Văn hóa đạo đức trong kinh doanh


         Cùng với nhiệm vụ xây dựng và giữ gìn các giá trị đạo đức xã hội, việc xây dựng và vận dụng các giá trị văn hóa đạo đức trong kinh doanh đang trở thành một vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Văn hóa đạo đức trong kinh doanh là sự vận dụng, thực thi những giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu, biểu tượng đạo đức của cộng đồng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đạo đức kinh doanh về bản chất là đạo đức nghề nghiệp được thể hiện trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể: lĩnh vực kinh doanh.

Trong xã hội thông tin – tri thức, văn hóa được đề cao và thực sự trở thành nguồn lực quan trọng có tính chất quyết định đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa đạo đức không chỉ là nguồn tài sản vô hình của doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng tạo dựng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều nước phát triển rất đề cao văn hóa đạo đức trong kinh doanh, coi đạo đức kinh doanh là chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa đạo đức trong kinh doanh có vai trò to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, trong phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung. Tuy nhiên ở nước ta, trong khi văn hóa và văn hóa đạo đức luôn được sự quan tâm của toàn xã hội thì đạo đức kinh doanh mới chỉ được nhắc tới trong vài năm gần đây, khi chúng ta bước vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh đất nước ta vừa mới bước đầu xác lập thể chế kinh tế thị trường, sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại sẽ kéo theo sự chuyển đổi các định hướng giá trị xã hội, trong đó có các giá trị đạo đức kinh doanh. Đạo đức truyền thống được hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc cũng như đạo đức mới XHCN được hình thành trên cơ sở nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tuy đã mất đi cơ sở kinh tế của nó, song ít nhiều vẫn tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội đương đại. Nhiều giá trị, chuẩn mực đạo đức kinh doanh truyền thống đang song hành cùng với sự xâm nhập của các giá trị, chuẩn mực đạo đức kinh doanh từ các nền kinh tế phát triển, trong khi các giá trị, chuẩn mực đạo đức kinh doanh mới còn đang hình thành.

Mặt khác, những tác động của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa cũng dẫn đến sự chuyển đổi của các định hướng giá trị xã hội, trong đó có các giá trị đạo đức kinh doanh, theo những xu hướng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực.

Những thay đổi theo chiều hướng tích cực, đó là: từ chỗ chỉ coi trọng giá trị tinh thần sang đề cao cả giá trị tinh thần lẫn vật chất; từ chỗ tuyệt đối hóa lợi ích chung sang kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; từ chỗ chỉ coi trọng giá trị cộng đồng sang vừa coi trọng giá trị cộng đồng vừa tôn trọng giá trị cá nhân… Việc coi trọng hiệu quả hoạt động kinh tế như thước đo giá trị nhân cách không chỉ kích thích con người hoạt động một cách có hiệu quả nhằm khẳng định giá trị nhân cách, mà còn làm cho hoạt động, lao động của con người có ý nghĩa thiết thực hơn. Giá trị nhân cách cũng như đạo đức được đo và bảo đảm bằng hoạt động có hiệu quả, do vậy, nó trở nên thiết thực hơn, khắc phục được tính chất nói suông vẫn ít nhiều thể hiện trong đạo đức truyền thống, đặc biệt là đạo đức của thời bao cấp. Đây là đòi hỏi của kinh tế thị trường, nó quy định xu hướng tích cực của sự biến đổi giá trị đạo đức (1).

Những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, đó là: từ chỗ coi nhẹ giá trị vật chất sang tuyệt đối hóa giá trị vật chất; từ chỗ trọng đức khinh tài sang coi trọng năng lực, coi nhẹ đạo đức; từ chỗ đề cao con người tập thể sang đề cao con người cá nhân chủ nghĩa; từ chỗ coi trọng lợi ích tập thể sang tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân; từ chỗ đề cao lý tưởng đến chỗ thực dụng, sùng bái đồng tiền; từ lối sống cần kiệm sang lối sống xa hoa, lãng phí…

Sự song song tồn tại của các giá trị đạo đức mâu thuẫn nhau cho thấy tính đa dạng về định hướng giá trị xã hội, đồng thời cũng cho thấy những tác động phức tạp, nhiều chiều của các định hướng giá trị xã hội đó tới đạo đức doanh nhân, doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

Thực ra vấn đề văn hóa đạo đức, trong đó có văn hóa đạo đức trong kinh doanh, là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng quốc gia nào, bởi với vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa có ý nghĩa chi phối rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia. Ở nước ta, vấn đề đạo đức và đạo đức kinh doanh với những tích cực và hạn chế của nó đang ngày càng được sự quan tâm của cả xã hội.

Đảng ta đã coi việc hình thành hệ giá trị và chuẩn mực mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại là một trong những nhiệm vụ của xây dựng văn hóa nói chung, xây dựng văn hóa đạo đức nói riêng. Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới này sẽ phản ánh, điều chỉnh một cách hài hòa quan hệ giữa lợi ích chung của xã hội và các loại lợi ích đa dạng khác do sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế tạo ra. Đó chính là cơ sở để hình thành nên những giá trị, những chuẩn mực đạo đức mới trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể, trong đó có lĩnh vực sản xuất kinh doanh (2).

Nền kinh tế thị trường ở nước ta mới bước đầu được xây dựng, các giá trị chuẩn mực mới cũng đang trong giai đoạn từng bước và chưa rõ nét, vì vậy nó chưa phải là lực lượng đạo đức đủ sức điều chỉnh một cách phổ quát, tích cực và toàn diện đến các hành vi của con người trên phạm vi toàn xã hội. Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ những hạn chế trong phát triển văn hóa, trong đó có vấn đề môi trường văn hóa, mà cụ thể là văn hóa đạo đức: “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục,…sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức…”.

         Nhiều nhà khoa học có tâm huyết đã cảnh báo: phát triển có nguy cơ biến thành phản phát triển bởi sự coi thường đạo đức và các giá trị nền tảng của đạo đức xã hội khi đi vào kinh tế thị trường. Thành tựu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là điều cần được khẳng định. Song mặt trái của kinh tế thị trường đã thâm nhập rất mạnh, ngày càng mạnh và sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn nữa trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng tự nó đã đòi hỏi một nền đạo đức mới tương thích. Vì thế, cùng với nhiệm vụ xây dựng kinh tế thị trường, việc chủ động xây dựng nền đạo đức mới là một phương diện của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Đảng ta cũng xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội là tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức và lối sống.

Chính vì vậy, xây dựng văn hóa đạo đức xã hội nói chung, xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh nói riêng trong nền kinh tế thị trường là một đòi hỏi tất yếu trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.

Văn hóa đạo đức, trong đó có văn hóa đạo đức kinh doanh, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Do đó, định hướng xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh cũng được xác định trong định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã được chỉ ra từ Đại hội IX: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống sự thâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc. Khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn”(3).

Từ định hướng của Đảng về phát triển văn hóa, đối chiếu với thực tiễn vận động, phát triển đa dạng, đa chiều và phức tạp của các giá trị và chuẩn mực xã hội trong lĩnh vực văn hóa kinh doanh ở nước ta hiện nay, có thể nhận thấy sự cần thiết phải đi đến thống nhất quan điểm về xây dựng văn hóa đạo đức trong kinh doanh ở nước ta hiện nay.

Một là, kế thừa có chọn lọc các giá trị đạo đức kinh doanh truyền thống. Các giá trị đạo đức kinh doanh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được đúc rút qua nhiều thế hệ và được xác định ở từng thời kỳ nhất định đã trở thành những giá trị truyền thống cơ bản, bền vững, mang bản sắc văn hóa dân tộc như: tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, cần cù, sáng tạo, trung thực, nhân nghĩa… Các giá trị truyền thống đó cần được phát huy và nâng lên một tầm cao mới để đáp ứng nhu cầu thời đại mới, làm cho nó trở thành nguồn nội lực trong phát triển kinh tế đất nước. Mặt khác, cần hạn chế những rào cản truyền thống gây trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, tiếp thu có chọn lọc các giá trị đạo đức kinh doanh của nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa đem đến nhiều giá trị mới mẻ, trong đó có những cái chúng ta còn thiếu hụt cần được bổ sung như: ý thức pháp luật, ý thức công dân, tôn trọng cá nhân, tự do sáng tạo, làm giàu chính đáng… Trong thời đại khoa học kỹ thuật, tri thức, năng lực của mỗi cá nhân cũng như vai trò, trách nhiệm cá nhân thực sự trở thành vấn đề then chốt cho sự phát triển, bởi vậy nó cần được phát huy tối đa, song phải có sự kết hợp hài hòa giữa giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng. C. Mác đã từng nói: “Lợi ích, hiểu một cách đúng đắn là toàn bộ cơ sở của đạo đức”. Hoạt động kinh doanh vì lợi ích cá nhân chính đáng (không làm tổn hại đến người khác, đến cộng đồng, xã hội) không chỉ làm giàu cho doanh nhân mà còn góp phần đóng góp cho xã hội, vì vậy lợi ích cá nhân chính đáng cũng là một giá trị cần thiết trong nền kinh tế thị trường, song phải đảm bảo giải quyết đúng đắn vấn đề lợi ích trên cơ sở đặt lợi ích cá nhân trong tổng thể các quan hệ lợi ích và sự kết hợp hài hòa giữa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Mặt khác cũng cần hạn chế tác động tiêu cực của các giá trị, chuẩn mực đạo đức kinh doanh không phù hợp với đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc đã và đang xâm nhập vào đất nước ta như chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, tâm lý hưởng thụ, sùng bái vật chất…

Ba là, xây dựng đạo đức, lối sống doanh nhân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Các giá trị, chuẩn mực đạo đức được Hồ Chí Minh đúc kết từ sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đã trở thành những tiêu chí đạo đức căn bản xây dựng mẫu hình nhân cách doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh, xét đến cùng là chú trọng đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

Doanh nhân nước ta là những đại diện tiêu biểu của lực lượng sản xuất mới, do đó phải hội tụ những phẩm chất đặc trưng cơ bản của giai cấp lao động Việt Nam: sống có lý tưởng; giỏi chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ; có ý thức tổ chức kỷ luật, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; có chí tiến thủ, chủ động, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, có khả năng thích ứng nhanh; sử dụng thời gian hợp lý, hiệu quả, có ích; tôn trọng pháp luật, sống theo pháp luật; có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và đất nước; có lòng nhân ái, bao dung.

Đồng thời doanh nhân Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí của con người mới Việt Nam: có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu; có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội…

Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đầy đủ các phẩm chất đặc trưng trên đây là tiền đề định hướng các giá trị mới, phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại, tiến tới xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, vững vàng, sánh vai cùng với doanh nhân thế giới.

Thực tế hiện nay ở nước ta, về mặt lý luận, các vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân chưa được chú trọng đầu tư xây dựng thích đáng; về mặt thực tiễn, vấn đề thương đức thương tài chưa được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng đề cao. Như vậy một trong những yêu cầu của việc xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh ở nước ta hiện nay là chuyển hóa lý tưởng đạo đức kinh doanh thành thực tiễn đạo đức kinh doanh. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh mang bản sắc dân tộc Việt Nam, đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp vận dụng văn hóa đạo đức vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nên bản sắc văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Từ góc độ văn hóa, có thể nói xây dựng văn hóa đạo đức, trong đó có văn hóa đạo đức kinh doanh, là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, nhằm đạt đến mục tiêu cao nhất: vận dụng các nhân tố văn hóa, trong đó có văn hóa đạo đức vào trong quá trình sản xuất kinh doanh, làm cho văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Và đó cũng chính là định hướng xuyên suốt trong đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta: phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa, phải gắn với văn hóa và phải vì mục tiêu văn hóa.

_______________

1, 2. Nguyễn Văn Phúc, Về việc tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, 2007.

             3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, 2001.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012

Tác giả : Nguyễn Phương Lan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *