Văn hóa việt nam hậu kỳ trung đại nhìn từ quan hệ giao thương với nhật bản


 

Xã hội Việt Nam hậu kỳ trung đại, có thể khuôn vào một mẫu, nếu có thể làm được như vậy, theo David Riesman, đã và đang là kiểu “truyền thống định hướng”. Các thế hệ cha anh và con cháu nối tiếp nhau theo trình tự thời gian kéo dài thậm chí hàng ngàn năm, cùng trao truyền cho nhau, cùng chia sẻ với nhau cách hiểu và cách trân trọng những giá trị đã tồn tại lâu đời (1). Nhưng có vẻ như bước vào TK XVII, cơ thể đó đang chuyển mình, dù ít nhiều, theo những bước chân xâm thực, những tầng lớp xã hội mới “xâm nhập” chốn quan trường, những đoàn người lưu tán (2), những không gian mới được định hình, và đặc biệt hơn là tạo nên mối giao lưu tiếp xúc “rộng rãi” với nước ngoài: Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp. Ở đây chúng tôi muốn thông qua một mối quan hệ cụ thể – quan hệ giao thương với người Nhật – để góp phần nhìn nhận những trạng thái tinh thần nhân văn mà, theo chúng tôi là có liên đới với nhau, xét từ bức tranh tổng thể.

Quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản thời hậu kỳ trung đại ghi dấu khá đậm nét trong nhiều tư liệu. Thương nhân trong trường kiến tạo văn hóa là một mẫu hình đặc biệt, như là một “cái trung gian” trong nỗ lực làm cầu nối giữa hiện thực và sự trỗi sinh các giá trị “khác”. Đằng sau những dấu chân thương nhân là những vết tích về quan hệ văn hóa. Với bối cảnh khép kín thời trung đại Đông Á, những “cái nhìn” của “kẻ khác” luôn mang lại những giá trị đặc biệt. Tiếp xúc hay va chạm với kẻ khác, dù vô tình hay cố ý, là cách để nhìn ra giá trị của mình. Theo đó, các yếu tố thị dân, đời sống thị dân, yếu tố cá nhân – cá tính của con người… xét trong tương quan với vấn đề quan hệ giao thương được coi như một liên đới nhiều thú vị. Gương mặt tinh thần, đặc biệt là văn hóa – văn học cũng vì vậy mà thêm nét cá biệt. Cũng do vậy, có thể nhắc lại ở đây, bằng cái nhìn liên ngành, chúng tôi muốn góp phần làm sáng tỏ thêm một vài phương diện tác động qua lại giữa yếu tố ngoại thương với sự phát triển văn hóa – văn học hai nước giai đoạn hậu kỳ trung đại.

Đặt và giải quyết vấn đề quan hệ giao thương Việt Nam – Nhật Bản với tương quan mẫu hình tài tử giai nhân trong văn hóa – văn học hai nước giai đoạn hậu kỳ trung đại sẽ làm xuất hiện nhiều vấn đề liên đới tưởng chừng như chúng không hề tương liên. Tuy thế, các thành tựu mới trong xã hội học văn hóa, trong nhân học lịch sử, địa văn hóa,… cho phép chúng ta tiến hành một thao tác bóc tách các biểu hiện bề nổi để nhận diện các cấu trúc chìm. Sự hiện diện của một “hệ thống buôn bán châu Á” thời trung đại phương Đông là một sự thực mà các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á tham dự trong lịch sử đã tạo nên nhiều nhận thức quan trọng về văn hóa, xã hội. Về mặt này, có người gọi là thời kỳ “toàn cầu hóa cận đại sơ kỳ” của lịch sử dân tộc các nước Viễn Đông trong quan hệ giao thương khu vực (3). Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành một trong những trung tâm, mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống trên. Bài viết này, trong khi xét vấn đề giao thương, cũng đồng thời xác định mẫu hình thương nhân như một “mẫu người văn hóa” (Đỗ Lai Thúy); xét đồng tiền trong quan hệ đó như “một sự kiện xã hội tổng thê” (M. Mauss). Trên cơ sở đó, khi đưa vào trường tương tác trong nghiên cứu văn học, tiền và mẫu hình thương nhân sẽ được nhìn nhận như là những bộ phận quan trọng của “kẻ môi giới văn học” (transmetteur). Và đến đây, các “quan hệ văn học” (giữa nền văn học Việt Nam và Nhật Bản) sẽ được xét đến để mang tới một cái nhìn về các dân tộc khác nhau có những hiện tượng văn học gần gũi nhau đến kỳ lạ.


  Sông Hội An, một thương cảng giao lưu thương mại xưa. Ảnh Việt Hà

Thực trạng quan hệ giao thương Việt Nam và Nhật Bản trong quá khứ đã lưu lại qua các tư liệu là rất đậm nét. Trước hết, bức tranh xã hội hai nước làm tiền đề cho giai đoạn hậu kì trung đại có một số phận tương đối giống nhau (4). Ở Nhật Bản, trước khi bước vào một thời kỳ phát triển nhân văn rực rỡ đã phải trải qua một giai đoạn nội loạn khá dài từ giữa TK XIV đến cuối TK XVI – thời kỳ của các Shogun (tướng quân). Các cuộc tranh chấp ngôi kế vị từ năm 1336 đến 1392 được các sử gia Nhật Bản coi là thời kỳ Nam Bắc triều (Nambokucho) và từ năm 1392 đến 1573 là thời kỳ xưng hùng tranh bá của các tướng quân Ashikaga đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa tư tưởng người Nhật (5). Ở Việt Nam, những biến động xã hội dẫn đến giai đoạn hậu kỳ trung đại phải được nhìn nhận từ TK XVI. Bắt đầu từ Lê Trung hưng (1592 về sau) thực thể chính trị – xã hội Việt vận hành theo cơ chế “lưỡng đầu chế” (một vua, hai chúa, và quyền chúa lớn hơn vua, chúa tiếm quyền vua). Ở Nhật Bản giai đoạn này cũng tồn tại một kiểu thể chế tương tự: một bên là chính quyền Mạc phủ, bên kia là Nhật hoàng. Chế độ phong kiến Việt Nam sau khi phát triển đến đỉnh cao nhất dưới triều Lê Thánh Tông (XV) thì dần dần đã đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy thoái. Nội chiến phong kiến Lê – Mạc (1545-1592), Trịnh – Nguyễn (1627-1672) khiến đất nước rơi vào cảnh loạn ly kéo dài. Chính trong hoàn cảnh có nhiều biến động đó, các giá trị tư tưởng, các trải nghiệm xã hội khác nhau có cơ hội phô bày, tạo nên một cục diện phong phú, cởi mở. Trong viễn cảnh đó, hình ảnh thương nhân, đồng tiền và các trải nghiệm đô thị trong “thời đại thương nghiệp” (A. Reid) được lưu tâm một cách sâu sắc, không chỉ các cá nhân, các khu vực buôn bán mà ngay đến cả chính quyền phong kiến cầm đầu hai nước cũng xem phát triển yếu tố “ngoại thương” là vấn đề sống còn trong giai đoạn này (6). Ở một khía cạnh khác, việc có một chức quan để có cơ hội đứng trong hàng ngũ chính thống đạo thánh hiền không phải là khó, chỉ cần có tiền và hình ảnh “sinh đồ ba quan” là thực trạng như thế. Hình ảnh đô thị, thương nhân khuynh loát đời sống xã hội Nhật Bản từ TK XVII, con đường kinh tế và tài chính đã đưa “giai cấp thành thị lên hàng đầu uy lực xã hội”, thậm chí các Shogun một thời lừng lẫy cũng phải luồn cúi “chạy xuống Đại Bản – thủ đô tài chính phồn hoa đô hội – để vay tiền” (7). “Thương” trong “tứ dân” trở nên càng quan trọng hơn trong xã hội. Con đường giao thương trong khu vực, đặc biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản ra đời trong bối cảnh đó.

Quan hệ giao thương giữa hai nước thời hậu kỳ trung đại được mô tả khá kỹ trong các tư liệu sử, từ Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử quán triều Nguyễn), qua thư từ giữa chính phủ Nhật Bản thời Tokugawa với Đàng Trong và Đàng Ngoài, đến các hồi ký của các thương nhân, các nhà truyền đạo phương Tây tới Việt Nam. Năm 1592, các Châu ấn thuyền (shuinsen) Nhật Bản buôn bán với Xứ Đàng Trong được đánh dấu là thời điểm chính thức mở đầu quan hệ nhiều duyên nợ trong giai đoạn này (8). Nhiều mặt hàng được thương nhân hai nước trao đổi với nhau, tạo nên một bức tranh sinh hoạt sôi nổi ở Hội An phố (Faifo), Thanh Hà phố, Nước Mặn phố (ở Đàng Trong) (9). Ở Đàng Ngoài, Phố Hiến, Thăng Long…, quan hệ giao thương với thương nhân người Nhật diễn ra trong thời gian cùng thời, đặc biệt là dòng họ đại thương nhân (hào thương) Siminokura (nổi bật là hai nhân vật Suminokura Ryoi và Yoichi). Các thương nhân người Nhật (cách gọi tên trong thư tịch cổ là Bắc Hòa, Nam Hòa) đến cư ngụ và trao đổi hàng hóa ở đây rất đông, chiếm vị trí hàng đầu ở Phố Hiến giữa TK XVII. Hàng hóa họ mang đến chủ yếu là vải bông, giấy, vũ khí… (10) và thu nhận từ chuyến buôn là thư tịch (sách vở) và dược liệu (11). Cùng với các mối quan hệ giao thương với các nước khác trong khu vực và với phương Tây giai đoạn này, việc nhấn mạnh sự thiết lập quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần đem lại một bối cảnh văn hóa – xã hội Đại Việt nhiều biến động, hòa nhập vào dòng chảy “thương mại nội Á” và “kỷ nguyên thương mại toàn cầu hóa cận đại sơ kỳ”. Những mô tả sơ lược ở trên đã tạo nên nền tảng lịch sử – xã hội cho sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, thị dân ở đô thị. Đô thị phát triển kéo theo cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng và khác về cuộc đời, và dĩ nhiên thị hiếu thẩm mỹ cũng theo đó có sự thay đổi. Trong xã hội triền miên loạn lạc Việt Nam giai đoạn từ TK XVII đến đầu TK XIX, học thuyết trị bình Nho giáo không thể giải quyết vấn đề của xã hội yêu cầu (có thể xem đấy như một sự giảm giá của đại tự sự, diễn ngôn chính thống). Sự rạn nứt của nó cũng đồng thời kéo theo sự trỗi dậy và phát triển của các yếu tố khác. Yếu tố thương nhân, tiền, thị dân, các tư tưởng khác như Phật giáo, Lão Trang, Đạo giáo… bị đẩy ra ngoại vi trước đây nay có cơ hội phát triển trở lại. Điều đáng chú ý hơn là một mẫu hình văn hóa mới ra đời, con người thương nhân – một sản phẩm của văn hóa đô thị phương Đông trung đại.

Mẫu hình thương nhân, đồng tiền và yếu tố đô thị là một trong những nhân tố quan trọng nhất của kẻ môi giới văn hóa, văn học. Không phải ngẫu nhiên mà văn học hai nước giai đoạn hậu kỳ trung đại thấm đẫm chất “phù thế”, đề cập tập trung tới “thân”, nhấn mạnh mối quan tâm tới yếu tố cá nhân, cá tính với một không gian mở rộng sang biên độ của tự do và tài tình. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn nhìn nhận thương nhân như một “mẫu người văn hóa”, khi đó chính những con người này, trong chiều sâu cá tính và phạm vi hoạt động, trong tương liên với đồng tiền chính là những tầng chìm tác động mãnh liệt tới bức tranh tĩnh lặng của các mẫu người văn hóa khác đã xây dựng trong xã hội.

Mẫu người thương nhân gắn liền với tính di động, mở rộng không gian và mạo hiểm. Thương nhân là những người có đầu óc phiêu lưu, chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận sự được ăn cả ngã về không. Làm một công việc nhiều bất trắc, đòi hỏi sự dám nghĩ đám làm, đặc biệt là dám tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, con người dần có ý thức về bản thân mình, tự ý thức về bản thân. Nhờ vậy ý thức cá nhân bắt đầu phát triển, cá nhân cá thể thức tỉnh thoát khỏi con người tập đoàn. Ở đây thương nhân được nhìn nhận như một kết tinh của thời đại văn hóa. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề tính hiện đại trong quá trình phát triển của văn hóa dân tộc, trong đó văn hóa đô thị làm nền tảng. Theo Sansom, đặc trưng xã hội của các thương nhân có thể quy về trong hai yếu tố cơ bản: Những ràng buộc về những quy phạm đạo đức và xã hội ít chặt chẽ hơn, có cơ sở để phát huy tính tự động và kinh nghiệm của mình; và trong thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật của họ chủ yếu là chủ đề phù thế. Chính tính chất “khác” của thương nhân như trên đã tạo ra chiếc cầu nối, trung chuyển văn hóa giữa đô thị này với đô thị khác, giữa khu vực này với khu vực khác. Nhưng cũng từ đây nó tạo nên “sự phân hóa trong cơ thể xã hội” và trong sự tan rã phân hóa đó, có hai hướng lựa chọn cơ bản: tự chủ và buông thả. Hai lựa chọn đó tạo nên “thế đảo ngược sinh khí” làm cơ sở cho sự phát triển cá nhân và xã hội Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn cận thế (12).

Liên quan đến thương nhân và đô thị không thể không đề cập tới yếu tố tiền bạc. Lịch sử, các câu chuyện của Nhật Bản ghi nhận vào TK XVII, XVIII các Shogun tuy khuynh loát về mặt chính trị – xã hội nhưng phải “luồn cúi” trước thương nhân để có tiền tiêu khiển, giải trí (13). Bạc Nhật Bản đổi tơ lụa Đàng Ngoài trở thành một dòng chảy quan trọng của hoạt động giao thương nội Á giai đoạn hậu kỳ trung đại. Tiền Nhật Bản ở Đàng Trong đóng vai trò còn quan trọng hơn với sự sống còn của cơ đồ chúa Nguyễn. Sự hiện diện một thực tế trên, với chúng tôi, đòi hỏi xem xét các hệ lụy chìm sâu đằng sau sự kiện này. Sự giao dịch qua lại bằng hàng hóa, tiền tệ (phương tiện giao tiếp văn hóa) góp phần mở ra những chân trời tự do mới. Nó thúc đẩy quá trình cá nhân hóa bằng cách giải phóng con người khỏi những liên hệ cá nhân mà họ bị cầm tù trong xã hội truyền thống. Chính “vật trung gian” này đã xen vào giữa các cá nhân, giữa cá nhân và xã hội như một kẻ thứ ba, làm cho các mối liên hệ cộng đồng truyền thống trở nên lỏng lẻo (14). Cũng theo đó, gương mặt của “cái hiện đại” có cơ hội xuất hiện. Khi tiền đã xâm nhập vào xã hội trong quan hệ giao thương như đã mô tả trên, nó trở thành yếu tố trung tâm, làm châu tuần các yếu tố đối lập nhất, xa lạ nhất, xa cách nhất, làm cho nó có điểm chung và tiếp xúc với nhau và tiền chính là yếu tố quyết định để con người có hưởng thụ cuộc sống hay không trong xã hội đô thị. Đây cũng là cơ sở để “các trải nghiệm đô thị” các ý thức về giá trị cá nhân trong tương quan với xã hội phát triển.

_______________

1. Riesman D., Đám đông cô đơn, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012.

2. Nguyễn Thanh Nhã, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013.

3. Hoàng Anh Tuấn, Quốc tế hóa lịch sử dân tộc – Toàn cầu hóa cận đại sơ kì và lịch sử Việt Nam thế kỉ XVII, trong Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.247-282.

4. Đoàn Lê Giang, Thời trung đại trong văn học các nước khu vực văn hóa chữ Hán, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12-2006, tr.89-105.

5. Ishida Kazuyoshi, Nhật Bản tư tưởng sử, hai tập, Bộ VHGD và TN xb, 1973, tr.400-462.

6, 8. Li Tana, Xứ Đàng Trong – lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, 1999, tr.84-86.

7, 13. Ishida Kazuyoshi, Sđd, tập II, tr.12-13.

9. Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỉ XVII – XVIII, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.

10. Đăng Trường, Đô thị thương cảng Phố Hiến, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.98.

11. Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản – giao lưu văn hóa, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 2001, tr.61-68.

12. Arnold J.Toynbee, Nghiên cứu lịch sử nhân loại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.432.

14. Damien de Blic, Jeanne Lazarus, Xã hội học tiền bạc, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009, tr.68.

 

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : NGUYỄN QUANG HUY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *