Những đặc trưng của lễ hội truyền thống ven biển quảng ninh


 

Quảng Ninh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, có rừng vàng biển bạc, đồng thời cũng là một vùng biển quan trọng nơi địa đầu của tổ quốc. Các vùng giáp biển ở Quảng Ninh có nhiều lễ hội về biển, trong đó có 3 lễ hội được coi là tiêu biểu nhất: lễ hội Trà Cổ (biển Trà Cổ), lễ hội Tiên Công (đảo Hà Nam), lễ hội Quan Lạn (đảo Quan Lạn). Những đặc trưng cơ bản về biển được tái hiện chân thực qua các lễ hội truyền thống.

1. Văn hóa ẩm thực

Lễ vật là một thành tố được coi là linh thiêng để tế thần. Nó phản ánh và thể hiện sự tôn kính, tình cảm, thái độ, trách nhiệm và cả trình độ của cư dân đối với thần linh.

Hàng năm, vào mùa lễ hội, toàn thể cư dân trong cộng đồng làng xã họp bàn, lo sửa soạn lễ vật dâng cúng thần linh chu đáo. Sự thành tâm còn thể hiện trong việc nấu nướng hay chế biến sản vật theo những quy trình đặc biệt để tạo ra nhiều món ăn thơm ngon, tinh khiết. Người dân tin rằng thần linh là những đấng siêu phàm luôn phù hộ, cứu giúp con người tai qua nạn khỏi, cho mùa màng bội thu và nhân khang vật thịnh. Từ niềm tin và mong ước, nhân dân các địa phương thường dùng gạo để đồ xôi, thổi cơm, làm bánh, đóng oản, nấu rượu hoặc chế biến những loại thịt của gia súc, gia cầm, hay sản vật từ biển để làm lễ vật. Ngoài ra, hoa quả cũng không thể thiếu trên mâm cỗ cúng thần linh.

Lễ hội Trà Cổ

Trong lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh, phần lớn các địa phương dùng thịt lợn và thịt gà để làm lễ dâng cúng thần linh. Những con vật này được lựa chọn tỉ mỉ, đặc biệt là lợn thờ.

Ngoài việc nuôi lợn chầu thần, các ông đám, trong ngày hội đình, còn phải phục vụ hội theo sự phân công của ông đám trưởng, trong đó có việc dâng cỗ chay, cỗ mặn tế thần gồm: xôi, gà, ngan, trang trí cách điệu thành hình tứ linh. Gạo để nấu xôi phải ngâm rất cẩn thận. Người ngâm gạo phải là một phụ nữ đảm đang. Nước ngâm gạo được lấy từ giếng giữa làng vào giờ dần (từ 3 đến 5 giờ sáng), người lấy nước phải là trai tân khỏe mạnh. Khi thổi xôi, duy nhất một người được ngồi trông và tiếp lửa. Xôi chín được cho vào mâm đồng. Xôi phải dàn thật tròn và bằng phẳng trên mặt thì mới đạt yêu cầu. Sau đó, đặt gà lên trên, tạo hình con rùa (một trong tứ linh) thể hiện sự trang nghiêm thành kính đối với các bậc tiền hiền.

Cỗ chay là các loại bánh ngọt được chế biến từ bột gạo nếp, gạo tẻ, bột sắn, đỗ xanh và đường. Cỗ chay ở Trà Cổ là cỗ tầng, các thứ bánh được bày thành nhiều tầng, cao nhất là 16 tầng, thấp nhất là 2 tầng. Các thứ bánh rất phong phú: bánh tày, bánh cao, bánh chưng, bánh gio, chè lam, bánh tai voi, bánh quấn thừng, bánh quẩy, bánh nếp, bánh tẻ, bánh quả đào… Mỗi mâm cỗ đều có hai người khiêng và có lọng che, thể hiện sự thành tâm tôn kính dâng lễ vật lên các vị thành hoàng.

Ngoài ra, trong lễ an vị, nhập định – đại tế (trưa 1 tháng 6 âm lịch) đồ lễ còn có những loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, sứa… do nhân dân đánh bắt được từ biển với mong ước các vị thành hoàng che chở, phù hộ cho ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá.

Lễ hội Tiên Công

Tín ngưỡng thờ Tiên Công ở vùng đảo Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh được hình thành vào những năm đầu TK XV bởi công cuộc quai đê, lấn biển, khai đất, lập làng của người dân đến từ vùng châu thổ sông Hồng.

Một trong những đồ thờ đặc biệt của lễ hội Tiên Công là con long mã cười. Long mã là con vật không có thật, đầu rồng, mình ngựa, một linh vật tồn tại theo trí tưởng tượng của dân gian. Long mã được làm bằng các loại hoa quả: đầu làm bằng quả đu đủ xanh; răng nanh làm bằng ớt đỏ; râu làm bằng hoa cây móc; thân và chân làm bằng quả chuối, hoa chuối, điểm thêm quýt; đuôi và bờm làm bằng hoa cây móc; mắt điểm bằng hai hạt nhãn. Mỗi gia đình, dòng tộc lại tạo ra những con long mã khác nhau. Long mã được đặt lên mâm bồng hình chữ nhật sơn son thiếp vàng, đặt phía trước nó là một mâm ngũ quả, hai bình hoa cúc…

Lễ hội Quan Lạn

Lễ hội Quan Lạn được tổ chức ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 21 tháng 6 âm lịch. Mỗi năm khi vào hội, làng cử một giáp chính để chuẩn bị, ngoài những lễ vật riêng của cá nhân, giáp chính phải chuẩn bị lễ vật gồm: một con lợn 80 kg, mâm xôi gà, thủ lợn làm lễ cúng ở miếu Đức Ông. Sau khi làm lễ tế thần miếu, lễ vật được đem về hàng giáp hưởng lộc, kể cả chức sắc cũng theo giáp mà về dự đám. Mọi chi phí chính cho ngày hội là do cai đám lo liệu. Đến ngày hội thường có từ 10 đến 20 người cai đám sắm sửa lễ. Số tiền đóng góp của họ tùy theo số lượng cai đám đông hay ít, vì thế mà số tiền có khi lên tới 10 đồng, từ đây có câu ca lưu truyền trong dân gian:

Sinh con ra chưa hề báo đáp

Mới lọt lòng đã phải thập nguyên (10 đồng)

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm lễ vật còn chuẩn bị thêm 1 chiếc thuyền giấy để dâng cúng, đến khi hết lễ hội thì đem hóa. Tôm rồng, thuyền giấy là lễ vật của cư dân đi biển trên đảo Quan Lạn dâng cúng cho thần linh nhân dịp lễ hội, song cũng là những lễ vật đặc trưng của vùng biển nơi đây.

Như vậy, văn hóa ẩm thực qua lễ vật dâng cúng trong các lễ hội ở Quảng Ninh khá phong phú, thể hiện được bản sắc văn hóa tiểu vùng trong vùng văn hóa biển Quảng Ninh.

2. Các biểu tượng văn hóa trong các lễ hội

Biểu tượng văn hóa được coi là sự kết tinh những tinh hoa của chủ thể văn hóa. Do đó, biểu tượng văn hóa biển trong các lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh thể hiện kho tàng tri thức dân gian và niềm tin, tình cảm của người dân ngày đêm gắn bó với biển.

Múa long đao, tục đua thuyền trong lễ hội Quan Lạn

Múa long đao là một trò diễn độc đáo của lễ hội Quan Lạn mà không nơi nào có được. Múa long đao là biểu tượng của sự dẻo dai, rèn luyện sức khỏe và tinh thần thượng võ của người dân đảo Quan Lạn.

Múa long đao được diễn ra trước cổng đình. Cuộc thi diễn ra chủ yếu giữa hai đội văn, võ tham gia đua thuyền. Long đao là một vũ khí của các vai võ tướng. Những động tác chủ yếu khi múa long đao là đỡ, chém xuống, chém ngược, che toàn thân (quay tròn đao). Múa long đao gồm những thế võ binh khí được sử dụng để biểu dương tài năng, sức mạnh của người dân.

Mỗi đội cử ra một người múa đẹp nhất để thi đấu. Đại diện đội nào múa dẻo, động tác uyển chuyển, nhịp nhàng, đúng kỹ thuật, làm được nhiều động tác khó thì sẽ thắng.

Tục đua thuyền là hình thức trò diễn dân gian thường được tổ chức trong lễ hội ở những vùng sông nước. Ở nhiều nơi, đua thuyền trong dịp lễ hội là hoạt động tín ngưỡng mang ý nghĩa cầu ngư, may mắn, no ấm… Ở Quan Lạn, hội đua thuyền là hoạt động truyền thống để tưởng nhớ vị tướng Trần Khánh Dư chỉ huy trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Mang lịch sử vào mùa xuân năm 1288.

Trước khi chính thức bước vào cuộc đua, tướng văn và tướng võ phải đọc lời rao. Nội dung lời rao chủ yếu là thông báo cho bàn dân thiên hạ, quân sĩ biết lý do ngày hội. Lời rao còn mang tính căn dặn, kêu gọi quân sĩ một lòng giành chiến thắng. Lời rao còn có ý nghĩa cầu mong tổ tiên, ông cha phù hộ sức khỏe, cầu trời yên biển lặng để các chàng trai làng Vân ra khơi đánh cá, cho những đội thương thuyền đi buôn bán ngược xuôi.

Điều đặc biệt ở hội đua thuyền Quan Lạn là cả hai bên, dù thắng hay thua đều có giải. Được tham gia vào cuộc đua vừa là niềm tự hào, vừa là sự tưởng nhớ bái vọng về những tháng ngày hào hùng trong lịch sử giữ nước của ngư dân làng biển đảo. Đó là ý nghĩa chân chính mà mỗi người dân làng Quan Lạn bao đời hướng tới.

Con long mã trong lễ hội Tiên Công

Con long mã được coi là biểu tượng của vật thờ trong lễ hội Tiên Công. Mỗi dòng họ, gia đình có người mừng thọ đều chuẩn bị con long mã để rước trên kiệu. Hình tượng con long mã trong đoàn rước thượng thọ cho thấy sự uy nghiêm, oai phong lẫm liệt của mỗi dòng họ trên hòn đảo Hà Nam.

Việc rước long mã mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trị thủy của cư dân trên đảo, những người hàng năm luôn phải đối mặt với thiên tai để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, nó cũng biểu hiện tín ngưỡng thờ thần biển của cư dân nơi đây. Mặt khác, với những sản vật hoa, lá, quả, củ… tạo nên con long mã cũng phản ánh một phần nền kinh tế nông nghiệp đã tồn tại và phát triển ở vùng đảo Hà Nam trong gần 600 năm qua.

Cây cai đám, ông voi, cây đèn thần, cây bông trong lễ hội Trà Cổ

Cây cai đám làm từ gỗ hoặc tre có đường kính 15 – 20cm, dài 3,5m được sơn đỏ, vẽ hoa văn. Lễ do ông mo và 12 cai đám thực hiện, trước khi đóng cây đám, ông mo đọc những lời chúc phúc cho dân làng.

Cây đám được đặt vào hai cái hèm đã đóng sẵn trên hai cột đình. Độ cao của cây đám cách mặt đất 1,5m. Khi cây đám được đóng xuống cũng là lúc nội nghiêm trang, ngoại nghiêm trang. Mọi người bước vào trong đình lễ bái, dự lễ đều phải cúi đầu chui qua cây đám, thể hiện lòng thành kính đối với thần thánh. Từ lúc này, hương đèn trên bàn thờ của đình phải có người thay phiên nhau trông, không được để tắt. Dân làng cho rằng nếu để đèn tắt thì năm đó công việc làm ăn của làng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Ông voi trong lễ hội Trà Cổ có thể coi là biểu tượng lâu đời in sâu vào tâm thức của người dân nơi đây. Ông voi không chỉ có ý nghĩa trong lễ hội mà còn có ý nghĩa đối với nghề chăn nuôi ở Móng Cái, Quảng Ninh. Đã từ lâu đời nhắc đến Quảng Ninh là người ta nhắc tới lợn Móng Cái, một giống lợn rất tốt cho người làm nông nghiệp. Chính vì vậy mà ông voi trong lễ hội Trà Cổ được trân trọng. Những ông cai đám phải kỳ công trong việc chăn nuôi ông voi. Lợn là con vật nằm ở vị trí cuối cùng của 12 con giáp, thuộc hành thủy, mùa đông, là con vật được nuôi để ăn thịt cũng như để hiến tế thần linh. Nó là biểu tượng cho dương tính, cho sức sống và sức mạnh điển hình của giống đực (khả năng truyền giống). Mặt khác, nó còn là biểu tượng của sự phồn sinh và sung mãn. Vì vậy, trong lễ hội, ông voi trở thành vật hiến tế với mục đích để cầu mong cho nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Cây bông là một thanh tre dài 60cm, phần dưới làm tay cầm, phần trên dán giấy xanh đỏ cắt dài, nhỏ cho xù ra. Hai cây bông được đặt trên bàn thờ từ hôm vào hội, khi làm lễ được ông mo cầm trên tay múa lúc nhanh, lúc chậm theo nhịp trống phách rộn ràng. Các động tác múa thể hiện tín ngưỡng phồn thực, sự giao hòa sinh sôi nảy nở của vạn vật. Sau khi múa khoảng 20 phút thì trống phách đổ hồi, ông mo tung hai cây bông vào đám đông cho dân làng và các cai đám cùng cướp. Theo quan niệm, ai cướp được cây bông sẽ sinh con trai, gặp nhiều điều may mắn trong năm. Tục múa bông trình thánh còn thể hiện sự hân hoan vui mừng của người dân vì lễ hội thành công tốt đẹp.

Cây đèn thần được giữ lửa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc lễ hội. Sau lễ múa bông là lễ tống đăng. Đây là lễ đưa cây đèn thần ra ngoài đình. Lễ do ông mo và các cai đám cũ thực hiện. Họ vừa đi vừa diễn xướng những lời chúc tụng cho dân làng an khang, thịnh vượng. Sau đó, ông mo và các cai đám cũ tạ khóa, làm lễ chuyển giao cho những ông đám mới.

Trong tâm thức của cư dân miền biển nơi đây, cây đèn thần có ý nghĩa quan trọng. Nó tượng trưng cho niềm tin, soi đường cho ngư dân đi biển ngày đêm. Sự tỏa sáng của cây đèn thần còn giúp cho thánh thần thấy rõ những nghi lễ, lời cầu nguyện của họ được linh ứng.

3. Nghệ thuật trình diễn trong các lễ hội ven biển

Nghệ thuật trình diễn dân gian trong các lễ hội ven biển Quảng Ninh khá phong phú gồm: hò biển, hát đúm, chầu văn, chèo, chèo đò, tế nam quan, tế nữ quan… đặc biệt là các hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống khai thác triệt để tính cộng cảm và sự thống nhất cao trong cộng đồng.

Chẳng hạn, hát đúm ở Hà Nam, Yên Hưng được các Tiên Công du nhập vào đây từ thời quai đê lấn biển tạo lập vùng đất. Từ đời này qua đời khác, những câu hát được trao truyền, bổ sung, chỉnh lý tạo nên một loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo.

Hát đúm ở Quảng Ninh thường diễn ra trong các lễ hội, lao động sản xuất trên đồng ruộng, sông, biển. Đặc biệt là hát đúm trên thuyền, thường một thuyền nam, thuyền nữ, hát giao duyên với nhau. Các bước hát thường có hát chào, hát hỏi, giao duyên, mời trầu, đố giảng, hát họa, hát cưới, hát lính, hát thư và hát ra về. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà hát đủ các bước hay không. Về nghệ thuật, lời hát chủ yếu được đặt theo thể lục bát và lục bát gián thất hay lục bát biến thể. Về hình thức, thường một nam, một nữ, hoặc tốp nam, tốp nữ hát đối nhau.

Việc xác định những đặc trưng cơ bản văn hóa biển Quảng Ninh giúp cho quá trình định hình bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng rõ nét hơn, khẳng định di sản thế giới vịnh Hạ Long nằm trong một vùng văn hóa biển phong phú và độc đáo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Phương Thảo

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *