Trà là một đồ uống khá phổ biến trong đời sống của người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù chưa có một thứ trà đạo có giáo lý (lý thuyết thưởng trà), giáo đường (nơi thờ cúng), giáo chủ (người phát minh ra nghệ thuật trà) như Trado (trà đạo) của Nhật Bản nhưng không có nghĩa ở Việt Nam, trà không có vị trí quan trọng.
Từ rất lâu, nhân dân ta đã biết trồng, hái, chế biến trà với kỹ thuật sao, tẩm hương hoa sen, hoa sói, hoa ngâu, hoa nhài, kỹ thuật bảo quản hương vị cũng như cách pha trà tinh tế. Mặt khác, nhiều thương nhân nước ngoài đã đến Việt Nam mua và mang đồ đựng trà, pha trà làm từ sành, sứ, gốm với kiểu dáng, màu sắc dân gian độc đáo sang bán ở Nhật và Hà Lan…
Văn chương dân tộc và thư tịch cổ ít nhiều cũng đã nhắc đến sự xuất hiện từ rất sớm của thứ nước uống này. Sách An Nam chí lược của Lê Tắc cho biết thời nhà Đinh, vua Đinh Liễn đã phải cống trà thơm cho Bắc quốc. Bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định dòng trà cung đình đã có mặt ít nhất từ TK X và lan truyền rộng rãi nơi lầu son gác tía, chốn cung đình. Văn hóa trà Việt Nam đã được ghi chép từ TK VII trong sách Trà kinh của Lục Vũ – tác giả Trung Hoa (đời Đường) với sự giới thiệu về qua lô (trà) tại Giao Châu.
Vào thời Lý, văn hóa trà Việt còn xuất hiện một thần trà mang tên Dương Thiên Tích. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã ghi lại: Dương Thiên Tích vốn là vị tiên nghiện trà đầu thai vào nhà Dương Tạc (viên quan nhỏ đời vua Lý Huệ Tông), trên tay có thích chữ trà. Khi lớn lên, Thiên Tích rất thích uống trà và trở thành một trà sư nổi danh thời đó.
Vào thời Trần, nghệ thuật thưởng trà Việt được Thượng tướng Trần Quang Khải nhắc đến trong bài thơ Vườn Phúc Hưng qua cảnh thư nhàn nơi cung phủ với khách và thưởng thức trà tao nhã:
Hè đến, pha trà mời khách uống
Mưa dừng, kêu trẻ tỉa giò lan
Thưởng thức trà bên suối róc rách chốn lâm tuyền trong bài thơ Tặng sĩ đồ tử đệ của Huyền Quang hòa thượng hay thưởng trà ngày xuân trong bài Xuân đáng của bậc túc nho trí giả Chu Văn An cũng đều là những áng thi trà bất hủ. Trong bài Cảm tác đêm 30 tháng 9, quan tư đồ Trần Nguyên Đán còn miêu tả cung cách pha trà độc đáo thời ấy với hương thơm thanh khiết của trà ướp hoa lan nấu trong vạc quyện cùng hương cháo nếp:
Hương độ tiểu đương tân đạo chúc
Sương ngưng cổ đỉnh thục lan trà…
Dịch nghĩa:
Sanh nhỏ cháo gạo nếp mới nấu hương đưa thơm
Trà ướp hoa lan nấu trong vạc cổ đượm hơi sương
Đến TK XIX, trà vẫn là thứ đồ uống được ưa chuộng trong thơ trào phúng của Trần Tế Xương:
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Trong cuộc sống, các văn nghệ sĩ thường mượn trà ngon, rượu quý để cảm xúc thăng hoa. Còn người nông dân, khi cày ruộng thường rít mồi thuốc lào nõ điếu, phả khói thơm, chiêu một ngụm trà tươi khi bắt đầu hay kết thúc buổi cày. Tầng lớp công nhân, trí thức thì nghiện trà tàu thuốc lá vì trà làm con người tỉnh táo, sảng khoái hơn trong công việc và cuộc sống. Trà trở thành đồ uống thông dụng ở các dân tộc phương Đông và cách thưởng thức trà còn được nâng thành nghệ thuật trà đạo.
Tục uống trà của người Việt đã được đúc rút thành những kinh nghiệm phong phú, những quy tắc ứng xử bất thành văn từ ngàn đời xưa. Nghệ thuật uống trà ở Việt Nam không trở thành đạo trà như Trado của Nhật Bản bởi trà Việt đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, trở nên dân dã và thân quen với tất cả mọi người. Đồng thời, do tính linh hoạt của văn hóa Việt nên nghệ thuật uống trà không chịu gò bó vào một khuôn khổ nhất định nào.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Phạm Văn Thi
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay