Giống như ca trù, quan họ hay nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử là thể loại âm nhạc được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến về việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này như dạy ở cấp phổ thông, đào tạo ở cấp đại học… nhưng trong thực tế, các trường chính quy không thể làm tốt được việc này bằng cộng đồng tự trao truyền lại cho nhau. Tại TP.HCM, các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường như: Trung tâm văn hóa (TTVH), Nhà văn hóa (NVH), Câu lạc bộ (CLB) và các nghệ nhân đang góp phần giúp cho đờn ca tài tử tồn tại, phát triển và giữ được bản sắc vốn có.
1. Vài nét về đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối TK XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Nghệ thuật đờn ca tài tử không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Đờn ca tài tử là sự đan xen giữa tính bác học, tính chuyên nghiệp, sự tinh tế của phong cách biểu diễn cùng với ngẫu hứng trong diễn tấu, cách chơi tri âm – tri kỷ giữa những người bạn. Chất tài tử và chất nghệ sĩ luôn quyện vào nhau ở người đờn, ca. Người chơi luôn tuân theo phương thức ngẫu hứng trên lòng bản (1). Chính ngẫu hứng đã tạo nên hơi thở cho đờn ca tài tử để những cuộc chơi tiếp nối từ đời này sang đời khác.
Đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng nhờ luôn tồn tại song song dưới cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng tri kỷ như thuở xưa và trình diễn mới trên sân khấu.
2. Thực trạng truyền dạy đờn ca tài tử tại TP.HCM
Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt trong thời hội nhập văn hóa, không chỉ lan tỏa ở vùng sâu, vùng xa mà còn khơi mạch thành dòng chảy mạnh mẽ ngay ở các đô thị lớn. Ở TP.HCM, thể loại âm nhạc này có những sáng tạo riêng, đang được bảo lưu dưới nhiều hình thức, từ những cá nhân đến các ban nhóm, CLB, từ mỗi gia đình đến đội văn nghệ các cấp, từ những miệt vườn ngoại thành đến các khu phố sầm uất…
Truyền dạy đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM phổ biến ở hai hình thức: qua sinh hoạt CLB thuộc các thiết chế văn hóa và qua các lớp học do nghệ nhân dẫn dắt.
Truyền dạy đờn ca tài tử tại các thiết chế văn hóa
Hoạt động truyền dạy đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố phổ biến nhất tại các TTVH, NVH, CLB. Nội dung truyền dạy gồm 2 phần: xuất xứ, nguồn gốc và cách thức thể hiện bài bản. Phương thức giảng dạy chủ yếu mang tính hướng dẫn, với giáo trình công phu, được các nghệ nhân bậc thày biên soạn, in thành sách và đĩa VCD để học viên có thể thực hành tại nhà.
TTVH thành phố có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển các hình thức sinh hoạt, biểu diễn, nghiên cứu, truyền dạy đờn ca tài tử. Mỗi năm, CLB đờn ca tài tử của TTVH thành phố mở một khóa học trong thời gian 6 tháng. Học viên theo học gồm đủ các lứa tuổi, trình độ, giới tính, người lao động bình dân, người có địa vị… Sau khóa học, người học có thể am hiểu những vấn đề cơ bản nhất của đờn ca tài tử, tham gia góp ý, cải tiến bài bản. Đến nay, CLB đã tổ chức được 4 khóa học, đào tạo nhiều người trở thành nghệ sĩ, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.
TTVH thành phố thường xuyên phối hợp với một số CLB mở lớp truyền dạy đờn ca tài tử theo phương pháp chính quy, có bài bản. Hiện nay TTVH thành phố đang tuyển sinh khóa đào tạo nâng cao cho những người truyền nghề đờn ca tài tử đã có trình độ. Nội dung chương trình: lớp ca gồm 20 bài bản tổ và vọng cổ; lớp đờn gồm: kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng, biểu diễn nhạc cụ…
TTVH quận 8 có lớp đờn ca tài tử miễn phí với 2 chương trình cơ bản và nâng cao dành cho các đối tượng là thành viên CLB Đờn ca tài tử TTVH quận, phường, khu phố và giới mộ điệu đờn ca tài tử hiện đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn. Học viên sẽ được hướng dẫn tại lớp, được phát miễn phí tài liệu, băng, đĩa để tự ôn luyện. Quá trình học tập có kiểm tra, ôn tập, thi cuối khóa. Nếu đạt được điểm chuyên môn, học viên được cấp giấy chứng nhận theo quy định, được tuyển vào làm thành viên chính thức của CLB. Mỗi CLB đều chọn cho mình phương pháp truyền dạy khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, khả năng. Một số CLB truyền dạy theo phương pháp cầm tay truyền ngón, giáo trình giảng dạy được thày viết tay, sau mỗi kỳ học có kiểm tra, cho điểm đánh giá nhưng không được cấp giấy chứng nhận.
Truyền dạy đờn ca tài tử tại tư gia của nghệ nhân
Có thể nói, lò truyền dạy đờn ca tài tử của các nghệ nhân mới thực sự là nơi đào tạo nên những tài năng tương lai. Nhạc sĩ Tấn Nhì, một trong những nghệ nhân có tiếng ở TP.HCM được đồng nghiệp, bạn tài tử, học trò cảm phục, đánh giá cao không chỉ về tài năng, học thuật mà còn vì lòng nhiệt tâm, sự say mê của ông dành cho bộ môn nghệ thuật này. Cứ vào ngày thứ bảy cuối tháng, những người yêu đờn ca tài tử thường xuyên họp mặt tại tư gia của ông, cùng một số thày cao niên khác, các đàn anh, đàn chị, thanh thiếu niên cùng luyện tập những bài bản trong 20 bài tổ và những bài bản được giới nhạc tài tử công nhận.
Buổi dạy đờn ca tài tử của thày Tấn Nhì không theo một chương trình sắp đặt trước, trước khi vào bản, thuộc hơi nào học trò luôn có câu rao (2) theo hơi đó. Mỗi người thày có một cách rao, lúc đầu học trò đờn theo thày, nhưng khi đã đạt trình độ nhất định thì thày cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt. Người đờn khi bắt đầu rao, một mặt dẫn người nghe vào điệu, vào hơi để nghe bản đờn, mặt khác, cũng là lúc thử cây đờn có phím nào chênh hay không. Theo nhạc sĩ, trong tô điểm chữ nhạc có ba nguyên tắc đặc thù: thứ nhất, một chữ đờn hay cần phải được tô điểm một cách khéo léo; thứ hai, bàn tay mặt sinh ra thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp thanh, biến nó thành âm; thứ ba, khi đờn phải nhấn nhá, khi ca phải luyến láy.
Nghệ nhân Thanh Tùng (Lê Khắc Tùng), nguyên chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TTVH thành phố đã sáng tác, biên soạn viết lời cho trên 200 tác phẩm, góp phần xây dựng hơn 40 CLB, đội nhóm và đã truyền dạy đờn, ca cho hàng trăm học viên. Suốt 6 năm qua, tư gia của ông đã trở thành điểm hẹn của những người yêu đờn ca tài tử không chỉ ở TP.HCM, mà còn từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh…
Ngoài các lớp học tại tư gia hai nghệ nhân kể trên, ở TP.HCM hiện nay còn rất nhiều lò luyện, thu hút đông đảo những người yêu thích và có năng khiếu về loại hình nghệ thuật này theo học.
Một số tồn tại
So với các loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ truyền khác tại thành phố, thì hiệu quả của việc truyền dạy nhạc tài tử ở TP.HCM còn ở mức độ khiêm tốn. Cho đến nay, chưa có một chiến lược truyền nghề rộng rãi, rất ít các trường chính quy đào tạo bộ môn nghệ thuật này, trong khi đó, lớp nghệ nhân kế tục có thể mở lớp tại tư gia không nhiều.
Tình hình đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nhà trường nói chung từ nhiều năm nay hầu như không thay đổi. Phương pháp đào tạo cổ điển, giáo trình cũ, tư duy cũ, nhận thức thấp… Sinh viên ra trường không đáp ứng nhu cầu thực tế. Mặt khác, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp thường trở về các tỉnh làm việc, phải đi hát ở các quán để mưu sinh, thậm chí bỏ nghề vì không có đất hoạt động.
Hiện nay, thành phố có rất nhiều tài tử ca nhưng lại khan hiếm tài tử đờn, do đào tạo người đờn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn. Sự mất cân đối này báo hiệu nguy cơ mai một nghệ thuật đờn ca tài tử, khi những ngón đờn điêu luyện rơi rụng dần mà lớp kế thừa chưa đủ sức nắm bắt. Chất lượng nghệ sĩ đang kém dần đi, sự thiếu hụt các tay đờn giỏi là điều đáng lo ngại.
Nhiều CLB đờn ca tài tử vẫn hoạt động tự phát, thiếu định hướng, chưa có kế hoạch lâu dài, hệ thống các bài bản có tình trạng tam sao thất bản, giáo trình còn sai lệch, chưa chính xác, kinh phí tổ chức các lớp truyền dạy còn hạn hẹp…
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc truyền dạy đờn ca tài tử tại TP.HCM
Nhóm giải pháp chung
Tuyên truyền sâu rộng giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trong cộng đồng.
Đờn ca tài tử là dòng nghệ thuật kén khán giả, bởi vậy cần phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng về giá trị, vai trò của đờn ca tài tử trong đời sống cộng đồng bằng nhiều hình thức. Nhà nước cần hỗ trợ các địa phương tổ chức liên hoan, giao lưu trình diễn và sáng tạo đờn ca tài tử. Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam duy trì tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quy mô quốc gia định kỳ 3 năm một lần, trên cơ sở Liên hoan theo địa bàn tỉnh 2 năm một lần, quận, huyện mỗi năm một lần. Các đài phát thanh và truyền hình nên có những chương trình giới thiệu đờn ca tài tử, sáng tạo nhiều trò chơi đố vui có giải liên quan đến môn nghệ thuật này.
Ngành văn hóa từ trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa, kiểm kê bài bản; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, phục vụ các mục đích quảng bá và giáo dục di sản; tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa đờn ca tài tử; khuyến khích cộng đồng tham gia thực hành, sáng tạo bài bản mới trên cơ sở 20 bản tổ; xuất bản sách, CD, VCD cung cấp tư liệu cho các phương tiện truyền thông đại chúng phục vụ công tác quảng bá; xây dựng cơ sở dữ liệu theo hình thức mở, phục vụ việc nghiên cứu, khai thác thông tin để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận…
Xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM.
Tính xã hội hóa cao là ưu thế của đờn ca tài tử so với các loại hình nghệ thuật khác, tuy nhiên nó vẫn chưa có kế hoạch phát triển từng giai đoạn và lâu dài. Các cơ quan chức năng cùng các hội ngành chuyên môn cần sớm xây dựng một kế hoạch dài hơi cho việc duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật này trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch phát triển cần bám sát các mục tiêu của chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của thành phố. Khi triển khai xây dựng kế hoạch, cần tiến hành các bước nghiệp vụ như điều tra xã hội học về nhu cầu của người dân thành phố đối với đờn ca tài tử, hệ thống hóa từng cụm chuyên đề, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên đề về bảo tồn, phát triển loại hình này ở TP.HCM. Song song đó, cần hỗ trợ cộng đồng duy trì tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến đờn ca tài tử; phục hồi các bài bản cổ, mở rộng hình thức, môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu đã đề ra; tiến hành thống kê, đánh giá khách quan thực trạng, những tồn tại, triển vọng của hoạt động trên địa bàn thành phố.
Nhóm giải pháp cụ thể
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các CLB.
Thành phố cần thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu đờn ca tài tử trong địa bàn, có hình thức khen thưởng, khích lệ phù hợp để kích thích phong trào. Thể lệ các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cần có yêu cầu bắt buộc có tiết mục mang đậm chất tài tử; người tham gia phải thể hiện thành thạo ít nhất một bản tổ; Ban giám khảo đánh giá điểm chuyên môn dựa trên sự ngẫu hứng của người đờn, người ca… Có như vậy, các CLB mới chú ý hơn đến việc truyền dạy, giữ gìn bản sắc của loại hình độc đáo này.
Từ thực tiễn hoạt động của các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn, TTVH TP.HCM lựa chọn CLB xuất sắc nhất để đầu tư xây dựng thành một CLB điển hình, làm kiểu mẫu. CLB này sẽ đại diện cho thành phố tham gia giao lưu với các tỉnh thành trong cả nước, tham gia các liên hoan, hội diễn khu vực, toàn quốc hoặc đi theo các đoàn đại biểu biểu diễn ở nước ngoài…
Cung cấp chương trình, giáo án, phương thức truyền dạy đờn ca tài tử cho các cơ sở ngoài nhà trường, tổ chức lớp học chuyên sâu.
Các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cần cung cấp cho các cơ sở ngoài nhà trường bộ sách – băng đĩa của lòng bản đờn ca tài tử tương đối thống nhất (về cấu trúc, câu, đoạn…). Song song đó, cần tập trung tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, sắp xếp theo trình tự thời gian những bài ca, bản nhạc có nội dung tốt đang lưu hành rộng rãi, có ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình xây dựng nhân cách và lối sống. Những bài ca, bản nhạc này được tập hợp thành tài liệu truyền dạy tại các CLB.
Ưu tiên tổ chức các lớp học đờn ca tài tử một cách bài bản tại những cơ sở ngoài nhà trường, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, người yêu thích và có nhu cầu thực hành nghệ thuật đờn ca tài tử có thể giao lưu, học hỏi. Các năng khiếu nhạc tài tử được phát hiện từ liên hoan, hội thi, hội diễn cần được động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia hoạt động tại địa phương, đặc biệt phải được đào tạo bài bản để phát triển nghề nghiệp.
TTVH thành phố tổ chức một lớp học đờn ca tài tử chuyên sâu nhằm mục đích đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế thừa. Lớp học là nơi các nghệ nhân giàu kinh nghiệm nhất được mời đến truyền dạy theo chương trình, giáo án riêng, với những ngón nghề riêng. Ngoài giờ học chung và các hoạt động ngoại khóa cần thiết, chủ yếu học viên được học một thày – một trò theo phương pháp truyền ngón, truyền khẩu. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ là đội ngũ nghệ nhân mới mang trọng trách giữ lửa và truyền lửa cho nghệ thuật đờn ca tài tử.
Phối hợp chặt chẽ giữa CLB với các trường văn hóa nghệ thuật.
Cần tiến hành song song, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo trong nhà trường và ngoài nhà trường, vì mỗi hình thức đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định. Trong các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, người học sẽ tiếp thu được những kiến thức cơ bản, khoa học, có bằng cấp. Bên cạnh đó, tại các cơ sở ngoài nhà trường, hình thức truyền khẩu, truyền ngón được phát huy mạnh mẽ. Dạy truyền ngón thì các em không biết nhạc lý đều học được, thày truyền nghề không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên môn.
Nhà nước cần quan tâm đặc biệt, có chính sách cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân, xây dựng Quỹ phát triển đờn ca tài tử TP.HCM.
Cần có cách ứng xử cụ thể đối với từng nghệ nhân hay nhóm nghệ nhân nhằm khai thác, bảo tồn, phát huy hiệu quả vốn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền nói chung, đờn ca tài tử nói riêng. Cần tạo điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng tài năng, trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Các ngành, các cấp cần phối hợp để thống nhất và ban hành những quyết sách kịp thời, vừa giúp cho cuộc sống của những nghệ nhân bớt khó khăn, vừa khơi gợi ngọn lửa đam mê trong cộng đồng, để mọi người cùng chung tay giữ gìn, phát huy một cách hiệu quả loại hình nghệ thuật quý báu này.
Đờn ca tài tử đang có những thuận lợi do được thế giới thừa nhận, Nhà nước và công chúng quan tâm. Khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, tạo được nguồn kinh phí duy trì, nuôi dưỡng các CLB hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng việc truyền dạy, xây dựng đội ngũ kế thừa.
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc, vừa ràng buộc trách nhiệm lớn lao của chúng ta đối với việc gìn giữ, phát huy di sản quý báu mà cha ông để lại. Trong tương lai, đờn ca tài tử sẽ tiếp tục sống, lan tỏa rộng rãi nếu như việc truyền dạy được coi trọng và hiệu quả truyền dạy không ngừng được nâng cao.
_______________
1. Lòng bản là khung bài bản cố định của bản nhạc đờn ca tài tử.
2. Rao (câu dạo) là câu nhạc tự do thường chơi trước khi vào bản đờn chính.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : VŨ THỊ DUYÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn