Toàn cầu hóa (TCH) là một quá trình xác lập, phổ biến và chi phối của các giá trị, chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Điều này đã từng được Mác và Ăngghen tiên đoán trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản khi các ông khẳng định sự phát triển lực lượng sản xuất của xã hội tư bản cùng với việc bóp nặn thị trường thế giới của giai cấp tư sản sẽ làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới, những ngành công nghiệp dân tộc cũ bị tiêu diệt và thay thế bởi những ngành công nghiệp mà việc du nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh.
Quá trình TCH được ghi nhận như những làn sóng chi phối sự phát triển của nhân loại. TCH lần thứ nhất được khuấy động bởi những thành tựu trong giao thông vận tải và việc giảm những hàng rào thương mại, kéo dài từ năm 1870 đến đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Thu nhập từ hoạt động xuất khẩu của thế giới đã lên đến 8% khi thương mại thế giới bùng nổ. Sự di cư hàng loạt đã diễn ra do nhu cầu tìm kiếm những công việc tốt hơn và do đó đã có khoảng 10% dân số thế giới di cư sang các nước mới, trong đó có 60 triệu người di cư từ châu Âu sang Bắc Mỹ và một số các khu vực khác. Điều này cũng đã xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ khi người dân ở các nước này di cư đến những nước ít dân cư hơn như
TCH văn hóa được cho là quá trình mở rộng không gian tiếp nhận, ảnh hưởng và tiếp biến các yếu tố văn hóa (ngôn ngữ, hệ thống giá trị, chuẩn mực, lối sống, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật…) ở phạm vi toàn cầu nhằm xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực chung, đồng thời khẳng định giá trị của các nền văn hóa dân tộc và sự đa dạng của văn hóa nhân loại.
Trên thực tế, TCH văn hóa từng được cho là quá trình phương Tây hóa mà cốt lõi là Mỹ hóa văn hóa toàn cầu. Cùng với hệ tư tưởng tự do thị trường và khả năng siêu cường kinh tế, nước Mỹ đã thực hiện một kế hoạch trong việc lập lại trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh với mong muốn phổ quát những giá trị dân chủ và nhân quyền phương Tây đối với toàn nhân loại. Khi bức tường Berlin sụp đổ, F.Fukuyama – chuyên viên Bộ Ngoại giao Mỹ – cho rằng tư tưởng dân chủ tự do phương Tây đã chiến thắng cả tư tưởng quân chủ, tư tưởng phát xít và tư tưởng cộng sản. Lịch sử đã đi đến điểm tận cùng của sự tiến hóa ý thức hệ và sự phổ quát nền dân chủ tự do phương Tây như là một hình thức cuối cùng của tổ chức quản lý trong xã hội loài người (2). T.L. Friedman – phóng viên báo New York Time – cũng đã đưa ra con số 10 nhân tố làm phẳng thế giới (3). Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Kissinger cũng từng khẳng định: điều thách thức cơ bản là việc cái được gọi là TCH thực ra chỉ là một tên gọi khác dành cho vai trò thống trị của Mỹ, cũng giống như giai đoạn đầu của TCH chịu sự bá quyền của nước Anh, thì nay là dưới sự thống trị của Mỹ và thế giới không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các ý tưởng Mỹ, các giá trị và lối sống Mỹ (4). Theo T.L. Friedman, về mặt văn hóa, TCH chủ yếu, mặc dù không phải toàn bộ, là sự lan truyền của “một quá trình Mỹ hóa (dù tốt hay xấu) – từ hiện tượng McDonal’s đến Macs rồi đến chuột Mickey”(5) trên cấp độ toàn cầu. Năm 2002, Viện trưởng học viện Hành chính Kennedy – J.Nye – cũng từng bày tỏ quan điểm cho rằng: “Bên cạnh sức mạnh cứng (quân sự, kinh tế), nước Mỹ nên sử dụng nhiều hơn sức mạnh mềm (sự hấp dẫn về văn hóa) để có thể đạt được những kết quả mong muốn trong nền chính trị thế giới, làm cho các nước khác mong ước đi theo con đường của Mỹ”(6).
Trong vài thập kỷ, ngành công nghiệp văn hóa Mỹ đã phát triển rất mạnh các lĩnh vực thông tin đại chúng, điện ảnh, giải trí … để truyền bá hình ảnh và các giá trị văn hóa Mỹ ra khắp thế giới. Đã có tới 70% nội dung chương trình được chuyển tải trên internet là từ nước Mỹ. Con số thống kê thị phần phim Mỹ có lúc đã lên tới 53,6% tại Italia, 54,1% tại Pháp, 76% tại Đức, 86% tại Anh, 64,2% tại Tây Ban Nha (7). Đồ ăn nhanh McDonald’s, hệ điều hành Windows, phim Mỹ, quần bò Levis, nhạc rock, rap… đã tràn ngập và lấn chiếm thị phần từ Đông Á đến Tây Âu, từ Mỹ Latinh đến Trung Đông, từ vùng văn hóa Kitô giáo đến vùng văn hóa Phật giáo, Hồi giáo… Thậm chí, để thực hiện triệt để ý đồ lan tỏa sức mạnh mềm, điện ảnh Mỹ đã mua lại bản quyền những phim có sức hấp dẫn và chuyển thể bằng một bản khác với những hình tượng theo kiểu Mỹ. Chẳng hạn, hình tượng Đường Tăng trong Tây du ký từng được thay bằng một chàng cao bồi Mỹ hiện đại được các nhân vật Trung Quốc tôn vinh làm đại sư phụ và nhiệm vụ của anh ta trong ba ngày phải lấy được sách kinh để giúp cho thế giới không lâm vào tận thế (8).
J.Nye từng tự hào cho rằng: “Đơn giản là không thể nào tránh được những ảnh hưởng của Hollywood, CNN và internet… Nói chung, xét trên toàn cục, sự bao trùm văn hóa toàn cầu của văn hóa Mỹ đang giúp chúng ta tăng cường sức mạnh mềm – tính hấp dẫn về văn hóa và tư tưởng – của chúng ta” (9). Còn nói như nữ văn sĩ Australia – M.Werthaim: “Giống như một loại virus có tính thích nghi tốt, văn hóa Mỹ thâm nhập và tự tái tạo không ngừng… Văn hóa ăn nhanh của Mỹ, nhạc pop, điện ảnh và truyền hình đã lây lan sang cơ thể văn hóa của các nước khác, sao chép hệ thống tái sản xuất địa phương, biến tướng, giả dạng văn hóa địa phương”(10).
Những người tán đồng cho đây là sứ mệnh mà lịch sử giao cho nước Mỹ. Nhưng rất nhiều ý kiến đã phản đối, cho rằng đây là một kiểu đế quốc văn hóa, áp đặt văn hóa Mỹ cho toàn thế giới (11) và sự bá quyền văn hóa này sẽ dẫn đến sự xâm lấn tuyệt đối của một nền văn hóa không hề có một chút liên quan nào đến kinh nghiệm thực tế của phần lớn người dân ở những nước nghèo và tước đi khả năng tự diễn đạt mình của các nền văn hóa trong thế thua thiệt (12). Áp lực về nguy cơ rạn vỡ, thậm chí là biến mất những bản sắc văn hóa được tạo dựng từ hàng ngàn năm qua các xã hội truyền thống diễn ra không chỉ các nước đang phát triển mà ngay cả các nước phát triển như Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Australia… Người ta đã lên án TCH văn hóa xóa nhòa hoặc thương mại hóa bản sắc độc đáo của từng dân tộc, thô tục hóa và làm khủng hoảng các tiêu chí văn hóa kinh điển đầy tinh thần nhân đạo của châu Âu, làm cùn mòn và mai một các truyền thống mang nặng giá trị trách nhiệm xã hội của châu Á, làm thô thiển và méo mó các quan niệm đầy ý nghĩa tâm linh của vùng Trung cận Đông và quá trình toàn cầu hóa đang gặm nhấm nốt địa hạt cuối cùng của nó là văn hóa (13), “diệt vong văn hóa”(14), bằng “sự ngạo mạn văn hóa của siêu cường duy nhất còn lại sau chiến tranh lạnh, thiên về tôn sùng bạo lực, tình dục và tính hung bạo” (15).
Để chống lại sự áp đặt của TCH văn hóa, nhiều quốc gia đã thực hiện củng cố thành trì bản sắc đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với bên ngoài. Có thể thấy điều này qua việc nâng thị phần phim nội từ 24% lên hơn 40% ở Pháp (2001), sự trở về đề tài chiến tranh vệ quốc ở điện ảnh Nga hoặc việc cấm nhập phim Mỹ và đẩy mạnh xây dựng điện ảnh theo giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc ở Iran…
Tuy nhiên, sau vài chục năm biến động của bối cảnh quốc tế, đặc biệt là sau sự kiện ngày 11-9-2001 tại Mỹ cùng những bất cập của nền kinh tế thị trường, sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, nhận thức về giao lưu văn hóa và TCH văn hóa đã có nhiều biến đổi.
Tâm lý lo ngại về sự mai một của văn hóa truyền thống đã được giải tỏa bởi một nhận thức mới về vai trò của văn hóa và xu thế phát triển văn hóa chung của cộng đồng nhân loại. Ở tầng sâu của đời sống con người, văn hóa cộng đồng, với tính cách là tổng hòa các giá trị sống, luôn tỏ ra định hình, bền vững hơn so với những thứ văn hóa tiêu dùng có thể du nhập và cập nhật trong thời TCH. Đam mê nhạc rock, thích xem phim Mỹ, ưa đồ ăn Mc Donald’s, thường xuyên truy cập internet có thể trở thành nhu cầu thường nhật của nhiều người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dễ dàng làm thay đổi bảng giá trị mang nặng dấu ấn cộng đồng riêng của họ. Điều này cũng đã được thừa nhận ngay cả ở những cộng đồng người Mỹ gốc Á (16).
R.Balko – nhà phân tích thị trường văn hóa – cũng khẳng định: có nhiều bằng chứng và số liệu cho thấy sự bá quyền văn hóa của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đối với các nền văn hóa khác trong thị trường ấn phẩm văn hóa chỉ là cách nói quá mà thôi. Năm 2001, hơn 70% chương trình truyền hình được nhiều người ưa thích nhất từ 60 quốc gia khác nhau đều là các chương trình truyền hình địa phương. Thị phần âm nhạc nội địa ở Ấn Độ là 96%, Ai Cập là 81%, Brazin là 73% (17). Theo Người bảo vệ – nhật báo Anh, top những bộ phim ăn khách nhất năm 2002 ở Nhật Bản, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Ấn Độ đều không phải là những phim nhập khẩu từ Mỹ mà là những phim sản xuất trong nước. New York Times (2005) cũng khẳng định các chương trình truyền hình Mỹ đang mất dần sức cuốn hút tại nước ngoài (18).
Có thể thấy, giao lưu kinh tế không đòi hỏi phải dựa trên sự đồng nhất về văn hóa. Ngược lại, chính sự khác biệt về văn hóa lại là chất xúc tác thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, buôn bán… và khiến loài người xích lại gần nhau hơn. Xem xét tiến trình lịch sử nhân loại, nhiều nhà khoa học đã thừa nhận rằng, cùng với giao lưu kinh tế, sự giao lưu văn hóa, hay còn gọi là quốc tế hóa đời sống văn hóa, đã diễn ra từ lâu, gắn liền với cuộc vượt biển tìm ra châu Mỹ của C.Columbus (1492), với chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới của F.Magellan (1522), với con đường tơ lụa từ Đông sang Tây của những lái buôn Trung Hoa, với các thể chế quốc tế hóa, từ việc sử dụng vàng làm bản vị trao đổi (1870) giữa các loại tiền tệ cùng với sự bành trướng của đế quốc Anh hồi TK XIX… Tuy nhiên, tới nay, chúng ta mới đang ở trong thời kỳ đạt tới cấp độ giao lưu kinh tế toàn cầu và một cấp độ mới của TCH văn hóa, mà ở đó, văn hóa các dân tộc, thông qua giao lưu, dung hợp, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau, không ngừng phá vỡ tính khu vực, quốc gia để đạt được tính hòa đồng, chuyển các nguồn khu vực của văn hóa thành nguồn thụ hưởng, sở hữu chung của loài người.
Bối cảnh thế giới với những thách thức như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự không khoan dung về sắc tộc và tôn giáo… khiến cộng đồng quốc tế đã lựa chọn sự đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, hướng tới mô hình đa dạng, đối thoại và phát triển. TCH văn hóa đã được nhận thức trên tinh thần mới là một quá trình vừa xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực mang tính thống nhất trên phạm vi toàn cầu, vừa khẳng định giá trị riêng của các nền văn hóa dân tộc và sự đa dạng hóa của văn hóa nhân loại tại Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ năm (tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 8 đến 9-10-2004.
Giao lưu văn hóa của nhân loại từ chỗ diễn ra trong khung cảnh nhỏ hẹp đã tiến tới giao lưu liên văn hóa. Trong sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, chủ thể của các nền văn hóa khác nhau đã tiếp xúc với nhau thường xuyên hơn trong không gian của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa thông qua mạng truyền thông toàn cầu. Điều này đã tạo ra đặc trưng mới của giao lưu văn hóa trên cấp độ toàn cầu, được củng cố và hậu thuẫn bằng những quan hệ tương thuộc lẫn nhau mang tính vật chất, cuốn tất cả những hình thức giao lưu trong lịch sử vào trong khối nội dung của nó và nâng chúng lên một trình độ mới về chất (19). Kết quả của điều này là vô số các hiệp ước quốc tế đa phương tầm khu vực, châu lục và toàn cầu với các thể chế, chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền, môi trường, lương thực, thực phẩm… đã và đang được áp dụng cho các nền văn hóa trong tham dự vào đời sống toàn cầu. TCH văn hóa vì thế được hiểu theo nghĩa là xây dựng những giá trị chung của toàn nhân loại, nền tảng giúp các cộng đồng có thể hợp tác với nhau hiệu quả hơn trong việc tìm ra giải pháp cùng tồn tại và phát triển.
Vượt lên những lo ngại rằng, kết quả của TCH có thể làm nảy sinh một nền văn hóa toàn cầu (mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện các đơn vị văn hóa chung đối với mọi nước như mốt, thể thao, du lịch, văn hóa đại chúng…), nhận thức mới về sự chung sống của các nền văn hóa trong bối cảnh TCH văn hóa được triển khai trên sự thiện chí là kết quả của hòa bình chứ không phải là xung đột đã được khẳng định. Trong quá trình TCH văn hóa, các giá trị nhân văn, nhân bản của nhân loại sẽ có sự gặp gỡ, lan truyền và nhân rộng dẫn tới việc xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực mang tính nhất thể hóa trên phạm vi toàn cầu. Và chính sự đa dạng của các nền văn hóa trong sự chung sống làm nảy sinh nhu cầu giao lưu và đối thoại văn hóa. Khát vọng hòa bình và an ninh – điều đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong tình hình thế giới hiện nay – đòi hỏi nhân loại tiến sang một giai đoạn lịch sử mới với những nhận thức và trách nhiệm đối với hòa bình toàn cầu. Vì thế, đối thoại văn hóa tìm được tiếng nói chung. Những giá trị cơ bản, các nguyên tắc như lòng bao dung, nhân quyền, dân chủ, tôn trọng pháp luật và đa dạng văn hóa được xem là những giá trị chung thống nhất và phổ biến. Để kiềm chế và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong các mối quan hệ văn hóa, các chủ thể có liên quan hoặc có quan tâm đến việc tổ chức đối thoại giữa các nền văn hóa cần phải đối thoại trên những sự khác biệt và đa dạng. Thường thì các sự kiện mang tính đối thoại nhấn mạnh các bản sắc tập thể (quốc gia, sắc tộc, tôn giáo) hơn là những bản sắc của cá nhân hoặc các nhóm xã hội. Đối thoại giữa các nền văn hóa cần phải tạo ra không gian cho sự chấp nhận và coi trọng lẫn nhau đối với các bản sắc văn hóa đa tầng và năng động của cá nhân cũng như mỗi nhóm xã hội. Một yêu cầu cấp thiết hiện nay là củng cố khía cạnh nhân quyền trong đối thoại. Thay vì tìm kiếm các giá trị chung của các nền văn hóa và tôn giáo, cần nhấn mạnh các giá trị cơ bản của Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền: không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hay bất kỳ niềm tin và quan điểm nào – điều đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ cách đây 60 năm. Tất cả các nền văn hóa cần phải được tôn trọng một cách bình đẳng, sự chủ động chấp nhận, trong đó có sự tôn trọng lẫn nhau, cần phải được đẩy mạnh hơn là chỉ chấp nhận sự đa dạng.
Thực hiện những điều này, TCH văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy hoặc định hướng cho các cuộc đối thoại khác như đối thoại để giải quyết hòa bình những xung đột hiện hữu và ngăn chặn những xung đột tiềm tàng về tôn giáo, sắc tộc hoặc lãnh thổ; đối thoại để triển khai và vận dụng một cách sáng tạo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế về quyền con người, chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; đối thoại để ngăn chặn sự bất công trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển; đối thoại để chia sẻ những những thành tựu của y học nhằm chống lại những hiểm họa của đại dịch HIV – AIDS và nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác đang có nguy cơ lây lan đe dọa cuộc sống nhân loại; đối thoại để tránh nguy cơ của một sự tự sát toàn cầu (E.Morin) do con người tự mình gây ra những thảm họa môi trường khó có thể lường trước (20).
Bên cạnh đó, TCH văn hóa cũng được đặt vấn đề là một quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập, đầy mâu thuẫn, đa dạng và phức tạp bao gồm cả những đụng độ và mâu thuẫn về văn hóa. Điều kiện cơ bản mà một nền văn hóa dân tộc gia nhập vào không gian văn hóa thế giới cần đạt được là vẫn giữ được bản sắc riêng mà không đóng kín trong khuôn khổ nền văn hóa của mình. Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa TCH và văn hóa bản địa cho thấy những kết quả khác nhau: văn hóa bản địa được thay thế bằng văn hóa toàn cầu; văn hóa toàn cầu và văn hóa bản địa cùng tồn tại mà không có bất cứ một sự dung hợp nào; sự tổng hợp giữa văn hóa toàn cầu mang tính chất phổ quát và văn hóa bản địa; hoặc tôn giáo bản địa hùng mạnh phủ nhận văn hóa toàn cầu… Nhưng về cơ bản, TCH văn hóa làm nảy sinh những biến dạng quan trọng của văn hóa bằng cách tìm kiếm tính đồng nhất nhân loại và bảo vệ vẻ văn hóa đặc thù, cho dù trong khi thâm nhập vào nhau, ở những tình huống cụ thể có thể dẫn đến sự đụng độ.
Phải khẳng định rằng, nhân loại được hưởng lợi nhiều từ quá trình TCH văn hóa nhưng vẫn có không ít sự thua thiệt. Thế giới vẫn phải chứng kiến những xung đột sắc tộc, tôn giáo như các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông, vùng Vịnh, nhiều nước châu Á, châu Phi, vùng Ban Căng hay Đông Timor… Những phản ứng cực đoan như khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo phản ánh tình trạng lạc hậu, bảo thủ về văn hóa của một bộ phận nhân loại và nó tác động trở lại kinh tế và chính trị. Khi các nền văn hóa xâm nhập lẫn nhau, những giá trị phổ biến xâm nhập vào những giá trị cá biệt, những vùng cá biệt sẽ gây ra những phản ứng. Do các đặc thù chính trị, đặc thù địa lý mà những phản ứng luôn luôn khác nhau và nếu thái quá thì trở thành những phản ứng cực đoan. Nhưng cho dù có những phản ứng cực đoan ấy thì nhân loại vẫn không lùi bước trên xu thế TCH văn hóa.
Tóm lại, TCH văn hóa là xu thế tất yếu khách quan của thời đại mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Thời cơ mà TCH văn hóa mang lại là là hết sức lớn lao khiến cho những giá trị văn hóa và quyền con người luôn được công khai trao đổi và được tôn trọng nhưng những thách thức mà nó mang lại cũng không hề đơn giản. Gắn liền với các vấn đề đặt ra trong thực tiễn đời sống nhân loại, việc nhận thức về toàn cầu hóa văn hóa luôn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân loại nói chung và sự phát triển của các quốc gia nói riêng.
_______________
1. Tuyên bố Bangkok tháng 2-2000 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triến, Third World Resurgence, Malaysia, No116, p29.
2. F.Fukuyama. Sự tận cùng của lịch sử, bản dịch của Viện nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học – kỹ thuật, 3-1989.
3. T.L. Friedman, Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2007, tr.81.
4, 12. Xem Admin[?], Golobalization and Culture: Some Aspects (Toàn cầu hóa và văn hóa: một số khía cạnh), August 24, 2003, girishmisshra.com.
5. T.L. Friedman, Chiếc Lexus và cây ôliu – toàn cầu hóa là gì? Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.47.
6, 9. Dẫn theo I.Milchin, Văn hóa là nhân tố ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 2003-86.H., 2003, tr.5.
7, 11. Robert J. Lieber and Ruth E. Weisbergy, Globalization, Culture and Identities in Crisis (Toàn cầu hóa, văn hóa và khủng hoảng bản sắc), International Journal of Politics, Culture and Society, Vol.16, No.2, Witer 2002, usembassy.
8. Z.Sardar, M.W. Davies, Người Mỹ tự hỏi sao người ta căn ghét nước Mỹ?, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2004.
10, 14, 15. Dẫn theo Phạm Xuân Nam, Cam kết với tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 8-2007, tr.5, 6.
13, 16. Dẫn theo Hồ Sỹ Quý, Nhận thức lại toàn cầu hóa và chỉ số toàn cầu hóa của Việt Nam trong 72 nước năm 2007, chungta.com.
17, 18, 19. Phạm Thái Việt, Toàn cầu hóa: những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.319, 320, 287.
20. Trần Lê Bảo, Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa, vns.hnue.edu.vn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014
Tác giả : Nguyễn Thị Tuyến
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam