Thì thầm tiếng cát – cuộc hành hương về miền cát trắng

     Nằm trong seri sách Viết cho những điều bé nhỏ của nhà xuất bản Kim Đồng, Thì thầm tiếng cát của nhà văn quân đội Nguyễn Hữu Quý ra mắt bạn đọc vào tháng 5 – 2017. Rời khỏi ký ức của người con Quảng Bình xa xứ, 19 tản văn đã sống bằng chính đời của cát trắng quê hương. Nguyễn Hữu Quý từng nói đến tuổi thọ của những con đường trên cát: “Nó sẽ không tồn tại sau một trận gió lớn. Gió Lào, gió bấc, thậm chí cả gió nồm, có thể khỏa lấp hết dấu chân trên cát. Và thế là con đường của họ cũng mau chóng hòa lẫn vào cát trắng miên man” (1). Cát nhẹ bẫng nhưng chứa cả hồn quê, gợi cả bão giông của thế cuộc. Cát trắng nỗi bịn rịn. Cát thầm thì cất lời người con xa xứ: “… Xa quê nhớ xóm nhớ làng, lan man chuyện cũ nhắc lại, lòng bâng khuâng lắm. Mới oe oe đỏ hỏn, tung tăng tung tưởi ngày nào mà bây giờ đã ngổn ngang tóc bạc tóc đen. Mấy chục năm đã qua rồi. Chiến tranh. Hòa bình. Người còn kẻ mất. Nhưng quê hương vẫn mãi mãi là vầng sáng ấm áp trong tôi…” (2).

     Gom ký ức vào tản văn là lựa chọn của tác giả, trước là để phù hợp với combo sách của nhà xuất bản Kim Đồng. Chủ động tìm đến một cuộc chơi nhỏ, để cho lòng đi rong trong những suy nghĩ vụn vặt, tản mạn, riêng tư, cũng là cách thư giãn ý nghĩa của nhà văn mặc áo lính chưa bao giờ quên những sứ mệnh thiêng liêng của nghề. Không lạm bàn thế sự, không khảo cứu văn hóa, không đàm đạo về viết lách hay bạn văn, Nguyễn Hữu Quý lặng lẽ tìm về bụi duối mồ côi, những lời ru xa ngái, mười ba cây dứa dại bên nấm mồ của mẹ, một góc trăng quê… Những vầng sáng ấm áp ấy được lọc qua ký ức nên càng thêm tinh khiết, riêng có. Nắng của làng chang chang hơn, trăng cũng vằng vặc hơn mọi vùng quê khác. Khoai lang cát sông Gianh bột trắng như nếp, thơm khiến người ta nắc nỏm. Những giếng nước nông choèn bên chân sóng mặn lúc nào cũng xăm xắp nước ngọt. Những mùa nắng chói chang, lộng lẫy ánh sáng và mạnh mẽ, hào phóng gió trời. Mùi thị ngày xưa không ngừng tỏa hương trong nỗi nhớ…

      Với Thì thầm tiếng cát, Nguyễn Hữu Quý đã hướng tản văn đi theo lối của tự truyện. Vì thế, những nỗi nhớ khôn cùng, bé nhỏ lại có sức hút của sự thật thà. Mùi của tản văn là mùi của tuổi thơ – thứ mùi gợi rõ đặc trưng của cảnh và người làng biển với sự hòa quyện của rong rêu, cát nóng, lá tía tô, mồ hôi mẹ, cám trong bữa ăn ngày đói… Không ít lần, tản văn Nguyễn Hữu Quý làm lòng ta nằng nặng. Ngỡ như ta đang cùng gánh cái nặng đau, nặng nhớ của nhà văn. Thương cái Tết mấy mươi năm trước, buổi sáng mùng một có đứa trẻ được mặc áo mới, nhận một hào mừng tuổi “mà rưng rưng mà xốn xang suốt cuộc đời mình” (3). Thương ước vọng giản dị được quây quần cùng cả nhà bên mâm cỗ trung thu mà mãi nhiều năm sau mới thành hiện thực với tác giả. Chẳng là máu mủ mà sao lại xót đau cho em Hà sinh thiếu tháng, người mỏng dính, từng dẻ sườn nhô lên sau làn da xanh tái. Những năm tháng cơ cực nhất của tuổi thơ đến khi mẹ nằm lạnh lẽo dưới ba thước đất, chiếc lá còn rất xanh đã phải rời cành. Nấm mồ nhỏ của em Hà như cái thúng úp xuống đất, nằm cạnh bên mộ mẹ. Cái ngơ ngác của tuổi mười hai còn mãi đến bây giờ.

      Trong thế giới tản văn Nguyễn Hữu Quý, thằng cu con từng lăn lốc trong những ngọn gió nồm nam một thuở nhiều lần thắng thế vị đại tá quân đội. Nó chẳng hề ngượng ngùng kể lại những bí mật thời thơ dại. Về ngày nó khóc vì chữ O, vì lũ con gái hét toáng sau lưng nó cái câu dở tệ: “Mu khoóc moóc khu, đồ con trai mu khoóc moóc khu” (4). Về bí mật không thể tưởng tượng nổi của những “cuộc chiến tranh trong trẻo như trăng quê”, khi “một thằng ba trợn nào đó không nín được bật xì ra chất thải từ cơ thể mình, mùi um ủm, nhưng cả nhóm phải bịt mũi, cắn môi nín cười để khỏi lộ” (5). Thậm chí, nó còn hồn nhiên hơn con dế mèn, thủng thẳng kể về ngôi nhà xưa, người vợ ấu thơ, thuở hai đứa ôm nhau nằm, da thịt thơm mùi tía tô của bạn phả vào mặt nó, những chuyện trên trời dưới đất của đôi vợ chồng con nít vẫn vang lên ra rả. Nó cũng không giấu được niềm tự hào về mình của ngày xưa, thuở được làm đội trưởng đội chiếu bóng, kiêm thuyết minh, nhà sản xuất phim phục vụ bọn trẻ trong xóm hàng trăm buổi, ngay cả khi đi sơ tán lên núi Nại. Hẳn là những điều bé nhỏ trong nỗi nhớ đã làm tâm hồn người viết thành thơ dại. Người đọc như đang thấy một đứa trẻ lên tám, lên chín, lưng dấp dính mồ hôi, thả tuổi thơ lăn tròn theo từng trang viết để hồ hởi sống với những mảnh vụn ký ức.

     Vui thay khi những “ký ức vụn” ấy đã thấp thoáng gọi dậy cái hồn quê một thuở. Tuổi thơ với tôi là ám ảnh lâu bền. Những mảng sáng tối của nó luôn ẩn hiện trong tâm hồn. Sự bám riết của ngày xưa như chính lời tâm sự của tác giả hay chăng cũng là bởi đứa trẻ thời bé thơ có quá nhiều sợi dây ràng buộc với mẹ cha, với bà, bè bạn… và sâu xa là với làng mạc, quê hương. Tác giả gợi lại nhẹ nhàng những trò chơi dân gian muôn năm cũ, những sinh hoạt bình dị của người dân quê thuở đèn dầu, đèn bão thay điện. Những buồn thương của đời riêng cũng gợi nỗi niềm chung mang tên thời đại. Cái chết xập xùi cơ cực của mẹ là mẫu số chung của số phận con người thời chiến cùng với những kiêng cữ của người dân quê.

      Một đêm chiến tranh mở đầu bằng những câu thơ của chính tác giả trong bài Ký ức mẹ:

       Một đêm chiến tranh 
       nhì nhằng ánh chớp 
       Mẹ không đi hết 
       con đường vào ngõ nhà mình

     Một đêm chiến tranh gặp lại mình trong Ký ức mẹ ở cả hình ảnh lẫn xúc cảm. Làm thơ hay viết tản văn, tâm tư Nguyễn Hữu Quý không thể cắt rốn khỏi sự thật cuộc đời. Vậy nên, lại chồng chềnh trong những trang văn xuôi về mẹ những thương nhớ mà thơ anh từng ấp ủ:

      bây chừ, cánh võng mồ côi 
      Út khóc sau dòng sữa mượn 
      tay ai dìu, nâng em lớn 
      khi không có Mẹ trên đời? 

     Nhắc lại Ký ức đêm để thấy có những kỷ niệm mà Nguyễn Hữu Quý không thể thoát ra được. Và cũng để thấy, dù làm thơ hay viết văn, anh luôn chân thành, da diết. Chao ơi, Chao ơi, thương sao thương quá ngày xưa!, cái điệp khúc nồm nam ấy nhiều lần vang lên làm ngọt lời văn, ngọt luôn cả nỗi nhớ.

     Có thể nói, tìm kiếm sự hòa hợp giữa văn xuôi và thơ, Nguyễn Hữu Quý đã khá thành công khi mượn hình thức biểu đạt phóng túng này để đối thoại với lòng mình, cũng chính là đối thoại với quá khứ, mà ở đó, giận dỗi trôi tuột về đâu đó, “còn niềm vui, sự hồn nhiên mới là nhiều”(6). Những tản văn ngắn của Nguyễn Hữu Quý thực sự cần thiết trong văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay, khi mà ấn phẩm văn chương trong nước dành cho các em chưa thực sự giàu có.

____________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Nguyễn Hữu Quý, Thì thầm tiếng cát, Nxb Kim Đồng, 2017, tr.10, 92, 87, 48, 60, 75.     

Tác giả: Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *