XÂY DỰNG CHỦ ĐỀ ÂM NHẠC GIAO HƯỞNG TỪ CA KHÚC

Sử dụng giai điệu của những ca khúc quen thuộc để xây dựng chủ đề âm nhạc cho các tác phẩm giao hưởng là việc làm không mới đối nhiều nhà soạn nhạc trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, chẳng ít các tác phẩm vẫn đâu đó vang lên giai điệu của những bài ca cách mạng. Việc làm này, có lẽ là nằm trong ý đồ của các nhạc sĩ: vừa để tiếp nối với mạch nguồn văn hóa dân tộc, vừa để công chúng tiếp cận với tác phẩm một cách dễ dàng hơn…

Âm nhạc giao hưởng Việt Nam mới hình thành và phát triển từ những năm 60 của TK XX, tuy còn rất non trẻ so với lịch sử phát triển của giao hưởng thế giới, nhưng ngay từ những bước đi đầu tiên, các nhà soạn nhạc Việt Nam đều ý thức được tác phẩm của mình cần thể hiện được cái hồn của dân tộc. Để biểu hiện được nội dung, hình tượng, mỗi nhà soạn nhạc tự tìm cho mình một cách sáng tạo riêng để làm nên cái chung, cái đa dạng cho giao hưởng Việt Nam.

Mỗi một trường phái âm nhạc đều có một đặc điểm riêng biệt thể hiện được những nét đặc trưng, độc đáo của trường phái đó. Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt đó chính là ở chủ đề âm nhạc. Chủ đề âm nhạc là linh hồn, là xương sống của tác phẩm. Trong đó nó chứa đựng nội dung hình tượng của tác phẩm, thống nhất một cách chặt chẽ và gắn bó hữu cơ giữa hình tượng văn học và hình tượng âm nhạc. Hình tượng âm nhạc thuộc về lĩnh vực mỹ học đòi hỏi người sáng tác phải am hiểu mỹ học và các lĩnh vực khác như văn học, lịch sử, xã hội… Chủ đề âm nhạc phải gắn bó với xã hội, phản ánh các vấn đề của cuộc sống liên quan đến thẩm mỹ thời đại. Chủ đề âm nhạc là sự biểu hiện của hình tượng tác phẩm, do đó trong quá trình xây dựng chủ đề, không chỉ trần thuật mà còn phải phát triển, chính vì thế chủ đề phải có yêú tố động. Trong khi phát triển chủ đề, ngoài kỹ thuật, người nhạc sĩ phải quan tâm đến các mặt như tính lôgíc, sự hợp lý và sự gắn bó với nội dung của tác phẩm. Các chủ đề của từng chương phải có sự liên quan chặt chẽ đến nhau, do đó đòi hỏi người nhạc sĩ phải có tư duy nhất quán. Chủ đề là sự biểu hiên tập trung sâu sắc nhất mọi phương diện của tác phẩm âm nhạc, mà tác phẩm âm nhạc lại là sản phẩm của một thời đại lịch sử nhất định, được sinh ra trong những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể, do đó nó phải mang tính dân tộc, liên quan đến vấn đề tư tưởng, thẩm mỹ của dân tộc đó.

Khi tiếp xúc với các tác phẩm giao hưởng Việt Nam thì thấy đa phần chúng đều có chủ đề rõ ràng, giai điệu điển hình, nhất là những tác phẩm viết vào những thập niên từ 60 đến 90 của TK XX. Chủ đề ấy được hình thành từ những bài ca quen thuộc, những âm điệu, tiết tấu của các làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền hoặc từ ngữ điệu tiếng Việt… phải chăng điều đó đã phản ánh tâm lý âm nhạc người Việt?

Nhìn lại sự hình thành và phát triển của dòng âm nhạc mới Việt Nam thì thấy: ngay từ khi có trào lưu tân nhạc cho đến nay, nền âm nhạc mới Việt Nam chủ yếu vẫn là ca khúc. Hình như ca khúc với nét giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ, có hình tượng âm nhạc rõ ràng, ca từ miêu tả được những hình ảnh cụ thể, sinh động và sát thực với cuộc sống cho nên con người Việt Nam dễ tiếp nhận.

Hơn nữa, xét về vấn đề lịch sử ta thấy, các nhà soạn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam đều trưởng thành từ người viết ca khúc trước khi viết khí nhạc. Một mặt, khi tiếp xúc, nghe và thưởng thức các tác phẩm khí nhạc, người nghe phải có một trình độ nhất định. Nhìn chung trình độ hiểu biết của công chúng Việt Nam về các tác phẩm âm nhạc kinh điển chưa cao. Mặt khác, đường hướng phát triển của nền âm nhạc Việt Nam xưa nay vẫn theo dòng mạch từ thơ đến ca. Ca hát vẫn luôn giữ vai trò và vị thế chủ đạo. Nghe nhạc qua lời ca, hiểu nhạc thông qua ca từ đã trở thành truyền thống cảm thụ âm nhạc của người Việt Nam. Điều đó có thể giải thích bằng tâm lý, bằng thị hiếu nghệ thuật hoặc đường hướng cảm thụ nghệ thuật, nhưng có lẽ sâu xa hơn thì đó chính là tâm thức văn hóa âm nhạc người Việt. Phải chăng các nhà soạn nhạc Việt Nam đã nắm được tâm thức văn hóa đó cho nên trong các tác phẩm giao hưởng của họ, nổi trội nhất là chủ đề thường có tính ca xướng, các bè giai điệu uyển chuyển, đó là một nét mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Do chú trọng đến tính giai điệu, nên tư duy sáng tác của các nhạc sĩ thiên về tự sự, tức là kể lại, thuật lại, tả lại về lịch sử, cuộc sống, tâm tư tình cảm, bản lĩnh, cốt cách của con người, của dân tộc…

Sử dụng giai điệu ca khúc để xây dựng chủ đề cho tác phẩm khí nhạc không phải là việc làm mới mẻ, thật ra đã có một số nhạc sĩ trên thế giới từng làm. Chẳng hạn, Giao hưởng số 11 của Shostakovich đã sử dụng chủ đề từ các ca khúc cách mạng như Hãy nghe đây, Hãy ngả mũ, Các anh đã ngã xuống, Tiếng nói tự do muôn năm, Bọn bạo chúa hãy run lên, để xây dựng chủ đề cho các chương nhạc.

Trong giao hưởng Việt Nam, một số nhạc sĩ đã sử dụng giai điệu ca khúc để xây dựng chủ đề cho các chương nhạc. Việc sử dụng giai điệu ca khúc để xây dựng chủ đề cho một tác phẩm khí nhạc có những thuận lợi bởi: ca khúc đó đã được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội nhất định và mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, vì thế nó được công chúng yêu thích và ghi nhớ. Trên phương diện thời gian, không gian thì việc xây dựng chủ đề từ ca khúc là sự kế tiếp liên tục, do đó tạo nên sự tiếp nhận tư duy cảm xúc một cách có hệ thống. Như vậy, việc xây dựng chủ đề từ một ca khúc cho tác phẩm khí nhạc dù muốn hay không đã nằm trong tuyến tư duy cảm nhận của quần chúng, vì thế chủ đề khí nhạc đó đã mang tính dân tộc. Xin dẫn một số tác phẩm tiêu biểu mà các nhac sĩ Việt Nam đã dùng ca khúc để xây dựng chủ đề âm nhạc trong tác phẩm giao hưởng:

Quê hương là bản giao hưởng nhiều chương đầu tiên của âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Đây là tác phẩm tốt nghiệp đại học của nhạc sĩ Hoàng Việt tại nhạc viện Sofia, Bulgaria, với lời đề tặng Kính dâng Nam Bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm. Toàn bộ tác phẩm là một liên khúc xônat giao hưởng gồm 4 chương được thống nhất trong một ý tưởng sáng tạo chung. Mỗi chương lại biểu hiện một hình tượng âm nhạc khác nhau, nhưng vẫn toát lên hình ảnh quê hương Nam Bộ nói riêng và hình ảnh tổ quốc nói chung trong cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc. Các chủ đề âm nhạc trong từng chương được xây dựng từ những bài ca quen thuộc của các nhạc sĩ Việt Nam cũng như của chính tác giả.

 

Chương 1: Hình thức sonate, phần mở đầu viết ở tốc độ vừa phải, chủ đề âm nhạc được hình thành từ âm điệu bài Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước do kèn corno diễn tấu, tính chất trang nghiêm như tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sau phần mở đầu là hình thức sonate, với sự trình bày của hai chủ đề âm nhạc ở hai giọng khác nhau, được hình thành từ hai bài ca. Chủ đề 1 là âm điệu bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước do toàn bộ dàn nhạc tuti, âm hưởng đầy đặn, mạnh mẽ, chắc khỏe như tiếng nói đồng thanh của các tầng lớp nhân dân trong cả nước thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm trong nhịp bước đi kiên nghị, hùng tráng theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc đấu tranh giành độc lập, tự do trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chủ đề 2 viết ở giọng rê thứ nhịp 2/4, được xây dựng trên âm điệu bài Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn, tính chất thôi thúc, hiệu triệu, hào hùng. Đoạn kết của chương 1, bộ gõ vang lên âm điệu thuộc phần nhạc dạo bài hát Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận, bộ đồng và bộ dây là âm điệu của bài Lên đàng, xen kẽ với âm điệu của bài Nam Bộ kháng chiến.

 

 

Chương 2: Hình thức rondo với sơ đồ cấu trúc ABA1CADA coda, tính chất trữ tình, chậm rãi, là khúc đồng quê, thanh bình, êm ả. Đó là xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ trong những ngày quê hương được giải phóng sau Hiệp định Geneve. Trong niềm vui, vẫn dồn nén những nỗi đau thương mất mát, những nuối tiếc về sự hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tác giả sử dụng âm điệu của các bài Lên ngàn (Hoàng Việt), Kỵ binh Việt Nam (Văn Cao), Mùa lúa chín ((Hoàng Việt), Quê tôi giải phóng (Văn Chung) để xây dựng các chủ đề âm nhạc.

Chương 3: Hình thức sonate là chương nhanh, thôi thúc và tràn đầy kịch tính. Tác giả muốn mô tả cuộc kháng chiến lần thứ 2 của dân tộc chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Chương này được trình bày bằng 2 chủ đề: chủ đề 1 do bè violoncello và contrebasso đi đồng âm ở điệu tính rê trưởng có sử dụng nhiều nốt biến âm, tính chất lạnh lùng, thô bạo, miêu tả hình ảnh của kẻ thù xâm lược. Chủ đề 2 và kết của phần trình bày là hình tượng chính diện, đại diện cho các lực lượng chính nghĩa của nhân dân. Chủ đề 2 được xây dựng trên âm điệu bài Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng, nhưng được thay đổi trường độ các nốt nhạc.

Việc sử dụng giai điệu ca khúc để xây dựng chủ đề cho tác phẩm giao hưởng còn bắt gặp trong tổ khúc giao hưởng Miền Nam tuyến đầu của nhạc sĩ Chu Minh. Tổ khúc này được hoàn thành và công diễn lần đầu tiên vào năm 1963 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Có thể nói, Miền Nam tuyến đầu là tác phẩm có giá trị nghệ thuật của âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Tác giả đã tìm được một hình thức thích hợp để miêu tả những hình tượng sinh động, sự hy sinh lớn lao, những hình ảnh hào hùng trong cuộc đấu tranh gian khổ của đồng bào miền Nam cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Chương 1: với tiêu đề Tên vàng thành phố Hồ Chí Minh dựa trên câu thơ của nhà thơ Tố Hữu. Chủ đề 2 của chương 1 viết ở giọng mi giáng trưởng được hình thành từ âm điệu câu thứ 2 trong bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước nhưng đã được nhạc khí hóa với tính chất trữ tình, trong sáng.

Khúc khởi nhạc Thắng lợi của tình yêu tổ quốc của Nguyễn Đình Tấn viết để chào mừng sự kiện Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Thông qua các hình tượng âm nhạc và chủ đề tư tưởng của tác phẩm, nhạc sĩ đã ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh, sự hy sinh anh dũng, bất khuất và đặc biệt chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đây là tác phẩm rất thành công của tác giả, đã được biểu diễn nhiều lần ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là cuộc biểu diễn mang ý nghĩa lịch sử cuối năm 1975 do nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy, mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Bản khởi nhạc này có một chương với cấu trúc của hình thức sonate. Chủ đề 1 ở phần trình bày có 3 nhịp, mở đầu là nét giai điệu ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Âm hưởng của ca khúc này được tác giả khai thác một cách triệt để và hết sức sáng tạo để xây dựng các chủ đề, tạo tính thống nhất cho tác phẩm. Chủ đề 2: điệu tính rê trưởng, cũng trên nét giai điệu của bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch nhưng nhạc sĩ đã dùng thủ pháp biến tấu giai điệu, thay đổi tiết tấu, thêm bớt nốt nhạc, tạo tính chất trang trọng.

Phần phát triển tốc độ chậm, tính chất buồn, tĩnh lặng, sâu lắng như một hành khúc tang lễ. Đó là tình cảm đau thương, chân thành khi tưởng nhớ về mất mát, hy sinh của những người con ưu tú đã ngã xuống cho thắng lợi của tổ quốc. Ở phần đầu, âm hưởng của ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch vẫn được tác giả khai thác với các bước nhảy rộng quãng 6, quãng 8 tạo nên nỗi buồn mênh mông, da diết. Cuối phần phát triển, toàn bộ dàn nhạc tuti, âm hưởng của bài hát này lại vang lên hùng tráng, tạo cao trào cho tác phẩm. Nét giai điệu này còn được vang lên thánh thót, lung linh ở phần kết do campanelli diễn tấu như đưa ta về cảm giác bình yên, thanh thản.

Trong đoạn chen phần phát triển chương 1 giao hưởng số 1 có tiêu đề Cuộc đối đầu lịch sử, nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng sử dụng giai điệu ca khúc Hồn tử sĩ của Lưu Hữu Phước để xây dựng chủ đề. Bản Giao hưởng số 1 của Nguyễn Văn Nam cũng vậy, nhạc sĩ đã sử dụng câu mở đầu bài Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước để ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân Nam Bộ. Chương 1, Giao hưởng số 5 (nhịp 97-98), âm hưởng mạnh mẽ, đầy tính hiệu triệu của bài Giải phóng miền Nam một lần nữa lại được vang lên hùng tráng, đầy tính thuyết phục. Cũng ở giao hưởng này, nhạc sĩ đã sử dụng nét nhạc Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước, gợi cho người nghe nhớ lại không khí của những ngày tổng tấn công mậu thân năm 1968.

Thơ giao hưởng Lửa cách mạng của Trần Ngọc Xương viết năm 1961, khi đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Chủ đề được xây dựng từ giai điệu bài Diệt phát xít – một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi – đã được khí nhạc hóa bằng cách kéo dài trường độ, sử dụng lối biến âm, đặc biệt là vẫn giữ nguyên các quãng 4 là quãng đặc trưng trong dân ca Việt Nam. Tác phẩm không có phần mở đầu, chủ đề chính do violoncello và contrebasso đi đồng âm ở sắc thái nhẹ, tạo nên hiệu quả xa xăm, nhưng vẫn mang tính chất thôi thúc, kêu gọi.

Cũng viết về đề tài đấu tranh cách mạng, năm 1972, nhạc sĩ Doãn Nho có thơ giao hưởng Tháng Tám lịch sử. Trong tác phẩm này, nhóm chủ đề chính được tác giả khai thác từ các ca khúc, chẳng hạn, chủ đề miêu tả phát xít Nhật lấy từ ca khúc Bông huệ trắng trong phim cùng tên, giai điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng, được phổ biến ở Việt Nam vào những năm 40 của TK XX. Chủ đề này, tác giả khai thác nhóm bốn âm móc kép kết hợp với các tiết tấu móc đơn và dấu lặng đen được kèn trombone diễn tấu ở tốc độ nhanh, tạo nên chất kịch tính, miêu tả sự hung hãn, ngông cuồng của bọn xâm lược. Bè violoncello và contrebasso đi đồng âm hai nốt đen xi, mi, như miêu tả bước chân của kẻ thù, làm cho tính chất âm nhạc càng thêm căng thẳng. Sau đó, chủ đề này lại tiếp tục phát triển với sự tham gia của toàn thể bộ đồng. Bộ gõ và bộ dây nhắc lại âm hình móc kép của chủ đề. Tiếp theo, chủ đề được mô tiến xuống quãng 2 trưởng do violino I và violino II diễn tấu.

Chủ đề miêu tả thực dân Pháp, tác giả lấy từ bài hát ca ngợi thống chế Pétain. Tác giả đã thay đổi nét nhạc này dựa trên giai điệu toàn cung, kết hợp với âm điệu đệm móc kép của tamburino và bộ dây, tạo nên bộ mặt nham hiểm, tàn ác, dã man của thực dân Pháp.

Trước khi vào nhóm chủ đề cách mạng, xuất hiện một đoạn nhạc có tính chất nối, lấy từ âm hưởng của chủ đề Nhật nhưng được biến đổi, gợi lên cảnh chiến khu. Ở đây, tác giả đã sử dụng thủ pháp cùng một lúc vang lên các chủ đề âm nhạc khác nhau (polytheme). Trên nền của chủ đề Nhật vang lên tiếng kèn cứu nước, đó là chủ đề cách mạng lấy trong ca cảnh Hội nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Thơ giao hưởng Người về đem tới ngày vui của nhạc sĩ Trọng Bằng, chủ đề chính được hình thành bởi hai mô típ nhạc. Mô típ đầu tiên lấy nét nhạc mở đầu từ Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao nhưng được thay đổi chút ít về tiết tấu. Chủ đề này đã khắc họa thành công hình ảnh của người cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

         Qua việc khảo sát một số giao hưởng trên, có thể thấy mức độ ca khúc được đưa vào để xây dựng chủ đề âm nhạc của các nhạc sĩ là khác nhau. Tuy nhiên, lại có một điều giống nhau đó là ý thức của các nhạc sĩ về sự tiếp nối với mạch nguồn dân tộc. Điều ấy phần nào làm cho tác phẩm của họ dễ được công chúng chấp nhận hơn, mặt khác nó cũng khẳng định một sắc thái riêng có của nền giao hưởng Việt Nam trước sự đa dạng, phong phú của ngôi nhà khí nhạc thế giới.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012

Tác giả : Nguyễn Thế Tuân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *