Vai trò của múa trong nghệ thuật tuồng


Nói đến tuồng là nói tới bộ môn nghệ thuật tổng hợp, sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, phù hợp với tư duy, tình cảm, thẩm mỹ của dân tộc. Tuồng đã tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời, nó tạo nên những giá trị bền vững và là một trong những thành tố quan trọng của sân khấu kịch hát dân tộc.

Trong các loại hình sân khấu truyền thống, duy nhất chỉ có nghệ thuật tuồng được mệnh danh là nghệ thuật bác học. Yếu tố “nghệ thuật bác học” của tuồng không chỉ được thể hiện thông qua những tác phẩm mẫu mực, mà còn bởi tuồng là một loại hình nghệ thuật diễn xuất không đơn thuần, đậm chất “bác học” được thể hiện thông qua những khuôn mẫu về trình thức biểu diễn, những quy ước về nghệ thuật thông qua trang phục và nghệ thuật vẽ mặt Tuồng.

 

Có thể nói rằng, tuồng là nghệ thuật của sự ước lệ, sự cách điệu từ ngôn ngữ văn học, âm nhạc, làn điệu, cách sử dụng binh khí và vũ đạo. Trong đó, vũ đạo ở đây được hiểu là sự múa hóa tất cả các cử chỉ và hành vi miêu tả được hành động của con người.

Chính sự xuất hiện khá dày của yếu tố múa trong một tác phẩm tuồng đã làm xuất hiện những ý kiến cho rằng, không có múa thì không phải là nghệ thuật tuồng. Tất nhiên, ý kiến đó không đồng nghĩa với việc các diễn viên muốn múa gì thì múa, mà vấn đề đặt ra ở đây là phải múa như thế nào mới đúng là múa tuồng.

Xưa nay, một trong những đặc điểm của kịch hát truyền thống Việt Nam là hát thường kết hợp với múa hoặc có yếu tố múa, bởi nhiều khi lời hát chưa chuyển tải hết được cảm xúc nên người ta có nhu cầu phải múa, hoặc ngay trong tiết tấu nhạc, hát cũng làm cho người ta rạo rực muốn đi lại, thay đổi tư thái hay vận động cơ thể, đó cũng là nhu cầu và phản xạ tự nhiên về mặt sinh lý, đó cũng là lời giải thích cho vũ đạo trong Tuồng.

Trong nghệ thuật tuồng, cái đẹp là phải cân đối và trọn vẹn, bởi vậy mà múa hay hát trong tuồng còng đều phải chú ý tới vay trả, trống mái… Không những thế, vì sân khấu tuồng là sân khấu hành động nên đã tạo ra một sân khấu vô cùng thuận lợi cho việc múa và hát. Trên phương diện này, hát và múa ở đây lại là phương tiện phục vụ cho diễn xuất và yêu cầu đặt ra cho múa trong sân khấu tuồng là: làm thế nào để dùng các động tác hình thể để biểu hiện được tâm hồn và tính cách của nhân vật. Để trả lời câu hỏi này, múa trong sân khấu tuồng đã tiến đến những động tác khoa trương, cách điệu hóa cao, không chỉ hỗ trợ cho lời tuồng mà có nơi, có lúc còn tách ra thành phương tiện diễn xuất độc lập ở hình thức cao hơn, đó là múa tuồng gần với múa thuần túy.

Tuy vậy, khi tham gia vào kịch thì ta không còn gọi được rành rọt tên của nó nữa, múa lúc này được coi như một biện pháp mỹ học, đồng thời yếu tố ngôn ngữ tham gia vào cốt truyện đã dẫn đến xu thế múa hóa trong tuồng (võ thuật hóa múa – múa hóa võ thuật) và khẳng định quy luật phối hợp giữa âm nhạc và múa. Vì vậy, múa trong tuồng cũng phải được dàn dựng và sáng tác theo quy luật của múa mà không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người diễn viên trên sân khấu, mặc dù tuồng là nghệ thuật biểu diễn với trung tâm là nghệ thuật diễn viên đã gắn bó đồng hành trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Ngay từ khi xây dựng kịch bản tuồng, nhà văn hay tác giả luôn chú ý tìm tòi, xây dựng ngôn ngữ giàu tính hình tượng, bởi vậy mà trong mỗi lời nói, hát đều hàm chứa một nội dung bên trong và hình tượng bên ngoài cụ thể. Nhiệm vụ đặt ra cho vũ đạo tuồng là làm thế nào nêu bật được ý nghĩa sâu xa ẩn bên trong ngôn từ đó bằng ngôn ngữ đặc thù của mình và xây dựng được hình tượng nhân vật rõ ràng nhất.

Việc xác định lại cho đúng vị trí, vai trò, đặc trưng độc đáo và riêng biệt của múa trong nghệ thuật tuồng truyền thống là một việc làm cần thiết để trả nó về đúng với giá trị tự thân của múa khi tham gia vào loại hình nghệ thuật tổng hợp này.

Một điều khác dễ bắt gặp là ở vở tuồng nào cũng có những lời hát, nói không gợi lên nội dung hay hình tượng nào cụ thể, vậy thì lúc này vai trò và tài năng của người diễn viên lại được đặt lên hàng đầu trong quá trình phân tích, xử lý, lùa chn vò o, t thõ sao cho phù hợp với lôgíc phát triển của nhân vật trong vở diễn. Và nhiều khi, chính người nghệ sĩ tuồng mới là nhân tố chính yếu, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc thay đổi không gian và thời gian gián cách trên sân khấu bằng các động tác mang tính ước lệ cao, càng giúp làm sáng tỏ thêm nhận định sân khấu tuồng là sân khấu ước lệ.

Ví dụ: Để thể hiện nhân vật đang đi trong đêm tối mặc dù trên sân khấu đèn đang sáng rực thì người diễn viên chỉ cần thể hiện một số động tác như sau: tay sờ soạn, chân lần lần dưới đất, cử chỉ rụt rè, hễ chạm phải cái gì thì giật mình sợ sệt,…

Hoặc như: Tay cầm roi ngựa phi nước đại trên sân khấu đi một vòng quay lại chỗ cũ nhưng lúc này nghệ sĩ tuồng dùng động tác lỉa xóc như miêu tả đã phi một đoạn đường dài gian nan, vất vả, nay đã thấm mệt, đi thêm vòng nữa dùng các động tác chân cầu đuổi nhau hình số tám cùng các bộ tay khán nhìn lên bầu trời thể hiện đi từ lúc trời còn sáng nay đã xế chiều,…

Không những thế, đôi khi lời hát và âm nhạc không thể diễn đạt được hết tâm trạng của nhân vật thì chính bằng động tác múa và bằng cơ mặt lại truyền được cảm xúc tới người xem một cách đầy đủ nhất. Ví dụ: lớp Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân loạn trào

            Đối với các vai Tuồng theo mô hình như đào, kép, mụ… đều có những bộ múa tương ứng tay không hoặc sử dụng đạo cụ. Đạo cụ trong tuồng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, nó phối hợp với vũ đạo cách điệu hóa thành múa với đạo cụ giúp thể hiện tính cách nhân vật hết sức rõ nét. Ví dụ: cách xử lý quạt thoắt gập, thoắt xoẹt, lúc lấy quạt che, khi dùng quạt chỉ, lúc quạt nhanh lúc quạt chậm, đã khắc họa tính cách của một tên thái sư nham hiểm và gian ác…

Đây là một trong những biện pháp mỹ học để phân biệt múa tuồng với múa chèo, cải lương hay bất kỳ loại hình kịch hát dân tộc nào. Xét từ những động tác tay đơn giản như: bọc, úp, xoan, xỏ,… hay những động tác chân như: co, dàn, ký, trả,… đến hàng loạt những bộ múa phức tạp, những tổ hợp động tác khó như: bắt ngựa, nhẩy thành, lỉa vòng… đều tuân thủ bốn nguyên tắc: nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù, phì sấu tương chế. Qua nhiều thế hệ giữ gìn và phát triển vốn cổ của nghệ thuật tuồng truyền thống, nhiều nghệ sĩ đã sưu tầm, đúc kết thành hệ thống múa tuồng đa dạng và phong phú mang tính quy chuẩn cao, vừa tạo nên đặc trưng riêng về thể loại, vừa góp phần tạo cho tuồng một phong cách biểu đạt ngôn ngữ không trùng lặp với bất kỳ loại hình nghệ thuật sân khấu nào.

Theo quy luật của sự vận động và phát triển, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng phải có lúc thịnh, lúc suy, lúc thăng, lúc trầm theo luật bù trừ, tiếp biến, hoàn thiện và hình thành cái mới.

Để duy trì, phát triển cũng như tăng sức diễn tả của loại hình sân khấu đặc sắc này qua mọi thời đại, nghệ thuật tuồng cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Ngoài việc khôi phục các vở diễn cổ điển, ghi băng hình các vai mẫu, các trích đoạn hay, lưu giữ những bộ, động tác và các làn điệu độc đáo thì đối với các nghệ sĩ tuồng, trung thành với nghệ thuật tuồng không phải là ngắm nghía, trầm trồ mà phải đem hết sức mình ra cống hiến cho tương lai của nghệ thuật tuồng.

          Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, tuồng đã trở thành di sản độc đáo trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Trong nghệ thuật tổng hợp ấy, có nơi, có lúc múa nổi lên và trở thành một trong những thành tố quan trọng cùng với lời, hát, diễn, kể nội dung kịch bản, tâm trạng, tính cách nhân vật, thể hiện không gian, thời gian vở diễn, hợp thành giá trị ưu việt được đông đảo quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng. Bằng trải nghiệm thời gian, nghệ thuật tuồng truyền thống đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong việc định hướng phát triển cho sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam trong thiên niên kỷ mới.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Nguyễn Thị Tuyết Minh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *