Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là một hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Vấn đề thực hành dân chủ đã và đang được Đảng quan tâm, đặc biệt có những bước phát triển mới thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa ghi nhận toàn bộ những quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, đi lại, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bất khả xâm phạm thân thể và nhà ở, quyền nghỉ ngơi, học hành… Nhà nước tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi con người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp, pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Qua các kỳ Đại hội từ khi đổi mới đến nay, Đảng luôn xác định phải xây dựng, triển khai toàn diện và đồng bộ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực tế hơn 30 năm đổi mới cho thấy, việc coi trọng dân chủ như một động lực và ra sức thực hành dân chủ đã giúp chúng ta khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, tạo nên sức mạnh, nội lực thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đưa ra các nhiệm vụ tổng quát, trong đó khẳng định: “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”(1). Như vậy, Đại hội nhấn mạnh và khẳng định quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là tính sáng tạo, làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, củng cố quyền lực của nhân dân.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định một số kết quả nhất định trong vấn đề thực hành dân chủ như: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng”: “Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế”(2). Tuy nhiên trong Văn kiện Đại hội XII cũng chỉ ra một số yếu kém của việc phát huy dân chủ trong thời gian qua: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(3).
Từ đó, Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đề ra phương hướng để phát huy dân chủ và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, đây cũng chính là những bước phát triển về lý luận cũng như những điểm mới về vấn đề thực hành dân chủ trong Văn kiện Đại hội XII. Thể hiện qua những nội dung cụ thể sau:
Một là, để dân chủ xã hội chủ nghĩa thực hiện trên thực tế thì “dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”(4). Những thành quả trong việc ngày càng nâng cao vai trò, tầm quan trọng của dân chủ cũng như thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là rất đáng ghi nhận.
Trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời với việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của các thành phần kinh tế khác. Phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế chính là phát triển các chủ thể kinh tế nhằm phát huy năng lực làm chủ của toàn bộ nền kinh tế, của các chủ thể kinh tế.
Trong lĩnh vực chính trị, Nhà nước bảo đảm, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân; nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật bảo đảm, phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Người dân không chỉ là người xây dựng các thiết chế văn hóa, mà còn là người được hưởng lợi thông qua sự gia tăng mức hưởng thụ văn hóa, quyền tham gia vào hoạt động sáng tạo văn hóa.
Hai là, Đại hội XII nhấn mạnh cần tập trung thể chế hóa, nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Vấn đề ở chỗ cần nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện như thế nào. Phải chăng cần chú trọng hơn nữa đến dân chủ trực tiếp vì dân chủ trực tiếp nhấn mạnh quyền và năng lực của công dân trong việc quyết định những chính sách, pháp luật, thể hiện ở chỗ do dân tự điều hành, không cần thông qua đại diện để thực hiện quyền lực của mình.
Ba là, vấn đề dân chủ trong Đảng. So với Đại hội XI, điểm mới trong văn kiện Đại hội XII là đã tìm được điểm mấu chốt trên phương diện phát huy, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là: “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội”(5). Với tư cách là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt của xã hội, Đảng có vai trò tuyệt đối quan trọng trong quá trình phát huy dân chủ. Dân chủ trong Đảng là một trong những tiền đề chủ yếu để thúc đẩy dân chủ trong xã hội. Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đất nước, chỉ có thực hành dân chủ thực sự trong Đảng mới phát huy được trí tuệ của toàn Đảng để giải quyết các vấn đề đó. Các chủ trương, đường lối quan trọng về phát triển đất nước cần phải được bàn bạc, trao đổi, thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng.
Bốn là, giám sát và phản biện xã hội. Đại hội XII nhấn mạnh nhiệm vụ cần thể chế hóa, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả là rất quan trọng. Hệ thống giám sát ở nước ta hiện nay được phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và hoạt động của thanh tra Chính phủ với hệ thống giám sát của Đảng, mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội, báo chí và nhân dân. Cần làm rõ vai trò, biện pháp để nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức này trong bối cảnh mới. Đại hội XII đã nêu: “Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy định về giám sát đảng viên và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác”(6).
Mặt trận Tổ quốc với tư cách là chủ thể giám sát, phản biện xã hội đặc biệt của thể chế chính trị ở nước ta, có vai trò hết sức quan trọng. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Trong thời kỳ mới cần tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Ngày nay, dân chủ được coi là giá trị phổ biến của nhân loại, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc thực hành dân chủ và không ngừng mở rộng dân chủ bằng những bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Việc thực hành dân chủ được như Đại hội XII đề ra sẽ đem lại những bước tiến mới trong phát triển xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để chống lại những quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền. Những chủ trương, đường lối của Đảng về việc thực hành dân chủ và mở rộng dân chủ hiện nay về cơ bản là phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, lợi ích của đa số nhân dân.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có những diễn biến phức tạp, chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ, chúng thực hiện chiêu bài dân chủ để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc củng cố, tăng cường tính dân chủ trong Đảng, trong các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới là rất cần thiết, tạo thành sức mạnh vô địch đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam đã tạo dựng, vun đắp, xây trồng. Cùng với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ trở thành thành trì vững chắc, bức tường kiên cố nhất mà không sức mạnh vật chất nào có thể hạ gục được, như V.I.Lênin đã từng cảnh báo: không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài chính những khuyết điểm, sai lầm của chính bản thân chúng ta. Việc thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nếu chúng ta biết phát huy, khơi dậy đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ.
_______________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 79, 167, 168, 169, 170.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : NGÔ VĂN SỸ
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn