Nền tảng bản sắc dân tộc trong ca khúc mới việt nam

Nhiều năm nay, đã có những bài viết bàn về bản sắc dân tộc cũng như các yếu tố dân gian trong âm nhạc Việt Nam nói chung và trong ca khúc mới Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, những yếu tố dân gian có vai trò như thế nào, khả năng và mức độ đóng góp của chúng ra sao trong việc biểu hiện bản sắc dân tộc của ca khúc mới Việt Nam? Đó là những vấn đề thiết nghĩ nên tìm hiểu và mong muốn được làm sáng tỏ.

        Năm 2011, chúng tôi thực hiện điều tra xã hội học, đưa ra 60 ca khúc quen thuộc để trưng cầu ý kiến công chúng đánh giá các nhóm thể hiện mức độ từ đậm, đậm vừa, nhạtkhông bản sắc dân tộc (1). 38 bài được công chúng thừa nhận là có sắc thái văn hóa dân tộc, trong đó 26 bài thuộc nhóm đậm (14 bài) và đậm vừa (12 bài) được dùng để phân tích tìm những yếu tố góp phần biểu hiện bản sắc dân tộc. Những yếu tố đó là thang âm – điệu thức ngũ cung, âm điệu dân ca nhạc cổ, tiết tấu dân gian, lối chuyển đổi giai điệu giữa có và không có tiết nhịp, các thủ pháp ca từ trong dân ca, các hình tượng ca từ được rút từ dân gian. Vậy, những yếu tố này thuộc bộ phận nào trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam? Để làm rõ vấn đề, có thể nhìn lại một cách vắn tắt như sau:

Về thang âm ngũ cung, những dạng thang âm điệu thức ngũ cung được sử dụng trong các ca khúc phân tích, đều phổ biến trong các bài dân ca ở nhiều vùng miền đất nước. Ngoài ra, một số điệu như bắc, nam, oán – phổ biến trong đờn ca tài tử và ca Huếlà những thể loại có nguồn gốc bác học, đồng thời đang tồn tại trong môi trường dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan cũng khẳng định điều này trong nhiều công trình nghiên cứu của mình (2).

Về âm điệu, tất cả ca khúc có dùng âm điệu dân ca nhạc cổ thì đều lấy chất liệu âm nhạc từ những bài dân ca, hoặc những thể loại dân ca trong dân gian.

Về tiết tấu, các ca khúc có sử dụng một số dạng tiết tấu trong âm nhạc cổ truyền, thì đều có nguồn gốc từ dân gian.

Về lối chuyển đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, có mặt trong nhiều bài dân ca ở các vùng miền đất nước. Ngoài ra, đó cũng là lối cấu trúc phổ biến trong âm nhạc tuồng.

Về các thủ pháp ca từ: tất cả đều được khai thác từ trong dân ca thuộc các vùng miền của đất nước.

Về hình tượng ca từ, ngoài một số ca khúc sử dụng hình tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ trong truyền thuyết, thì đa số sử dụng hình tượng trong văn học dân gian như cô Tấm, nàng Tô Thị, con cò, lá diêu bông…, hay hình tượng được rút từ đời sống dân gian: gánh gồng, sàng sảy, mùa lúa, làng tôi, cày cấy, trảy hội

Điểm lại các yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc đã trình bày ở trên, có thể còn thấy một số yếu tố trong âm nhạc bác học cổ truyền, như các điệu: bắc, nam, oán, lối chuyển đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp…, hoặc hình tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ chưa xác định rõ dân gian hay bác học. Tuy nhiên, ngay cả những yếu tố vừa nêu cũng tồn tại phổ biến trong dân gian. Như vậy có thể nói, đa số yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới, đều có nguồn gốc từ dân gian. Vậy các yếu tố dân gian này có mối liên hệ gì với bản sắc dân tộc, đó là vấn đề cần được xem xét một cách khách quan.

Sau khi phân tích 26 ca khúc thuộc nhóm đậmvừa, chúng tôi sẽ dùng thêm cả nhóm không có bản sắc dân tộc (15 bài) để tìm hiểu xem ca khúc thuộc 3 nhóm này liên quan gì tới sự có mặt của các yếu tố dân gian hay không? Quá trình phân tích đã cho kết quả như sau:

Ca khúc trong nhóm mang đậm bản sắc dân tộc đều chứa từ 3 đến 5 yếu tố dân gian.

Những ca khúc chứa 3 yếu tố dân gian: âm điệu, ngũ cung và hình tượng ca từ, có 3/14 bài, đó là: Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu – Thúy Bắc), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi – Huyền Tâm) và Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh).

Chứa 4 yếu tố dân gian, có 7/14 bài. Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung) có yếu tố âm điệu, ngũ cung, tiết tấu và hình tượng trong ca từ. Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), có yếu tố ngũ cung, tiết tấu, thủ pháp ca từ và hình tượng trong ca từ. Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh) có yếu tố ngũ cung, âm điệu, tiết tấu và hình tượng ca từ. Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn) có yếu tố âm điệu, ngũ cung, lối chuyển đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, thủ pháp ca từ. Vui mở đường (Đỗ Nhuận), có yếu tố ngũ cung, lối chuyển đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, tiết tấu, thủ pháp ca từ. Còn bài Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương) và Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương) đều có yếu tố âm điệu, ngũ cung, thủ pháp ca từ, hình tượng ca từ.

Chứa 5 yếu tố dân gian, có 4/14 bài. Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Chị Mai xuống chợ (Lê Lan), Về quê (Phó Đức Phương), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho) đều chứa đựng yếu tố âm điệu, ngũ cung, lối biến đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, thủ pháp ca từ và hình tượng ca từ.

Các ca khúc trong nhóm mang bản sắc dân tộc đậm vừa, đều có từ 2 đến 4 yếu tố dân gian.

Ca khúc chứa 2 yếu tố dân gian, có 5/12 bài. Đường chúng ta đi (Huy Du – Xuân Sách), có yếu tố ngũ cung, tiết tấu. Con cò (Lưu Hà An), Lòng mẹ (Y Vân) và Câu chuyện đầu năm (Hoài An) có 2 yếu tố là ngũ cung và hình tượng ca từ. Còn Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận) thì có yếu tố âm điệu dân ca và ngũ cung.

Chứa 3 yếu tố dân gian, có 5/12 bài. Bức họa đồng quê (Văn Phụng) có yếu tố tiết tấu, thủ pháp ca từ và hình tượng ca từ. Sao em lỡ vội lấy chồng (Trần Tiến), Lời ru Âu Lạc (Nguyễn Minh Sơn) và Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn) đều có yếu tố ngũ cung, thủ pháp ca từ và hình tượng ca từ. Em muốn sống bên anh trọn đời (Nguyễn Cường) thì có yếu tố âm điệu, ngũ cung và thủ pháp ca từ.

Chứa 4 yếu tố dân gian, có 2/ 12 bài. Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh – Cầm Giang) có yếu tố âm điệu, ngũ cung, thủ pháp ca từ và hình tượng trong ca từ. Ngày tết quê em (Từ Huy) có yếu tố ngũ cung, thủ pháp ca từ và hình tượng ca từ.

Các ca khúc trong nhóm không mang bản sắc dân tộc, đa số là không chứa đựng yếu tố dân gian nào.

Những ca khúc không chứa yếu tố dân gian, có 12/15 bài. Điều giản dị (Phú Quang), Vào hạ (Lê Hựu Hà), Tôi đi giữa hoàng hôn (Văn Phụng), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Hoài cảm (Cung Tiến), Nụ cười sơn cước (Tô Hải), Trưa vắng (Huy Tuấn), Ru em bằng tiếng sóng (Dương Thụ), Dằm trong tim (Lương Hữu Bích), Tình khúc không tên số 2 (Vũ Thành An), Lời của gió (Duy Thái) và Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng).

Chứa 1 yếu tố dân gian, có 3/15 bài. Và tôi cũng yêu em (Đức Huy), Người đàn bà hóa đá (Trần Lập) đều có yếu tố hình tượng ca từ. Còn ca khúc Chí Phèo (Đinh Tiến Đạt) thì chỉ có yếu tố thủ pháp ca từ. Tuy nhiên, sự có mặt của các yếu tố này trong 3 ca khúc trên chỉ ở mức thoáng qua.

Như trên đã đưa ra số lượng yếu tố dân gian có trong từng bài ở các nhóm ca khúc mới được phân tích. Nếu đem so sánh chúng với nhau, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy các vấn đề sau:

Các ca khúc được xác định là có bản sắc dân tộc (đậmđậm vừa), trong mỗi bài đều chứa từ 2 đến 5 yếu tố. Bên cạnh đó, ca khúc ở nhóm được xác định là không mang bản sắc dân tộc thì đại đa số là không chứa yếu tố dân gian nào. Nghĩa là, những bài không chứa đựng yếu tố dân gian chiếm đến 12/15 bài (80%) và chỉ có 3/15 bài (tỷ lệ 20%) có duy nhất 1 yếu tố dân gian, nhưng cũng chỉ xuất hiện thoáng qua.

Ca khúc ở nhóm được xác định là mang đậm bản sắc dân tộc đều chứa từ 3 đến 5 yếu tố dân gian. Bên cạnh đó, ở nhóm được xác định là có bản sắc dân tộc đậm vừa thì từng bài có từ 2 đến 4 yếu tố dân gian.

Nhóm mang đậm bản sắc, các ca khúc chứa 3 yếu tố dân gian có tỷ lệ công chúng lựa chọn thấp nhất (80,17% – 82,22%). Các ca khúc chứa 4 yếu tố dân gian thì tỷ lệ công chúng lựa chọn cao hơn (29% – 85%). Còn tỷ lệ lựa chọn cao nhất (86,25% – 94,35%) thuộc về các ca khúc chứa 5 yếu tố dân gian.

Nhóm mang bản sắc dân tộc đậm vừa, các ca khúc chứa 2 yếu tố dân gian có tỷ lệ công chúng lựa chọn thấp nhất (80,28% – 86,03%). Ca khúc chứa 3 yếu tố dân gian, tỷ lệ lựa chọn cao hơn (85,83% – 91,72%). Tỷ lệ lựa chọn cao nhất (94,66% – 95,83%) là các ca khúc chứa 4 yếu tố dân gian.

Từ những phân tích và so sánh ở trên, có thể rút ra những kết luận cơ bản như sau:

Qua kết quả điều tra, đa số ca khúc được công chúng đồng thuận cho là không mang bản sắc dân tộc, thì kết quả phân tích đều cho thấy chúng không chứa yếu tố dân gian nào. Chỉ số ít trong đó là có chứa duy nhất 1 yếu tố dân gian, tuy nhiên mức độ xuất hiện là thoáng qua. Có lẽ điều này đã không đủ để tác động lên cảm nhận của công chúng về bản sắc dân tộc.

Cũng từ kết quả điều tra của hai nhóm ca khúc được công chúng xác định là mang bản sắc dân tộc, khi phân tích cho thấy, trong các bài đều có chứa những yếu tố dân gian. Trong đó, số lượng yếu tố dân gian bài thấp nhất là 2 và nhiều nhất là 5.

Những số liệu so sánh ở trên đã chỉ ra, ca khúc ở nhóm mang đậm bản sắc dân tộc có số lượng yếu tố dân gian nhiều hơn ca khúc thuộc nhóm mang bản sắc đậm vừa. Số liệu so sánh ngay trong từng nhóm cũng chỉ ra những biểu hiện rất rõ về mức độ của bản sắc tỷ lệ thuận với số lượng các yếu tố dân gian có trong từng bài. Cụ thể là, ở nhóm đậm bản sắc thì những bài có chứa 3 yếu tố dân gian đều nhận được tỷ lệ lựa chọn thấp nhất từ công chúng. Đối với các ca khúc có chứa 4 yếu tố dân gian thì tỷ lệ công chúng lựa chọn cao hơn. Còn tỷ lệ lựa chọn cao nhất trong nhóm là các ca khúc có chứa 5 yếu tố. Trong nhóm mang bản sắc đậm vừa, quy luật này vẫn đúng. Chẳng hạn, những ca khúc chứa 2 yếu tố dân gian có tỷ lệ công chúng lựa chọn thấp nhất. Cao hơn là ca khúc có chứa 3 yếu tố dân gian. Tỷ lệ công chúng lựa chọn cao nhất trong nhóm là 2 ca khúc có chứa 4 yếu tố dân gian.

Từ những dẫn giải, phân tích, kết luận như trên, có thể tạm khẳng định rằng: văn hóa hay âm nhạc dân gian bao giờ cũng là nền tảng cho việc tạo nên bản sắc dân tộc trong ca khúc mới.

_______________

1. Xem thêm: Trần Bảo Lân, Những yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 339, tháng 9 năm 2012, tr.78-80.

2. Xem thêm: Nhiều tác giả, Đờn ca tài tử qua góc nhìn nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Viện Âm nhạc, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xb, Hà Nội, 2011, tr.123; và Nguyễn Thụy Loan, Ca Huế – một thể loại bác học.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012

Tác giả : Trần Bảo Lân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *