Vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở việt nam hiện nay


1. Gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại

“Gia đình là tập hợp người cùng sống chung tạo thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội; gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái”(1). Gia đình là bầu sinh quyển mà con người được tiếp xúc sớm và gần gũi nhất, là môi sinh trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người.

Không chỉ là tổ ấm của mỗi người, gia đình còn là tế bào của xã hội. Quan hệ giữa gia đình và xã hội là quan hệ song phương, nhưng chiều thuận là tác động từ phía gia đình tới xã hội. Gia đình có phát triển tốt thì xã hội mới có thể phồn vinh. Trong xã hội hiện đại, gia đình càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.

Hiện nay, do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và tác động của cơ chế thị trường, xã hội Việt Nam đang chuyển đổi từ tĩnh sang động, từ lạc hậu sang hiện đại, nên mô hình gia đình người Việt có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, quy mô và các mối quan hệ. Từ kiểu gia đình truyền thống tđại đồng đường chuyển dịch sang kiểu gia đình nhỏ hai thế hệ – cha mẹ và con cái. Ngoài ra, còn có gia đình đơn thân, độc thân, gia đình của những người không cùng huyết thống… Sự thay đổi này tạo cơ hội cho nhiều cá nhân và gia đình phát triển vượt bậc, nhưng cũng đặt ra những thử thách, gây nguy cơ tan vỡ cho không ít gia đình.

Xu hướng tự do và thực dụng trong hôn nhân ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng ly hôn ngày một nhiều. Mặt khác, áp lực của công việc, học tập và nhu cầu thời gian để cá nhân nghỉ ngơi, giải trí… làm cho tình cảm giữa các thành viên có chiều hướng giảm sút, mối quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái có phần lỏng lẻo; người già thiếu sự quan tâm về tinh thần; bữa cơm gia đình khó duy trì đều đặn… Hôn nhân đổ vỡ gây ra nhiều hậu quả nặng nề: người già bị cô đơn, trẻ em bị thất học và không được nuôi dạy chu đáo, sớm bị đẩy ra lề đường, dễ dàng đến với các tệ nạn xã hội… Ngược lại, nếu được nuôi dưỡng trong những gia đình văn hóa tốt luôn có khả năng miễn dịch trước cái xấu, cái ác. Như vậy, có thể nói: xây dựng gia đình văn hóa chính là chìa khóa cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện, giúp các gia đình ấm no hạnh phúc, xã hội phát triển hưng thịnh.

2. Xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng và bền vững là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Điều này, từ lâu đã được chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người đã sớm chỉ rõ tầm quan trọng có tính chất quyết định của gia đình đối với sự phát triển của xã hội: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người, năm 2001, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28-6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam. Ngày 16-3-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định lấy năm 2013 là năm gia đình Việt Nam.

Hàng năm vào ngày Hội gia đình Việt Nam, có nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực nhằm tuyên truyền giá trị của gia đình Việt và tôn vinh những gia đình tiêu biểu, nhắc nhở thế hệ trẻ: tổ ấm gia đình không gì sánh được.

Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông quan tâm tới vấn đề xây dựng gia đình văn hóa mới. Đặc biệt đài Truyền hình Việt Nam có nhiều chương trình dành riêng về chủ đề gia đình như: Người xây tổ ấm, Bố ơi mình đi đâu thế, Con biết tuốt, Cố lên con yêu, Cháu ơi cháu à, Vui khỏe có ích… Cùng với các chiến dịch truyền thông và phong trào Xây dựng gia đình văn hóa mới sôi nổi rộng khắp trên toàn quốc đã góp phần gắn kết các thế hệ, giúp công chúng nhận thức được tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi cá nhân và đối với sự phát triển của toàn xã hội; giúp họ cảm nhận sâu sắc được sự thiêng liêng của hạnh phúc gia đình. Từ đó hình thành ở họ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với gia đình, giúp mỗi thành viên cảm thấy tự hào, tự tin về truyền thống gia đình, có ý thức trao    truyền cho nhau những tình cảm tốt đẹp của gia đình Việt, đó là: hiếu thảo, hiếu học, uống nước nhớ nguồn, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết bổn phận và làm tròn bổn phận, vợ chồng thủy chung, hòa thuận…

Để xây dựng được những gia đình văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, cần thay đổi quan niệm về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình. Ngoài việc truyền thông về vai trò của gia đình và sự cần thiết phải xây dựng những gia đình văn hóa Việt, còn phải gửi tới từng người thông điệp: cùng chung sức xây tổ ấm. Quan niệm: đàn ông xây nhà/đàn bà xây tổ ấm có lẽ không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Với vai trò kép, người phụ nữ không chỉ là người của gia đình mà còn là người của xã hội. Họ bình đẳng với nam giới, thậm chí nhiều phụ nữ còn được giao những trọng trách quan trọng trong xã hội. Song song với nhiệm vụ ngoài xã hội, phụ nữ vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đối với gia đình. Người phụ nữ phải biết lựa chọn cách thức quản lý, chăm sóc gia đình sao cho khoa học, hợp lý, hợp tình để các thành viên cảm nhận được tình yêu thương, tạo tiền đề vững chắc để các thành viên phát triển trong tương lai.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Các tổ chức cần phối hợp để mở những lớp học tiền hôn nhân, bắt buộc các bạn trẻ trước khi xây dựng gia đình phải học và có chứng chỉ nghiêm túc. Tại đây các chuyên gia sẽ dạy họ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống vợ chồng; dạy họ cách làm mẹ, làm cha, làm dâu, làm rể; cần làm thế nào khi mang thai, phải chuẩn bị những gì trước khi sinh con, kỹ năng chăm sóc trẻ và người già, người bệnh… để mỗi người có được những kiến thức nhất định trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền về giá trị của gia đình Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức sinh động như: tổ chức câu lạc bộ, xuất bản những tập sách thiết thực có hình thức đẹp, giá rẻ, dễ mua… thu hút mọi đối tượng. Thường xuyên nêu gương những gia đình văn hóa tiêu biểu. Tránh chủ nghĩa hình thức khi bình chọn gia đình văn hóa ở cơ sở.

Thứ tư, tạo ra môi trường gia đình lành mạnh, đầy ắp tình thương yêu; ông bà cha mẹ gương mẫu, cháu con ngoan ngoãn hiếu thảo… để mỗi gia đình trở thành một pháo đài vững chắc chống lại sự tấn công của những thứ phản văn hóa như: nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, bẻ cây chặt cành, hút thuốc lá nơi công cộng, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông… Từ đó mỗi người biết yêu quý, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, biết ứng xử một cách nhân văn, biết kìm nén những hành vi bộc phát.

___________

1. Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, 1994, tr.367.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : LÊ THỊ THỦY

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *