, xây dựng tình huống truyện hay, tạo dựng các chi tiết truyện, nghệ thuật ngôn từ. Sự tìm tòi, sáng tạo trong văn chương chính là sự tìm tòi, phát hiện về nội dung…

Để hiện thực hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn, Bùi Việt Thắng đã dành những trang viết về 10 nhà văn thành danh với thể loại truyện ngắn: Kim Lân, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam. Với mỗi nhà văn, ông lại có cách viết, đánh giá khác nhau. Đó là Kim Lân – một xảo thủ viết truyện ngắn, có chủ kiến về thể loại mà mình ưa thích, trung thành trong quá trình sáng tác. Ông cũng là người có biệt tài làm cho ngôn ngữ văn chương tạo nên không khí của truyện – không khí đặc thù cho đời sống của những kiếp người nhỏ bé, lầm lũi nhưng cái tâm, cái tình bao giờ cũng sáng. Không khí truyện và nghệ thuật cá thể hóa nhân vật một cách rõ nét làm cho truyện của Kim Lân gây ấn tượng đối với người đọc. Đó là Anh Đức viết truyện ngắn luôn có cảm hứng mới, sự hồi hộp mới, chưa khi nào gây cho ông sự tẻ nhạt, nhàm chán. Truyện ngắn của Anh Đức rõ nét về nhân vật và tình huống đặc sắc, đề tài sáng tác chủ yếu nhằm phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam vốn được thử thách qua cách mạng và chiến tranh. Nếu như trước năm 1975, truyện của Anh Đức hấp dẫn người đọc ở chất sống giàu có và phong cách trữ tình thì sau năm 1975, nhiều tác phẩm nghiêng về triết luận (nhưng không triết luận thuần túy mà bật lên từ cảm xúc, mạnh mẽ trước vẻ đẹp thánh thiện của con người). Truyện ngắn của Lê Minh Khuê gây được ấn tượng, tạo ám ảnh nghệ thuật chính là nhờ các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Đoạn kết truyện ngắn của bà là một cái gì đó chưa thành, chưa tới, khiến cho người đọc phải liên tưởng theo nhiều hướng. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng văn học” hi hữu, phức tạp nhất trong hai thập kỷ cuối TK XX trên văn đàn Việt Nam…

Có thể nói, đó là các nhà văn lớn mà hầu hết đều có các tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn tại trường phổ thông và đại học. Do đó, qua Thi pháp truyện ngắn hiện đại, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại, về các nhà văn và sáng tác tiêu biểu của họ đã đóng góp cho nền văn học nước nhà.

 Phần hai cuốn sách gồm tiểu luận Một lứa bên trời (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5x và 6x) và các bài bình luận truyện ngắn của 10 cây bút nổi bật thế hệ mới: Nguyễn Quang Thiều, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Vũ Minh Nguyệt, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Trường.

Trong tiểu luận Một lứa bên trời (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5x và 6x), nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã ghi nhận sự đóng góp của thế hệ các cây bút xuất hiện và trưởng thành trong bối cảnh đất nước hòa bình và thống nhất. Đó là đội ngũ đông đảo và hùng hậu đã tham gia vào công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam mà ông gọi đó là những người “kê cao” thể loại truyện ngắn. Nếu Bảo Ninh có thể xem như đại diện của thế hệ 5x góp công là cho truyện ngắn khởi sắc thì Phan Thị Vàng Anh là một hiện tượng truyện ngắn độc đáo thế hệ 6x.

Bùi Việt Thắng đã chia làm 3 khuynh hướng phong cách truyện ngắn của thế hệ 5x, 6x: hiện thực – tâm lý; trữ tình; triết lý – suy tưởng. Có thể khẳng định, các nhà văn thế hệ này đã đem lại cho thể loại truyện ngắn những khởi sắc đáng quan tâm. Nếu so sánh với các nhà văn viết tiểu thuyết, sẽ thấy những nhà văn viết truyện ngắn đã có ý thức cách tân thể loại “nhỏ” và đã có những thành công nhất định. Đó là sự đa dạng về chủng loại, kiểu dạng truyện ngắn, cho thấy sự tin tưởng vào tiền đồ của thể loại này. Đó không chỉ là sự hùng hậu về đội ngũ, không chỉ là sự “kích cầu” của các báo và tạp chí, các Nxb luôn luôn mời gọi và cổ vũ nhà văn sáng tác truyện ngắn bằng các cuộc thi, mà còn vì xu hướng, sự ham mê đọc văn chương của người Việt hiện nay.

Bằng giọng điệu phóng túng, Bùi Việt Thắng đã kể những kỷ niệm của mình với 10 cây bút truyện ngắn đương thời và thể hiện rõ cái tôi của mình. Khi viết về Nguyễn Quang Thiều với Người đàn bà tóc trắng, ông đã có những nhận xét rất thật: Nguyễn Quang Thiều là ngòi bút có ý thức tìm tòi và gìn giữ cái đẹp của đời sống… hay “văn anh hồn nhiên nhưng không tự nhiên, bay bổng nhưng không thoát ly đời sống muôn màu vẻ”… Bùi Việt Thắng thích cái giọng thiết tha, đầm ấm với đời, với người của Võ Thị Xuân Hà bởi văn mạch trữ tình của Xuân Hà giàu ấn tượng thị giác. Có thể nói, đó là một lối văn gây ấn tượng thị giác nhờ màu sắc của một nữ nhà văn luôn tươi tắn, không chỉ ở ánh mắt, nụ cười, làn da mà là sự tươi tắn trong một tâm hồn luôn trẻ trung. Hay một Nguyễn Trường vững chắc và thâm hậu về “cấu tứ” để tác phẩm vừa có chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật, vừa sát với đời sống hiện thực; một Nguyễn Trường, lúc là nhà trào phúng, lúc lại là một nhà lãng mạn, trữ tình…

Có thể nói, đây là một công trình lý luận phê bình công phu của tác giả, thể hiện sự dày công tìm tòi, nghiên cứu, phân tích về tác giả và tác phẩm truyện ngắn Việt Nam. Không hề riết róng, luôn giữ được chừng mực trong nghiên cứu, phê bình, Bùi Việt Thắng đã cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan về dòng chảy liên tục của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Đó là những luận chứng có giá trị hữu ích đối với bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về nền văn học Việt Nam nói chung, thể loại truyện ngắn Việt Nam nói riêng.

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *