Đầu năm, nhiều lễ hội truyền thống đã được tổ chức ở các làng quê Việt Nam. Tại đền Lăng (Hà Nam), nhiều nghi thức tế tự tâm linh và hội truyền thống vẫn được duy trì. Những hoạt động này góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và khắc sâu niềm tự hào về vùng “địa linh sinh nhân kiệt” của người dân vùng quê chiêm trũng.
Khu Di tích Đền Lăng – Ảnh Dulichhanam.vn
1. Tổng quan về khu di tích đền Lăng
Đền Lăng còn được gọi là đền Ninh Thái, tên chữ là Bảo Thái (Bảo Cái), trước đây thuộc tổng Hòa Ngãi, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cõi, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Khảo sát ở xã Liêm Cần cho thấy, hệ thống di tích có liên quan đến Lê Đại Hành và Đinh Tiên Hoàng rất đa dạng, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan (1). Khu di tích này được người thôn Cõi dựng lên từ cuối TK X để thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều, Quang Minh đại vương, Nhữ Hoàng Đế, Thiên Cang. Những nhân vật lịch sử này gắn liền với truyền thuyết của người dân thôn Cõi, được phản ánh rõ nét trong tác phẩm Hoàn vương ca tích (2). Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam đang tiến hành bảo tồn cụm di tích đền Lăng, nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh và phát triển du lịch tỉnh.
Khu di tích đền Lăng là nơi người dân địa phương thực hành các nghi thức tôn giáo tâm linh, thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân với các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước. Trong một năm, người dân địa phương thực hiện nhiều nghi lễ tâm linh như: ngày rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 8; ngày sinh của tam vị hoàng đế Tiền Lê: rằm tháng 2 (Lê Long Đĩnh), 8-3 âm lịch (Lê Trung Tông), mồng 10 tháng giêng (Lê Đại Hành). Người dân tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm vào ngày sinh của vua Lê Đại Hành, có đại tế kỳ phúc, kỳ yên (3).
Hội đền Lăng diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 11 tháng giêng. Hội chính tổ chức 3 năm một lần, gồm các nghi thức tế lễ, rước kiệu, nhiều trò chơi, trò thi đấu thể thao, diễn xướng dân gian. Các năm khác tổ chức hội lễ, chỉ có tế lễ. Thời phong kiến, hội chính thường do quan tổng đốc hoặc tri phủ trực tiếp làm chủ tế, thực hiện các nghi thức quốc tế.
Từ thời Lý, Trần, Lê sơ, người dân thôn Cõi đã được cấp nhiều ruộng tự điền hơn so với các thôn, làng cùng tổng, cùng huyện. Điều này giúp họ có thêm nguồn kinh phí tổ chức lễ hội hằng năm. Vì thế, hội đền Lăng thường được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo khách thập phương. Tuy nhiên, những năm làng có những biến cố, không thuận lợi trong cuộc sống (như bão lũ, mất mùa, dịch hạch, hạn hán…), các hoạt động trong lễ hội cũng được giảm tải nhiều.
2. Các nghi thức tâm linh trong lễ hội đền Lăng
Cũng giống như lễ hội truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng, diễn trình lễ hội đền Lăng thực hiện khá nhiều các nghi thức. Mở đám bao gồm các nghi thức: cáo yết, rước nước, mộc dục. Tiếp đó là lễ gia quan, rước kiệu, tế lễ, dâng hương, sinh hoạt ẩm thực. Sau các nghi thức tín ngưỡng, trò hội và diễn xướng dân gian được tổ chức với sự tham gia hào hứng của người dân. Khép lại lễ hội là lễ tạ và đóng cửa đền.
Theo lời kể của các cụ cao niên, trước năm 1927 (cải lương hương chính), đám rước kiệu vào chính hội của đền Lăng rất lớn, do tổng đốc hoặc tuần phủ làm chủ tế, thu hút được đông đảo người dân trong tổng, huyện tham dự. Những người thôn Đò Nhuế, thôn Vực, làng Bảo Thái, đều tham gia.
Trong lễ hội truyền thống của người Việt nói riêng và cư dân phương Đông nói chung thường có các nghi thức liên quan đến nước (tụ cầu nước, cầu mưa thuận gió hòa) (4). Tìm hiểu lễ hội tại các đền, đình, miếu ở đồng bằng Bắc Bộ thường có các nghi thức như: cáo yết, rước nước, mộc dục… Những nghi thức này tuy có nội dung khác nhau, nhưng đều liên quan đến nước.
Trong diễn trình lễ hội, người tham gia không được vi phạm những điều kiêng kị do người dân thôn Cõi lập ra. Khi cầu khấn không được phép gọi tên húy của các nhân vật được thờ tự trong đền. Những ai tham gia đội tế nam quan, bắt buộc phải trai giới từ 3 – 5 ngày trước khi tổ chức đại lễ. Đồng thời, trước khi cử hành các nghi thức tế lễ, thờ cúng trong đền, người dự lễ phải tắm rửa sạch sẽ; tuyệt đối không phải người chân trơn, mà phải là người khoa mục, phẩm hàm, chức sắc, chức dịch.
Đồ dâng cúng trong những năm tổ chức chính hội gồm: hương hoa, ngũ quả, trầu cau, xôi, oản, bánh chưng, bánh dày, thịt lợn, thịt gà. Đồ lễ phải sạch sẽ, dâng cúng với lòng thành kính. Lễ vật dâng cúng được phân bổ cho các nhà theo từng năm. Các gia đình được nhận trọng trách này cảm thấy vô cùng tự hào. Bản thân họ cũng được thôn cho canh tác ruộng tự điền để thuận lợi cho việc chuẩn bị lễ cúng tế.
Năm chính hội, đền Lăng tiến hành lễ tam sinh, trong mâm cúng có ba loại thịt tế thần: thịt trâu (thịt bò), thịt dê, thịt lợn. Mâm cúng dâng lên thể hiện tinh thần trọng thị của dân thôn Cõi với các vị hoàng đế được thờ phụng. Ở những nơi khác, mỗi khi tổ chức lễ hội, các chức sắc, chức dịch và cai đám phân bổ một số khoản đóng góp theo đầu đinh, đầu khẩu. Tuy nhiên, đền Lăng được các cấp trấn, phủ hoặc tỉnh cấp ngân sách tổ chức nên người dân không phải đóng góp hoặc đóng góp ít. Do vậy, khi mở đám, các chức sắc, chức dịch và Ban Khánh tiết bớt lo lắng trong việc huy động tiền bạc từ các suất đinh trong thôn. Sau tế lễ, lễ vật biếu các chức sắc, chức dịch, rồi mới chia cho các đầu khẩu lấy may, lấy phúc. Sách Hội làng cổ truyền tỉnh Hà Nam có viết: “Cai đám xin ý kiến tiên chỉ và lý trưởng, sai cánh đầu bếp hạ lễ vật từ bàn thờ xuống, chọn lấy những thứ sang nhất, ngon nhất đem biếu gia đình tiên chỉ, thứ chỉ, lý trưởng, phó lý, chánh hội. Còn lại bao nhiêu, cánh đầu bếp “đánh” cỗ để các quan viên cùng các chân cờ, chân kiệu, đội bát âm thụ lộc tại đền” (5). Khi thụ lộc tại đền, các quan viên phải ngồi mâm theo địa vị xã hội, phẩm hàm, lứa tuổi như quy định.
3. Các trò chơi dân gian trong lễ hội đền Lăng
Bên cạnh những trò chơi truyền thống của người Việt, lễ hội đền Lăng còn có những trò chơi dân gian mang bản sắc riêng. Các trò hội được bố trí xen kẽ với quá trình thực hiện nghi thức tín ngưỡng. Thông qua các trò chơi, người dân địa phương gửi gắm ước nguyện của mình về một năm mới ấm no, hạnh phúc; nó không đơn thuần mang tính chất vui chơi giải trí, mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Điều này góp phần bồi tụ, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Trò chơi gắn với hoạt động hội quân thời Đinh – Tiền Lê
Xưa kia, Đinh Bộ Lĩnh và sau này là Lê Hoàn đã từng chiêu dụ và tập luyện cho quân sĩ ở vùng đồi núi Liêm Cần. Người dân thôn Cõi thường tổ chức các trò chơi trong lễ hội đền Lăng để tưởng nhớ đến vua Đinh, vua Lê. Nổi bật là trò nghiềm quân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trò chơi này được tổ chức nhằm phục dựng khung cảnh tuyển mộ quân đội và duyệt binh của Lê Hoàn trước khi đưa quân ra Hoa Lư. Địa điểm là một bãi đất trống gần đền Lăng. Để chuẩn bị cho trò chơi, Ban Khánh tiết cho người dùng nước vôi kẻ thành nhiều ô hình chữ nhật. Trai làng xếp kín trong những ô này và được đếm. Thời xưa, đây được gọi là đấu đong quân.
Bên cạnh đó, bơi chải cũng là một trò chơi thu hút được sự quan tâm của nhiều người tham dự lễ hội. Trò chơi diễn ra trên hồ nước đối diện đền Lăng. Giữa TK X, trước khi đưa lực lượng của mình vào Hoa Lư ra nhập nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và Nguyễn Minh từng cho thủy quân tập trận tại hồ nước này (6). Tham gia trò chơi có 3 chiếc thuyền, đại diện cho 3 thôn thuộc làng Bảo Thái. Mỗi thuyền có 8 chải viên, cởi trần, đóng khố với màu sắc riêng biệt theo từng đội. Ở điểm đầu và điểm cuối diễn trường bơi chải, Ban tổ chức cho cắm mốc phân định bằng những chiếc cọc tre dài, đầu cọc sơn đỏ. Nơi trang trọng nhất sẽ được cắm một lá cờ thần lớn. Dọc theo hồ nước, cách 10m là một lá cờ ngũ sắc, cờ tứ linh. Sắc cờ bay phấp phới trong nhịp trống chiêng đã tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa rộn ràng.
Sáng sớm ngày 11 tháng Giêng, chải viên của ba thôn vào tiền đường đền Lăng để bái lễ, xin phép thực hiện cuộc đua. Sau các nghi thức này, ba chiếc thuyền đua được đưa vào vị trí xuất phát. Mỗi thuyền có 1 thuyền trưởng cầm nhịp, 1 hoa tiêu và 6 chải viên ngồi chia đều hai bên mạn thuyền. Khi các chải viên đã sẵn sàng, trọng tài giơ cao lá cờ đuôi nheo, phất mạnh và dõng dạc hô: “Bắt đầu!”. Thuyền trưởng có nhiệm vụ thổi còi, làm nhịp cho các chải viên bơi. Phía trước là cây sào để hoa tiêu điều chỉnh hướng đi của thuyền. Các chải viên theo nhịp còi thuyền trưởng, sải dầm vào nước với động tác nhanh, mạnh và dứt khoát. Tiếng xé nước rào rào, sôi động mặt hồ xen lẫn tiếng hò reo cổ vũ của khán giả làm vang dội cả một góc quê. Từ cọc xuất phát đến cọc đích dài 500m. Thuyền của các đội đua 5 vòng hồ. Đội nào về đầu tiên là thắng cuộc. Sau khi trò chơi kết thúc, ba đội chỉnh đốn trang phục, vào tiền đường lễ tạ.
Bên cạnh đó, lễ hội đền Lăng cũng có nhiều trò chơi dân gian rất thú vị như: đi cầu tòm, đu tiên, hát chèo… Đi cầu tòm hay còn gọi là đi cầu khỉ, đi cầu thùm, đi cầu kiều… rất phổ biến trong các lễ hội truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ. Các nhà văn hóa cho rằng, địa hình và cảnh quan của những địa phương thuộc vùng đồng chiêm trũng rất phù hợp với trò chơi này.
Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Ban quản lý khu di tích đền Lăng đã tổ chức nhiều nghi thức tâm linh cùng những trò chơi dân gian truyền thống rất đặc sắc và ý nghĩa. Thông qua những hoạt động này, nhân dân bày tỏ sự tri ân thành kính của mình đối với các bậc tiền nhân. Không khí rộn ràng của ngày xuân đã mang đến cho người tham dự lễ hội niềm tin về một cuộc sống an lành, hạnh phúc.
_____________
1. Bùi Văn Cường, Trăn trở ngàn năm (Huyền thoại – Truyền thuyết Đinh Lê ở Hà Nam), Nxb Thời đại, Hà Nội, 2014, tr.17.
2. Bùi Văn Cường, Hoàn vương ca tích, sưu tầm và biên soạn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011.
3, 5, 6. Lê Hữu Bách, Hội làng cổ truyền tỉnh Hà Nam, tập 2, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2016, tr.178, 183, 185, 187.
4. Bùi Thị Ánh Vân, Tín ngưỡng thờ nước trong Tết cổ truyền ở Đông Nam Á, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 344, tháng 2-2013.
Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay